Results 1 to 1 of 1

Thread: Cuộc Đời Mẹ Maria (Phần 3)

  1. #1
    Moderator Dan Lee's Avatar
    Join Date
    Jan 2007
    Location
    Tigard, Oregon
    Posts
    11,776

    Default Cuộc Đời Mẹ Maria (Phần 3)

    Cuộc Đời Mẹ Maria (Phần 3)

    30. Cuộc sống trở về Nazareth:
    Một hôm Sứ Thần đến báo tin cho Thánh Giuse đem Mẹ và Chúa Giêsu về thành Nazareth. Thế là Mẹ và Thánh Giuse đem hết của bố thí cho người nghèo, còn nhà cũng cho người ta ở. Lúc đi thế nào, lúc về thế vậy. Các Thiên Thần hộ tống Mẹ đi. Tới đâu Chúa và Mẹ thi ân tới đó. Sau cùng cũng tới được thành Nezareth quê hương mình. Căn nhà tổ tiên Mẹ để lại cho người bà con ba đời của Thánh Giuse coi giữ vẫn còn nguyên vẹn, không gì thay đổi. Vào nhà Mẹ sấp mình cảm tạ Chúa đã đưa gia đình Mẹ về bình an. Nhưng từ đây những sự thử thách mới sẽ đến với Mẹ. Chúa Giêsu có giọng nói cao kỳ, cứng cỏi, vè mặt nghiêm nghị bất ngờ của Chúa, đã trở nên lò lửa luyện lọc vàng tình yêu của Mẹ thêm tinh ròng hơn, rực rỡ hơn. Chúa Giêsu muốn Mẹ phải thử nếm đau khổ, cho tới mức đồng công được với Ngài trong việc cứu chuộc.

    Năm lên 12 tuổi, Mẹ cùng gia đình lên dự lễ Vượt Qua suốt 7 ngày. Ngày cuối cùng khi trở về, Chúa Giêsu đưa Mẹ vào cuộc thị kiến, khiến giác quan Mẹ không còn cảm thấy những gì xẩy ra xung quanh nữa. Còn Thánh Giuse thì Chúa để Người chiêm ngắm và suy tưởng những sự trên trời, cứ tin rằng Chúa Giêsu đi với Mẹ. Cả ba đi đến cửa thành thì Chúa Giêsu lìa cha mẹ mà ở lại. Khi thôi chiêm niệm thì không thấy Chúa Giêsu đi với mình nữa. Mẹ nghĩ, Chúa Giêsu đi với Thánh Giuse, Thánh Giuse lại nghĩ Mẹ không thể lìa con, Với niềm tin đó cả hai cùng bình thản tiến bước suốt một ngày đàng. Khi tới nơi hẹn gặp nhau qua đêm, Mẹ và Thánh Giuse mới ngỡ ra Chúa không đi với ai cả. Mẹ và Thánh Cả đau đớn không sao nói lên lời, ai cũng nhận lỗi tại mình mà lạc mất Chúa. Nỗi đau đớn càng gia tăng hơn cả khổ hình tử đạo, khi không tìm ra tông tích hỏi han. Hỏi các Thiên Thần thì không nói, trái lại Mẹ muốn đi nơi nào các ngài cũng ngăn cản, thế là Mẹ phải trở lại đền thánh. Thánh Giuse cũng hết sức đau buồn, nhất là thấy nỗi đau mất con của Mẹ. Cả hai cùng tiến vào đền thờ, thấy Ngài đang ngồi hội họp với các Luật Sĩ, tranh-bàn luận-hỏi về Đấng Cứu Thế. Khai quang cho họ, khiến mọi người phải thán phục. Còn Mẹ và Thánh Giuse thì quá đỗi ngạc nhiên và lòng tràn ngập hạnh phúc vì đã thấy được con. Mẹ quì xuống xin lỗi Chúa và xin Chúa đừng để vắng mặt Chúa nữa. Chúa rất hài lòng và hứa suốt thời gian còn lại cho tới khi phải vâng ý Chúa Cha sẽ tùng phục Mẹ.

    Để Mẹ và Cha Thánh có đủ khả năng chỉ huy một Người Con cao trọng duy nhất loài người, Chúa ban cho Mẹ và Cha Thánh tràn ngập niềm vui thánh thiện, khi Chúa tuân nghe những lời Mẹ và Cha Thánh chỉ dạy và suốt những ngày còn lại, Chúa lại không ngừng hoàn thiện hóa Mẹ đến độ siêu việt, để hoàn thành tất cả các ân sủng: Nhiệt tâm, sốt sáng, sẵn sàng chịu đau khổ, chịu chết trong tâm hồn, chia sẻ và cộng tác vào công nghiệp của Chúa Cứu Thế.

    Chúa còn mạc khải cho Mẹ hiểu thấu về toàn bộ Thánh Kinh Cựu và Tân Ước, và thấu đáo ý nghĩa siêu nhiên về Giáo Hội và các Nhiệm Tích Thánh, trước cuộc giảng dạy công khai của Chúa Cứu Thế Con Mẹ. Chính Mẹ sẽ thực hành và sống đầy đủ trước khi mọi điều đó được hoàn thành, vì Mẹ là Nữ Vương của lề luật, của Giáo Hội, của Ân Sủng và Bí Tích. Cuộc đời Mẹ hòa nhập với Con Cứu Thế, cho đến khi Mẹ được 33 tuổi là tuổi hoàn bị, tuổi phát triển đầy đủ.

    31. Thánh Giuse lúc về chiều:
    Thánh Giuse tuổi chưa cao mấy, nhưng vất vả vì Mẹ quá nhiều. Mẹ thương Bạn Thánh và xin Bạn Thánh nghỉ ngơi không làm việc nữa. Các dụng cụ của Ngài Mẹ đem cho các bạn nghèo. Từ đó Thánh Giuse chuyên chú chiêm niệm, suy ngắm và đạt tới đỉnh thánh thiện vượt xa loài người, chỉ kém một mình Mẹ. Mẹ cũng để tâm săn sóc Ngài cách ân cần mà một người già nua bệnh tật phải có. Trong suốt 8 năm trời chịu đủ chứng bệnh và tình yêu Chúa nung đốt đến như chết được. Mẹ cảm phục sự nhẫn nại, sự chịu đựng không hé môi phàn nàn, không thốt lời thở than, không đòi hỏi ủi an. Mẹ luôn ở bên cạnh để nâng đỡ trong lúc lão nhược.

    Trong 3 năm cuối đời, Mẹ không hề rời xa Ngài một bước. Khi Mẹ cần phải vắng nhà thì Chúa Giêsu thay chỗ Mẹ, nên không một bệnh nhân nào được phục dịch kỹ như vậy. Mẹ cũng còn xin Chúa cho phép Mẹ chịu đau đớn thay cho Ngài, hoặc sai Thiên Thần tăng thêm nghị lực, để Ngài khuây khỏa mà ca ngợi Thiên Chúa.

    Khi thấy Thánh Cả đã gần đến giờ lìa đời, Mẹ xin Con Giêsu cho Ngài hưởng một cái chết đẹp mắt Chúa. Chúa lại cho Ngài được nhìn thấy yếu tính của Chúa Ba Ngôi, thấy Ngôi Lời Nhập Thể. Thấy Giáo Hội và kho tàng nhiệm tích mà Chúa Giêsu Con Ngài thành lập cho các Thánh. Linh hồn Ngài cũng được thần hóa. Thánh Cả lại xin Chúa Giêsu và Mẹ tha thứ lỗi lầm cuộc sống và chúc lành cho mình. Chúa Giêsu ôm lấy Ngài, để Ngài tựa đầu trên cánh tay và Ngài trút hơi thở cuối cùng. Chúa khép mắt cho Thánh Cả, đoạn cùng Mẹ và các Thiên Thần cất lên những khúc ca chào mừng Thánh Cả và dẫn đưa linh hồn Ngài xuống ngục Tổ Tông. Được các Thánh tiếp rước tưng bừng, vì nhận thấy vinh quang tuyệt vời chiếu dãi trên Thánh Cả. Ngài chết không phải vì đau đớn của bệnh tật, nhưng vì lòng yêu mến Chúa thiêu đốt nung nấu trong lòng.

    Thiên Chúa đã mặc cho thi thể Thánh Cả một ánh sáng rực rỡ, chỉ để người ta thấy được gương mặt tươi tỉnh và hương thơm thánh thiện. Thánh Giuse được Thiên Chúa phôi dựng như một hạt giống tốt trong thửa đất phì nhiêu Chúa đã dọn sẵn. Dựng thai đến ngày thứ bảy Ngài được ơn thoát khỏi tội Nguyên Tổ và tình dục, nên suốt đời Ngài không cảm nghiệm một xúc động xấu xa nào. Lúc sinh ra, Ngài là một thơ nhi mĩ miều, mang lại cho cha mẹ một niềm vui khác thường, giống như Gioan Tẩy Giả khi sinh ra. Lên 3 tuổi, Thánh Cả có đủ trí khôn và một trí thông minh Thiên phú, suy niệm tuyệt vời. Các nhân đức mỗi ngày một tăng triển, nhất là nhân đức khiết tịnh cao cả, và sáng ngời vượt trên cả các Luyến Thần. Vì lẽ Chúa muốn dùng Ngài để lập thân với Mẹ. Ngoài ra, Ngài còn tập được đời sống nhân đức suốt 60 năm cộng thêm mấy ngày. Ngài sống chung với Mẹ 27 năm và lúc qua đời Ngài thọ 60 tuổi 6 tháng. Thiên Chúa ban cho Thánh Cả nhiều đặc ân để, Ngài cứu giúp những ai chạy đến xin Ngài cầu bầu. Đặc biệt Ngài hay ban xuống những ơn này:

    1. Lướt thắng cám dỗ nghịch đức trong sạch.
    2. Sám hối bỏ đàng tội lỗi.
    3. Tôn sùng Mẹ Đồng Trinh.
    4. Khoẻ mạnh về phần xác.
    5. Được ơn An ủi lúc gặp đau khổ.
    6. Được ơn chết lành.
    7. Có người thừa tự trong gia đình Công Giáo.
    Vì thế ma quỉ rất sợ danh Thánh Ngài.


    32. Đời sống quả phụ của Mẹ:
    Từ khi sống đời quả phụ, Mẹ hằng nhìn ngắm linh hồn Con Chí Thánh Mẹ, để hiệp nhất với lời Chúa nguyện cầu. Mẹ làm việc mỗi ngày ít giờ để lo chút lương thực thôi. Mẹ và Chúa thường ăn lúc 6 giờ chiều với bánh khô, đôi khi thêm trái cây, rau, cá. Mẹ quỳ gối hầu bàn cho Chúa với niềm kính tin, yêu mến. Ngoài ra còn giờ Mẹ cầu nguyện và đi làm việc từ thiện cứu giúp người ta. Chúa Giêsu thì lo sửa soạn cho công trình cứu chuộc của Ngài. Mẹ là Mẹ Đồng Công nên đem tất cả tâm hồn theo dõi và cộng tác. Ngài rất thương các linh hồn, nhiều khi suy nghĩ đến mướt máu và suy nhược. Mẹ phải ra lệnh cho các Thiên Thần nâng đỡ Ngài. Có những lúc xuất thần Mẹ nhìn thấy Chúa vạch những kế hoạch để chinh phục các Tông Đồ, Chúa cũng cho Mẹ thấy, Mẹ là người phải lo hỗ trợ Giáo Hội, phải chịu đựng và tu sửa lỗi lầm của các Tông Đồ trong việc quản cai Giáo Hội nữa.

    33. Chúa chuẩn bị rao giảng:
    Tới năm 27 tuổi, Chúa bắt đầu rao giảng Tin Mừng bằng kinh nguyện, chay tịnh, bằng cải thiện cho nhiều người. Đôi khi vắng nhà cả hai ba ngày liền. Trong những ngày ấy, các Thiên Thần cung cấp tin tức cho Mẹ theo lời Mẹ xin. Chúa đi khắp nơi, ra khỏi cả thành Nazareth nữa, để loan báo về Ơn Cứu Độ. Lời Chúa nói kèm theo ân sủng cao quí sinh ra nhiều hiệu quả lạ lùng. Ngoài ra, người ta còn say sưa vì vẻ đẹp oai nghi và đức hiền từ của Chúa.

    Chúa ủi an người sầu khổ, nâng đỡ người cùng cực, viếng thăm người bệnh tật, khuyên giúp người hấp hối, reo rắc ánh sáng, sức mạnh và ơn cứu rỗi khắp nơi. Mẹ gần như lúc nào cũng là nhân chứng và đồng công vào những việc lạ lùng đó. Tuy nhiên, Mẹ đặc biệt thực thi đức bác ái đối với nữ giới, còn Chúa Giêsu cho nam giới. Những người nghèo khó là những người được thụ hưởng tình thương của Chúa hơn hết, vì họ khiêm nhường, ôn hòa hơn và ít bị ràng buộc với trần thế hơn.

    34. Gioan Tiền Hô:
    Gioan Tiền Hô sống trong rừng vắng. Ông chỉ tiếp xúc với Thiên Chúa và các Thiên Thần. Khi ông lên 30 tuổi, ông được Chúa cho xem thấy quãng đời cứu chuộc của Chúa Kitô và được lệnh lên đường loan báo Người xuất hiện. Ông đi chân không, mặc áo lông lạc đà, thắt dây lưng da thú. Gương mặt gầy nhưng đượm vẻ phong thái oai nghiêm. Ông rất khiêm nhu, nhã nhặn, can đảm và sốt sáng. Giọng nói của ông thật sống động, hăng nồng, đúng điệu cách để nói dân chai đá đã từng bị các dân đè nén. Ông bỏ rừng vắng và nhờ các Thiên Thần mang tặng Mẹ một cây Thánh Giá chính các Thiên Thần làm cho ông và ông thường nằm lên để cầu nguyện. Mẹ nhận Thánh Giá để trong phòng Mẹ cùng với Thánh Giá Chúa đã tự đóng cho mình. Sau khi Mẹ qua đời các Tông Đồ giữ làm di bảo. Gioan rao giảng sự sám hối và loan báo về Đấng Cứu Thế sẽ đến.

    35. Chúa Giêsu bắt đầu sứ mệnh:
    Khi sửa soạn công cuộc rao giảng, Chúa Giêsu nói với Mẹ: "Con nhờ Mẹ mà có được nhân tính và cũng nhờ Mẹ nuôi dưỡng bằng sữa và lao công của Mẹ, nên con là con của Mẹ mật thiết hơn bất cứ một người nào khác đối với mẹ họ. Bởi thế, Con xin phép Mẹ cho Con ra đi làm sứ mệnh Chúa Cha trao phó cho Con vì thời giờ của Con đã đến. Con cũng muốn Mẹ đồng công cộng tác với Con trong mọi đau khổ Con chịu trên thân thể mà Mẹ đã cho con". Sau lời êm ái đó Ngài ôm hôn Mẹ, từ giã Mẹ lên đường theo sứ mệnh. Sau đó Ngài đến cùng Gioan chịu Phép Rửa tại sông Jordan rồi lên rừng vắng cầu nguyện.

    Để tuân hợp ý Chúa, sau khi Chúa đi rồi, Mẹ chuyên chú đến việc cầu nguyện và chiêm niệm. Mỗi ngày hơn 200 lần Mẹ sấp mình xuống đất cầu nguyện sốt sáng đến rơi lệ máu, để đồng công vào việc cứu chuộc của Con Mẹ, cho việc rao giảng Tin Mừng được thấm vào lòng người ta.

    Các Thiên Thần luôn ở bên Mẹ để phục vụ Mẹ. Các Ngài muốn Mẹ vui, nên lâu lâu lại thuật cho Mẹ những tin vui trong cuộc hành trình giảng giải của Chúa. Có lúc từ trong phòng cầu nguyện, Mẹ xuất thần xem thấy việc Ngài làm.

    Ngài ở lại miền Giudêa suốt 10 tháng để giúp cho miền này đón nhận Tim Mừng. Ngài không làm phép lạ nhưng gieo nhiều ân sủng phi thường đến nỗi người ta nhìn nhận Ngài là Đại Tiên Tri. Bắt chước Chúa, Mẹ cũng đến các làng lân cận để báo tin cho họ biết về Đấng Cứu Thế, chữa lành bệnh nhân và người sầu khổ. Mẹ cũng quan tâm nghe lời Gioan và sai các Thiên Thần đến giúp ông. Trong lần cuối cùng Chúa Giêsu gặp Gioan Tẩy giả, có hai môn đệ đi theo Chúa là Anrê và Gioan. Ít lâu sau có Phêrô, Philipphê, Nathanael. Ngài ban ơn soi động và tăng sức trong tâm hồn để các ông thắng lướt con người và vững vàng theo Chúa, để hiểu được cách thâm thúy ý nghĩa của sự hy hiến vì nước trời.

    Sau đó Ngài về Nazareth quê hương mình. Mẹ ra tiếp đón các Ngài. Mẹ quì gối xin Chúa chúc lành và các Ngài cũng quì xin Chúa như vậy. Mẹ lo dọn ăn và quì xuống phục dịch Chúa.

    36. Theo Chúa đi rao giảng:
    Chúa Giêsu và các môn đệ đi rao giảng ở các làng lân cận. Trong khi đó, Mẹ đi Cana để dự đám cưới của một người bà con đời thứ bốn về bên Thánh Nữ Anna. Được ơn Thánh Linh soi sáng, Mẹ bảo họ đi mời cả Chúa Giêsu và các Tông Đồ đến dự. Hôm ấy là ngày thứ 3 trong tuần của người Do Thái, cũng là ngày kỷ niệm ba Đạo Sĩ đến thờ lạy Chúa và là ngày Gioan làm Phép Rửa cho Chúa. Lúc cuối bữa tiệc bị thiếu rượu, vì bác ái Mẹ thưa Chúa, nhưng Chúa đáp lại không phải việc. Điều ấy Chúa có ý cho các Tông Đồ biết việc Thiên Tính duy nhất mới làm phép lạ. Ngài chính là Đấng có hai bản tính. Mẹ biết Chúa đồng ý, nên sai người giúp việc làm theo lời Chúa dạy. Phép lạ này làm các Môn Đệ vững lòng tin và tăng thêm số các Môn Đệ nữa. Sau đó Ngài làm nhiều phép lạ khác nữa mà Gioan quả quyết là không sách nào chép hết được.

    Mẹ cũng thường được cộng tác với Chúa trong việc làm các phép lạ ấy, vì từ sau đám cưới Mẹ không mấy lúc rời xa Chúa. Các phép lạ này các Thánh Ký đã kể lại để Chúa được vinh quang, nhưng Mẹ xin các Ngài đừng nói đến Mẹ. Chính vì thế mà Mẹ không bao giờ xuất hiện nơi công chúng và đức khiêm tốn đúng địa vị mình là đức quan tâm nhất của Mẹ.

    37. Thăm Gioan trước giờ ông chết:
    Ma quỉ được phép Chúa cho hoạt động ở trần gian, để chúng nhìn thấy những thất bại của mình khi Chúa làm phép lạ, nhưng chúng không được biết chính xác Ngài là Đấng Cứu Thế, mà chỉ hồ nghi và bực bội. Chúng dùng kế xúi dục các vị Thượng Tế, các người Biệt Phái và cả nhà cầm quyền Roma, để tìm moi tông tích của Ngài. Chúng cũng căm tức cả với Gioan Tiền Hô nữa, vì Ngài không tiết lộ Ngôi Lời, lại cũng không nhận mình là Cứu Tinh, nên chúng xúi dục Herodia giết chết Gioan. Thực ra Mẹ và Chúa Giêsu vẫn luôn an ủi và sai Thiên Thần giúp đỡ ông. Đến giờ cuối cùng của đời ông, Chúa và Mẹ đã thân đến an ủi và giúp ông trong giờ chết. Mẹ thấy Gioan đầy những vết thương tàn nhẫn do 6 tên gia nhân thân tín của Herôdia hành hạ, vì Gioan đã thẳng thắn trách bà sống loạn luân lý. Gioan thấy Chúa và Mẹ đến thăm ông trong hào quang rực rỡ. Chúa và Mẹ vừa xuất hiện, xiềng xích trói buộc ông liền đứt ra, các vết thương trên mình ông đều lành lặn. Ông sấp mình xuống mà xin phép lành, vừa hết sức vui mừng vừa thưa với Chúa sẵn sàng chết vì danh Thầy. Thăm viếng xong, ba tên lý hình vào ngục chặt đầu ông và đem đầu ông lên cho chủ. Chúa và Mẹ nâng xác và đầu ông dâng lên Chúa Cha một lễ vật đáng ca ngợi. Chúa Cha sai Thiên Thần đưa linh hồn ông vào ngục Tổ, đem nguồn vui đến cho các Thánh.

    38. Mẹ với các Tông Đồ:
    Vừa tiếp tục đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu vừa không ngừng soi sáng cho các môn đệ một lòng tôn sùng đặc biệt đối với Mẹ. Nên khi nghi nan hoặc bị cám dỗ, họ đều đơn thành chạy đến với Mẹ. Mẹ yêu thương hết mọi người, nói với mọi người, cầu nguyện cho mọi người và dạy dỗ mọi người theo như Mẹ biết được tâm hồn họ bao nhiêu, dạy dỗ họ cẩn thận bấy nhiêu. Không bao giờ họ từ biệt Mẹ mà không cảm thấy một niềm vui và một an ủi vượt quá ước mong của họ.

    Tuy nhiên Mẹ ưu ái Thánh Phêrô và Gioan nhất, vì Phêrô là đại diện thay quyền Chúa, còn Gioan sẽ thay thế chỗ Chúa bên cạnh Mẹ. Gioan còn đem hết sức phụng sự Mẹ và cư xử với Mẹ cách thật tôn kính và là người đầu tiên gọi Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ loài người, là bà chủ mọi dân tộc. Nói chung, Mẹ quí mến các Tông Đồ, chỉ có Giuda đã để mình bị lôi kéo theo mối ganh hờn với các bạn, người Mẹ đã từng chỉ bảo và khuyên nhủ rất thật tình. Y quay lại với Mẹ và tự theo ý mình. Y tự ý nhận làm thủ quỹ, mặc dù Chúa đã nói nếu y giữ chức quản lý là tự cầm chén thuốc độc mà uống, nhưng y cứ vật nài và tự nhận có khả năng hơn các Tông Đồ khác. Y ra mặt căm tức với Mẹ vì Mẹ rộng tay bố thí và y phẫn nộ với Chúa vì Chúa ít nhận của người ta bố thí cho. Y cũng cay đắng lên án hành vi của Madalena, khi bà xức dầu thơm cho Chúa. Rốt cuộc, y mất đức tin và sau lần sa ngã, ma quỉ lôi y vào chỗ phạm tội bội phản chính Thầy mình, để lưu danh đời đời là tên ruồng bỏ phản Thầy.

    39. Từ núi Taborê đến lễ rước lá:
    Đã hơn hai năm Chúa Giêsu thi hành sứ mệnh bằng lời giảng dạy, bằng gương sống và bằng phép lạ, nay gần tới giờ nộp mình chịu chết và trở về cùng Chúa Cha. Ngài quyết định cho các Môn Đệ nhìn thấy thân xác mình hiện thực là vinh quang, để niềm tin của các ngài không bị lung lay khi thấy Ngài tử nạn, nên Ngài biến hình trên núi Taborê cách Naza hai dặm đường. Gương mặt Ngài sáng như mặt trời, áo Ngài trắng như tuyết, thân thể tỏa rạng ánh sáng. Có Elia và Moisen đến chứng kiến. Các Thiên Thần cũng đưa Mẹ lên núi vì Chúa yêu Mẹ lắm, nên không thể để Mẹ không dự phần vinh quang của Con mình.

    Sau cuộc biến hình, các Thiên Thần đưa Mẹ về nhà ở Naza và Chúa Giêsu cũng về, nhưng Ngài chỉ ở lại vài ngày, rồi từ biệt ngôi nhà đáng kính lần cuối cùng đi mừng lễ Vượt Qua sau hết. Và đi dựng cờ Thánh Giá để những ai mến yêu nhân đức sẽ đến đứng dưới bóng cờ này.

    Mẹ cùng Chúa lại bỏ nhà đi Giêrusalem. Trong thời gian này Chúa làm những phép lạ thật cả thể, như cho Lazarô sống lại, cứu Madalena khỏi tội. Chính căn nguyên này mà Giuđa quyết định tìm cách hại Thầy mình. Mẹ can ngăn y nhưng lòng ác quái của y không làm y mềm lòng. Y sắt đá thêm và thâm hiểm im lặng, để giữ chặt mối căm phẫn của y. Mẹ trở lại tìm Chúa Giêsu, hai Mẹ Con cùng cầu nguyện với tâm hồn nhẫn nhục cao vời. Chúa Cha đưa Mẹ và Chúa Giêsu lên ngai tòa hằng hữu. Chúa Cha phán với Ngôi Con: "Cha chấp nhận lễ hy sinh của Con và bằng lòng thi hành phép công thẳng của Cha trên Con, để tha tội cho loài người và Con nữa. Hỡi Maria, Cha muốn Con theo gương Cha mà trao nộp Con của Con để cứu rỗi loài người". Mẹ trả lời: "Lạy Chúa, Con chỉ là tạo vật, là tro bụi bất xứng, Con xin dâng Người cùng chính mình Con, cho ý định ngàn đời của Cha, để chịu đau khổ mà cứu chuộc nhân loại.". Thiên Chúa nâng cả hai Mẹ Con và đặt Ngôi Lời Nhập Thể trên ngai của Ngài. Nhìn thấy vậy Mẹ vui mừng khôn tả, miệng ca lên lời Thánh Vịnh cao quang.

    Để sửa soạn cho cuộc khải hoàn vinh thắng, và để chứng tỏ cho ma quỉ và các thủ hạ phải kinh hoàng. Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem cách long trọng, mọi người say sưa hoan hô Chúa: "Vạn tuế Đức Vua nhân danh Chúa đến với chúng ta. Hoan hô Con Vua David". Tại Bethania, nơi Mẹ lưu ngụ, Mẹ nhìn thấy tất cả quang cảnh tưng bừng ấy, và nghe thấy tiếng Thiên Chúa Cha phán tỏ cho mọi người tham dự, đều nghe hiểu được: "Cha đã tôn vinh Con rồi, Cha sẽ còn tôn vinh Con nữa". Thiên Chúa cũng sai Đức Tổng Thần Micae đem tin xuống ngục Tổ. Tại đây, các Thánh được thấy tất cả diễn biến tại Giêrusalem. Các Ngài hát ca mừng Chúa Cứu Chuộc chiến thắng tội lỗi và sự chết. Trái lại, trong ngày ấy ma quỉ bị xô xuống hoả ngục hết. Chúng điên cuồng lên vì phải ở trong hỏa ngục. Luxiphe suy đoán rằng, người vào thành long trọng ấy là Đấng Cứu Thế, nên nó xúi dục bọn Do Thái giết Ngài.

    Phần Chúa Giêsu, Ngài cứ chuẩn bị cho các Môn Đệ suốt trong ba ngày sau cuộc khải hoàn, để các Ngài vững lòng về cuộc tử nạn của Ngài.

    40. Dự Lễ Lập Phép Thánh Thể:
    Ngày thứ Năm Tuần Thánh, trước khi mặt trời mọc, Chúa Giêsu gọi Mẹ lại mà nói: "Đây là giờ Con phải thi hành việc cứu chuộc thế gian. Mẹ đã tình nguyện thưa xin vâng lúc Con nhập thể, Con muốn Mẹ cũng thưa xin vâng khi Con chịu tử nạn. Xin Mẹ bằng lòng cho Con đi chịu chết cho loài người, và xin Mẹ đồng công với lễ hy sinh này để cứu rỗi họ".

    Nghe lời đó, tâm hồn Mẹ đau khổ mãnh liệt. Mẹ sấp mình xuống hôn chân Ngài mà nói: "Con là Thiên Chúa tối cao, Mẹ là đầy tớ của Con, Mẹ xin tuân hợp thánh ý Cha Hằng Hữu, và thánh ý Con để đồng công cứu chuộc loài người. Và Nếu đẹp lòng Con, thì xin cho Mẹ được tham dự vào nhiệm tích Thánh Thể mà con quyết định sáng lập. Nhờ cuộc chiếm hữu Con một lần cho Mẹ được sống với Con. Con là Chúa của Mẹ, xin Con cứ cư ngụ nơi lòng Mẹ, nơi Con đã cư ngụ trước kia, để Mẹ Con ta hợp nhất khăng khít mãi ở đó, trong một tình yêu tha thiết mới". Chúa Giêsu cũng trả lời một cách thiệt tình, và quả quyết là Mẹ sẽ được thỏa nguyện khi Ngài lập nhiệm tích tôn thờ ấy.

    Liền đấy, Chúa Giêsu tạ biệt Mẹ và rời khỏi Bêthania vào lúc trước giờ trưa một chút, có các Tông Đồ đi theo. Ngài sai Phêrô và Gioan đi trước để chuẩn bị tiệc Chiên Vượt Qua theo lề luật dạy. Theo dấu hiệu Ngài chỉ trước, hai ông chu toàn sứ mệnh trong nhà một nhân vật rất giầu sang và rất tận tâm với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu tới nơi được một lúc thì Mẹ cũng đến. Theo lời Chúa, Mẹ và đoàn phụ nữ tiến sang phòng bên cạnh, nơi đây, trong cuộc chiêm niệm, Mẹ tham dự được tất cả những việc xẩy ra trong đêm kỷ niệm ấy rõ ràng như ở trước mắt.

    Chúa Giêsu vào căn phòng đã dành cho Chúa. Ngài cảm tạ Cha Hằng Hữu, rồi vào dự tiệc Chiên Vượt Qua cuối cùng của đời Ngài. Vào cuối bữa ăn, Ngài chỗi dậy, cởi áo choàng ra, áo mà Mẹ đã may cho Ngài mặc bên ngoài, áo không có đường chỉ. Ngài lấy một chiếc khăn vải thắt lưng, lấy nước đổ vào chậu và rửa chân cho các Tông Đồ.

    Sau khi làm xong những nghi thức chuẩn bị, Chúa Giêsu mặc áo choàng lại và ngồi vào bàn ăn. Ngài cũng ban cho các Tông Đồ những ánh sáng mới để hiểu và chuẩn bị lãnh nhận mầu nhiệm Thánh Thể. Ngài còn mạc khải cho các ông những lời tâm huyết, như những mũi tên bừng lửa tình yêu, làm các ông sốt sáng và hợp nhất với Chúa. Lúc đó, Ngài cầm bánh và rượu trên tay thánh thiện, ngước mắt lên trời, nhìn Chúa Cha hằng hữu và Thánh Linh, đọc lời hiến thánh hai hình bánh rượu. Mẹ sấp mình xuống cùng với các Tông Đồ thờ lạy Thánh Thể. Sau khi dâng cao Thánh Thể, Chúa Giêsu bẻ một phần, rồi tự mình rước lấy với tư cách là Linh Mục tối cao và đầu tiên. Lúc đó linh hồn vinh hiển của Ngài giãi sáng ra nơi thân xác Ngài một lúc, như trên núi Taborê, nhưng chỉ một mình Mẹ nhận thấy thôi.

    Ngài lại bẻ một phần Bánh Thánh Hiến trao cho Tổng Thần Gabriel đem đến cho Mẹ. Mẹ chịu lấy Thánh Thể từ tay Tổng Thần. Thánh Thể được đặt vào Trái Tim Mẹ như vào trong Nhà Tạm xứng đáng nhất của Thiên Chúa, và cứ còn ở đó nguyên vẹn mãi cho tới khi Mẹ hiệp lễ lần sau. Mẹ là người thứ nhất hiệp lễ sau Chúa Giêsu. Sau khi Mẹ nhận Thánh Thể rồi, Chúa Giêsu lại trao Bánh Thánh Hiến cho các Tông Đồ, truyền cho các ông chia nhau ăn. Bằng lệnh truyền đó, Ngài đã lập chức Linh Mục. Các Tông Đồ thi hành chức vụ ấy trong khi tự mình rước lễ với một niềm tôn kính cao vời và chảy nước mắt nhiệt tâm.

    Sau khi mọi người hiệp lễ, Chúa Giêsu lại tạ ơn Cha một lần nữa. Ngài ban lời sau hết và chấm dứt mầu nhiệm Tiệc Thánh, để bắt đầu thể hiện mầu nhiệm Tử Nạn Cứu Chuộc.

    41. Thảm cảnh vườn Cây Dầu:
    Chúa Giêsu rời khỏi nhà Tiệc Ly, Ngài lên núi Cây Dầu cùng với mười một môn đệ, còn Giuđa đã ra đi ngay sau khi ăn miếng bánh Chúa trao trong nhà Tiệc Ly. Ông ta đi báo tin cho các Thượng Tế cơ hội tốt đẹp Chúa lên núi để họ bắt Thầy mình.

    Trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu dâng mình cho Chúa Cha để làm nguôi phép công bằng của Cha và cứu chuộc nhân loại. Ngài cho phép những cực hình được tự do hành hạ cảm tính trong nhân tính của Ngài, để nhân tính được hoàn toàn chịu các cực hình tới độ sầu thảm nhất. Vì thế Ngài đã nói với các môn đệ: "Linh hồn Thầy buồn sầu đến chết được". Ngài sấp mặt xuống đất 3 lần mà kêu với Chúa Cha: "Lạy Cha, nếu có thể, xin Cha cất chén đắng này đi khỏi con". Trong khi cơn sợ hãi và buồn sầu ghê sợ chợt đến cho mình.

    Từ nhà Tiệc Ly, Mẹ thấy rõ tất cả những sự kiện xẩy ra tại vườn Cây Dầu. Mẹ cũng xin cho được chịu trong thân xác Mẹ, hết những cực hình Chúa sắp sửa chịu trong cuộc tử nạn. Vì thế Mẹ được chịu những đau đớn dữ dằn khủng khiếp Chúa chịu, nếu Chúa không ban ơn trợ giúp cách lạ, thì Mẹ đã chết đi nhiều lần. Mẹ cũng đã hấp hối giống như Chúa, Mồ hôi máu toàn thân Mẹ cũng toát ra giống Chúa. Mẹ khủng khiếp biết bao khi thấy một đoàn binh lính cùng Thượng Tế kéo đến, có Giuda hướng dẫn tiến vào. Thấy trước mắt những xỉ nhục bọn người đó đã làm cho Chúa. Mẹ mời các Thiên Thần thờ lạy, tin yêu Chúa bù lại. Mẹ cũng cầu xin Chúa soi sáng cho người tông đồ khốn nạn đó, nhưng than ôi! Hạt giống chí thánh ấy không sinh hiệu quả nào trong tâm hồn cứng rắn và bạo tàn của tên phản bội đó.

    Trong bọn người đến bắt Chúa tại vườn Cây Dầu, có cả Luxiphe và đông đảo thần dữ trà trộn. Chúng xúi dục Giuda và bọn quân dữ đem tất cả bạo lực của chúng ra hành hạ Chúa Giêsu. Khi bọn này trả lời Chúa là đi bắt Giêsu Nazareth, Chúa trả lời rằng: "Ta đây". Lời ngắn gọn ấy quật ngã tất cả : người, ngựa và cả đám đông ma quỉ thúc bách chúng nữa. Chúa cảm thương nhìn chúng nằm xo giụi ngổn ngang trước mắt mình, như đoàn người bị đọa phạt. Với lòng đầy trắc ẩn, Mẹ xin Chúa cho phép những kẻ khốn nạn ấy được đứng dậy và Chúa cũng đã quyết định chỉ cho chúng đứng dậy khi có lời Mẹ cầu xin.

    Rồi lúc Phêrô rút gươm chém đứt tai tên đầy tớ Manchu, Chúa vừa làm phép lạ chữa lành hắn vừa bảo Phêrô: "Hãy xỏ gương vào vỏ. Giáo Hội mà con làm đầu không phải bảo vệ bằng gươm giáo, nhưng bằng khí giới vô hình là lời cầu nguyện và nhân đức". Hai phép lạ đó làm chúng cảm động, nhưng chúng vẫn cứng lòng. Được Chúa cho phép bắt Ngài, chúng nhảy bổ vào Ngài như những con thú dữ. Chúng trói Ngài bằng dây xích sắt và còng tay Ngài bằng những còng sắt, buộc giật cánh tay lại đàng sau lưng. Để chắc ăn hơn, chúng lấy dây thừng cột chặt hai cánh tay vào mình, chừa lại hai đầu dây để kéo cả đàng trước lẫn đàng sau. Mẹ xin Chúa cho đồng chịu khổ với Ngài, nên Mẹ cũng cảm nghiệm được trong thân xác Mẹ, những đau khổ do xiềng xích và dây trói ghì lại như chính thân mình Mẹ bị vậy. Bọn chúng lôi kéo Chúa ra khỏi vườn, giữa tiếng reo hò gào thét ghê sợ. Chúng vừa phun ra những lời nói độc địa ghê tởm nhất, vừa hành hạ Chúa không nương tay. Với thái độ bình tĩnh, nhân từ của Chúa, lại càng làm cho bọn quỉ dữ bực tức và thắc mắc: Có lẽ Chúa là Đấng Cứu Thế mà y không thể thắng nổi chăng? Nên chúng quyết định ức bách Chúa một cách hung hãm nhất, để nếu Chúa chỉ là con người, Ngài sẽ mất nhẫn nại. Thấy rõ ý định hỏa ngục của chúng, Mẹ cấm không cho chúng đến gần Chúa. Ngay lúc đó chúng mất hết mọi nghị lực. Tuy nhiên chúng vẫn được phép xúi dục bọn người Do Thái căm giận Ngài và muốn giết Ngài cho hả dạ.

    Tâm hồn các Tông Đồ thật hốt hoảng. Náo động và sợ sệt làm tê liệt lòng can đảm của các ông, các ông bỏ chạy toán loạn, lòng hoang mang, chẳng còn biết đâu là chắc nữa. Tuy nhiên, Phêrô và Gioan cương nghị hơn các Tông Đồ khác. Hai ông đi theo quan sát nhưng vẫn đề phòng. Mẹ thấy rõ từng tình ý, từng hành vi của các ông. Mẹ thương cảm cho sự yếu đuối ấy. Mẹ quì gối, sấp mình xuống để cầu nguyện, để thờ lạy Thánh Thể Chúa đang bị hành hạ.
    Last edited by Dan Lee; 05-05-2007 at 01:04 PM.

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts