Phép Lạ




Trong bệnh viện St. Joseph ở thành phố Orange, California, ngày 29-7-2011 sau khi hiến tủy, Đào Ngọc Diệp (trên giường), bà Kim Qui (mẹ của Diệp), bà Hồng Phúc (mẹ của Matthew), Matthew (người được Diệp cho tủy năm 2009), Michael Ocean (chồng của Diệp) - ảnh: Ô. Đỗ Dư (bố của Diệp) cung cấp.

- Cô tiên ơi, cứu con với! Cứu con, xin đừng bỏ con, cô tiên ơi...!
Tiếng cậu bé, trong cơn mơ, vang lên thất thanh giữa đêm khuya khiến mọi người thức giấc. Hai ông bà ngồi bật dậy, bước sang giường cậu bé. Ông buồn rầu đỡ cậu lên, trong khi bà dùng chiếc khăn lau khắp mặt mũi và mình mẩy cậu bé đang ướt đẫm mồ hôi, không biết vì sợ hãi hay tuyệt vọng. Bà ôm chặt cháu vào lòng. Giọt nước mắt lăn dài trên cả ba khuôn mặt...

* Hy vọng mong manh vào phép lạ
Vị bác sĩ bước vào phòng với vẻ mặt trang nghiêm. Gia đình cậu bé hồi hộp nhìn ông chờ đợi. Ông điềm đạm lên tiếng: “Tôi báo cho ông bà biết là một phép lạ có thể xảy ra, nhưng điều này có trở thành hiện thực hay không thì còn tùy thuộc vào một người...”.

- Là ai vậy? Xin bác sĩ cho chúng tôi hay. Chúng tôi sẽ đến... Giọng người đàn bà nghẹn lại...
- Đó là một bà tiên, nhưng...
- Nhưng sao bác sĩ? Người đàn ông hỏi dồn.
- Nhưng cho đến giờ phút này, phép lạ vẫn còn hoàn toàn tùy thuộc vào quyết định cuối cùng của bà...

* Giấc mơ thành sự thật
Nàng tiên, thật dễ thương và thật trẻ, lướt bay thật nhanh trên đôi cánh của hãng hàng không US Airway từ Phoenix về Orange County chỉ mong kịp cứu được cậu bé, vì mạng sống của cậu hiện đang như ngàn cân treo sợi tóc. Nàng tiên ấy, chỉ vừa tròn 27 tuổi, với cái tên Việt Nam: Đào Ngọc Diệp.

- Chào Ngọc Diệp. Em có thể tự giới thiệu về mình và cho biết trong hoàn cảnh nào mà em đã cứu sống được hai sinh mạng như một phép lạ trong chuyện thần thoại?

- Chào chị. Em qua Mỹ lúc em 5 tuổi với ba mẹ và định cư tại San Diego. Năm 2004 khi em đang học tại trường đại học UC San Diego thì tình cờ gặp các cô chú của Hội Hiến Tủy Á Châu vào trường kêu gọi mọi người ghi danh. Em và một số bạn bè ghi danh ngay, vì mau lắm không mất thời gian chút nào cả, và không hề đau đớn gì hết.

(Để biết được là tủy mình có thể trùng hợp với một người bệnh nhân nào đó, chúng ta chỉ cần điền một mẫu đơn cho lý lịch rồi lấy 4 cây gạc bông gòn quẹt trong miệng để thử nghiệm các mẫu tế bào của mình). Năm 2009 em lên Arizona để theo học ngành Y khoa tại trường đại học Midwestern.


Victor Vũ, bệnh nhân 12 tuổi đang chờ tủy
ảnh: Hội A3M cung cấp
.

* Duyên cứu mạng
- Đầu tháng 7 năm nay, khi em và ông xã đang đi nghỉ hè thì nhận được điện thoại của Hội National Marrow Donnor Program (NMDP). Họ cho biết là tủy của em gần như là hoàn toàn hợp với một cậu bé 11 tuổi, và bệnh nhân đang trong tình trạng vô cùng nguy kịch vì mạng sống chỉ còn tính theo từng ngày một.

Thế là không cần suy tính gì cả, em vội vã trở về. Đến nhà là em gọi liên lạc ngay với hội thì được biết rằng theo yêu cầu của bác sĩ, cậu bé chỉ hy vọng được cứu sống với phương pháp lấy tủy thẳng từ xương chậu mà thôi, còn phương pháp thông thường là PBSC thì e rằng không cứu kịp.

Theo tài liệu của tổ chức NMDP, có hai cách lấy tủy bào.

Phương thức thứ nhất gọi là hiến tặng huyết bào gốc ngoại vi - Peripheral Blood Stem Cell hay PBSC - bằng cách lọc máu, không qua phẫu thuật.

Cách thứ nhì là hiến tủy bằng cách phẫu thuật ở vùng xương chậu để lấy dịch tủy.

Hai cách này đều tương đối an toàn, và số tủy lấy ra chỉ tối đa 5% lượng tủy trong cơ thể, các tế bào sẽ tự thay thế trong vòng 4-6 tuần lễ sau khi hiến tủy. Có nhiều loại bệnh cần đến tủy bào và một trong những bệnh phổ biến nhất là ung thư máu - leukemia.

Cũng xin nhắc lại phép lạ đầu tiên mà cô tiên Ngọc Diệp đã ban tặng cho một bệnh nhân: Mathew Nguyễn vào năm 2009. Hội Hiến Tủy Á Châu đã tổ chức một buổi hội ngộ tri ân thấm đầy nước mắt.

Cậu Mathew Nguyễn, 26 tuổi khi được thay tủy 2 năm về trước, đã liên lạc bệnh viện và bác sĩ điều trị mong biết tin về người đã cứu mạng mình. Bệnh viện liên lạc với người ân nhân. Đó chính là cô tiên trẻ này đây, Đào Ngọc Diệp, và cô đồng ý (Người hiến tủy có quyền từ chối và sẽ được bảo vệ bí mật các dữ kiện cá nhân).

Hội đã mua vé máy bay cho Diệp cùng cha mẹ, bay từ Arizona xuống Orange County gặp Mathew cùng ba má, có cả người vợ trẻ mới cưới của Mathew nữa chứ. Hai gia đình nắm tay nhau mà khóc. Còn ba mẹ cậu Mathew thì nhận Diệp làm con, và xem như Mathew có thêm được cô chị gái với tấm lòng nhân ái, người đã cứu mạng sống em nuôi của mình.

* Hy sinh không do dự
- Thế phản ứng của Diệp như thế nào khi biết được yêu cầu cấp bách của bác sĩ?
- Em và chồng em, anh Michael, bằng lòng ngay. Cô gái trẻ đáp. Nhưng ba mẹ em thì hơi lo, bởi lần trước, em đã hiến tủy theo phương pháp PBSC. Kỳ này nghe đến xương chậu nên ba mẹ không an tâm.

Nhưng em học ngành y, em hiểu rõ lắm, hoàn toàn không có gì nguy hiểm cả. Em in các tài liệu ra đưa ba mẹ đọc, rồi anh trai em là dược sĩ cũng xúm vào trấn an ba mẹ, xin ba mẹ an lòng cho em được cứu một mạng người.

Lúc đầu, ba mẹ cũng còn do dự, nhưng khi em hỏi là “Nếu như cu Bin (đứa em họ rất hồn nhiên và dễ thương của em, năm nay 12 tuổi) cần tủy thì ba mẹ sẽ nghĩ sao?

Gia đình của cậu bé kia chắc chắn đã và đang đau khổ lắm, và bây giờ họ vẫn đang hy vọng - dù rằng tia hy vọng mong manh leo lét từng giờ. Mong ba mẹ hãy thương cậu bé chưa từng biết mặt khi như cu Bin nhà mình, mà cho phép con làm theo những gì mà trái tim con muốn”. Thế là ba mẹ ủng hộ em...

- Thế tại sao Diệp phải đáp chuyến bay gấp vào giờ chót từ Phoenix về Orange County như vậy? Không cho tủy tại một bệnh viện ở Arizona được hay sao?

- Tình hình cấp bách quá, chị à. Các bệnh viện trên này không còn chỗ, mà cậu bé không chờ đợi được lâu hơn nữa. Nên Hội NMDP mua vé cho em ngay để bay về Cali ngày Thứ Năm và sẽ trở về lại Arizona ngày Thứ Bảy. Diệp bỗng bật cười, tiếng cười khúc khích dễ thương của cô gái trẻ...

- Diệp cười gì vậy? Tôi hỏi.

* Cuộc hành trình kỷ niệm

- Nói ra kỳ lắm. Em phải xin nghỉ học hai ngày Thứ Năm và Thứ Sáu. Mà chị biết đó, em đang học năm thứ 3 ngành Y khoa, bài vở đầy đầu, em chưa biết tính sao thì Hội NMDP viết thư xin phép nhà trường cho em được nghỉ hai ngày. Nhà trường chấp nhận ngay. Thế là em vội vã đi, cũng không mang theo hành lý gì cả, đi và về tổng cộng có 3 ngày, chỉ mong sớm kịp về để học bài mà thôi...

- Diệp kể tiếp về cuộc hành trình hết sức ly kỳ này đi.

- Em đến Orange County tối Thứ Năm. Có người của Hội ra tận phi trường đón và đưa em về khách sạn. Ba mẹ em lái xe từ San Diego lên đây. Có cả Mathew, người đã nhận tủy em tặng 2 năm trước ra đón em nữa. Cũng nói thêm là từ hôm họp mặt, gia đình Mathew và gia đình em kết nghĩa luôn rồi, nên hai bác mời ba mẹ em về nhà ngủ để sáng sớm mai đưa em đến bệnh viện.

Sáng hôm sau, mọi người chở em đến bệnh viện St. Joseph lúc 5 giờ 30 sáng. Ba mẹ, ông xã em, Mathew và hai bác thì ngồi chờ bên ngoài. Nhân viên tại đây bảo em thay đồ, họ khám sức khỏe cho em lần nữa, rồi tiêm truyền nước biển. Gần 7 giờ rưỡi sáng thì em được chích thuốc mê, khi tỉnh dậy em nhìn đồng hồ thì gần 9 giờ sáng.

- Lúc mở mắt ra, cảm giác của Diệp như thế nào?
- Em thấy khỏe như bình thường, không đau, và cũng không có gì lạ cả. Em xin nói thêm ở đây để mọi người an tâm, là phương pháp lấy tủy trực tiếp này thì lấy từ xương chậu, hoàn toàn không đụng gì đến cột sống hết cả, nên mình đừng lo.

Theo một số quan niệm truyền thống Á Đông, người ta thường cho là khi hiến tủy “sống” ta sẽ bị nguy hại tới sức khỏe và có khi bị tê liệt vì sẽ phạm vào hệ thần kinh nơi xương sống.

Thật ra đó là một thành kiến sai lầm vì dù là có cho rút tủy bào thì khi làm phương thức này cũng chỉ dùng một cây kim chích đưa vào xương chậu dưới đai lưng để rút tủy mà không hề đụng vào xương sống. Ai nấy cứ đồn nhau là chích ống kim vô cột sống, thế là thiên hạ cứ sợ đau, sợ đủ thứ.

Diệp lại cười. Như em nè, con gái, lại trẻ nữa, mà còn cho tủy được, không hề thấy đau, thì làm sao các anh, các chú, các cô bác, lớn, mạnh và khỏe hơn em nhiều lại phải e sợ kia chứ?

- Khi nào thì Diệp rời bệnh viện?

- Đúng ra thì em có thể ra về rồi, nhưng bác sĩ chu đáo nên giữ em lại để theo dõi. Đến 6 giờ 30 chiều thì em ra về.

- Thế từ 9 giờ đến chiều thì Diệp làm gì?

- Em nằm, nghỉ ngơi, xem tivi, và có ngủ chút chút. Thời gian này thì em có thể tiếp xúc với gia đình rồi. Phải nói là em rất cám ơn ba mẹ, ông xã em cùng tất cả mọi người không những đã ủng hộ mà còn lo lắng, sát cánh bên em trong những giây phút này.

Mấy tiếng đồng hồ trong bệnh viện, em cảm thấy vui lắm, bởi em biết ở đâu đó trên quả đất này, đang có một mạng người được cứu sống, khiến em lại nhớ đến cu Bin, chắc hẳn gia đình cậu bé kia sẽ sung sướng và hạnh phúc lắm.

* Chỉ có một cuộc đời để sống

- Gia đình Diệp theo tôn giáo nào?

- Không có tôn giáo nào cả. Ba mẹ em chỉ dạy các con làm việc lành, giúp đỡ người khác, vậy thôi.

- Diệp đã luôn luôn không ngần ngại hiến tủy của mình để cứu người, mà những đến hai lần, thật là một việc làm nhân ái đáng ngưỡng mộ và khâm phục. Không phải ai cũng làm được như vậy đâu.

Có một số người có thể mạnh dạn mang tiền của ra bố thí, nhưng khi cần đến một phần gì đó của thân thể, thì họ sẽ phải đắn đo, ngần ngại. Thế Diệp có bao giờ nghĩ rằng mình làm phước thì sẽ được phước hay không?

- Em không biết nói sao. Cô gái trẻ lại cười. Em không rành về đạo gì cả. Theo em nghĩ, mỗi chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống, thì mình hãy sống sao cho có ích. Mà đã là mạng sống, thì cụ già hay đứa bé cũng đều quý như nhau. Em chỉ mong cậu bé kia, sau khi được hồi sinh, thì một ngày nào đó, cậu cũng sẽ hiểu được điều này, và sẽ sống và đối xử tốt với mọi người, như cậu đã từng được đối xử ngày hôm nay...

- Thế mất 3 ngày cuối tuần, Diệp có tiếc không, trong khi bạn bè đi chơi đâu đó? Tôi hỏi đùa.

- Thời buổi kinh tế khó khăn mà, chị biết đó, Diệp cười. Thất nghiệp lan tràn, chủ mà gọi làm overtime thì mọi người mừng muốn chết, ai cũng tranh thủ kiếm thêm tiền để dành cho mai sau. Em cũng vậy, 3 ngày cuối tuần này, cứ coi như em làm overtime đi. Vỏn vẹn có 3 ngày, mà được trả bằng cả mạng sống của một con người, thì tại sao mình phải do dự hay hối tiếc?

Mấy đứa bạn thân và ông xã em cứ chọc hoài, bảo là em được trúng số, mà lại trúng đến hai lần. Em bảo chồng em là khi nào đến phiên anh trúng số, em cũng sẵn sàng có mặt bên cạnh để chia vui với niềm hạnh phúc mà anh có...

Xin nói thêm là theo nữ y tá Tina Tillman cho biết, xác suất có được tủy phù hợp 100% giữa hai người xa lạ còn khó hơn là trúng số, vì thành phần cấu tạo di truyền trong mỗi người.

Tại bệnh viện St. Joseph, một trong những nơi lấy tủy lớn nhất Hoa Kỳ, có khoảng 100 trường hợp cho tủy mỗi năm.Trung bình từ lúc ghi danh hiến tủy tới khi có người cần đến là 8 năm, nhưng cũng có người vừa mới ghi tên đã được kêu, và có người chờ hàng chục năm vẫn chưa thấy ai gọi mình.

Thống kê cho thấy người Á Châu ít ghi danh hiến tủy hơn người da trắng rất nhiều, cho nên khi có bệnh nhân người Á Châu thì xác suất tìm được tủy phù hợp với họ cũng rất hiếm hoi.

* Nàng tiên trong câu chuyện cổ

- Diệp bay đến, ban cho một phép lạ nhiệm mầu, rồi lại vội bay về, cứ như nàng tiên trong chuyện cổ tích. Diệp qua Mỹ lúc mới 5 tuổi, thế khi nhỏ Diệp có hay đọc truyện cổ tích không?

- Có, mẹ đọc cho em nghe, mà giờ em chỉ nhớ mang máng thôi. Chị khen quá, chứ em không phải là tiên đâu. Theo em nhớ thì các bà tiên thường bay trên mây và mang theo cây đũa thần để ban phép lạ. Còn em thì làm gì có đũa? Chỉ biết là lúc ngồi trên máy bay bận về, nhìn qua ô cửa sổ thấy đầy những đám mây trắng, không hiểu sao em cảm thấy hạnh phúc và bình an lắm, có lẽ vì em vừa mới mang đến một niềm vui cho một gia đình nào đó...

- Cho phép chị thay mặt các bệnh nhân và gia đình cám ơn Ngọc Diệp. Em đã hai lần mang phép lạ để ban tặng sự sống cho những con người trong lúc tuyệt vọng nhất. Chúc Diệp sớm trở thành cô bác sĩ trẻ với tấm lòng từ mẫu để xoa dịu nỗi đau của các bệnh nhân.

... Chuyện cổ tích ngày xưa có một công chúa, hay một ông vua.
Chuyện cổ tích ngày nay, có một nàng tiên rất trẻ...
Đào Ngọc Diệp - cô tiên dễ thương với nụ cười tươi tắn, là một con người thật, ngay tại thế kỷ 21 này, chứ hoàn toàn không phải trong các câu chuyện thần thoại ngày xưa.

Mỗi người chúng ta đều có khả năng ban phép lạ...
Vẫn còn những cậu bé như cậu bé trong phần đầu của bài viết này, những nhân vật có thật, hiện đang sống tại Quận Cam, chờ có tủy bào trùng hợp.

Cậu bé Victor Vũ, năm nay 12 tuổi, mồ côi mẹ (mẹ cậu mất vì bệnh ung thư năm cậu mới 7 tuổi) và hiện đang sống với ông bà nội. Khi lên 10, cậu mắc chứng bệnh ung thư máu và vẫn đang mỏi mòn hy vọng được cứu sống bởi một phép lạ.

Mong rằng mỗi chúng ta hãy tự cho mình một cơ hội để trở thành một nàng tiên, một ông tiên, hay một bà tiên đối với cậu bé hồn nhiên này, như trong giấc mơ hằng đêm của cậu. Xin hãy mở rộng lòng nhân ái để ban phép lạ cứu sống một mạng người.

Quý độc giả có thể đến ghi danh với Hội Ghi Danh Hiến Tủy Á Châu: mỗi tối Thứ Sáu, Thứ Bảy và Chủ Nhật từ 7-10 giờ tối tại phiên chợ đêm trước khu Phước Lộc Thọ từ hôm nay cho đến hết ngày 4-9-2011 (Labor Day). Nếu ở xa có thể liên lạc số (714) 553-0520 hay email: hientuy@gmail.com để được gửi que gạc qua đường bưu điện.

Quý độc giả có biết?
Hội Hiến Tủy Á Châu (A3M) là một cơ quan thiện nguyện phụ trách phổ biến và tuyển chọn những người tình nguyện ghi danh vào Chương Trình Hiến Tủy Toàn Quốc (Be The Match). Hội được thành lập từ năm 1991 và hoạt động trong các cộng đồng thiểu số như Việt Nam, Nhật Bản, Trung Hoa, Đại Hàn, Thái, Lào, Cam Bốt, Ấn Độ, các sắc tộc Quần Đảo Thái Bình Dương và Châu Á.

Riêng trong cộng đồng người Việt, chiến dịch phổ biến về các phương thức hiến tủy hoặc tế bào gốc đã được đẩy mạnh trong những năm vừa qua vì tỷ lệ của số người Việt ghi danh vào chương trình này lại quá ít ỏi và chỉ đạt được 0,5% của tổng số 7.500.000 người tình nguyện trên toàn quốc Hoa Kỳ. Trong khi đó con số các bệnh nhân ung thư máu và các chứng hoại huyết ngày một gia tăng.

Nhờ vào sự trợ lực của các lãnh đạo tôn giáo, các hội đoàn, các cơ sở thương mại, chánh quyền điạ phương và nhất là các giới truyền thông, truyền hình và báo chí, số người Việt tình nguyện tham gia vào chương trình hiến tủy đã từ từ gia tăng tuy nhiên tỷ lệ đó cũng chưa đủ để cung ứng cho số bệnh nhân cần ghép tủy và tế bào gốc.

Theo quy luật hiện hành mọi người từ 18 tới 60 tuổi mà có sức khoẻ trung bình đều có thể ghi danh vào chương trình này và sẽ được lưu trữ trong danh sách các người tình nguyện cho tới năm 61 tuổi thì sẽ được loại ra khỏi danh sách đó.

Mặc dù số người ghi danh trong những năm qua càng ngày càng đông nhưng con số những người ghi danh trong quá khứ bị loại ra khỏi chương trình cũng rất nhiều do đó con số người tình nguyện còn lại không mấy thay đổi.

Hiện nay Hội A3M cố gắng kêu gọi những người trẻ tuổi từ 18 tới 40 tích cực tham gia vào chương trình hiến tủy thì mới có hy vọng tăng gia tỷ lệ người Việt trong danh sách Toàn Quốc.

Việc thử nghiệm giản tiện mau chóng này có thể làm ngay tại nhà và muốn tham gia vào chương trình này, xin quý vị gọi số 213-473-1675 (nói tiếng Việt)hoặc số miễn phí 1-888-A3M-HOPE. Quý vị cũng có thể vào trang nhà của Hội: www.asianmarrow.org hay www.a3mhope.org


Tâm An/Viễn Đông