ÁNH SÁNG HY VỌNG

Phụng vụ Mùa Chay đang dẫn chúng ta cùng đi với Đức Giêsu tới ngưỡng cửa của cuộc khổ nạn. Bây giờ là những ngày cuối của Ngài ở trần gian. Sau khi dự bữa ăn tối với gia đình người bạn mà Ngài đã cho sống lại ở Betania. Chúa Giêsu vào thành, dân chúng hoan hô đón tiếp Người long trọng. Trong thành phần tham dự cuộc rước Chúa với nhành lá thiên tuế đó có một số người Hy Lạp, vì họ cũng về Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Họ muốn gặp Đức Giêsu. Đó là hoàn cảnh mà Lời Chúa đến với các Tông đồ, các người Do Thái, Hy Lạp và với chúng ta ngày nay.

Nhân cơ hội có một số anh em Hy Lạp muốn gặp Chúa, có lẽ họ nghĩ rằng đang rạng ngời vinh quang. Chúa Giêsu cho họ và dân chúng cũng như các môn đệ biết rằng vinh quang đích thực của Ngài là hy sinh mạng sống, bị dương cao để cứu độ nhân loại.

Lời thỉnh cầu của những người ngoại vô tình lại là một cử chỉ đón tiếp khải hoàn. Thiên Chúa Ngôi Hai làm người đã chấp nhận cách cứu độ nhân loại theo một kiểu không ai dám nghĩ tới: chịu khổ nạn và chết trên thập giá, coi đó là một sự tôn vinh vì tỏ rõ lòng yêu thương của Thiên Chúa và đem lại hạnh phúc cho nhân loại. Đức Giêsu phải điều chỉnh ý tưởng lệch lạc đám đông Giêrusalem có về vinh quang và cuộc khải hoàn của Người. Thông diệp đó gửi đến chúng ta, những người đang sống ở một thời đại mà ý nghĩa danh dự bị đặt ở chỗ khác, một hoàn cảnh mà hy sinh cho tha nhân có lẽ đã nhạt nhòa, thật sự như một cách nhắc nhở rất cần thiết: những người muốn sống đời sống phục vụ, thì hãy sống như Chúa, nghĩa là coi thường mạng sống mình vì lợi ích của tha nhân, làm cho đời mình nên như hạt lúa gieo vào lòng đất với niềm tin nó sẽ trổ sinh mùa gặt phong phú. Nếu ai cũng chỉ biết có mình, sống cho mình thì bầu khí gia đình, bộ mặt xã hội sẽ thật nặng nề, khô cằn và tàn lụi. Chỉ có cuộc sống thanh thoát, xả kỷ vị tha mới nâng mình và tha nhân lên được.

Mặc dù có thể ngộ nhận về Chúa Giêsu trong vinh quang của dân chúng dành cho, những người Hy Lạp muốn gặp Chúa để biết sự thật về con người có lời nói và việc làm đầy uy quyền. Chúng ta đã vận dụng khả năng của mình để đi tìm chân lý hay chỉ đòi hỏi những gì phù hợp với suy nghĩ và lối sống sẵn có của mình ?

Bệnh viện thuộc trường đại học y khoa Stanfond ở Mỹ đã sáng chế ra một loại cửa sổ nhân tạo dặt trong các phòng hồi sức, nhằm giúp cho các bệnh nhân mau chóng được hồi phục. Người vẽ kiểu cho loại cửa sổ này là một thợ chụp hình thuộc tiểu bang Califonia. Ông đã chứng kiến cái cảnh thoi thóp thở của cha mình, khi nhìn lên trần của phòng hồi sức chỉ thấy toàn một màu trắng với những lỗ đen. Các bác sĩ cho biết, vì phải nằm lâu ngày trong căn phòng thiếu cửa sổ, thiếu ánh sáng tự nhiên, cho nên không những bệnh nhân khó hồi phục mà còn để lộ nhứng triệu chứng của bệnh tâm thần.

Với cánh cửa sổ nhân tạo nói trên, nhờ một hệ thống điện toán tinh vi, bệnh nhân có thể cảm thấy như đang tiếp xúc với ánh sáng bên ngoài. Trong 24 giờ đồng hồ, ánh sáng trên khung cửa nhân tạo thay đổi 650 lần. Bệnh nhân có thể nhìn thấy ánh sáng mặt trời lên cũng như những áng mây bay qua khung cửa. Tất cả đều nhằm để giúp cho bệnh nhân cảm thấy mình gần gũi với thiên nhiên và nhờ đó cảm thấy bớt cô đơn.

Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá cũng là chiến thắng vĩnh viễn của Người trên ma quỷ, trở nên nguồn ánh sáng vô tận soi dọi những ngõ ngách tăm tối trong tâm hồn con người. Xua tan hết mọi nỗi cô đơn và sợ hãi. Là niềm hy vọng cho tất cả chúng ta.

Con người cũng như vạn vật cần có ánh sáng để sống. Riêng với con người, ánh sáng không những cần cho sự sống của thân xác, mà còn giúp người ta khỏi cô đơn. Bóng tối dễ làm cho con người sợ hãi vì cô đơn Có nhiều thứ bóng tối trong cuộc sống: bóng tối của ích kỷ, của ganh ghét, của hận thù, của đam mê...Càng giam mình trong bóng tối ấy, chúng ta càng cảm thấy cô đơn và càng trở nên bệnh hoạn.

Vì vậy, chúng ta cần có ánh sáng để sống, để lớn lên trong tình người cũng như để chữa trị những băng hoại trong tâm hồn. Và nguồn ánh sáng đích thực đã đến trong thế gian đó chính là Đức Giêsu Kitô. Có ánh sáng của Lời Chúa soi sáng, dẫn từng đường đi nước bước của mọi người, giúp chúng ta về tới bến bờ bình an. Có thứ ánh sáng của những nghĩa cử từng ngày. Không có một nghĩa cử nào qua đi mà không thêm một chút ánh sáng giúp ta hồi phục vì những vết thương đau trong cuộc sống. Một hành động bác ái, một biểu lộ tin yêu dù nhỏ mọn đến đâu cũng là một tia sáng mang hy vọng đến cho tăm tối cô đơn trong tâm hồn mỗi người.


Phanxicô Xaviê