-
Moderator
L - Làm sao thương hoài? (Mái Ấm Gia Đình)
Làm sao thương hoài?
Tình yêu hỡi, làm sao thương hoài,
Thương tha thiết, bất tận tương lai?
Thương hoài khi nhận ra khác biệt,
Nam nữ huyền nhiệm thuở sơ khai.
Mỗi người một vẻ duyên đậm đà,
Nhận mình khác biệt, gần mà xa.
Trăm năm hạnh phúc nhờ tương kính,
Mỉm cười khen tặng, nghĩa mặn mà.
Ngày còn bé, Huynh đi chăn trâu. Con trâu đực Huynh cỡi không mỉm cười với đồng lúa vàng, hay với con trâu đực khác. Hình như hai con trâu đực không làm cho nhau hạnh phúc. Giống nhau thì không có gì để bổ túc cho nhau. Cả buổi chiều, con trâu thênh thang trên cánh đồng cỏ đầu làng. Trâu không cười. Khi chập tối, Huynh đánh trâu về. Trên đường đê gập ghềnh, đàng trước Huynh có mấy con trâu nữa. Bạn của Huynh ngồi trên mình trâu ngoảnh lại gọi:
- Huynh ơi, tối nay thày quản cho hội giúp lễ ăn xôi. Mấy đứa bên hội Khấn Têrêsa đòi nấu chè, thày quản mắng cho một trận!
Chè khác với xôi. Nhưng xôi mà có chè thì tuyệt. Huynh chưa biết trả lời Đệ ra sao, thì con trâu của Huynh chạy lồng lên. Huynh ghì dây thừng. Trâu cúi mặt xuống, gục gặp cặp sừng con. Tuy bị kìm hãm lại, nhưng con trâu vốn đi nhanh hơn. Khi gần con trâu Đệ cưỡi, Huynh mới biết là con trâu cái. Hai con khác giống. Con trâu đực “hẹ hẹ” mấy tiếng rồi “mỉm cười” khoan khoái.
Đàn ông tìm đến đàn bà vì đàn bà không phải đàn ông. Đàn bà và đàn ông khác nhau. Người ta dễ chấp nhận khác nhau về thân xác, mà khó chấp nhận khác nhau về tâm tính. Ngay cả về thân xác, vợ chồng, hay nói chung nam nữ cũng phủ nhận sự khác nhau nữa. Đàn bà có khuynh hướng bắt đàn ông có thân xác như đàn bà. Cũng vậy, đàn ông bắt đàn bà có thân xác như đàn ông. Chị thích ăn canh chua vì chị có thai, chị cho canh chua là ngon nhất trên đời. Chị nấu canh và bực mình vì chồng không thèm nếm lấy một thìa. Hay chị cằn nhằn vì anh bồng con vụng, thay tã cho con không khéo; lại đứng xõng lưng để tắm cho con, làm nước bắn tung toé khắp nơi. Nếu chị to tiếng với anh về những chuyện tương tự thì chị vô tình bắt anh phải có tử cung như chị, và có bộ xương nhỏ nhắn như đàn bà.
Làm sao để anh thương chị hoài?
Xin Cảm Thông với anh, vì đừng bắt thân xác anh thành ra thân xác chị.
Nói như vậy thì cũng tội nghiệp cho chị, vì đàn ông thường bắt đàn bà có thân xác như đàn ông, nhiều hơn là đàn bà bắt đàn ông giống đàn bà. Anh cân nặng 145 pounds. Mỗi lần đi chợ về, anh lựa xách mấy bịch giấy lau tay, những thùng mì gói, hay rau cỏ; còn những đồ hộp, thịt heo, và bao gạo thì nó... lết vào bếp. Khi gia đình đi lễ hay đi thăm bạn bè, ông mặc áo chỉnh tề, ra ngồi hút thuốc lá, la mắng ầm nhà, la bà chậm chạp trang điểm loè loẹt, mà quên rằng ông không cần thoa phấn như đàn bà. Và ông cũng chẳng phải lấy sữa cho con nhỏ, hay mặc váy đầm cho cháu lớn giúp bà nữa.
Làm sao để chị thương anh hoài?
Xin Cảm Thông với chị. Để thân xác chị là thân xác đàn bà chứ không thành đàn ông.
Thân em như tấm lụa đào,
Cảm thông, nâng đỡ em nào quên ơn.
Thân anh cứng cỏi dị nhơn,
Cảm Thông, xin chớ giận hờn kiêu sa.
Vợ chồng khác biệt đôi ta,
Chung vai góp sức, an hoà bên nhau.
“Anh em chớ từ chối nhau”. Chớ khước từ lắng nghe, để thấy những nhu cầu khác nhau. Không từ chối, là CHẤP NHẬN nhau. Nếu cảm thông và chấp nhận cần cho thân xác một, thì còn cần cho tâm tính mười lần hơn. Có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu tâm tính. Có một ngàn bà thì có một ngàn lẻ một cách thương yêu, cũng như hành hạ chồng. Và có một ngàn đàn ông thì có 999 cách “đi nói dối con về nói dối vợ”. Tuy thua các bà một, hai cách nhưng đôi bên cũng gần cân bằng cả lực lượng lẫn mưu kế.
Mỗi người là một thế giới riêng biệt. Cùng một người, tâm tính hôm nay có thể khác hôm qua. Cũng như khác ngày mai. Lúc phản bội lúc trung thành. Lúc sa ngã lúc đẫm lệ ăn năn. Nhiều khi chính mình không hiểu mình. Nên mình phải lắng nghe mình để khám phá ra những khác biệt trong bản thân mình. Cần kính trọng chính mình mới mong kẻ khác kính mình như mình kính kẻ khác. Kính mình không phải vì kiêu ngạo, mà vì trong mình có phần đáng kính, phần “được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa” (Gen 1:26). Con người xấu xa nhất, cũng còn phần “giống Thiên Chúa” để tự kính mình và mong kẻ khác vốn kính trọng. Nếu không kính trọng mình, thì sẽ coi thường những diễn tiến tâm lý, những ý nghĩ và tình cảm khác nhau trong tâm tư. Vợ đay nghiến chồng là vì coi thường những giây phút lương tâm vươn lên. Chồng chỉ thấy rượu và bài bạc là vui thú, vì chàng không lắng nghe lòng mình mời gọi thay đổi.
Mình kính mình, khiêm nhường lắng nghe chính tâm tính mình biến chuyển, đó là bước căn bản để tạo dựng HOÀ THUẬN trong gia đình. Và trong cộng đồng.
Từ mình kính mình, dễ đưa mình kính người. Đặc biệt kính trọng người vợ hay người chồng trở nên một xương một thịt với mình. Nghe có vẻ chói tai:
Chồng KÍNH TRỌNG VỢ!
Vợ KÍNH TRỌNG CHỒNG!
Điều làm khó kính trọng nhau, là ở chỗ nên một, một xương một thịt. Nhiều người hiểu lầm từ ngữ này trong Thánh Kinh. Khi Giavê Thiên Chúa nói “đàn ông ở một mình thì không tốt” (Gen 2:18), và khi Đức Giêsu dạy: “Chẳng còn kể là hai nữa, chỉ còn là một xương thịt thôi” (Mt 19:6), thì Thiên Chúa không có ý dạy hai người đồng hoá lẫn nhau. Hai người không biến thành một đầu, hai chân. Trái lại, vốn hai đầu, bốn chân. Vốn có Tâm Tình Khác Nhau. Sự trở nên một ở đây nghĩa là hai người Hiểu Biết và Chia Sẻ những nhu cầu khác biệt nơi nhau. Khác nhau nhưng không mâu thuẫn. Trái lại, Hoà Hợp để Bổ Túc cho nhau. Người này trở nên phong phú nhờ điều người kia có mà mình không có. Hai vợ chồng trở nên một, như Ba Ngôi Thiên Chúa là Một, nhưng vốn là Ba. Khác biệt nhau để yêu thương vô cùng tận, như Thiên Chúa là vô cùng tận.
Khi có nền tảng tâm lý và thần học về việc hai vợ chồng là “một mà hai” này, mong hai người sẽ không đòi đàn áp, khống chế nhau. Gọi là “huyền nhiệm” vì con người cần Ơn Chúa mới có thể “yêu thương và tôn trọng” nhau suốt đời, như lời hai người thề nguyền trong ngày lễ cưới.
Phu phụ tương kính như tân.
Vợ chồng kính trọng nhau như khách quý. Đa số các gia đình hạnh phúc, là những gia đình cha trọng mẹ, mẹ kính cha. Cha mẹ tôn trọng con cái. Và con cái biết kính trên nhường dưới.
Đó là một trong những chìa khoá then chốt để mở bí mật Làm Sao Thương Hoài.
Bà kính trọng ông, nên để cho ông “làm ông”, với đặc tính của đàn ông, là lý trí và tình dục. Ông cũng kính trọng bà, nên để cho bà “làm bà”, với đặc tính của đàn bà, là trực giác và tình cảm. Anh chị Hoài thành hôn đã hơn mười năm. Anh Hoài ốm nhom mà hay đọc báo và hút thuốc lá. Còn chị Hoài thì mũm mĩm như hạt mít và dễ nôn mửa khi có mùi khói thuốc lạ. Cộng thêm điều nữa, là chưa chập tối chị Hoài đã ngáp ngủ, còn anh Hoài thì hay chong đèn, nghiên cứu đến quá nửa đêm. Một cuối tuần nọ, anh chị Thăng đến thăm anh chị Hoài. Trong câu chuyện thân mật, anh Thăng chọc bạn:
- Hoài à, tao phải sống cả đời với “cái lu nước” như mày thì chắc tao điên quá! Cảnh đời trớ trêu. Tao lùn thì lấy phải cô vợ cao. Đã vậy lại còn thích đi giầy cao gót nữa. Còn mày lêu nghêu như cột đèn, lại vớ ngay được hòn bi...
Nhiều người bị bạn bè chọc là nổi doá lên, giận hờn không thèm gặp mặt. Hay ngẫu nhiên đụng trán nhau, thì khinh khỉnh lườm nguýt. Riêng chị Hoài, tên thật là Công Tằng Tôn Nữ Mộng Hà. Hà càng bị chọc lại càng cười tươi, dáng vẻ hồn nhiên. Mộng Hà đứng đắn mà dễ dãi. Hà biến cái mập mạp thành cái duyên dáng. Không bị chạm tự ái, Hà cầm ly nước đến trước mặt Hoài tủm tỉm cười: Cái cười biểu lộ sự sống giữa người với người, giữa trâu với trâu.
- Em định mời Thăng, “ông bạn quý” của anh trước nhưng sợ Thăng trở thành “lu nước” như người mời, nên đành chỉ rót nước cho chồng của hòn bi xơi.
Tuy miệng nói thế nhưng mắt Mộng Hà nhìn vợ chồng Thăng một cách trìu mến. Hà đặt bên cạnh hai người chẳng những nước mà còn trái cây và giấy lau tay nữa.
Mộng Hà không đẹp nhưng duyên.
Hoài hơi gàn nhưng để ý đến vợ.
Đó là chìa khoá của bí mật Làm Sao Thương Hoài giữa Công Tằng Tôn Nữ Mộng Hà và người đàn ông cao gầy, mang tên Cao Xuân Hoài.
- Hà em à, báo chí đăng nhiều về một phim Mỹ, phim Platoon, mô tả chiến tranh Việt Nam. Cuối tuần này vợ chồng mình đi coi nhé.
Nói đến “movie” là Mộng Hà giật mình. Nàng thì thích coi phim Tàu, như phim Từ Hi Thái Hậu, hay Cô Gái Đồ Long. Còn Hoài thì thích phân tích chiến lược của Napoleon, hay Nhật bỏ bom Trân Châu Cảng. Chồng là điển hình của lý trí, của phân ích. Còn vợ là tượng trưng của tình cảm, của vỗ về an ủi. Hai vợ chồng khác nhau như nước với lửa. Con trâu đực khác con trâu cái. Vậy mà họ êm đềm bên nhau. Kính trọng nhau. Ít có tiếng cãi lẫy. Có lần Hoa, vợ của Thăng tò mò hỏi đâu là bí quyết của Nghệ Thuật Thương Hoài như vậy. Mộng Hà đang vui vẻ, bỗng trở nên đăm chiêu:
- Ngày mới cưới tụi này tưởng đổ bể rồi chứ. Đã mấy lần Hà mang đồ đạc về nhà má. May là Hà có được người mẹ hiểu biết và quảng đại. Bà không la mắng. Cứ để cho Hà ở nhà mấy ngày. Lại bảo Hà cùng đi “shopping” nữa. Khi Hà nguôi nguôi, bà biết là Hà có thể nghe lời khuyên thì từ từ cắt nghĩa phải trái cho Hà nghe.
Mộng Hà đang miên man thì Hoài buông ly cà phê xuống giọng ngỡ ngàng:
- Em làm gì mà thừ mặt ra vậy? Có nhớ anh nói gì không?
Hà thay cho Hoài cái gạt tàn thuốc lá khác, giọng thâm trầm:
- Em nói đúng. Em đang “thừ mặt ra” vì nghĩ đến ngày chúng mình mới ăn ở với nhau. Em thì muốn anh theo ý em. Còn anh thì bảo “nên một xương một thịt” với anh, nên anh bảo làm gì là phải làm nấy. Nếu không có má dẫn giải, và nếu không có những cuốn sách về Hôn Nhân Gia Đình, thì chúng ta đâu có biết thông cảm, nhường nhịn nhau như ngày nay. Em cảm ơn anh nhiều lần đã chiều em, đã không từ chối em...
Hoài không ngắt lời vợ. Chàng biết nàng có nhu cầu bộc lộ. Khi có gì ẩn ức trong lòng, nếu có ai tin cậy, nhất là người khác phái để nói hay khóc được, thì trực giác và tình cảm nữ giới sẽ dịu xuống, dễ quân bình hơn. Chàng buông tờ báo xuống, nhưng mắt vốn còn nhìn vào chỗ quảng cáo Platoon:
- Anh hãnh diện về em nhiều. Bạn bè ai cũng mến cái tính hồn nhiên dễ thương của em. Để em thoải mái, mà anh cũng coi được Platoon, có lẽ thứ Bảy tới vợ chồng mình ghé nhà ăn cơm trưa với Thăng và Hoa. Sau đó anh và Thăng đi movie, còn Hoa và em thì đi shopping, mua quà cưới cho Thuận và Hoà như vợ chồng mình bàn tuần trước. Em và Hoa sẽ không phải nấu nướng gì cả. Mấy tháng nay chưa ăn tiệm. Rủ Thăng-Hoa đi Anh Đào Restaurant luôn.
Tình ai tương kính, tình Mộng Hà,
Tuy kém sắc lại thiếu tài hoa,
Nhưng nhờ nhẫn nhục và thông cảm,
Vợ chồng hạnh phúc mãi thuận hoà.
Hai người khác biệt, tình anh Hoài,
Nhưng thành nên một, khúc Thiên Thai,
Là nhờ tương kính và tế nhị,
Cộng thêm dí dỏm tựa sương mai.
Lm. Phêrô Chu Quang Minh
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules