-
Moderator
L - Lễ Thánh Gia (Mặc lấy như gia đình thánh)
Lễ THÁNH GIA
MẶC LẤY NHƯ GIA ĐÌNH THÁNH
Lễ Thánh Gia thất tương đối mới. Nó được thiết lập vào cuối thế kỷ 19. Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII bấy giờ rất quan tâm đến các vấn đề xã hội. Người thấy nhân loại đang đi vào một nền văn minh mới. Lý trí và khoa học đòi quyền tự lập và tự chủ. Ảnh hưởng đạo đức bớt dần. Và trong phạm vi gia đình, người ta đã nói nhiều đến tự do, ly dị, cởi mở... Những phong trào "gia đình công giáo" có từ thế kỷ 16 ráo riết cổ động người ta noi gương Thánh Gia thất. Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII cũng nhưn các vị kế tiếp muốn chúc phúc cho những phong trào này. Và lễ Thánh Gia Thất được thiết lập trong bối cảnh ấy.
Dĩ nhiên đời sống gia đình hiện nay có nhiều vấn đề khác với hồi cuối thế kỷ 19. Và ngày lễ Thánh Gia Thất hôm nay là dịp để chúng ta suy nghĩ về đời sống cụ thể của các gia đình chúng ta. Những vấn đề kế hoạch hóa gia đình và giáo dục gia đình mới là những đề tài chắc chắn rất hợp thời, nếu chưa muốn nói là khẩn trương. Nhưng trong Thánh lễ chúng ta không thể suy nghĩ rộng rãi. Chúng ta chỉ có thể lắng nghe Lời Chúa theo Phụng vụ để được tâm hồn đạo đức, giúp chúng ta sau đó suy nghĩ cụ thể hơn.
1. Vâng Phục Thiên Chúa
Tư cách đạo đức, mà các gia đình phải có, được ba bài đọc Kinh Thánh hôm nay nhấn mạnh. Bài sách Huấn ca có vẻ không sâu sắc và giống như nhiều bài "gia huấn ca", khuyên con cái phải thờ kính cha mẹ. Tuy nhiên nền tảng của những lời khuyên ở đây lại rất sâu. Con cái phải kính yêu cha mẹ vì Chúa; phải coi các người như Chúa, đến nỗi bỏ bê cha là lộng ngôn phạm thượng và khinh dể mẹ là chọc giận Thượng đế. Thứ đạo đức này có lỗi thời không? Rõ ràng thư Phaolô cũng có một lập trường như vậy. Thánh Tông đồ viết: con cái hãy vâng phục cha mẹ trong mọi sự vì là điều đẹp lòng Chúa. Dĩ nhiên Người cũng đã nói luôn: cha mẹ đừng để con cái trở thành khiếp đảm! Nhưng theo người, thái độ của con cái vẫn là phải vâng phục. Và ở điểm này, người đã theo sát đường lối của Phúc Âm.
Quả vậy, một trong những câu điệp khúc của các bài tường thuật cuộc đời niên thiếu của Chúa Yêsu là Người đã trở về Nadarét nơi cha mẹ Người cư trú; và Người đã lớn lên đầy khôn ngoan và ân sủng; Người đã phục tùng cha mẹ Người. Khi viết đi viết lại điệp khúc đó, Luca làm vọng lại nhiều lời Cựu Ước, đặc biệt những câu về Samson và Samuel (Tp 13,24-25; 1S 2,19.21.26). Người cũng viết về Yoan Tẩy giả một cách tương tự (1,80). Tất cả khiến chúng ta nghĩ rằng: trong khi đề cao thần tính của trẻ Yêsu, tác giả các sách Phúc Âm vẫn nhấn mạnh việc Người vâng phục cha mẹ, để nêu gương sáng cho hàng con cái trong các gia đình.
Những người này cũng hãy yên tâm. Sách Huấn ca đòi con cái đối với cha mẹ phải như nô lệ đối với chủ (3,7); nhưng bài Tin Mừng dường như đòi bậc cha mẹ nhiều hơn. Các người phải vâng lời luật Chúa như cha mẹ Yêsu... Ðến ngày phải làm lễ thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Người đã đem trẻ Yêsu lên dâng trong Ðền thờ. Chúng ta không hiểu việc thi hành luật pháp đã đòi các người phải hy sinh thế nào. Nhưng chúng ta có thể đoán được những đau đớn tinh thần Maria phải chịu theo lời Simêon hôm nay tiên báo.
Ông và bà tiên tri Anna thuộc loại người đạo đức trong dân Israel, sống chờ đợi ngày Chúa an ủi dân Người, tức là trông mong thời đại Thiên Sai Cứu Thế. Khi được Thánh Thần cho biết trẻ Yêsu đây chính là Ðấng muôn dân trông đợi, cả hai đều sung sướng cảm tạ Thiên Chúa đã cho mình được phúc nhìn thấy ánh sáng muôn dân. Nhưng nghĩ đến trách nhiệm của những người sống trong thời đại ấy, Simêon đã lặp đi lặp lại tư tưởng của Kinh thánh, đặc biệt nhiều đoạn Isaia, trong đó Ðấng Thiên Sai không những được ca tụng như ánh sáng của muôn dân (60,1-3; 52,7-10), nhưng đồng thời cũng là tảng đá vấp ngã cho nhà Israel (8,12-15). Tâm tư mọi người sẽ phải lộ ra (Lc 2,35). Ðấu tranh, dằn vặt sẽ xảy ra nơi lòng mọi người, bó buộc người ta phải lựa chọn hoặc chấp nhận hay phủ nhận đường lối của Người.
Maria cũng không thoát được luật chung đó. Những lời của Chúa luôn luôn làm Người phải đem lòng mà suy nghĩ. Chính lúc ấy một mũi gươm đâm thâu lòng Người. Mũi gươm này không phải chỉ là lưỡi đòng khi đâm vào cạnh sườn Chúa chịu treo trên Thập giá thì cũng như chọc vào trái tim Người. Mũi gươm mà Simêon gợi lên hôm nay là mũi gươm "Lời Chúa" sống động và linh hoạt, sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi, và đâm phập vào tận ranh giới hồn phách, gân cốt và tủy não cùng biện phân ra được tình và ý tưởng của lòng dạ (Hr 4,12).
Vậy, nếu Lời Chúa đối với Ðức Maria còn sắc bén như vậy và còn đòi hỏi Người phải hy sinh đau đớn để luôn luôn đi sâu hơn vào mầu nhiệm đức tin, thì huống nữa là đối với chúng ta hết thảy! Con cái phải vâng lời cha mẹ. Nhưng cha mẹ cũng phải vâng lời Thiên Chúa. Thi hành chỉ thị này của cha mẹ đòi hy sinh. Nhưng những hy sinh của bậc cha mẹ để giữ Lời Chúa còn to lớn hơn nhiều. Và có hy sinh như thế mới là đạo đức.
Thật ra đạo đức gia đình không phải chỉ đơn sơ như vậy. Nó không phải chỉ đòi con cái vâng lời cha mẹ và cha mẹ tuân giữ Lời Chúa. Ngay bài sách Huấn ca đã giục con cái tìm cách làm đẹp lòng Chúa khi vâng lời cha mẹ; và bài Tin Mừng cho thấy Ðức Maria phải khổ vì thánh ý Chúa nơi chính trẻ Yêsu. Ðạo đức gia đình không nguyên chỉ lên thẳng từ con cái đến cha mẹ rồi tới Thiên Chúa. Nền đạo đức thật đã tỏ hiện khi chính Thiên Chúa xuống với con người như chúng ta đã suy niệm nhiều trong mùa Giáng sinh này (1Tm 3,16). Và như vậy lý do cuối cùng của nền đạo đức gia đình cũng phải sát nhập vào chiều hướng đi xuống. Nói cách khác đạo đức gia đình đòi con cái phải vâng lời cha mẹ và cha mẹ tuân giữ Lời Chúa; nhưng nó chỉ thực hiện được nếu mọi người trong gia đình biết nhận lấy lòng đạo đức mà Chúa đã ban xuống cho trần gian trong mầu nhiệm Giáng sinh, để tựa vào đó mà đi lên.
Ðó là điều mà bài thư Phaolô hôm nay muốn nói với chúng ta.
2. Hãy Mặc Lấy Ðức Mến
Thánh Tông đồ không hài lòng khi nhìn thấy nhiều người không hiểu rõ lòng đạo đức Kitô giáo. Họ tưởng đây cũng là một trong nhiều lý tưởng đạo đức. Các lời khuyên Phúc Âm về đời sống gia đình chẳng hạn bị coi như là một thứ gia huấn ca. Ðạo nào cũng dạy thờ cha kính mẹ và cha mẹ thì phải vâng mệnh trời mà sửa dạy con cái. Người ta không thấy rõ nét độc đáo và mới lạ của nền đạo đức Phúc Âm. Thế nên thánh Phaolô phải mạnh mẽ lên tiếng. Người gọi tín hữu bằng những từ ngữ chọn lọc nhất của Kinh Thánh. Họ là các thánh, là những người được tuyển chọn và là những người được Thiên Chúa yêu mến. Các danh xưng này nằm trong sách Thứ luật (7,6). Chúng là tên riêng của dân Chúa. Họ thánh không phải vì họ tốt lành, nhưng chỉ vì Ðấng thánh đã tuyển chọn và đang thánh hóa họ. Và Người làm như vậy chỉ vì yêu mến.
Họ là những người được yêu. Nhưng họ lại không sống trong tình yêu. Kinh nghiệm lưu đày đã mở mắt cho họ thấy cuộc đời bất trung bất nghĩa của họ như thế nào, đến nỗi từ ngữ dân thánh của Chúa từ nay sẽ dành để nói về dân ở thời đại thiên sai (Is 4,3). Và như vậy các tín hữu tiên khởi của Hội Thánh Chúa Kitô tự xưng là "thánh hữu" thì thật hợp lý. Nhưng khi xử dụng từ ngữ này, họ vẫn biết mình chưa thánh. Sự thánh thiện mới tỏ hiện nơi họ thôi vì Ðức Kitô đã đem sự sống sung mãn của Thiên Chúa vào thế gian. Và bổn phận của họ bây giờ là phải đón nhận lấy sự thánh thiện ấy.
Việc đón nhận này được thánh Phaolô mô tả như là một việc "mặc lấy". Người nói: anh em hãy mặc lấy lòng lân mẫn biết chạnh thương, đức nhân hậu khiêm nhu, hiền từ và đại lượng. Nghe đọc thì tưởng đó là một mới những nhân đức, ít nhiều liên hệ với nhau. Nhưng dò lại thì sẽ thấy chúng gợi lên những lời sách Xuất hành (34,6) nói đến Thiên Chúa là Ðấng "chạnh thương, huệ ái, bao dung, và đầy nhân nghĩa, tín thành". Và như vậy, thánh Phaolô muốn nói chúng ta phải mặc lấy chính những tâm tình của Chúa. Lòng đạo đức của chúng ta phải là lòng đạo đức của Người. Nếu không, nói chỉ là lòng đạo đức của loài người chứ không phải của Kitô giáo. Người tín hữu của Chúa Kitô trước khi sống, tức là hành động, đã phải cởi bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới là chính sự thánh thiện của Thiên Chúa, để từ đó cư xử như Thiên Chúa.
Người đã bày tỏ lòng "đạo đức" của Người khi đặt ra và thi hành kế hoạch cứu thế, ban Con Một Người cho nhân loại để làm giá tha thứ và hòa giải loài người tội lỗi trở về với mình... Ðó chính là lòng "bác ái" của Thiên Chúa, mà thánh Phaolô bảo chúng ta phải mặc lấy. Nếu không, chúng ta không được tha thứ, không được thánh thiện, không được đạo đức. Nhưng nếu chúng ta mặc lấy lòng bác ái tha thứ, thì có lẽ nào chúng ta lại không biết tha thứ và chịu đựng lẫn nhau, để sống hòa hợp như trong một thân thể?
Thế là thánh Phaolô đã chỉ cho chúng ta thấy đâu là cơ sở và nền tảng của nền đạo đức Kitô giáo. Thiên Chúa đã đổ nó từ trời xuống trên chúng ta khi ban Con Một Người làm hy tế tha thứ, giao hòa và bình an. Chúng ta đón nhận lòng đạo đức ấy thì cũng phải sống tha thứ hòa hợp và hợp nhất như trong một cơ thể.
Những điều này thật hợp để nói về đời sống gia đình. Và bây giờ chúng ta thấy rõ đạo đức gia đình đối với chúng ta phải được xây dựng trên nền tảng đức mến trọn lành của Thiên Chúa. Những gia đình nào sống như vậy mới thật là những gia đình Kitô hữu và mới giống như Thánh Gia Thất Chúa Yêsu, Ðức Maria và Thánh Yuse. Nếp sống của họ bây giờ sẽ được như lời thư Phaolô viết tiếp: tất cả những gì họ nói và làm đều vì Danh Chúa Yêsu và vợ chồng, cha mẹ, con cái đều giúp đỡ nhau nên thánh thiện. Họ có nếp sống gia đình tuyệt hảo, vì lời Ðức Kitô, tức là ân sủng của Người đã ngự nơi họ dồi dào phong phú.
Thế thì hôm nay muốn thánh hóa gia đình theo gương Thánh Gia Thất, chúng ta hãy nghe lời thánh Phaolô sốt sắng cử hành Thánh lễ này. Ở đây Thiên Chúa bày tỏ lòng bác ái từ tâm đối với hết thảy chúng ta khi ban thịt máu Con của Người làm giá cứu chuộc và cứu độ chúng ta. Chúng ta hãy nhận lấy như tinh thần và sự sống mới mà chúng ta phải mặc lấy, để như Chúa đã yêu thương chúng ta thì vợ chồng, cha mẹ, con cái, được tình bác ái của Người thúc đẩy sẽ xây dựng, phát triển đời sống gia đình như Thánh Gia Thất.
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules