LỄ THÁNH GIA THẤT (năm A)

Mái trường Thánh Gia sẽ không bao giờ đóng cửa.



Dẫn nhập đầu Lễ : Kính thưa cộng đoàn,

Hôm nay, cộng đoàn chúng ta long trọng cử hành Lễ Thánh Gia Thất, tức lễ mừng mầu nhiệm gia đình của Chúa Giê-su, Đức Mẹ và Thánh Giu-se. Sứ điệp phụng vụ hôm nay khơi dậy nơi chúng ta niềm vui và sự an bình thánh thiện của Lễ Giáng Sinh vẫn còn đọng lại nơi Máng Cỏ nơi mà hôm nay chúng ta chiêm ngưỡng một gia đình thánh đang hiện diện như một chứng từ rõ nét của thánh thiện, khiêm nhu, của khó nghèo Phúc âm và lòng tuân phục trọn vẹn thánh ý Thiên Chúa; và cũng từ ngưỡng cửa gia đình thánh nầy, mọi gia đình chúng ta nhận được ánh sáng soi dẫn cho cuộc đời lữ thứ, tình yêu để thăng hoa ơn gọi cuộc sống lứa đôi và bí tích Hôn Phối, sự an hoà và niềm vui ơn cứu độ để đem lại niềm tin yêu hy vọng và củng cố các giá trị nền tảng của mọi gia đình trên thế giới.

Giờ đây, để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh, chúng ta cùng thú nhận tội lỗi.

Giảng Lời Chúa :

Trong những ngày Giáng Sinh vừa qua, có một cảnh tượng mà tôi cho là ấn tượng nhất đó là có rất nhiều người đến chiêm ngưỡng Thánh Gia nơi các hang đá. Thậm chí có nhiều bạn trẻ đứng nhìn vào hang đá chiêm ngưỡng Thánh Gia một cách say sưa, thích thú kéo dài hàng năm mười phút. Có cái gì lạ lùng, bắt mắt hay sinh động đến độ hấp dẫn bao nhiêu con người tập chú vào Thánh Gia như thế ? Không. Cũng chỉ là một gia đình nghèo. Tạm trú nơi hang súc vật...

1. Thiên Chúa chấp nhận đời thường nhân loại :

Quả thật, khi chiêm ngưỡng Thánh Gia nơi hang lừa máng cỏ, chúng ta mới thấy hiện lên cách rõ nét ý nghĩa của mầu nhiệm : “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” – Emmanuel.

Thiên Chúa ở cùng chúng ta cũng có nghĩa Thiên Chúa chấp nhận làm người trong thân phận của một em bé được sinh ra từ lòng mẹ cùng khóc oa oa như bao nhiêu tiếng khóc chào đời khác.

Thiên Chúa làm người cũng có nghĩa là Thiên Chúa chấp nhận làm một người con hiếu thảo trong một gia đình để lớn lên từng ngày trong sự học biết lời dạy của sách Huấn Ca: “của dâng cho Cha sẽ không rơi vào quên lảng, của biếu cho mẹ sẽ đền bù được tội lỗi”, hay “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu…Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng”

Thiên Chúa làm người cũng có nghĩa là một Thiên Chúa biết can đảm đón nhận mọi đắng cay khổ lụy của cuộc sống con người,

- Biết thế nào hụt hẫng phũ phàng khi bị chối từ một chỗ để dừng chân nơi quán trọ.

- Biết thế nào rét mướt,lạnh lùng khi đùm túm qua đêm nơi hang súc vật ngoài đồng vắng.

- Biết thế nào là bị săn đuổi, lưu đày khi mới mở mắt chào đời đã vội sống đời di cư, trốn chạy.

- Biết tấm áo, mâm cơm đầy tình yêu của mẹ, biết những giọt mồ hôi cần cù liêm khiết của Cha.

- Biết thế nào là sẻ chia niềm vui nổi buồn với bạn bè lối xóm, biết làm sao thoa dịu những vết thương đau của những kẻ lâm cảnh khốn cùng.

Chắc chắn, những lời giảng dạy sau nầy trong cuộc đời công khai của Đấng Emmanuel sẽ ghi đậm dấu ấn những lời nhủ khuyên sâu lắng, khiêm hạ của thánh Giuse, những chuyện kể dạt dào tình thương của Mẹ Maria.

Hình ảnh những dụ ngôn Tin Mừng như “vải mới không vá vào áo cũ”, “Men trong bột”, “đồng bạc đánh mất”... phải chăng là những kỷ niệm không phai trong ký ức của Chúa Giêsu nhớ về hình ảnh của Mẹ dấu yêu Maria đã từng ngồi vá áo cho con, từng vào men nhồi bột để cho trẻ Giêsu có được tấm bánh thơm no dạ thỏa lòng.

Và những dụ ngôn thâm thúy, cao xa về tình yêu Thiên Chúa như “Người cha nhân hậu”, “người mục tử tìm con chiên lạc”, “nhà phú hộ và tên La-gia-rô nghèo khó” biết đâu đó là những chuyện kể ngày xưa của Thánh Giuse thỏ thẻ chuyện trò cùng bé Giêsu khi đang cùng cha nuôi đục đẻo cưa bào...

Vị “Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta” đó, Đấng Emmanuel đó không chỉ “cắm lều ở giữa nhân loại” nội trong một ngày, một tháng, một năm...mà là 33 năm tròn, trong đó 30 năm trường chấp nhận làm một kẻ vô danh tiểu tốt hiện diện trong mái ấm gia đình Na-da-rét.

Sống mầu nhiệm Thánh Gia hôm nay phải chăng là cùng với Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse lên đường “Trở về Na-da-rét”. Để, như lời của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II :

“Nơi gia đình ấy, do ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa, Con Thiên Chúa đã sống ẩn dật mấy chục năm trời. Thế nên, Gia đình ấy là nguyên mẫu và là tấm gương cho mọi gia đình Kitô hữu. Chúng ta hãy nhìn Gia đình ấy, Gia đình có một không ai trong thế giới, Gia đình đã sống âm thầm lặng lẽ trong một thị trấn nhỏ ở Palestina, Gia đình đã bị thử thách vì nghèo khổ, bắt bớ, lưu đày, Gia đình đã tôn vinh Thiên Chúa một cách trỗi vượt và tinh khiết vô song : Gia đình ấy sẽ không quên cứu giúp các gia đình Kitô hữu và cứu giúp cả mọi gia đình trên thế giới, để họ trung thành với các bổn phận hằng ngày của họ, để họ biết cách chịu đựng những âu lo và xáo trộn trong cuộc sống, để họ quảng đại mở lòng ra trước những nhu cầu của người khác, để họ vui vẻ hoàn tất chương trình của Thiên Chúa đã định cho họ” (TH Gia đình của ĐGH G.P.II, số 86-Kết luận)

2. Thế giới đang cần những người cha và người mẹ

Như thế, chúng ta có thể kết luận rằng : Cuộc đời cứu thế của Chúa Giêsu cần thiết biết bao vai trò của cha mẹ trong một gia đình : Mẹ Maria và Thánh Giuse.

Nếu không có Giuse tỉnh táo, biết lắng nghe và thực thi ý Chúa làm sao hài nhi bé bỏng đó có thể thoát khỏi nanh vuốt của bạo chúa Hêrôđê !

Nếu không có Maria như mẹ hiền ôm ấp, bao bọc thì làm sao hài nhi Giêsu chịu đựng nổi cái giá lạnh của mùa đông, cái nóng rát của mùa hè trên hàng trăm dặm đường dài hoang mạc!

Nếu không có cha, không có mẹ, không có mái ấm gia đình Na-da-rét, thì làm sao em bé Giêsu có thể “lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40).

Chính vì thế, thế giới hôm nay đang rất cần những mái ấm gia đình, đang cần những người cha trách nhiệm, liêm chính, những người mẹ đảm đang đức hạnh. Có không biết bao nhiêu cuộc đời “không lớn nổi thành người” vì ngay từ thuở ấu thơ đã đánh mất mái ấm gia đình, đã không có được một người mẹ để dấu yêu săn sóc, một người cha để dạy dỗ bảo ban. Chúng ta đừng quên câu chuện về Thầy Mạnh Tử

Bao nhiêu thế hệ và ngay cả cho đến ngày nay, các dân tộc Trung Hoa và Việt Nam đều chịu ơn thầy Mạnh Tử về các giáo huấn cao siêu giúp đời, nhưng nếu thầy không có được một bà mẹ hiền đức, chúng ta sẽ mất một hiền nhân. Đã ba lần bà phải dời nhà để cho con khỏi nhiễm lây tính xấu của láng giềng. Nhà ở gần nghĩa địa, con bà bắt chước khóc lóc than van; bà dời nhà đến gần chợ, con bà bắt chước ăn gian nói dối; bà dời nhà đến gần trường học, con bà theo chúng bạn học chữ thánh hiền. Nhưng rồi, ngày kia, cậu Mạnh bỏ lớp học về nhà, thấy thế bà mẹ đưa tay cắt đứt hàng chỉ đang dệt, rồi gọi con cho một bài học cụ thể : đang học mà bỏ về cũng như hàng chỉ đang dệt bị cắt đứt sẽ không dùng vào việc gì được. Cậu Mạnh tỉnh ngộ, để sau này chúng ta có một bậc hiền triết đại tài.

3. Sống mầu nhiệm Thánh Gia : sống cầu nguyện

Nhìn vào hang đá máng cỏ, nhìn vào các nhân vật của Thánh Gia : Hài Nhi Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse bao giờ chúng ta cũng thấy toát lên một không gian thanh tĩnh, trầm lắng và rất “cầu nguyện”. Cả đến những con chiên, con lừa xúm xít quang máng cỏ hình như cũng đang “ngước mắt cầu nguyện”.

Cầu nguyện, đó chính là con đường, là phương thế giúp Thánh Gia sống trọn hảo ơn gọi và cuộc sống gia đình. Nhờ cầu nguyện Thánh Giuse đã tìm ra thánh ý Thiên Chúa để đón nhận Mẹ Maria. Nhờ cầu nguyện Đức Maria đã biết mở rộng cõi lòng thưa tiếng “Xin vâng” để luôn luôn phục vụ Chúa như một “Nữ Tỳ Trung Tín”. Nhờ cầu nguyện, Chúa Giêsu đã thường xuyên kết hợp với Chúa Cha và can đảm hoàn tất chương trình cứu rối được giao phó. Nói như ngôn ngữ của Scốt-len : Cầu nguyện chính là “nhà có mái che”

Người ta kể rằng :

Một thanh niên Scốt-len tìm được một chân làm vườn trong một gia đình giàu có. Nhưng chỉ hai tuần sau, anh xin thôi việc. Một người bạn hỏi:

- Có phải công việc quá cực nhọc không?

- Không, công việc rất nhàn.

- Có phải lương qúa ít không?

- Không, lương khá lắm.

- Hay anh không thích đồ ăn ở đó?

- Cũng không phải. Đồ ăn rất ngon.

- Vậy tại sao anh thôi việc?

- Vì nhà đó không có mái che.

Cũng chính trong ý nghĩa đó, Đức cố giáo hoàng Phaolô VI đã kêu gọi và đã được Đức cố giáo hoàng Gioan-Phaolô II nhắc lại :

Các ông các bà có dạy cho con cái học các kinh nguyện Kitô giáo không ? Các ông các bà có hợp tác với các linh mục trong việc chuẩn bị cho con cái từ khi chúng còn nhỏ để lãnh nhận các bí tích Giải tội, Thánh Thể, và Thêm Sức không ? Khi chúng ốm đau, các ông bà có khích lệ chúng nghĩ đến những đau khổ của Chúa Kitô, cầu khẩn sự trợ giúp của Đức Trinh nữ Maria và các thánh không ? Các ông bà có tổ chức lần chuỗi Mân Côi trong gia đình không...? Các ông bà có cầu nguyện chung với con cái, với toàn thể khu xóm ít nhất đôi lần không?...”

Đầu thế kỷ XX này, tại Luân Đôn, có một gia đình công nhân vừa nghèo khó lại vừa đông con: cả thảy 13 đứa! Bố của chúng phải đi làm việc suốt ngày ở xí nghiệp. Bà mẹ ở nhà làm nghề phụ và lo việc nội trợ. Dù đầu tắt mặt tối, bận bịu suốt ngày suốt đêm, nhưng bà Vaughan vẫn vui vẻ thay mặt chồng dạy dỗ con cái học giáo lý, tập luyện chúng có tinh thần đạo đức, khuyên chúng chịu khó học tập, lao động, và đặc biệt trưa nào rửa chén bát xong bà Vaughan cũng đến nhà thờ chầu Chúa một giờ.

Láng giềng ai cũng lấy làm lạ và hỏi bà: “Một bầy con 13 đứa, bận rộn sáng tối, mà sao trưa nào chị cũng đi chầu Thánh Thể?” Bà tươi cười bảo: “Thấy một bầy con lúc nhúc, ăn bữa mai chạy gạo bữa hôm, tôi lo lắm. Hơn thế chúng còn đến trước trường học, theo bạn bè rủ rê đi chơi hoặc ra phố phường xa hoa, do đó nhiều nguy hiểm, tôi càng thao thức hơn. Thành thử mỗi ngày dầu bận việc đến đâu, tôi cũng bỏ ra một giờ để chầu Chúa, sốt sắng xin Người ban ơn cho vợ chồng tôi nuôi nấng các cháu hằng ngày dùng đủ và dạy dỗ chúng nên người đạo đức”.

Chúa đã nhận lời và ân thưởng cho lòng tin. Cùng sự hy sinh của bà Vaughan: trong 13 người con, một người làm Hồng Y Tổng Giám Mục giáo phận Luân Đôn, một người khác làm Tổng Giám Mục, hai người làm Linh mục, hai nam tu sĩ, hai nữ tu sĩ, còn 5 người ở thế gian lập gia đình lưu truyền nòi giống, sống cuộc đời đạo đức thánh thiện.

Kính thưa ông bà anh chị em,

Nếu Thư chung của HĐGMVN đề nghị năm 2008 là năm giáo dục và canh tân đời sống gia đình, thì ngày lễ Thánh Gia hôm nay thật là thích hợp để chúng ta cùng khởi động như một “lễ khai mạc”, một cuộc “xuất phát điểm để lên đường”. Thật là thích hợp khi Giáo Hội Việt nam xác lập định hướng mục vụ như thế trong bối cảnh một Đất Nước, một quê hương Việt nam càng ngày càng gia tăng các tệ nạn trong đời sống gia đình : nào là nạn ly dị, phá thai, buôn bán trẻ em và phụ nữ, nạn bạo hành trong gia đình, sự buông thả luân lý của giới trẻ, đồi trụy gia tăng nơi học đường...

Con đường duy nhất để chữa trị những căn bệnh hiểm nguy nầy đó chính là tìm về học lại nơi mái trường “Thánh Gia”. Vã lại mái trường nầy sẽ không bao giờ đóng cửa.

Trong ngày lễ Thánh Gia hôm nay, chúng ta cùng hiêp lời cầu xin Thánh Gia Thất đoái thương nguyện giúp cầu thay cho các gia đình Kitô hữu biết hướng cuộc sống về mẫu gương tuyệt vời của Thánh Gia Thất trong đời sống cầu nguyện, yêu thương và phục vụ, biết nghiêm chĩnh thực thi Lời Chúa theo lời thư Phaolô hôm nay : “Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau….Trên hết mọi đức tính, phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.”. Amen

LM. Giuse Trương Đình Hiền