Chúa Nhật XXXIV, C – Lễ Kitô Vua

Vương quyền Đức Kitô, chứng nhân của Thiên Chúa


(Lc 23,35-43)

Khi bị giam trên đảo St. Helena như một tên tù nhân, cựu hoàng đế Napoléon đã so sánh cuộc đời «lên voi, xuống chó» của mình với số phận của Đức Giêsu. Ông ta nhớ lại đoàn quân hùng mạnh bách chiến bách thắng do ông chỉ huy xưa kia và đã từng chiếm đóng được một nửa lục địa Âu Châu; hầu như tất cả các hoàng thân và các công tước thuộc các nước Âu Châu đều đã đến diện kiến tại điện Versailles của ông ta ở Paris. Còn những người lính trước kia đã từng vào sinh ra tử với ông ta trong các cuộc chiến, nay chẳng còn một ai bên cạnh ông ta. Không một ai còn gọi ông ta là hoàng đế nữa. Ông đã bị cả dân tộc và toàn thể đất nước của ông ta cô lập và bỏ quên.

Trong khi đó, Đức Giêsu lại hoàn toàn khác hẳn. Chưa một giây phút nào trong đời mình, Người đã lôi kéo được sự chú ý của cả nhân loại như Napoléon. Người chỉ có một nhóm nhỏ gồm mấy người đơn thuần chân chất đã tỏ ra đồng tình và hưởng ứng đi theo mà thôi. Nhưng rồi, sau hơn 2000 năm, mãi cho đến giờ phút này vẫn luôn luôn có cả hàng triệu người đã từ bỏ gia đình, bỏ nghề nghiệp, bỏ chính mọi vinh hoa phú quý của cuộc sống và từ bỏ cả chính những quyền lợi hợp pháp riêng tư của mình, để hăng hái bước theo Đức Kitô; và họ làm thế là hoàn toàn tự nguyện, chứ không do một ai hay do một quyền lực ngoại tại nào đòi hỏi hay ép buộc cả.

Napoléon đã phải đau lòng nhận ra rằng ngay chính khi ông ta còn sống, những cuộc chiến đấu của ông ta cho sự vinh quang và danh dự của nước Pháp đã một thời thành công lẫy lừng, nay đã hoàn toàn lui vào quá khứ, đã hoàn toàn đi vào quên lãng. Còn những tội ác và những thiệt hại khôn kể xiết mà ông ta từng gây ra cho Giáo Hội lại sống động hơn bao giờ hết trong ký ức của ông ta và đè nặng không nguôi trên lương tâm của ông. Và đây mới chính là bản án nặng nề nhất mà Napoléon phải gánh chịu.

Trong khi đó, đối với hàng triệu triệu người, Đức Giêsu lại càng ngày càng trở nên biểu tượng của niềm hy vọng, của sự an ủi đỡ nâng, vâng, là trung tâm điểm của trọn cuộc sống họ. Và Giáo Hội của Người mà Napoléon cũng như bao kẻ thù vô đạo khác – trước và sau Naploléon - từng bắt bớ đàn áp một cách bất công và vô cùng dã man, vẫn bành trướng và phát triển mạnh mẽ, và là nguồn hy vọng cho bao người thiện tâm thuộc các dân tộc trên khắp thế giới.

Tiếp đến, người ta cũng sẽ khám phá ra một sự khác biệt tương tự, nếu người ta tìm cách so sánh Phông-xi-ô Phi-la-tô với Đức Giêsu. Mặc dù tên của viên toàn quyền Roma ngày nay vẫn còn được nhiều người nhắc đến, tuy nhiên không phải do các công trạng to lớn ông ta đã thực hiện được hay do nhân cách đáng trân trọng của con người ông ta, nhưng là nhờ vào tính cách cao cả của Vị Tử Tù siêu phàm của ông ta.

Đức Giêsu phải đứng trước mặt Phông-xi-ô Phi-la-tô vì bị tố cáo là đã xúc phạm đến tình cảm tôn giáo và dân tộc của người Do-thái, tức đã không tôn trọng các truyền thống và tập tục Do-thái và đã xúi dục dân chúng nổi dậy. Nhưng nhất là Đức Giêsu còn bị tố cáo là đã muốn tự xưng là vua của dân Do-thái. Đó là tất cả những tội trạng mà các vị lãnh đạo tôn giáo của người Do-thái lúc bấy giờ đã cáo buộc Đức Giêsu.

Và trong thực tế, Đức Giêsu cũng đã không phủ nhận câu hỏi liên hệ của Phi-la-tô «ông có phải là vua Do-thái không?», trái lại, Người đã tự nhận mình là vua, nhưng dĩ nhiên không theo nghĩa các vua chúa trần gian bình thường. Ý nghĩa và nội dung Vương quyền của Đức Giêsu đã được chính Người tóm tắt trong những lời ngắn gọn sau đây: «Tôi là vua. Tôi đã được sinh ra và đã đến trong thế gian là để làm chứng cho sự thật.» (Ga 18,37). Chỉ trong những lời ngắn gọn đó đã bao gồm toàn bộ ý nghĩa của Vương quyền Đức Giêsu.

Quả vậy, không một giây phút nào trong suốt cuộc sống, Đức Giêsu đã tỏ ra có một chút mảy may tham vọng muốn tranh dành chức quyền với các kẻ đang nắm quyền lực lúc bấy giờ. Bởi vì sứ mệnh và mục đích chính yếu của Người là rao giảng sự thật và các thực tại của Thiên Chúa. Và bằng chính cuộc sống mình, Đức Giêsu đã làm chứng cho sứ mệnh và mục đích đó, ngay cả trước mặt viên toàn quyền Roma. Vâng, trước mặt Phi-la-tô, Đức Giêsu đã quả quyết thẳng thắn rằng sứ mệnh của Người khi đến trong thế gian là để làm vua, nhưng là làm vua của sự thật, của chân lý và của tình yêu, chứ không phải làm vua theo nghĩa trần tục với những tham vọng về vinh quang và quyền lực chính trị ở đời này, như người Do-thái đã tố cáo Người.

Đúng thế, Vương quyền của Đức Kitô không phải là một vương quyền được khoác lên mình bằng những lớp sơn hào nhoáng lộng lẫy chóng qua bên ngoài như các vương quyền trần tục. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Vương quyền của Đức Kitô chỉ có tính cách tượng trưng hay danh dự mà thôi, chứ không có một chút uy quyền thực lực nào cả. Không! Ngược lại, tuy Vương quyền của Đức Kitô không thuộc về thế gian này, nhưng lại đứng trên cả mọi quyền lực thế gian và nắm quyền xét xử chính tất cả mọi quyền lực thế gian, chứ không phải bị lệ thuộc hay bị chi phối bởi các quyền lực thế gian. Vì thế, chính khi bị Phi-la-tô xét xử, Đức Giêsu cũng đã thẳng thắn chỉ cho ông này biết giới hạn quyền hành của ông ta: «Thực ra ông chẳng có quyền hành gì trên tôi cả, nếu như Trời không ban cho ông quyền đó» (Ga 19,11); nghĩa là Đức Giêsu muốn nói với Phi-la-tô rằng ông ta chẳng có quyền xét xử Người, nếu như chính Người không ban phép cho ông ta làm điều đó.

Chính với Uy quyền vương giả tối thượng đó, Đức Kitô đã mang đến cho nhân loại giới luật tình yêu của Thiên Chúa, hầu để:

• làm nền tảng cho mọi luật lệ và qui ước của nhân loại.

• loại bỏ mọi thù hằn, ghen ghét, kỳ thị và chia cách.

• dấn thân giúp đỡ người nghèo, các kẻ bệnh tật, các kẻ mồ côi goá bụa và cô thế cô thân.

Vâng, đó là đặc điểm then chốt để nhận diện Vương quyền Đức Kitô, tức hết lòng phục vụ mọi người với tất cả tình yêu thương của Thiên Chúa, chứ không phân biệt hay kỳ thị. Trong suốt lịch sử Giáo Hội tinh thần phục vụ tha nhân của Vương quyền Đức Kitô đã là mục đích sống và kim chỉ nam cho mọi sinh hoạt của hàng triệu Kitô hữu. Chúng ta hãy thử hồi tưởng lại, chẳng hạn một Maximilien Kolbe, đã vì tinh thần xả kỷ hy sinh của Đức Kitô mà đã tự nguyện nhận cho mình cái chết, thay cho một bạn tù khác ở trại tập trung Auschwitz của Đức Quốc Xã. Hay một Mẹ Têrêxa Can-cút-ta, cũng hoàn toàn vì thấu hiểu được tinh thần phục vụ của Vương quyền Đức Kitô, nên đã tự nguyện dâng hiến cả cuộc đời mình để thương yêu săn sóc tất cả mọi đồng loại nghèo khổ và đau yếu tại Ấn độ. Chúng ta cũng có thể nhớ đến bao vị truyền giáo ngày nay đang tự nguyện hy sinh một cách âm thầm và vô vị lợi, để mang Tin Mừng cứu rỗi đến cho mọi dân tộc xa lạ, mặc dù hằng ngày tính mạng họ luôn được treo bằng sợi chỉ mành. Nhưng nhất là hàng trăm ngàn các bậc Tổ Tiên anh hùng tử đạo của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam chúng ta, cũng đã vì tuyệt đối đặt trọn niềm tin tưởng vào Vương quyền Đức Kitô, nên đã thà chịu tù ngục, chịu đủ mọi thứ cực hình và chịu chết cách đau thương, chứ không thà chối bỏ đức tin Kitô giáo của mình, chứ không thà phản bội Thiên Chúa và Giáo Hội Người.

Nói tóm lại, người ta chỉ có thể thấu hiểu được Vương quyền của Đức Giêsu cũng như sự tự do và quyền năng tuyệt đối của Người, nếu người ta không dựa trên các tiêu chuẩn: Sự giàu có, quyền lực, sự thống trị, sự vinh quang phú quý vật chất đời này để đánh giá và nhận diện Vương quyền đó, nhưng hoàn toàn dựa vào chính cuộc sống và cái chết của Đức Kitô và vào những lời của Người phán như nhân chứng cho thực tại bất khả tri của Thiên Chúa.

Vậy, sự xưng nhận Đức Kitô là Vua, trước hết phải là sự chấp nhận con đường sống của Người – con đường đã dẫn Người đến một cái chết đau thương tủi nhục, chỉ vì muốn yêu thương và phục vụ người khác - làm con đường sống của mình. Nói cách khác, hãy sống và hành động như Người đã sống và hành động, tức làm chứng nhân cho sự thật, làm chứng nhân cho tình yêu vô biên của Thiên Chúa, Đấng vốn là tình yêu.
Lm Nguyễn Hữu Thy