Vợ Chồng Tùng Phục Nhau và Tự Hiến Cho Nhau Nhìn trong Ánh Sáng Mầu Nhiệm Tam Vị

Dẫn Nhập

Cô cháu gái nói với tôi nhân lúc sửa soạn bài đọc lễ cưới: “Cậu chọn bài đọc nào cũng được, nhưng nhớ đừng lấy cái bài có câu Thánh Phaolô bảo rằng ‘Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Thiên Chúa.’” Tôi hỏi: “Tại sao vậy?” “Cậu không thấy như vậy là tiếp tay cho lối sống ‘chồng chúa, vợ tôi’ sao? Thời giải phóng phụ nữ mà ăn nói kiểu ấy thì làm sao nghe được?” Tôi chống chế theo kiểu con nhà có đạo gốc: “Tại cháu chưa hiểu đó thôi, đến như Chúa Giêsu mà cũng còn phục tùng Chúa Cha nữa cơ mà.”

Bẵng đi một thời gian, tình cờ đọc được bài viết của John S. Grabowski Ph.D., giáo sư thần học tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ (CUA) mang tựa đề ‘Mutual Submission and Trinitarian Self-Giving’ tôi mới thấy rõ được câu trả lời chính xác cho thắc mắc của cô cháu gái, và có lẽ cũng là của nhiều người có quan điểm tương tự.

Mừng Chúa Lên Trời, đón Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, cử hành lễ Chúa Ba Ngôi, tôn thờ tình thương của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể, hân hoan mừng ngày Hiền Mẫu, tất cả đều xuất hiện trong tháng Năm năm nay, cũng là tháng Hoa Mẹ. Một trùng phùng tuyệt vời hiếm hoi và khôn tả. Tất cả đều minh họa cho tình yêu tự hiến, dù đó là tình thương muôn thuở nơi Chúa Cha, hay là tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con, biểu hiện nơi Chúa Thánh Thần, hoặc là tình yêu tột cùng cho đến chết trên thập tự của Chúa Con, hay tình yêu vâng phục của người Nữ Tỳ trung trinh hoặc tình thương hy sinh của người mẹ trần thế lúc nào cũng tần tảo lo lắng cho chồng, cho con.

Với thánh chức lãnh nhận sáng nay tại Nhà Thờ Chánh Tòa San Jose, dưới sự đặt tay của ĐGM Patrick McGrath, Tân Phó Tế (TPT) Giuse Hồ Quang Nhựt đã chính thức gia nhập hàng ngũ thiểu số tuyển chọn là được “lãnh đủ” các Phép Bí Tích, xin nồng nhiệt chúc mừng và cầu mong TPT ngày càng hết mình tự hiến để phục vụ Giáo Hội.


Tóm tắt

Theo Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tương quan vợ chồng với đặc điểm “tùng phục nhau vì lòng kính sợ Đức Kitô” (Eph 5:21) là một bước khai triển dòng tín lý Công giáo về hôn nhân dựa trên quan điểm ngôi vị hiểu theo mầu nhiệm Tam Vị, tức mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.

Quan niệm tối quan trọng này, tức là cách hành xử quyền uy giữa vợ chồng trong hôn nhân qua việc tùng phục lẫn nhau vì lòng kính sợ Đức Kitô, đã bị người ta hoàn toàn quên lãng. Có nhiều lý do giải thích điều này. Có người cho rằng trong cùng Tông Thư ‘Mulieris Dignitatem’ (MD--Địa vị phụ nữ), vấn đề trên không mang tính cấp bách và gây tranh cãi nhiều bằng vấn đề truyền chức cho nữ giới. Người khác lại cho rằng vấn đề trên không quan trọng bằng nền thần học về phụ nữ và về mẫu tính, điều mà Đức cố GH đề cập đến trong cùng một Tông Thư. Lại có nhiều người tuy nhận ra tầm quan trọng của giáo huấn này nhưng lại không đào sâu và đi xa hơn.

Do đó, bài viết này sẽ khảo sát nét đặc sắc nói trên của hôn nhân cũng như nền tảng chú giải và thần học của nó. Ta sẽ minh chứng rằng giáo huấn này biểu hiện một bước khai triển giáo lý chính thống có nền tảng tối hậu tiềm tàng trong mầu nhiệm đời sống Tam Vị của chính Thiên Chúa. Chính căn bản thần học này đã giúp ĐGH Gioan Phaolô II thấu hiểu tình yêu hôn nhân Kitô giáo và việc tự hiến của các Ngôi Vị Thần Linh xét như là một hiệp thông ngôi vị (communio personarum).

Bản Văn trong Văn Mạch

Các bản văn nói về tôn ti trật tự gia đình (Haustafeln) trong Tân Ước ngày càng gia tăng các vấn nạn cho con người thời đại. Trong khi nền văn minh hôm nay đang có xu hướng chấp nhận sự bình đẳng căn bản phái tính trong phạm vi chính trị, kinh tế và gia đình, thì các bản văn viện dẫn kêu gọi người nữ tùng phục người nam trong hôn nhân rất dễ bị coi là sản phẩm thô thiển của một lối nhìn cổ hủ. Đó cũng là lý do người ta thường hay tránh né các bản văn ấy trong các bài giảng cũng như khi dậy giáo lý.

Như đổ thêm dầu vào lửa là hai lối đọc bản văn tự căn bản mang tính cách phi-lịch-sử. Lối thứ nhất là của nhóm duy nền tảng, vốn cho rằng bản văn thì tự nó đã chính xác từng chữ và tuyệt đối đúng, không hề mang một chút ảnh hưởng của một bối cảnh văn hóa nào cả. Lối thứ hai, cũng ‘ngây ngô’ tương tự cả về lịch sử lẫn thần học, coi bản văn không là gì khác ngoài chứng từ cho thấy cảnh đàn ông áp bức phụ nữ trong các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi.

Chỉ cần nhìn lướt qua nền văn hóa cổ Hy Lạp trong thời khai sinh Giáo Hội cũng đủ thấy tự căn bản đó là một xã hội phụ hệ nơi đó vị trí của người phụ nữ được định tính trong tương quan với người nam là đầu gia đình. Ngay cả khi có mang yếu tố dục tính, chính tương quan này cũng phác hoạ các vai trò rất đặc thù của phụ nữ: người phụ nữ có thể là một kỹ nữ (____e), vì tiền bạc hay vì mục đích phượng tự; nàng có thể là một bạn đường (etaira) của người đàn ông để hợp tác mua vui hay tìm lạc thú; nàng cũng có thể là một nàng hầu (pallake) có một địa vị vững chắc trong nhà như một chính thất; còn nếu là công dân, nàng có thể là một người vợ chính thức sinh ra những đứa con cũng có quyền công dân như mình để còn hưởng quyền thừa kế. Như vậy chỉ có nhóm sau chót này mới đại diện cho một thiểu số trong giới phụ nữ của đế quốc được hưởng các quyền hạn chính trị hoặc pháp lý trong một xã hội La Mã thời vàng son.

Chính trong khung cảnh này mà ta có thể xác định được thể văn của ‘Haustafel’ vốn mô tả hạnh kiểm thích ứng trong gia đình. Hạnh kiểm này phân định minh bạch vai trò rõ rệt cho kẻ làm nô lệ, cho trẻ em, và các phụ nữ trong tương quan với quyền bính của người đàn ông làm chủ gia đình. Điển hình là các bản văn của các tác giả Hy lạp, La mã, và Do thái. Xét thế, người ta thường giả định rằng các bản văn Tân Ước đều thuộc thể văn này, cũng như đều mang cùng quan điểm cho rằng phụ nữ thì thấp kém so với nam giới.

Tuy nhiên, nhìn kỹ hơn vào các bản văn Tân Ước, ta sẽ thấy kết luận như thế là quá vội vã. Không giống với các qui tắc trong văn hóa Hy lạp, các bổn phận Tân Ước mô tả luôn mang tính cách hỗ tương, cả cho nam lẫn nữ. Do đó trong thư thứ nhất của thánh Phêrô, câu ‘Chị em là những người vợ, chị em hãy phục tùng chồng’ (1Pet 3:1) được đặt bên cạnh câu ‘Cũng vậy, anh em là những người chồng, trong cuộc sống chung, anh em nên hiểu đàn bà thuộc phái yếu, hãy tỏ lòng qúy trọng vì họ cũng được hưởng sự sống là hồng ân Chúa ban’ (1Pet 3:7). Điều này chứng tỏ rằng tương quan phu phụ Kitô giáo trong Tân Ước có mang một nét hỗ tương cho thấy tính bình đẳng căn bản của người nam và người nữ trong Chúa Kitô (xem Gal 3:28) vốn không thể tìm thấy trong quan điểm Hy lạp về gia đình.

Hơn nữa, nếu khảo sát kỹ bản văn chi tiết và quan trọng là đoạn thư Ephêsô 5:21-33, ta sẽ thấy nhiều bằng chứng hơn nữa. Câu “Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau” (hypotassomenoi allelois en phobo Christou) vừa quy chiếu ngược lại câu 18 để giải thích ý nghĩa thế nào là “được tràn đầy Thần Khí,” lại vừa quy chiếu hướng tới câu 22: “Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa.” Do bởi động từ chỉ xuất hiện trong các định thức Kitô học (như trong 5:21) và mô tả việc Hội Thánh tùng phục Chúa Kitô (hos he ekklesia hypotassetai to Christo), thế nên cần phải đọc ‘với giọng vừa phải, nhưng với sức cương quyết dứt khoát’ hầu biểu thị một hành vi tự nguyện của một tác nhân tự do.

Sự kiện văn mạch của đoạn văn thượng dẫn là một trong những đoạn nói về việc các tín hữu phục tùng lẫn nhau cho thấy rằng trong tương quan hàng ngày, vợ chồng Kitô hữu cần biểu tỏ cùng một tính cách hỗ tương ấy. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là loại bỏ sự khác biệt nam nữ, hoặc nhất thiết phủ nhận vai trò riêng biệt nam nữ. Quả vậy, nội dung các vai trò này bao hàm ý nghĩa khác biệt tự căn rễ qua lời mời gọi các đấng trượng phu rằng “hãy yêu thương vợ mình như Chúa Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh” (5:25). Việc sử dụng động từ ‘paredoken’ (‘hiến mình’) nói lên tình yêu chất đầy tính phục sinh, gợi nhớ tình yêu hy sinh trên thập giá (xem Gal 2:20). Vì thế, người chồng với tư cách là ‘đầu’ (kephale) của người vợ, nhìn trong ánh sáng của niềm tin, đã mang thêm một ý nghĩa mới. Như Ben Witherington đã nhận xét: “Người chồng trở thành người tôi tớ chính, y hệt như Chúa Kitô, còn người vợ trở thành mẫu mực của kẻ biết đáp trả lại với niềm tùng phục đầy thương yêu, y hệt như Hội Thánh yêu thương phục tùng Chúa Kitô vậy.”

Kiểu lãnh đạo trong tư cách tôi tớ thể hiện qua tình yêu tự hiến của người chồng không hoàn toàn khác với sự tự nguyện phục tùng nơi người vợ trong mức độ là cả hai đều diễn đạt một hình thức lệ thuộc lẫn nhau, có nghĩa là đặt nhu cầu và ước muốn của người kia trên cả bản thân mình, nói theo ngôn từ có thể hiểu được trong bất kỳ một chân trời văn hóa nào. Hơn thế nữa, bản văn còn chuyển đưa chân trời ấy vào ngay giữa một cảnh vực thần học rõ rệt, vừa mang tính thần khí, giáo hội, lại vừa mang tính Kitô học. Lối sống của gia đình được cứu độ chính là hình thức mang đậm nét môn đệ được biểu lộ qua sự hiệp nhất “một xương một thịt” của Chúa Kitô, là Ađam mới, với Hiền Thê mình là Hội Thánh trong cuộc Tạo Dựng Mới (xem 5:31-32). Do đó, cho dù vẫn sử dụng một vài ngôn từ và ý tưởng của nền văn hóa gốc, bản văn đã làm thay đổi tận ở bên trong cái nếp gia cảnh phụ hệ ấy.

Nguyễn Kim Ngân