-
Moderator
L - Làm Sao Để Tha Thứ? (Giai đoạn chín của 12)
Giai đoạn chín
Biết mình đáng được tha thứ và đã được đặc xá
Chỉ người nào đã có kinh nghiệm về tha thứ mới có thể tha thứ thực sự.
George Soares-Prabhu
Là người hành hương nội tâm trên đường tha thứ, dần dần bạn sẽ nhận thấy rõ ràng rằng hành động tha thứ vừa là nổ lực của con người vừa là ơn ban của Chúa. Vậy sự tha thứ tỏ ra là một nhiệm vụ của con người bởi hoạt động tâm lý mà bạn triển khai và một ơn ban bởi ân sủng của Chúa bù đắp cho những thiếu thốn của bạn. Chắc chắn trong công việc tha thứ mà bạn đã thực hiện cho tới đây, bạn đã đụng tới những giới hạn cá nhân của mình và bạn đã cảm thấy cần đến một sự giúp đỡ đặc biệt.
Bây giờ bạn vào sâu hơn trong vũ trụ thiêng liêng, ở đó bạn sẽ hành động ít hơn là để bạn được tác động. Nơi đây, các nổ lực cá nhân trở nên ít quan trọng hơn là sự khiêm tốn mở ra với ân sủng và nhẫn nại đón tiếp ân sủng. Khi tiến trình tha thứ của bạn đi vào trong phạm vi thiêng liêng, bạn có ít sáng kiến và tự chủ hơn, công việc của bạn hệ tại nhiều hơn là bạn thư giản để mình được ân sủng xâm chiếm.
Mục đích của chương nầy là dẫn bạn nhận biết rằng không những bạn đáng được tha thứ mà người ta đã tha thứ cho bạn nhiều lần trong quá khứ. Sự ý thức nầy sẽ giúp bạn tha thứ, vì việc xảy đến với tha thứ cũng như với tình yêu. Kẻ không thể để cho mình được yêu hoặc nhận thấy rằng mình không thể yêu, thì sẽ không thể cho kẻ khác tình yêu. Cũng thế, nếu người muốn tha thứ mà không cảm nhận được rằng người ta đã tha thứ cho mình, thì làm sao đến lượt mình có thể tha thứ được ? Vậy bạn hãy để rơi xuống thật sâu những kháng cự của bạn, hầu để bạn được yêu và đón nhận sự tha thứ của các người khác, đặc biệt là sự tha thứ của Chúa. Đó là thách đố mà bạn được mời gọi dấy lên.
1. Kinh nghiệm về sự tha thứ thiết yếu để tha thứ :
Câu chuyện của Corrie Ten Boom làm bật nổi sự cần thiết phải kinh nghiệm sự tha thứ của người khác, trước khi trở nên có khả năng tha thứ lúc đến phiên mình. Corrie được giải thoát khỏi trại tập trung của quốc xã một ít thời gian sau khi các Đồng Minh chiếm được nước Đức. Bà đã để rất nhiều thời gian để tự giải thoát mình khỏi cơn hận thù câm lặng của mình đối với các lý hình.
Một ngày kia, bà quyết định thực hiện một cuộc chữa lành bằng tha thứ. Một khi chắc chắn mình đã hoàn toàn được giải thoát khỏi lòng thù hận của mình và đã tha thứ, bà nghĩ ra một dự án lớn để chữa lành các vết thương và những hiềm khích do đệ nhị thế chiến gây nên cho các quốc gia nầy. Vậy bà đã tung ra một cuộc vận động xuyên qua nhiều nước bằng cách rao giảng ở những nơi ấy sức mạnh sáng tạo của tha thứ và của tình thương.
Bà không sợ đến nước Đức để phổ biến sứ điệp của bà. Chiều hôm ấy, tại Munich, sau khi đã nói chuyện với một nhóm người Đức ao ước làm cho mình được tha thứ, bà đã có một kinh nghiệm sống đau lòng thử thách chính sức mạnh tha thứ của bà. Một người đàn ông tiến về phía bà, chìa tay ra cho bà và nói: "Bà Ten Boom, tôi sung sướng biết bao khi đã nghe bà nói rằng Chúa Giêsu tha thứ hết mọi tội lỗi cho chúng ta".
Corrie đã lập tức nhận ra ngay một người trong số các lý hình của mình ở trại tập trung. Bà nhớ lại y đã lăng nhục bà và các bạn tù phụ nử của bà thế nào, khi y cưỡng bách họ tắm trần truồng trước cái nhìn khinh miệt "siêu nhân"của y. Ngay lúc y muốn bắt tay bà, Corrie bổng chốc cảm thấy bàn tay bà bị đông cứng lại phía bà. Bấy giờ bà ý thức được sự bất lực của bà để tha thứ cho y, bà vừa kinh ngạc vừa khiếp sợ vì điều đó. Dù bà đã tin chắc rằng mình đã được chữa lành khỏi vết thương, đã chiến thắng sự hận thù của mình và đã tha thứ, nhưng ngay lúc ấy, đứng trước một trong những tên lý hình, bà đã bị nắm chặt bởi khinh bỉ và hận thù. Bị đờ người ra, bà chẳng còn biết làm gì hay nói gì nữa.
Lúc ấy, bà bắt đầu cầu nguyện : "Lạy Chúa Giêsu, con cảm thấy bất lực để tha thứ cho người đàn ông nầy. Xin Chúa tha thứ cho con". Ngay lúc ấy, có cái gì kỳ diệu đã xảy ra, bà cảm thấy mình được tiếp vào sự tha thứ của Chúa Giêsu. Bàn tay của bà đưa lên và nắm lấy bàn tay của kẻ tra tấn bà trước kia. Cùng một lúc, bà vừa tự giải thoát mình vừa giải thoát tên lý hình của bà khỏi cái quá khứ khủng khiếp của mình.
Làm sao giải thích được một sự thay đổi hoàn toàn trong phút chốc như vậy? Chúng ta sẽ đoán ra được. Phép lạ tha thứ được phát sinh nơi Corrie nhờ cái tình cảm không thể diễn tả được là Chúa Giêsu đã tha thứ cho sự bất lực không thể tha thứ của bà. Lời thú nhận bất lực của chính bà đã làm mềm lòng bà và đã làm cho bà có khả năng đón nhận ân sủng tha thứ.
2. Diễn tả cảm giác đáng được tha thứ thế nào ?
Như tôi vừa nói, tự cảm thấy mình là đối tượng của một sự tha thứ là một kinh nghiệm không thể diễn tả ra được. Ngôn ngữ không đủ để diễn tả tính chất, sự phong phú sâu xa và cường độ của nó. Kinh nghiệm đó không so sánh được với bất cứ kinh nghiệm nào khác, như những kinh nghiệm về tình yêu say đắm, về lòng biết ơn, về niềm vui, về thành công, về sự gặp lại nhau giữa bạn bè, v.v... Một cách nào đó, kinh nghiệm nầy gặp lại Cái Tôi trong sâu thẳm của nó, và chúng ta có thể đánh giá nó là kinh nghiệm nền tảng.
Lewis Smedes gọi nó là fundamental feeling. Nền tảng, bởi vì hơn mọi kinh nghiệm khác, nó cung cấp cho chúng ta cảm giác được nhận biết và quí trọng vì những gì mà chúng ta là trong sâu thẳm chính mình. Lúc ấy chúng ta cảm nhận mình được yêu thương cách vô điều kiện, bất chấp những xấu xí, khuyết điểm, thất bại và không tuân thủ. Chính lúc đó, chúng ta nói rằng cái Tôi sâu thẳm tự biết nối kết với suối nguồn tình yêu và không không tách lìa khỏi nguồn suối ấy.
Chúng ta có thể so sánh tình cảm nầy với cảm giác nồng nhiệt về an toàn và tín nhiệm của đứa bé được cha mẹ mong muốn và yêu mến vì chính nó. Mặc dù chúng ta có thể cảm thấy rất có lỗi liền sau các lầm lỗi hoặc sai sót của mình, cảm giác đã được xét đoán là đáng được tha thứ còn mạnh mẻ hơn. Cảm giác nầy đem lại bảo đảm là sẽ không bao giờ bị mất đi nguồn suối tình yêu vô tận nầy nữa. Chúng ta biết rằng trong mọi lúc mình có thể lại đến giải khát nơi suối nguồn nầy và lại thấy mình được củng cố trong tình yêu.
Tuy nhiên điều có thể xảy ra là chúng ta không còn cảm nhận được cái cảm nhận nền tảng nầy. Tìm lại được nó là một kinh nghiệm rất cảm kích. Tôi đã có kinh nghiệm đó sau một khóa nghiên cứu về việc sử dụng các câu chuyện và giai thoại nhằm mục đích mục vụ. Trong một phòng chật ních hơn bốn trăm linh mục, nan nữ tu sĩ, nhà thần học John Shea nổi tiếng vì tài kể chuyện thuật lại cho chúng tôi dụ ngôn đứa con hoang đàng.
Lúc đầu, tôi không cảm thấy chút chi hứng thú. Vậy mà rồi tôi đã để mình bị người kể chuyện bắt lấy đến độ nước mắt ràn rụa trên mặt. Và không phải một mình tôi thôi đâu ! Khi ra khỏi cơn mê hoặc, bằng một liếc nhìn vụng trộm, tôi nhận thấy hầu như cả phòng đều khóc. Ngay cả một số người còn khóc nức nở đến đổi những người ngồi gần nghĩ là nên đến an ủi họ. Nhờ tài bi kịch của mình, John Shea đã thành công trong việc làm sống lại nơi các thính giả hai tình cảm trái ngược : ước muốn mạnh mẻ biết mình được yêu thương tha thứ và niềm xác tín mình không đáng được như thế.
Tuy nhiên, chúng ta không thể dùng ý chí tự cung cấp cho mình một tình cảm như thế và không cảm nhận mình được yêu thương đến được tha thứ như mong muốn. Điều duy nhất chúng ta có thể làm, chính là chuẫn bị cho mình đón nhận ân sủng đặc biệt liên kết với ơn hoán cải nầy. Phúc Âm dạy chúng ta rằng những người trở lại là những ai tự để cho mình được yêu thương, mặc dù sự nghèo nàn của mình, trong khi những kẻ cứng lòng là những ai đã từ chối tình yêu và sự tha thứ. Chúng ta thấy, một bên, những nhân vật như Maria Mađalêna, Giakêu, Matthêu, người đàn bà xứ Samaria chấp nhận để cho tình yêu nhân hậu của Chúa Kitô đánh động ; còn bên kia, các luật sĩ và biệt phái, ông Simon và người mắc nợ nhẫn tâm giữa bao người khác nghĩ là mình tốt vẫn vô cảm đối với tình yêu và sự tha thứ.
3. Những trở ngại trong việc nhận biết mình được yêu thương đến tha thứ:
Tại sao có biết bao kháng cự không để cho mình đạt tới ân sủng tha thứ ? Để biết điều đó, chúng ta hãy xem xét bốn loại người không thẩm thấu được với sự tha thứ. Có thể chúng ta nhận ra được mình nằm trong số những người ấy chăng ?!
- Chắc chắn có những người tin rằng mình không thể được tha thứ. Họ có cảm tưởng rằng lỗi của họ quá lớn đến đổi không bao giờ người ta có thể tha thứ chúng cho họ. Hình như những người thuộc loại nầy mỗi lúc một hiếm đi trong xã hội tục hóa.
- Tiếp đến là những người không tin vào tính nhưng không của tình yêu. Trên nguyên tắc, họ chấp nhận có thể có một tình yêu vô điều kiện, nhưng trong thực hành thì họ chẳng tin là có thứ tình yêu ấy, bởi vì họ xác tín rằng chẳng có gì là nhưng không cả và mọi cái đều phải trả giá, vào một ngày nọ hay một ngày kia thôi, kể cả sự tha thứ. Những người nầy thường đã có những cha mẹ không bao giờ biểu lộ cho họ một tình yêu nhưng không. Họ chỉ được yêu thương như phần thưởng cho những điểm cao đạt được ở trường, cho hạnh kiểm tốt hoặc những việc phục vụ họ đã làm.
- Hạng người thứ ba từ chối sự tha thứ : Họ không cảm thấy cần đến nó chút nào cả, vì xem ra họ chẳng cảm thấy chút nào có lỗi, về phương diện cá nhân cũng như về phương diện xã hội. Họ sống trong một thứ trống rổng về luân lý và thiêng liêng. Họ đau khổ vì một bệnh thần kinh thiêng liêng và luân lý làm cho họ vô cảm với mọi nhu cầu tha thứ. Phải chăng đó là thân phận của nhiều người đương thời của chúng ta ? Một số tư tưởng gia quả quyết rằng sự thiếu mẫn cảm luân lý nầy là nguyên nhân của một con số tự tử lớn lao nơi các người trẻ.
- Hạng thứ tư là những người chối bỏ cách đơn giản sự có lỗi như một thiếu sót tâm lý. Một số trường phái tâm lý coi cảm giác có lỗi và nhu cầu tha thứ như một sự thiếu trưởng thành và thiếu tự lập. Người ta lẫn lộn ở đây cảm giác có lỗi bị ám ảnh và bệnh hoạn với cảm giác có lỗi lành mạnh. Trong khi cảm giác có lỗi loạn thần kinh hành hạ và nghiền tán cá nhân, thì tình cảm có lỗi lành mạnh và bình thường báo động cho người ấy về cái thực sự là nó : một hữu thể bị giới hạn và sai lầm. Cái nhìn chân lý nầy trên cá thể giải thoát nó và có thể dẫn đưa nó xác định cho mình một lý tưởng luận lý thiết thực.
Chấp nhận lãnh nhận sự tha thứ mà không cảm thấy bị nhục mạ hoặc bị hạ thấp, đó là thách đố. Nhiều người từ chối sự tha thứ đúng là để tránh sự sĩ nhục. Khi mô tả thảm kịch tha thứ của Chúa nơi các nhân vật của Bernanos, Philippe Le Touzé làm nổi bật sự từ chối đó : "Nhưng con người khép kín với tha thứ, vì tha thứ hạ nhục nó và cướp đi của nó cái ảo tưởng tự lập để giao nộp nó cho người khác muốn làm gì thì làm, do đó thời đại mới toan tính làm lại một vũ trụ không có Thiên Chúa". Một cái nhìn biến thể về tự lập đẩy tới những hành động của sự độc lập giả trá, trong khi sự tự lập đích thực tạo nên khả năng chọn lựa những sự tùy thuộc của mình.
Tóm lại, xem ra hiển nhiên rằng người nào không yêu mình và không tha thứ cho mình sẽ không còn có thể yêu thương và tha thứ cho kẻ khác nữa. Vả lại, tình yêu mình và tha thứ cho mình xem ra không thể thực hiện được và là ảo tưởng, nếu không có sự ân cần của Đấng Khác. Bấy giờ xem ra là thiết yếu chấp nhận biết mình đáng tha thứ và đã được tha thứ để có thể tha thứ khi đến phiên mình.
4. Để làm cho mình có thể đón nhận sự tha thứ :
1) Để cho mình được yêu thương trong tha thứ không phải là việc dễ dàng. Để giúp bạn làm điều đó, tôi đề nghị với bạn một thực tập có khả năng đặt bạn trong tình trạng nhận lãnh cách đơn giản. Một số người hoạt động và quảng đại không bao giờ học tập để nhận lãnh, và còn ít hơn để cho mình được biệt đãi. Họ cảm thấy mình tự chủ và bảo đảm hơn về chính mình khi họ cho đi. Họ không chịu đựng được cảm giác lệ thuộc mà hành dộng nhận lãnh làm phát sinh nơi họ.
Bạn hãy sẵn sàng nhận lãnh và đón tiếp tất cả những gì mà cuộc đời cống hiến làm cho bạn cảm thấy dễ chịu hôm nay : mùi thịt quay, hương thơm cà phê, sức ấm mặt trời, nhìn thấy một quang cảnh đẹp, hình thú một ngọn cây, các màu sắc của mỗi mùa, cảm giác thoải mái trong đời, nghe một khúc nhạc hay, v.v... Bạn hãy để cho những cảm giác đó tắm gội toàn thân bạn, dù chỉ vài phút mỗi ngày.
2) Bài thực tập thứ nhì nhằm mục đích giúp gia tăng khả năng nhận lãnh của bạn:
Bạn giữ một tư thế thoải mái, rồi bạn nhớ lại những dấu hiệu quan tâm mà bạn đã nhận lãnh trong suốt cả ngày : những lời chào hỏi, những lời khen tặng, những khuôn mặt hạnh phúc khi gặp bạn, những dấu hiệu của lòng biết ơn, lá thư của một bạn thân, v.v... Bạn đã đón tiếp thế nào những quà tặng rất tầm thường nầy của cuộc đời ? Bạn có để thời giờ lắng xuống trong bạn niềm vui nhận lãnh, cho nó bắt rễ trong tình cảm của bạn và bạn có thể vui mừng vì nó không ?
3) Thực tập nầy được gọi là "Kinh cầu tình yêu", rút ra từ cuốn Aimer, perdre et grandir :
Bạn giữ tư thế thư giản và loại bỏ mọi sự chia trí. Bạn hãy bắt đầu bằng việc đọc cho mình "kinh cầu" những người, những loài vật, những cây cỏ và những đồ vật yêu thích bạn. Ví dụ : Gioan yêu tôi, mẹ tôi yêu tôi, Chúa yêu tôi, bạn Arthur yêu tôi, con chó của tôi yêu tôi, mặt trời yêu tôi, gió heo may yêu tôi, bức tranh của tôi yêu tôi, v.v... Bạn hãy lẹ lên mà không lo âu về mức độ hoặc phẩm chất của tình yêu. Điều quan trọng là bạn ý thức được nhiều hình thức tình yêu đang vây quanh bạn.
4) Để bạn biết mình đáng được tha thứ và đã được đặc xá, bạn hãy lập danh sách những người đã tha thứ cho bạn các lầm lỗi của bạn, các yếu đuối, các khuyết điểm và các lỗi của bạn trong quá khứ. Một khi danh sách chấm dứt, bạn hãy để thời gian trở về với từng sự tha thứ bạn đã lãnh nhận. Bạn hãy thưởng thức từng tha thứ một. Bấy giờ bạn hãy để tràn ngập bạn cảm giác về giá trị của bạn và không cần biết đến những cảm giác khác có thể đến làm giảm bớt nó đi.
5) Bạn hãy để thời giờ suy niệm những lời nầy của Thánh Gioan : "Trước mặt Chúa ta sẽ an tâm, vì dẫu lòng ta có trách ta đi nữa thì Chúa lớn hơn lòng của chúng ta và Ngài biết tỏ tường tất cả" (1Jn.3,19-20)
Giaiđoạn 1 - Hai - Ba - Bốn - Năm - Sáu - Bảy - Tám - Chín - Mười - MườiMột - MườiHai
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules