sưu tầm ở diễn đàn Uminh.cốc
Hôm nay là ngày lễ của các bà mẹ, nên mình post lên đây để mọi người cùng đọc,
để biết lòng của những người mẹ VN!
Happy Mother's Day - 09/05/2010
Viết Cho Mẹ và Quốc Hội Nguyễn văn Trấn
Lời Giới Thiệu: Nguyễn Văn Trấn Và Quyển Sách "Viết Cho Mẹ và Quốc Hội"
Tháng 9 năm 1995, một sự kiện lạ lùng đã xảy ra tại Việt Nam. Đó là quyển sách "Viết Cho Mẹ Và Quốc Hội" của ông Nguyễn Văn Trấn được in và bán công khai. ở một quốc gia tôn trọng quyền tự do ngôn luận, nếu sự kiện này xảy ra, có lẽ không ai lấy làm ngạc nhiên. Nhưng ở Việt Nam, quả là một việc lạ. Vì ai cũng biết, hệ thống kiểm soát sách báo và truyền thông của chế độ độc tài Việt Nam vô cùng chặt chẽ và gắt gao. Một quyển sách, với nội dung được cơ quan tối cao của đảng cộng sản đánh giá là "rất phản động, rất độc hại" và sau đó bị Trương Tấn Sang, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh, ký một quyết định "Mật" cấm lưu hành và tịch thu (xem Liên Minh tháng 01/1996), lại có thể lọt qua được hệ thống kiểm duyệt để phát hành công khai, lại là một chuyện lạ.
Trước khi đánh giá tại sao chuyện lạ này có thể xảy ra, thiết tưởng cần nói qua về nội dung của cuốn sách và tác giả, để hiểu tại sao nhóm cán bộ phụ trách thẩm định cuốn sách này, trong văn thư mật gởi Đỗ Mười, Đào Duy Tùng, Lê Khả Phiêu, ngày 30/10/95, đã đáng giá rằng : "đây là một cuốn sách có nội dung rất phản động, rất độc hại vì nó vu khống, bêu xấu, chửi bới, lên án gay gắt sự lãnh đạo của Đảng ta một cách toàn diện (cả chính trị, kinh tế và văn hóa, văn học) và "có tính hệ thống" (cố nêu sai lầm này tiếp sai lầm khác trong các thời kỳ và có liên hệ mật thiết với nhau), nó bộc lộ một thái độ bất mãn rất cay cú, trắng trợn, nghĩa là "ăn thua đủ" (nói theo người Nam Bộ) với Đảng ta và chế độ ta".
Ông Bảy Trấn, Hai Cù Nèo:
Ông Nguyễn Văn Trấn, còn được gọi là Bảy Trấn, sinh năm 1914 tại Chợ Đệm thuộc làng Tân Kiên, huyện Bình Chánh, tỉnh Long An (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh). Xuất thân từ một gia đình địa chủ được coi là khá giả, ông được gởi lên Sài Gòn học trường Pétrus Ký (1927). Năm 1930, sau khi thi đậu tú tài phần nhất, ông bỏ học và bắt đầu hoạt động cách mạng chống lại thực dân Pháp. ở thời điểm đó, theo lời tự thuật, ông đã chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi tư tưởng của cụ Phan Chu Trinh và ông Nguyễn An Ninh. Nhưng khi phong trào cộng sản bộc phát mạnh ở khắp nơi, người thanh niên Nguyễn Văn Trấn đã tham gia vào đảng cộng sản, với sự tin tưởng rằng "cách mạng vô sản thế giới sẽ gióng trống phất cờ giải phóng cho dân tộc yếu hèn".
Từ đó, Nguyễn Văn Trấn lao vào cuộc đấu tranh với tư cách là một đảng viên đảng cộng sản. Trong hơn 40 năm hoạt động cho tới lúc về hưu vào năm 1976, Nguyễn Văn Trấn đã giữ nhiều chức vụ quan trọng trong guồng máy đảng cộng sản như Chính Ủy Bộ Tư Lệnh khu 9 và Bí Thư Khu Ủy, Đại Biểu Đại Hội Đảng lần thứ hai, Giáo Sư trường Nguyễn Ái Quốc và sau đó trường Đại Học Nhân Dân tại Hà Nội, Vụ Phó Ban Tuyên Huấn Trung ương. Sau khi về hưu, ông cộng tác với nhiều tờ báo tại Việt Nam, như tờ Tuổi Trẻ, với bút hiệu Hai Cù Nèo, bằng những bài viết châm biếm vạch ra những yếu tố tiêu cực, xấu xa của chế độ xã hội chủ nghĩa. Ông cũng viết nhiều sách khảo cứu, tự thuật như Chúng Tôi Làm Báo (1977), Chợ Đệm Quê Tôi (1985), Chuyện Trong Vườn Lý (1988), Trương Vĩnh Ký, Con Người và Sự Thật (1994).
Năm 1995, ông viết tập "Viết Cho Mẹ Và Quốc Hội". Quyển sách lọt qua vòng kiểm soát của Đảng và được bày bán gần như công khai. Chỉ trong vòng một tháng, hơn 10.000 cuốn sách phát hành hết sạch và ở khắp nước ai cũng bàn tán về những sự kiện được nêu lên trong "Viết Cho Mẹ Và Quốc Hội". Thấy được tầm tác hại của quyển sách, Trương Tấn Sang, theo lệnh của Bộ Chính Trị, ra chỉ thị cấm lưu hành và tịch thu. Trong khi đó, mặc dù bị đánh giá không còn đủ tư cách là đảng viên, nhưng Nguyễn Văn Trấn vẫn chưa bị khai trừ hay bị thi hành kỷ luật, vì theo báo cáo mật gởi Bộ Chính Trị, nhóm công tác viên đề nghị "Để không gây dư luận xôn xao trước đại hội 8, nên chưa thi hành kỷ luật khai trừ vội". Điều đó có nghĩa là, bản án dành cho Nguyễn Văn Trấn vẫn treo ở đó, chờ có cơ hội tốt Đảng sẽ thi hành.
"Viết Cho Mẹ Và Quốc Hội", hồi ký chính trị của một đảng viên cộng sản kỳ cựu:
"Viết Cho Mẹ Và Quốc Hội" là một cuốn sách dày 544 trang, được tác giả Nguyễn Văn Trấn viết như một loại hồi ký chính trị, nói về cuộc đời của chính mình, những bước thăng trầm của tác giả trong khoảng 50 năm "làm cách mạng" và những trăn trở của ông trước hiện tình đất nước. Trước hết, quyển sách được viết như một lời sám hối của một người cộng sản phản tỉnh, như tiếng thét phẫn nộ của một người dân trước những bất công, phi lý của đời sống và như một bản án lệnh dõng dạc vạch tội đảng cộng sản Việt Nam.
Tại sao tác giả lấy tựa đề "Viết Cho Mẹ Và Quốc Hội" ? Mẹ ở đây là là người sinh ra mình, Mẹ còn là biểu tượng cho cội nguồn, cho tổ quốc. "Viết cho Mẹ" của Nguyễn Văn Trấn dường như để gởi một thông điệp đến cho tất cả những ai, trong đó có nhóm lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam, đã quên mất mình từ đâu mà ra, quyền bính do đâu mà có. Đoạn mở đầu, tác giả đã nhắc đến việc Khổng Tử nói "đàn bà khó dạy" và Lỗ Tấn tự hỏi : "Không biết khi nói đàn bà khó dạy, Khổng Tử có kể mẹ ông vào đó hay không?" Thái độ coi thường nguyện vọng của người dân của tập đoàn lãnh đạo đảng cộng sản được Nguyễn Văn Trấn xem như một người kinh thường mẹ đẻ ra mình. Trong một lá thư gởi ra ngoài nói về tác phẩm của mình, Nguyễn Văn Trấn viết, vẫn bằng lối khôi hài chua chát: "Mọi việc ở đời đều phụ thuộc vào dân và dân thì phụ thuộc vào lời nói. Mà hỡi ôi, ở Việt Nam nay câu nói của dân gian vẫn còn có giá trị "Ngắn cổ kêu chẳng thấu trời". Nguyễn Văn Trấn không kéo cổ dân cho nó dài ra, mà chỉ làm một con cóc khô kêu gào cho"Thượng Đế Đảng" chớ có quên động cơ thành lập Đảng là "Đem lại tự do bình đẳng lại cho nhân dân".
Trong tiếng kêu gào thay cho dân đen thấp cổ, bé miệng, Nguyễn Văn Trấn hướng về Quốc Hội, vì dù muốn dù không, đây cũng là cơ chế được xem là đại diện cho tiếng nói nhân dân, là nơi thông qua cái bản hiến pháp trong đó những quyền tự do căn bản của con người, như quyền tự do ngôn luận, báo chí, được long trọng công nhận. Hướng về nơi mang danh nghĩa là đại diện cho nhân dân để đòi quyền cho nhân dân, Nguyễn Văn Trấn muốn vạch trần bản chất mỵ dân của chế độ mà ông đang sống.
Bằng thể loại thuật chuyện như nói, pha lẫn khôi hài và châm biếm, toàn bộ quyển sách phản ảnh sự cay độc của tác giả trong cách chỉ trích tập đoàn lãnh đạo cộng sản và những sai lầm liên tục của Đảng cộng sản Việt Nam. Nội dung của quyển sách nhắm vào ba điểm chủ yếu :
1) Những sai lầm và tội ác của đảng cộng sản Việt Nam:
Qua từng thời kỳ của lịch sử, ông Nguyễn Văn Trấn đã vạch ra nhiều sai lầm là tội ác của đảng cộng sản Việt Nam. Trong thời kỳ cải cách ruộng đất tại Miền Bắc, quyển sách nêu lên nhiều bằng chứng cho thấy sự độc ác của chế độ. Theo ông, vì rập theo sự chỉ đạo của Mao Trạch Đông và cúi đầu vâng lệnh cố vấn Trung Quốc, đảng cộng sản đã giết hại nhiều người vô tội trong vụ cải cách này, thậm chí dứt tình và đối xử độc ác với những đồng chí hôm qua của mình, làm tan nát tình làng nghĩa xóm. Cũng trong giai đoạn này, cuộc chỉnh huấn và cải tạo trí thức Miền Bắc đã làm cho nhiều người chết hay thân tàn, ma dại. Quyển sách đã kết luận rằng "thật ra chỉnh huấn làm cho người cộng sản ngây thơ ngày xưa học rồi thấy mình "chẳng ra con người" nữa; chỉnh huấn là sáng tạo kỳ quái, là biểu hiện cường bạo của Mao, bậc vua chúa cách mạng ở phương Đông".
Đối với vụ Nhân Văn - Giai Phẩm, quyển sách ca ngợi những người như Trần Dần, Nguyễn Hữu Đang xứng đáng là những kẽ sĩ Việt Nam, đã biểu hiện khí tiết của mình trước cường quyền và so sánh tòa án của chế độ như là một "tôn giáo pháp đình của giáo hội thời trung cổ", xét xử tùy tiện, vô luật lệ. Gần đây, trước đòi hỏi phải xét lại vụ án này, Nguyễn Văn Trấn phê phán thái độ ngoan cố của lãnh đạo Đảng, không chịu sửa sai, giải oan cho những kẻ vô tội, mà "lại cứ gào : đây là vụ án chính trị, vụ án đã qua, bọn Nhân Văn đã nhận tội, không nên nhắc tới nữa,...".
Quyển sách cũng đưa ra một số sự kiện lịch sử, trong vụ án xét lại chống đảng vào thập niên 60. Theo ông Nguyễn Văn Trấn, Lê Đức Thọ đã thao túng Hội Nghị Trung ương lần thứ 9 của đảng cộng sản vào năm 1963, vô hiệu hóa ông Hồ Chí Minh, để kéo đảng cộng sản Việt Nam chống chủ trương xét lại của Liên Xô. Sau vụ này, như chúng ta đã biết, là hàng loạt vụ bắt bớ, thanh trừng đã xảy ra.
Đối với việc thống nhất đất nước từ 1975, theo ông Nguyễn Văn Trấn, là tham vọng của nhóm lãnh đạo Bắc Hà muốn thống trị miền Nam, không muốn cho miền Nam được phát triển. Nó đã gây ra tai họa lớn cho Miền Nam, làm cho Miền Nam trượt dốc băng để "đuổi kịp Miền Bắc" và cùng nhau ăn độn ! Ngược lại với đường lối cưỡng ép này, ông Nguyễn Văn Trấn đưa ra đề nghị thành lập một Liên Bang Việt Nam gồm hai miền Nam-Bắc, với một chế độ tự trị tại miền Nam.
Đánh giá về giai đoạn hiện nay, từ khi Hà Nội triệt hạ Câu Lạc Bộ Kháng Chiến tại miền Nam, tịch thu các quyền cơ bản của con người, theo lời ông Nguyễn Văn Trấn, chế độ độc tài đang muốn đàn áp các tiếng nói của lương tri như Linh Mục Chân Tín, ông Nguyễn Ngọc Lan, ông Đỗ Trung Hiếu, hoặc bắt giữ các gương mặt tiêu biểu của truyền thống dân chủ như ông Nguyễn Hộ, khai trừ khỏi đảng các văn nghệ sĩ như Bùi Minh Quốc, Dương Thu Hương và các nhà cách mạng lão thành như ông Lê Hồng Hà, ông Nguyễn Trung Thành v.v...
2) Lên án việc đàn áp tôn giáo và kêu gọi trở về với tôn giáo:
Là người đi theo một chủ nghĩa vô thần trên 40 năm, sự hồi đầu của Nguyễn Văn Trấn được nhìn thấy rõ trong những phê phán của ông về chính sách đàn áp tôn giáo của các đảng cộng sản, về tình trạng mất mát các giá trị thiêng liêng của xã hội Việt Nam như luân lý, đức tin, điều thiện, thái độ bao dung và ánh sáng của tôn giáo trong tâm hồn con người. Trang 398, ông kết luận rằng "tái lập những giá trị tôn giáo là con đường duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng thiêng liêng hiện thời". Trong quyển sách, ông trích rất nhiều bài giảng của linh mục Chân Tín, để phần nào muốn nói lên sự sám hối của ông và ý muốn trở về với những giá trị tinh thần và tôn giáo, những giá trị đã và đang bị dập vùi một cách tàn bạo dưới chủ nghĩa vô thần cộng sản.
3) Đòi hỏi những quyền tự do căn bản của con người, đặc biệt là quyền tự do báo chí:
Trong phần 3 và cũng là phần cuối của quyển sách, Nguyễn Văn Trấn kết thúc bằng một kiến nghị gởi Quốc Hội cộng sản, trong đó có đoạn viết "Tôi lưu ý Quốc Hội, sự giả đò không chăm sóc, sự giả đò quên các quyền căn bản của con người, là nguyên nhân gây ra đau khổ cho Tổ Quốc, cho nhân dân, là nguyên nhân gây ra sự đồi bại của những kẻ làm ông nhà nước". Ông yêu cầu được tự do ngôn luận và tự do báo chí, vì theo ông "Hiện thời người trong nước ta, đang khao khát nhơn quyền và các quyền tự do dân chủ. Nhà làm báo, thì nghĩ theo nhà báo : Nếu nói nhơn quyền là một cái la bàn, thì kim chỉ nam là tự do ngôn luận, tự do báo chí và in sách."
Ông kết thúc quyển sách bằng câu "Tôi chờ Quốc Hội trả lời". Nhưng sự chờ đợi này, chính ông cũng biết là vô ích. Ông chờ đợi một điều khác, đó là phản ứng của quần chúng, của Đảng. Và ông đoán đúng. Quốc Hội vẫn im lặng như mấy chục năm qua như một gã câm chỉ biết gật đầu. Quần chúng phấn khởi vì có một người như ông, đi theo đảng nhiều năm, dám nói lên những điều mà quần chúng bình thường dấu tận đáy lòng, không dám nói ra. Đảng nổi giận vì có người dám nhục mạ Đảng. Những sự việc xảy ra tiếp theo, như ra lệnh cấm lưu hành, tịch thu sách, răn đe ông Nguyễn Văn Trấn và dằn mặt các đảng viên khác, chỉ là một tiến trình logic của thể chế độc tài tại Việt Nam, không ai ngạc nhiên, kể cả ông Nguyễn Văn Trấn.
***
Sự kiện quyển sách "Viết Cho Mẹ Và Quốc Hội" của ông Nguyễn Văn Trấn được bày bán công khai, rồi sau đó bị cấm đoán và tịch thu, phản ảnh một số hiện trạng tại Việt Nam.
Trước hết, qua nội dung của cuốn sách, chúng ta có thể đánh giá rằng càng ngày càng có nhiều người từng phục vụ cho đảng cộng sản, nhìn ra được bản chất độc ác và những chính sách sai lầm tai hại của Đảng đã là nguyên nhân của tình trạng lụn bại của đất nước Việt Nam hôm nay. Những người này, tham gia vào đảng cộng sản với lý tưởng yêu nước, yêu dân. Ngày nay, họ nhận chân được rằng đảng cộng sản không phục vụ cho lý tưởng đó, mà ngược lại còn làm hại nước, hại dân. Sự phản tỉnh của những người này đã thúc đẩy họ nói lên, viết ra những lời cảnh tỉnh, những bản cáo trạng dành cho đảng cộng sản Việt Nam. Điều chắc chắn là họ sẽ bị bịt miệng, bị đàn áp, để lãnh đạo đảng hủy diệt mọi mầm mống chống đối trong nội bộ đảng.
Nhưng một quyển sách như vậy, lọt qua được hàng rào kiểm soát cũng là một sự kiện đáng quan tâm. Qua nhận định nội bộ của Đảng, "việc để cho cuốn sách độc hại này được in và bán là một sơ hở, thiếu sót của cơ quan tuyên huấn và cơ quan quản lý xuất bản, quản lý ấn loát ở TP Hồ Chí Minh" và đưa ra chỉ thị là phải có biện pháp xử lý đối với những người có trách nhiệm trong việc in ấn và phát hành.
Việc này làm cho chúng ta nhớ lại vụ tờ báo Truyền Thống Kháng Chiến bị cấm không cho in và phát hành, nhưng sau đó được cơ sở ấn loát của nhà nước tại các tỉnh Miền Nam in và phổ biến. Tại Việt Nam, đảng và nhà nước cộng sản kiểm soát mọi phương tiện ấn loát truyền thông, từ giấy, nhà in, đến nhà xuất bản. Nhưng những tác phẩm như "Viết Cho Mẹ Và Quốc Hội" vẫn in và bán được, tức là cần phải có sự đồng tình, giúp đỡ của chính cán bộ, đảng viên trong guồng máy sản xuất và kiểm soát sách báo. Chính vì sợ "bứt dây, động rừng", nên lãnh đạo đảng cộng sản chưa dám có biện pháp mạnh với ông Nguyễn Văn Trấn. Sự kiện này cũng phản ảnh tình trạng phân hóa, giao động cùng cực trong chế độ Hà Nội và chắc chắn xu hướng cổ võ cho một nước Dân Chủ Tự Do, tôn trọng Nhân Quyền đang ngày một lên cao trong hàng ngũ đảng viên cộng sản Việt Nam. Đây là một ngòi nổ vô cùng nguy hiểm, nó có khả năng châm ngòi cho một ngọn núi lửa, như sự so sánh của ông Nguyễn Hộ, để đốt tan mọi độc tài, áp chế tại Việt Nam.
Nguyễn Đức Quang
__________________
_________________________Đập cổ kính ra tìm lấy bóng ,
Xếp tàn y lại để dành hơi .