“… TÌNH YÊU THA THỨ TẤT CẢ, HY VỌNG VÀ CHỊU ĐỰNG TẤT CẢ …

Hôm nay, xin mời bạn đọc câu chuyện “Hãy Bế Em Ra Khỏi Cuộc Đời Anh” mà tôi vừa mới nhận được từ linh mục Ngô Quang Thích, OP. Tác giả của câu chuyện này là ai? Cả cha Thích và tôi cũng không rõ mặc dù chúng tôi đã cố công tìm kiếm, dò hỏi. Câu chuyện khá dài, nhưng tôi cam đoan với bạn là thời giờ của bạn bỏ ra đọc sẽ không bao giờ bị lãng phí đâu!

Bạn thân mến, đọc xong câu chuyện này tôi muốn mời bạn cùng tôi suy nghĩ về hai vấn đề:

• Nguyên nhân gây ra khủng hoảng cho gia đình anh chị Ninh

• Sự khôn ngoan của người vợ trong cách ứng xử với chồng.

Bạn có để ý thấy NHỮNG NGUYÊN NHÂN dẫn đến những khủng hoảng trong anh chị Ninh không? Tôi thấy có hai nguyên nhân chính sau:

• Thứ nhất là vì TIỀN BẠC CỦA CẢI. Chính anh Ninh thú nhận rằng: “Tôi bước vào thương trường và cố gắng kiếm thật nhiều tiền. Khi của cải trong gia đình chúng tôi mỗi lúc một nhiều hơn cũng là lúc tình cảm giữa hai chúng tôi suy giảm dần.”

• Thứ hai là vì THIẾU THỜI GIAN DÀNH CHO NHAU. Trong khi chị Ninh bận rộn chuẩn bị bữa ăn tối, thì anh Ninh ngồi xem TV, để mặc cho vợ tất bật với việc bếp núc. Rồi sau khi ăn, cả hai vợ chồng lại xem TV, không truyện trò hay hỏi han hoặc để ý đến nhau. Vì thế cho nên anh Ninh mới nói: "Cả em và anh đã không nhận ra rằng cuộc sống của chúng mình từ lâu đã thiếu vắng quá nhiều những thân mật, gần gũi.”

Vì cả hai anh chị chỉ lo lao đầu vào công việc làm ăn, lo làm giàu, lo tạo dựng sự nghiệp cho nên dần dần ông THẦN TÀI đã len lỏi vào cuộc sống hôn nhân của họ và chia rẽ họ.

Bạn thấy SỰ KHÔN NGOAN TRONG CÁCH HÀNH XỬ của người vợ chứ? Tôi không biết chị ta có phải là một Kitô Hữu hay không? Nhưng tôi nghĩ chắc là chị ta đã từng đọc qua lá thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông Đồ gửi cho tín hữu Côrintô và đã đem ra áp dụng một cách rất chuẩn xác, và nhờ vậy, chị đã giữ được hạnh phúc của gia đình chị.

Bạn đọc lại một lần nữa thử mà xem, chị Ninh đã thực hành những lời khuyên của thánh Phao-lô từng lời từng chữ luôn! “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương … không nóng giận, không nuôi hận thù … Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (13:4-7).

Chị Ninh đã bình tĩnh, nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương không đánh ghen, không mạt sát, chửi rủa cô Dew hay làm mất danh dự của anh Ninh trước mặt nhân viên khi nghe những lời đồn đãi, những điều xầm xì to nhỏ, bàn tán của thiên hạ về quan hệ giữa chồng của mình với cô Dew:

• Vợ tôi dường như có nghe phong phanh vài lời bóng gió. Cô ấy chỉ mỉm cười dịu dàng với đám nhân viên, nhưng tôi đọc được nỗi đau trong đôi mắt ấy.

• “Anh muốn ly hôn”. Cuối cùng thì tôi cũng đặt vấn đề hết sức nặng nề này một cách thật nhẹ nhàng. Cô ấy tỏ ra không khó chịu lắm với lời tôi nói mà chỉ hỏi nhỏ “Tại sao?”

Chị Ninh đã không nóng giận, không nuôi hận thù … nhưng đã hành xử khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như chim bồ câu và chính vì vậy, chị đã thuyết phục được anh Ninh chấp nhận điều kiện độc nhất vô nhị của chị:

• [Em] không cần bất cứ thứ gì của [anh] nhưng [anh] phải cho [em] thời gian một tháng trước khi chính thức ly hôn; và trong thời gian một tháng đó, chúng [mình] phải sống với nhau một cuộc sống bình thường

• Trong ngày cưới … anh đã bế em trên đôi tay của anh vào phòng cô dâu … [Vì] vậy, em có một yêu cầu là … Từ giờ đến hết tháng này, anh phải bế em từ giường ngủ đến cửa nhà mình vào mỗi sáng

Chị Ninh đã bảo vệ được hạnh phúc của gia đình bởi vì chị đã rộng lượng tha thứ tất cả cho chồng, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả vào tinh thần phục thiện và sự giác ngộ của chồng cũng như chấp nhận hy sinh và chịu đựng tất cả vì đứa con trai và vì hạnh phúc của gia đình.

• “Ba đang ôm mẹ trên tay”. Lời nói của con trẻ làm tim tôi đau nhói. Cô ấy nhắm mắt và nói nhẹ nhàng, "Chúng ta sẽ bắt đầu từ hôm nay đừng nói gì cho con hay”

• Cô ấy thì thầm vào tai tôi: "Vườn ngoài kia đang bị xói mòn đấy. Anh cẩn thận khi đi qua đó nghe"

• Đến ngày thứ năm và thứ sáu, cô ấy tiếp tục dặn dò tôi vài thứ, nào là cô ấy để chiếc áo sơ mi vừa ủi ở đâu, nào là tôi phải cẩn thận hơn trong lúc nấu nướng.

• "Ba à, đến giờ bế mẹ ra rồi!" Đối với [thằng bé], hình như nhìn thấy ba bế mẹ ra cửa đã là một phần tất yếu trong cuộc sống của nó rồi. Vợ tôi ra hiệu cho nó lại gần và ôm nó thật chặt.

• Cô ấy thở dài, “Mấy cái váy của em đều bị rộng ra cả rồi” … Nhưng đột nhiên tôi hiểu rằng thì ra cô ấy đã ốm đi nên tôi mới bế cô ấy dễ dàng …Tôi biết vợ mình đã chôn giấu tất cả niềm cay đắng trong tim. Tôi lại cảm thấy đau đớn.

• Vào ngày cuối cùng, vợ tôi bảo: “Thực ra, em mong anh sẽ ôm em trong tay đến khi nào chúng ta già".

Bạn thân mến, nhờ vào sự nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương … không nóng giận, không nuôi hận thù … tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả… mà chị Ninh đã cứu vãn được hôn nhân của chị. Hơn thế nữa, chị đã giúp cho anh Ninh nhận ra rằng “Cuộc sống hôn nhân của anh [đơn điệu và] tẻ nhạt vì [cả hai vợ chống đã] không nhận ra giá trị của những điều bé nhỏ trong cuộc sống lứa đôi…”

Trong đời sống của chúng mình, dù là ở trong đời tu hay trong đời hôn nhân hoặc trong đời sống độc thân, nếu chúng mình không NHẬN RA NHỮNG GIÁ TRỊ CỦA NHỮNG ĐIỀU BÉ NHỎ thì những quan hệ của chúng mình với tha nhân cũng sẽ rạn nứt, đau khổ và đổ vỡ!

Hãy để ý đến những chi tiết rất nhỏ nhặt, rất dung dị và bình thường trong đời sống thường nhật, bạn và tôi sẽ khám phá ra những ngòi nổ và những quả bom nổ chậm của tên khủng bố Satan gài đặt và ẩn dấu ở trong đó! Chi tiết nhỏ nhặt nào hả? Nếu bạn muốn biết tôi xin đơn cử ra một vài ví dụ:

• Nói một lời nói XIN LỖI khi bạn làm sai, khi bạn lầm lỗi. Đừng bao giờ nghĩ rằng vì bạn đang là ông, là bà, là cha, là mẹ, là linh mục, là bề trên, là tu sĩ … cho nên bạn được miễn chước, không phải nói chữ SORRY với con cháu, với giáo dân hay với bề dưới!

• Nói một lời CÁM ƠN với nhau cho dù kẻ làm ơn cho bạn chỉ là bề dưới, là một đứa con nít thò lò mũi xanh, vắt mũi chưa sạch! THANK YOU chỉ đem lại cho bạn điều lợi và tốt đẹp mà thôi! Không có gì hại cả! Trust me!

• Cẩn thận! Làm việc CỐ QUÁ là QUÁ CỐ đấy! Vợ chồng hãy chú ý đến nhau, dành thời giờ chăm sóc, hỏi han nhau, là cha mẹ, hãy chú ý đến đời sống và những thay đổi về tâm sinh lý của con cái và truyện trò với chúng nhiều hơn! Tiền bạc không mua được một gia đình hạnh phúc trong đó có những đứa con ngoan và hiếu thảo và tình nghĩa chung thuỷ đâu! Không có ai bán những thứ đó đâu! Kể cả Chúa!

• Hãy chú ý đến cách ăn mặc, vệ sinh cá nhân, móng tay móng chân, răng lợi, tóc tai … Đừng khinh thường những chi tiết nhỏ nhặt này! Bạn đang sống trong đời sống hôn nhân hả? Đừng để người bạn đời bực mình, chán ghét và xấu hổ vì bạn … ở dơ… hay … ăn ở mất vệ sinh! Còn nếu bạn sống trong đời sống tu trì, dù bạn là linh mục hay tu sĩ nam nữ bất kể, bạn cũng đừng để cho giáo dân và những người sống trong dòng tu của bạn cảm thấy xấu hổ và bất mãn hay khó chịu vì bạn ăn mặc lôi thôi, hôi hám, dơ dáy, bê bối, sống bừa bãi, cẩu thả, ăn ở mất vệ sinh… Hãy để ý, năng tắm rửa, giặt giũ và chịu khó sống … sạch sẽ một chút!

Nếu bạn muốn gìn giữ hòa khí, hạnh phúc, sự bình an trong gia đình của bạn hay trong dòng tu, bắt đầu kể từ hôm nay, xin bạn hãy chịu khó CHÚ Ý đến những chi tiết nhỏ bé, tầm thường như lời ăn tiếng nói, cách ăn nếp ở, sự nhã nhặn, sự quan tâm … của bạn, và như vậy chắc chắn là bạn sẽ có khả năng NHẬN RA NHỮNG GIÁ TRỊ rất lớn của chúng!

Sự tín trung, sự hạnh phúc và sự bền vững của gia đình bạn có được hay không là còn tùy thuộc vào sự khôn ngoan, nhẫn nhục, hiền hậu, bình tĩnh và tha thứ cũng như tính chịu đựng của bạn và nhất là xin bạn đừng bao giờ quên đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả (1 Cor 13:7). God bless!

phamtinh@yahoo.com
Lm Ansgar Phạm Tĩnh