-
NHẬN ĐỊNH VỀ PHÁP MÔN QUÁN ÂM CỦA GIÁO PHÁI THANH HẢI VÔ THƯỢNG SƯ
NGUỒN: http://www.thuvienhoasen.org/ddpp-th...pmonquanam.htm
Nhận Định Về
PHÁP MÔN QUÁN ÂM
Của Giáo Phái Thanh Hải Vô Thượng Sư
Hòang Liên Tâm
Bất kỳ tôn giáo, giáo phái, hay học thuyết nào xuất hiện trên đời, cũng đều có lập trường, tư tưởng và mục đích riêng. Mỗi trường phái đều có nhận xét, đánh giá của mình về các trường phái khác. Ở đây, bằng cái nhìn của một người theo đạo Phật, chúng ta thử phân tích đường lối hành đạo của giáo phái Thanh Hải. Điều đầu tiên chúng ta nên tìm hiểu là Pháp Môn Quán Âm của họ.
Mục tiêu chung của phần lớn các tôn giáo là giải thoát con người khỏi cảnh khổ trần gian, để đến một nơi chốn nào đó hạnh phúc, bình yên đời đời. Nhưng, muốn được giải thoát thì con người phải trải qua một tiến trình tu tập, như học hỏi giáo lý, tế lễ, tư duy, thiền định và giữ gìn giới luật của môn phái.
Giáo phái Thanh Hải cũng có những hình thức có vẻ tương tự, mà mới nghe nói qua, ai cũng tưởng giống đạo Phật hay một đạo nào khác, cũng giữ năm giới, cũng ăn chay, cũng ngồi thiền…v…v… Thấy thì có vẻ như vậy, nhưng thực tế lại không phải vậy.
Trong phạm vi bài viết này chúng tôi đề cập phần lớn đến việc hành thiền tức tu tập Pháp Môn Quán Âm, mà bà Thanh Hải đã mập mờ mượn tên một pháp tu của đạo Phật. Tuy là tên pháp tu thì có vẻ giống, nhưng nội dung cũng như phương pháp hành trì thì hoàn toàn khác hẳn.
Trước hết chúng ta hãy nghe chính bà Thanh Hải nói về pháp môn này như sau:
“…Mọi người đều có “Thượng Đế Bên Trong”, và bí quyết để câu thông cùng Thượng Đế ấy, qua đó đạt giác ngộ, là vô cùng đơn giản: Giữ ngũ giới, và hàng ngày tọa thiền 2 tiếng rưỡi. Giữ giới và thiền như thế tức là tu tập Pháp Môn Quán Âm, tập cho đến khi nghe và thấy được…Âm Thanh Thiên Đàng và Ánh Sáng Thiên Đàng là đắc đạo…Pháp Môn Quán Âm Là pháp môn cứu cánh nhất…Phương pháp quán "Ngôi Lời" bên trong, Âm thanh nội tại và Ánh sáng thiên đàng bên trong. Đây là phương pháp tốt nhất và tối thượng bởi vì cuối cùng chúng ta phải đến với ánh sáng của Thượng Đế và "Thánh Âm" của Ngài để đạt được trí huệ…Quý vị sẽ thấy ánh sáng và nghe âm thanh ngay vào lúc được truyền Tâm Ấn. Với những phương pháp khác quý vị phải tốn rất nhiều thời gian hay nhiều năm, và phải chịu nhiều khổ hạnh hay hy sinh mới đạt được đến đó…”. (01)
Bà Thanh Hải đã mập mờ chế biến pháp môn của bà ta bằng những từ ngữ có vẻ như tương tự với pháp môn tu của Bồ Tát Quán Thế Âm, vốn có tên gọi là Nhĩ Căn Viên Thông, được giới thiệu trong kinh Thủ Lăng Nghiêm (02), thành Pháp Môn Quán Âm, khiến cho một số người không đọc kinh Phật, cứ tưởng bà ấy đang truyền bá đạo Phật theo pháp môn tu hành của ngài Bồ Tát Quán Thế Âm.
Pháp môn của Bồ Tát Quán Thế Âm trong đạo Phật là phương pháp phản văn văn tự tánh (không xuôi dòng đuổi theo âm thanh mà trở ngược lại tánh nghe) tức là từ cái nghe để trở về tự tánh của mình. Trong pháp tu này, hành giả tuyệt đối không dùng tai để nghe. Nếu còn dùng tai để nghe là chạy theo âm thanh sắc tướng.
Hoà thượng Thích Thiện Hoa khi giải thích về phương pháp tu của ngài Bồ Tát Quán Thế Âm đã cho biết: (1) Bắt đầu từ khi cái nghe đối với thanh trần không khởi phân biệt theo thanh trần, nên thanh trần tự vắng lặng; xong còn cái nghe. (2) Đến giai đoạn thứ hai là cái nghe (năng, sở) cũng hết, xong còn cái hết. (3) Đến tầng thứ ba không chấp ở nơi hết, xong còn cái biết hết. (4) Đến tầng thứ tư là cái biết đó cũng không, xong còn cái không. (5) Nên đến tầng thứ năm là cái không đó cũng không còn. Lúc bấy giờ các cái vọng niệm phân biệt chấp trước đều hết, thì chân tâm thanh tịnh tự hiện bầy; cũng như các cặn đục đã hết, thì tánh nước trong tự hiện. Mười phương các đức Phật hay các vị Đại Bồ Tát tu hành, chỉ có một con đường duy nhất là trừ hết vọng thì chân hiện bầy, như lau gương sạch bụi, thì ánh sáng tự hiện, thế gọi là thành Phật, hay là chứng Đại Niết Bàn (03).
Còn cách tu mập mờ của Thanh Hải rất khác thường. Theo một nhà nghiên cứu tôn giáo Đông phương cho biết lối tu Quán Âm của Thanh Hải không phải xuất xứ từ đạo Phật mà chính là của Sant Mat hay còn có tên gọi khác là Surat Shabd Yoga và vị Thầy truyền cho Thanh Hải là Sant Thakar Singh (March 26, 1929 - March 6, 2005), được biết đến với cái tên là Sant Mat Master. Ông đã truyền phương pháp ấn tâm, năm câu chú hay năm danh hiệu God, và pháp tu “Thanh Sắc Quang Ảnh” cho đệ tử Thanh Hải trước khi rời Ấn Độ (04). Điều này được xác nhận bởi Hoà Thượng Tiến Sĩ Thích Tịnh Hạnh, Viện Trưởng Học Viện Phật Giáo Trung Hoa Dân Quốc (05).
Trong thời kỳ ban đầu truyền đạo, Thanh Hải đã thừa nhận Thakar Singh là Sư Phụ, nhưng sau đó đã phủ nhận và cho biết lối tu này do chính Thanh Hải sáng tạo sau khi tu luyện ở Hy Mã Lạp Sơn về. Phương pháp tu này do một đệ tử ly khai (06) của Thanh Hải kể chi tiết cách thực hành như sau:
“Trong những lần hành thiền đầu tiên, tôi được chỉ bảo là niệm danh hiệu Sư phụ “Suma Ching Hai” trong khoảng nửa giờ mỗi ngày. Tôi cũng được bảo phải từ bỏ ăn thịt, cá và trứng. Sau một tuần, tôi được Sư phụ truyền tâm ấn. Từ lúc đó ăn chay trường và giữ năm giới cũng như hành thiền hai tiếng rưỡi mỗi ngày. Trong lúc thiền tôi niệm thầm liên tục năm danh hiệu God và tập trung tư tưởng vào con mắt thứ ba ở vùng giữa trán phía trên sóng mũi, và đồng thời dùng hai ngón tay cái bịt kín vào lỗ tai, ngón tay giữa chận mí mắt ngoài, ngón tay trỏ chận vào góc trán, cả hai bên trái phải để lắng nghe những âm thanh lạ lùng kỳ bí, những âm nhạc thiên đường. Tôi đã không nghe gì cả, không thấy gì cả. Tôi cũng được bảo là cứ ngồi như vậy sẽ nghe được âm thanh, sẽ thấy ánh sáng. Khi thiền phải dùng tấm khăn hay tấm blanket phủ kín người để người khác không trông thấy. Năm danh hiệu God là: Dốt Nê Răng Danh, Ông Ca, Ra Rông Ca, Sô Hăn và Sát Nam. (jyot naranjan, onkar, raronkar, sohang, satnam). Thực tôi không biết đánh vần chính xác bởi vì chỉ được truyền khẩu mà thôi. Tôi được yêu cầu là chỉ niệm thầm và tuyệt đối không được nói cho ai biết năm danh hiệu này”.
Người viết đã phối kiểm với hai người bạn đã từng theo bà Thanh Hải về lối tu cũng như về danh hiệu năm vị God nầy và được xác nhận là đúng như trên. Họ cũng cho biết, trong quyển chỉ dẫn cho đệ tử truyền tâm ấn có nhắc đến việc niệm 5 danh hiệu nhưng không nói rõ tên. Người viết cũng tra tự điển các tôn giáo ở Ấn Độ tìm xem nhưng chỉ biết vị God thứ năm Satnam là một đấng tối cao của giáo phái Sikh ở Ấn Độ. Như vậy có thể nói rằng giáo phái Thanh Hải có nguồn gốc từ Surat Shabd Yoga (Sant Mat) ở Ấn Độ, chứ không phải từ Phật Giáo. Thanh Hải chỉ mượn tên Phật Giáo để đánh lừa dư luận mà thôi.
Pháp môn Quán Âm tức Nhĩ Căn Viên Thông của đạo Phật là phản văn văn tự tánh, là dứt vọng trở về chơn, còn lối tu Quán Âm của Thanh Hải là từ vọng chạy theo vọng. Theo kinh Kim Cang thì kẻ “lấy âm thanh sắc tướng cầu Phật, là kẻ theo tà đạo, không thể thấy được Phật (07). Theo kinh Thủ Lăng Nghiêm, người hành trì do dụng tâm thái quá mà thấy hình sắc, nghe âm thanh, tất cả đều là giả, nếu tin tưởng đó là thực, là kết quả tu hành thì lạc vào ma đạo (08). Hai điều dẫn chứng kinh này xác định rõ đường lối tu hành của giáo phái Thanh Hải không phải là pháp tu của Phật giáo.
Chưa hết, Thanh Hải còn phủ nhận luật Nhân Quả, bằng cách giúp “rửa sạch trong khoảnh khắc tất cả nghiệp chướng từ những kiếp trước của đệ tử” khi nói rằng “Lúc thọ Tâm Ấn, tất cả những nghiệp chướng trong quá khứ của đệ tử đều được tiêu trừ” (09). Trong một bài giảng khác, Thanh Hải giải thích điều đó như sau:
“Chỉ có Minh Sư khai ngộ (Thanh Hải) mới có thể vào những nơi mà tất cả các hồ sơ được giữ gìn cẩn thận. Công việc của những vị này (Minh Sư) là xóa bỏ hoàn toàn tất cả những nghiệp chướng nhân quả xa xưa đó. Nếu không, chúng ta có tu hành giải thoát cũng vô ích mà thôi… Dù có siêng năng thờ Phật bao nhiêu đi nữa cũng không bao giờ đủ. Dù học tất cả các kinh điển vẫn không thể khai mở trí huệ, bởi vì những đám mây tăm tối của nghiệp chướng từ những kiếp trước đang bao phủ chúng ta. Đọc đi đọc lại kinh điển cũng vẫn như mù! Dù viết rất là rõ ràng, chúng ta vẫn không hiểu ý nghĩa của nó, vì chúng ta đã bị rác rến và nghiệp chướng làm mù quáng”. (10)
Ngoài ra, Thanh Hải còn tự xưng là Phật hiện tiền, có nghĩa là Phật sống. Điều này cho biết “đây là một đại vọng ngữ, rất nặng, chỉ có kẻ hành ma đạo mới dám nói như vậy mà thôi” (11). Trong kinh Lăng Nghiêm Đức Phật đã dạy các đệ tử của Ngài là nếu có thị hiện để cứu độ chúng sanh, thì chẳng bao giờ nói: “Ta đây thật là Bồ Tát hoặc A La Hán v.v… hay tỏ ra một vài cử chỉ gì làm tiết lộ sự bí mật, để cho người ta biết mình là Thánh nhơn thị hiện. Chỉ trừ sau khi mạng chung rồi, các vị ấy mới âm thầm để lại một vài di tích cho người biết thôi” (12). Cho nên nói rằng Thanh Hải là Vô Thượng Sư, là Phật sống và những lời giảng dạy của bà ta là giáo lý thì hoàn toàn không đúng vì tất cả những lời giảng của Thanh Hải không có gì mới lạ, chỉ là sự cóp nhặt rồi pha trộn thuật ngữ của một số tôn giáo, trong đó có Bà La Môn, Phật Giáo, và Thiên Chúa Giáo. Nhiều khi bà ta chỉ nhắc đến tên kinh Phật để người nghe lầm tưởng là bà ta thông hiểu giáo lý nhà Phật.
Nói tóm lại, pháp môn Quán Âm của giáo phái Thanh Hải không phải là của Phật Giáo và người đứng đầu giáo phái là Thanh Hải cũng chẳng phải là Phật sống như Thanh Hải đã tự xưng. Tuy nhiên, nếu không nói thêm về thân thế và hành động của bà ta thì e vẫn còn chưa phác hoạ hết nét vẽ của một bức tranh nhiều mầu sắc.
Tên thực của Thanh Hải là Trịnh Đăng Huệ sinh ngày 12 tháng 5 năm 1950 tại Đức Phổ, Quảng Ngãi, miền Trung Việt Nam. Khi học tới lớp 11 vào năm 19 tuổi thì cô Huệ rời Việt Nam đi qua Anh Quốc (có tài liệu nói 22 tuổi), rồi qua Pháp, qua Đức. Trong thời gian ở Tây Đức , cô Huệ làm nghề thông dịch viên cho Hội Hồng Thập Tự và lập gia đình với một bác sĩ y khoa người Đức.(13) Ở Đức, cô Huệ thọ Tam Quy Ngũ Giới với thầy Thích Như Điển. Thầy ban cho pháp danh là Thị Nguyện. Thầy Như Điển hiện nay là Thượng Toạ Viện chủ chùa Viên Giác. Chẳng bao lâu sau, cuộc hôn nhân dị chủng tan vỡ, cô Huệ, pháp danh Thị Nguyện qua Ấn Độ xuất gia, trước tiên là với các vị Lạt ma Tây Tạng, sau theo học với một người Ấn Độ đạo Sikh tên là Jampa Ghesbe Ngawang Dargey và người kế tiếp là Thakar Singh, một giáo sĩ thuộc dòng Surat Shabd Yoga (Sant Mat) và chính vị này đã truyền pháp “Thanh Sắc Quang Ảnh” (Light and Sound Meditation) cho Thị Nguyện.
Năm 1983 Thị Nguyện đến Đài Loan thọ giới Tỳ Kheo Ni tại một Đại Giới Đàn ở Đài Bắc thuộc Giáo Hội Phật Giáo Đài Loan. Trong thời gian trước khi thọ giới, Thị Nguyện được gởi đến Linh Sơn Phật Học Viện tại Đài Bắc của thầy Thích Tịnh Hạnh để tá túc học tập vì Thị Nguyện là người Việt Nam. Nơi đây thầy Tịnh Hạnh ban cho pháp hiệu là Thanh Hải.(14)
Thanh Hải là người thông minh, đoán biết được thị trường tâm linh của người Trung Hoa và cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài cũng như các nước Tây phương, có nhiều cơ hội hấp dẫn để truyền đạo cũng như tạo danh và lợi riêng, nên giống như Osho, Thanh Hải tung ra một chiêu bài nhiều hấp dẫn với những người trong đạo và ngoài đạo Phật muốn giác ngộ tức thời, muốn mau kiến tánh thành Phật. Đó là những lời hứa hẹn “tức khắc khai ngộ một đời giải thoát” bằng một lối tu giản dị mà Thanh Hải đã mang về từ Ấn Độ.
Trong thời gian ở Đài Loan Thanh Hải mang danh một Sư cô Phật giáo mặc áo vàng, đầu trọc, chống gậy tích trượng, tự xưng là Phật hiện tiền đi giảng đạo (Surat Shabd Yoga) nhưng mang nhãn hiệu Phật Giáo “Pháp Quán Âm” và truyền tâm ấn. Thanh Hải cũng độ cho người nam xuất gia thọ Tỳ Kheo giới làm đệ tử của mình. Những việc này đã tạo sự bất bình sâu rộng trong Giáo Hội Phật giáo Đài Loan và cộng đồng Phật tử ở đảo quốc này thời bấy giờ.
Sau đó Thanh Hải sang Hoa Kỳ đặt bản doanh tại thành phố El Monte ở miền Nam California và đi thuyết giảng khắp vùng đông dân cư Việt Nam, rồi đi Boston, New York, Washington DC….Trong thời kỳ này Thanh Hải vẫn còn mang hình thức là một Sư cô mặc áo vàng, đầu trọc, chống gậy.
Và từ đó đến nay, Thanh Hải khi ẩn khi hiện, khi đi nơi này nơi khác, từ Âu Châu sang Á Châu, rồi Châu Mỹ La Tinh, Úc, Gia Nã Đại, và Mễ Tây Cơ. Các buổi thuyết giảng và truyền Tâm Ấn của Thanh Hải đều “miễn phí.”
Thanh Hải được báo chí Tây phương gọi là nhà doanh thương tài, nhà tiếp thị giỏi và cho nickname là “Part Buddha, Part Madonna”. Thanh Hải tự mình sáng tạo ra các sản phẩm từ thời trang quần áo đến âm nhạc và rồi quảng cáo để bán những thứ ấy một cách dễ dàng với nhiều thủ thuật. Bắt đầu từ lãnh vực tâm linh tặng “miễn phí” rồi sau đó là bán sách báo, băng từ CD, DVD in ấn rồi đến âm nhạc, thời trang, tranh ảnh...Một bức tranh sơn dầu bán với giá $2,160. Bắt đầu từ năm 1995, Thanh Hải sáng tạo ra cả một line quần áo thời trang gồm các thứ làm bằng tơ lụa, các nón, bóp, các dù che cho người nữ, được triển lãm và bày bán tại các hệ thống bán hàng danh tiếng trên thế giới, từ London, Paris, Milan đến New York. Có loại thời trang giá tới $11,000.
Các đệ tử của Thanh Hải mua với hình thức đấu giá những áo quần cũ của bà ta; một đôi vớ của “Sư Phụ” đã dùng bán với giá $800 trong một khoá retreat ở Đài Loan. “Đôi vớ là memory của Sư Phụ, vì thế nó là vô giá”, một đệ tử đã nói như thế trong cuộc đấu giá. Người đó cũng cho hay là “không biết chắc đôi vớ của Sư Phụ có được giặt sạch trước khi mang đấu giá không. Khi Sư Phụ bỏ thân xác này ra đi, ít nhất tôi có đôi vớ của bà cạnh tôi”.
Thanh Hải có phải là Chúa hay Phật sống không? Chắc chắn không phải là Chúa. Càng chắc chắn hơn nữa không phải là Phật vì nếu Thanh Hải là Phật, Thanh Hải đã không tự phong mình là Phật, đã không yêu cầu một cách khéo léo những người theo bà ta từ bỏ của cải vật chất trên thế gian ô trọc này, để hiến dâng cho tổ chức, đã không tự tạo danh tiếng cho cá nhân mình, đã không hưởng thụ, từ tiền tài đến danh vọng.
Theo báo Lake Elsinore’ in The Press- Enterprise, December 31, 1996 p. B01) Thanh Hải có 2000 đệ tử ở California. Tuy nhiên theo bài báo “Unusual Cast of Asian Donors Emerges in DNC Funding Controversy” in the Jan 27, 1997 issue of The Washington Post, Thanh Hải có 100,000 đệ tử ở Hoa Kỳ và hàng triệu đệ tử ở 40 quốc gia trên thế giới.
Hiện có khoảng 60 web sites bằng nhiều thứ tiếng khác nhau trình bày về Pháp Môn Quán Âm và giáo phái Thanh Hải. Tiến sĩ Margaret Singer, một chuyên gia hàng đầu chuyên nghiên cứu vế các giáo phái cực đoan cũng như không cực đoan trên thế giới, cho biết đã nhận được được nhiều thư phàn nàn của một số người theo giáo phái Thanh Hải, về việc họ mất mát những khoản tiền lớn mà người phối ngẫu của họ đã hiến cúng cho tổ chức Thanh Hải. Một số khác nói rằng họ mất cả tiền lẫn người phối ngẫu.
Singer nói, “Hầu hết những người đến than phiền với chúng tôi đều nói là họ đã mất vợ, mất chồng, mất người yêu bởi vì những người thân của họ đã bỏ họ mà tận hiến cho tổ chức, làm việc cho các nhà hàng hay các nhóm hoạt động..” Vị “Phật sống” kiêm “Chúa sống” này đã trở nên một nhà đại doanh thương trong thời đại WTO, làm chủ 56 nhà hàng chay trên khắp thế giới từ Taipei tới Melbourne, từ Orange County đến San Jose. Nhiều trung tâm Thiền Định, trong số đó có trung tâm Thiền ở Los Angeles và Morgan Hill, rộng 40 mẫu ở phía Nam San Jose. Riêng tại thành phố Saigon, Việt Nam có ba nhà hàng chay và một cơ sở sản xuất thực phẩm chay mang tên Âu Lạc.
Tại sao Thanh Hải thuyết phục được nhiều người theo? Bởi vì Thanh Hải thường rao giảng rằng người theo không cần phải từ bỏ đạo truyền thống hoặc niềm tin tôn giáo sẵn có và phương pháp tu Quán Âm là phương pháp hay nhất chưa từng có và người theo bà ta sẽ có được những cái mới mà vẫn giữ những cái họ đang có. Như thế có nghĩa là “chỉ hưởng lợi thêm mà không bị mất đi một thứ gì”. Tâm lý chung của con người bình thường là chỉ muốn có thêm, chứ không muốn mất điều gì. Muốn có nhanh chứ không muốn có chậm!
Còn về câu hỏi “tại sao trong các buổi thuyết pháp lại có đông người đến dự?” Điều này không phải vì Thanh Hải có quyền lực siêu nhiên mà do tài năng và tổ chức khéo của các nhóm hoạt động của bà ta khắp nơi trên thế giới. Bất cứ nơi nào bà ta muốn thuyết giảng, đều được các nhóm đệ tử tại địa phương tổ chức rất chu đáo, quảng bá trên các phương tiện truyền thông hiện đại như báo chí, truyền thanh và truyền hình. Họ không ngần ngại chi tiêu những món tiền rất lớn vào việc quảng cáo, có thể trả hàng chục ngàn Mỹ kim để thuê nhạc sĩ nổi danh, ca sĩ giỏi và dàn hoà âm hay để hoàn thành một bản nhạc. Điều này không phải chỉ có trong cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại mà còn áp dụng trong cộng đồng bản xứ Hoa Kỳ.
Thanh Hải có phải là Vô Thượng Sư và những lời thuyết giảng của bà ta có phải là khuôn vàng thước ngọc để chúng ta noi theo không, điều đó không tuỳ thuộc vào những khả năng ăn nói lưu loát mà là từ hành động và động lực để giảng dạy của bà. Ngài Đạt Lai Lạt Ma Thứ 14 đã nói rằng: “Động lực giảng dạy (của một vị Thầy) phải trong sạch – không bao giờ vì một ước muốn danh tiếng hay lợi lạc vật chất… Trong thế giới, nếu không có một nhà lãnh đạo chân chính thì chúng ta không thể cải thiện xã hội được. Cũng vậy, trừ phi vị thầy có phẩm chất đúng đắn, thì mặc dù đức tin của bạn có mạnh mẽ đến đâu, việc theo học vị thầy có thể làm hại bạn nếu bạn được dẫn dắt theo một đường hướng sai lầm. Vì thế, trước khi thực sự coi ai là thầy, điều quan trọng là phải khảo xét họ…” …
Nếu như vị đạo sư của bạn buộc bạn phải làm việc vô đạo đức hay nếu giáo lý của vị ấy mâu thuẫn với Phật Pháp thì hành xữ như thế nào? Ngài Đạt Lai Lạt Ma nói tiếp:
“Bạn nên trung thành với điều đạo đức và xa rời những gì không phù hợp với Pháp…”
Ở Ấn Độ, một lần kia, một vị thầy có nhiều đệ tử yêu cầu họ đi ra ngoài ăn trộm. Vị thầy thuộc đẳng cấp Bà La Môn và rất nghèo. Ông dạy rằng khi những người Bà la Môn trở nên nghèo khó thì có quyền ăn cắp. Ông nói, là những người được Trời Brahma - đấng sáng tạo của thế giới – yêu quý, đối với một người Bà la môn, việc ăn cắp không xấu xa. Những đệ tử sắp đi ăn cắp thì vị thầy người Bà la môn nhận thấy một đệ tử đứng im lặng cúi đầu xuống. Ông hỏi anh tại sao không đi. Người học trò nói: “Điều thầy dạy chúng con bây giờ trái nghịch với Pháp, vì vậy con không nghĩ rằng con có thể làm được điều đó. “ Lời nói này làm vui lòng người Bà la môn, ông nói: “Ta đã trắc nghiệm các con. Mặc dù các con đều là đệ tử của ta và trung thành với ta, nhưng sự khác biệt giữa các con là sự phán đoán. Ta là thầy của các con, nhưng các con phải xem xét lời chỉ dạy của ta, và bất kỳ lúc nào lời chỉ dạy chống trái với Pháp thì các con chớ nên theo.” …” (15)
Còn có quá nhiều điều đối nghịch với giáo lý nhà Phật, nhưng người viết cho là tạm đủ để độc giả có thể nhìn rõ hơn về cá nhân Thanh Hải cũng như về pháp môn tu Quán Âm đội lốt tên Phật Giáo của bà ta. Thanh Hải có phải là Vô Thượng Sư và những lời thuyết giảng của bà có đáng để chúng ta tin theo không?.
Hoàng Liên Tâm
CHÚ THÍCH:
(01) Thanh Hải Vô Thượng Sư, Bí Quyết Tức Khắc Khai Ngộ Hiện Đời Giải Thoát, 1994, NXB: Công ty ấn loát của Hội Thiền Định Quốc Tế Thanh Hải Vô Thượng Sư, ROC (trang 62)
(02) Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Q.6 Đoạn 27:
http://www.thuvienhoasen.org/kinhthu...tamminh-06.htm
(03) HT. Thích Thiện Hoa, Triết Lý Đạo Phật hay là Đại Cương kinh Lăng Nghiêm, Đoạn 25: “Khi đó đức Quán Thế Âm Bồ Tát đứng dậy lạy Phật cung kính thưa rằng:
- Bạch Đức Thế Tôn, con nhớ từ hằng hà sa số kiếp về trước, có Phật ra đời, tên là Quán Âm. Con đối trước Phật Quán Âm phát tâm Bồ Đề. Ngài dạy con từ ngơi nghe rồi suy nhớ và tu (văn, tư, tu) mà được vào chánh định. Khi mới nghe tiếng, không chạy theo thinh trần, xoay cái nghe trở vào chơn tánh (nhập lưu vong sở). Vì chỗ vào đã yên lặng, nên động và tịnh hai món trần cảnh không sanh. Như thế lần lần tăng tấn đến cái nghe và cảnh bị nghe cũng hết. Cũng không trụ vào chỗ hết nghe. Cái biết hết và cái bị biết cũng không còn. Tiến một bước đến cái “không” và cái “bị không” cũng không còn. Khi cái sanh và diệt đã diệt hết, thì cái chơn tâm tịch diệt hiện tiền.”
http://www.thuvienhoasen.org/daicuon...gnghiem-12.htm
(04) Gordon Young, SF Weekly Article Published May 22, 1996:
http://www.sfweekly.com/Issues/1996-...news/news.html
(05) HT. Thích Tịnh Hạnh, Học Viện Phật Giáo Trung Hoa Dân Quốc, thông tư gởi Phật tử
http://www.thuvienhoasen.org/ddpp-th...chtinhhanh.htm
(06) I heard nothing and saw nothing" August 25, 2002 By a former practitioner of the method of "Suma Ching Hai"
http://www.rickross.com/reference/ch...maching10.html
(07) HT. Thích Duy Lực, Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật, Đoạn 26, Từ Ân Thiền Đường Hoa Kỳ xuất bản:
“Nhược dĩ sắc kiến ngã, Dĩ âm thanh cầu ngã, Thị nhơn hành tà đạo, Bất năng kiến Như Lai.”
Dịch nghĩa:
Nếu dùng sắc thấy ta, Dùng âm thanh cầu ta. Là người hành tà đạo, Chẳng thể thấy Như Lai.
Lược Giải
Nếu dùng sắc thấy ta, Dùng âm thanh cầu ta. Là người hành tà đạo, Chẳng thể thấy Như Lai. Chữ Ta ở đây là tự tánh Phật. Tự tánh bất nhị, chẳng có năng sở, nên chẳng phải sở thấy sở cầu. Nếu đuổi theo căn trần để thấy để cầu là hành theo tà đạo, chẳng thể đạt đến kiến tánh.
http://www.thuvienhoasen.org/u-kkimcang-03.htm
(08) Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, Kinh Thủ Lăng Nghiêm Phật Học Viện quốc Tế Xuất Bản PL 2527 – 1983, mục 8 đoạn 1: http://www.thuvienhoasen.org/kinhthu...tamminh-09.htm
(09) Thanh Hải Vô Thượng Sư, Bí Quyết Tức Khắc Khai Ngộ Hiện Đời Giải Thoát, 1994, NXB: Công ty ấn loát của Hội Thiền Định Quốc Tế Thanh Hải Vô Thượng Sư, ROC (trang 35)
(10) Thanh Hải Vô Thượng Sư giảng tại Đài Bắc, Formosa Ngày 6 tháng 3, 1988)
http://www.dainam.net/forums/showthread.php?t=50405
(11) HT. Thích Tịnh Hạnh, Học Viện Phật Giáo Trung Hoa Dân Quốc, thông tư gởi Phật tử:
http://www.thuvienhoasen.org/ddpp-th...chtinhhanh.htm
(12) ) HT. Thích Thiện Hoa, Triết Lý Đạo Phật hay là Đại Cương kinh Lăng Nghiêm: Phật dạy: - A Nan, ta có dạy các vị Bồ Tát và A La Hán: “Sau khi ta diệt độ rồi, các ông phải thị hiện thân hình, trong đời mạt pháp để cứu độ chúng sanh đang trầm luân, làm thầy sa môn, cư sĩ, vua, quan, đồng na, đồng nữ, cho đến hiện thành đàn bà góa, kẻ dâm nữ, người gian xảo, kẻ trộm cướp, người hàng thịt, kẻ buôn bán, để lẫn lộn trong từng lớp người chung một nghề nghiệp, đặng giáo hóa chúng sanh trở về chánh đạo”. Nhưng các vị ấy quyết chẳng bao giờ nói: “Ta đây thật là Bồ Tát hoặc A La Hán v.v… hay tỏ ra một vài cử chỉ gì làm tiết lộ sự bí mật, để cho người ta biết mình là Thánh nhơn thị hiện. Chỉ trừ sau khi mạng chung rồi, các vị ấy mới âm thầm để lại một vài di tích cho người biết thôi”.
http://www.thuvienhoasen.org/daicuon...gnghiem-00.htm
(13) HT. Thích Tịnh Hạnh, Học Viện Phật Giáo Trung Hoa Dân Quốc, thông tư gởi Phật tử
http://www.thuvienhoasen.org/ddpp-th...chtinhhanh.htm
Theo một luận văn tốt nghiệp cao học báo chí viện đại học UC Berkeley của Eric Lai viết năm 1995 nhan đề Spiritual Messiah Out of Taiwancho biết Thanh Hải có tên là Hue Dang Trinh, sinh ngày 12 tháng 5 năm 1950 tại một làng nhỏ ở miền Trung Việt Nam. Thanh Hải đã có một đứa con với một quân nhân Mỹ. Năm 19 tuổi, vào lúc cao điểm cuộc chiến Việt Nam, Thanh Hải rời Việt Nam với một bác sĩ người Đức đang làm việc cho tổ chức từ thiện quốc tế. Hai người lấy nhau và đi qua Anh rồi Đức sống
http://www.metroactive.com/papers/me...suma-9613.html
(14) Let Us Reason Ministries:
http://www.letusreason.org/NAM29.htm
và HT. Thích Tịnh Hạnh, Học Viện Phật Giáo Trung Hoa Dân Quốc, thông tư gởi Phật tử
http://www.thuvienhoasen.org/ddpp-th...chtinhhanh.htm
(15) Con Đường Đến Tự Do Vô Thượng, nguyên tác Anh ngữ: The Way To Freedom, Dalai Lama Thứ 14 - Việt dịch: Liên Hoa, Nhà xuất bản Thiện Tri Thức 1999.
http://www.thuvienhoasen.org/conduon...othuong-00.htm
-
Member
Re: NHẬN ĐỊNH VỀ PHÁP MÔN QUÁN ÂM CỦA GIÁO PHÁI THANH HẢI VÔ THƯỢNG SƯ
oh. Lại thêm người có lòng post bài này vào cho bà con thiên hạ cùng nghiên cứu! Cảm ơn! Cảm ơn!
Tốt nhất là nên có thêm lòng cầu đạo, tự mình đi khảo nghiệm thử xem thật giả thế nào
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules