Phỏng vấn Đức Cha Robert Finn về bài Thuyết Trình của Obama trong Lễ Bế Giảng tại Đại Học Notre Dame


Dưới đây là bản dịch bài phỏng vấn ĐC Robert W. Finn, Giám Mục Kansas City – St. Joseph của ông Jack Smith, Chủ Nhiệm tờ Catholic Key về bài thuyết trình của Tổng Thống Obama trong Lễ Bế Giảng tại Đại Học Notre Dame vừa qua được đăng ngày 18 tháng 5 năm 2009.

1. Đối thoại là một đề tài lớn của Ngày Bế Giảng tại Notre Dame. Hội Thánh có thể đối thoại về phá thai không?

Có rất nhiều những yếu tố liên hệ mà chúng ta phải làm trong việc chăm sóc cho các phụ nữ đang bị đau khổ bằng cách cung ứng cho họ những chọn lựa khác với việc phá thai. Chúng ta cùng nhau hợp tác, thảo luận và nghiên cứu xem phải làm gì để đáp ứng cách tốt nhất những nhu cầu của phụ nữ và gia đình. Chúng ta phải giảm thiểu số lượng phá thai bằng cách nào? Đó là những yếu tố để đối thoại. Nhưng còn việc phá thai là điều phải hay trái – thì đó là một sự ác tự bản chất. Việc trực tiếp hủy diệt đời sống của một người vô tội là một điều không bao giờ thương lượng được.

Đối thoại là một phương tiện để đạt đến một mục đích. Mục đích của việc đối thoại là thay đổi tâm hồn. Nếu tôi lắng nghe và mỗi người chúng ta nói lên sự thật thì việc đối thoại có thể có cơ đạt được kết quả. Nhưng trong đầu tôi phải thật sự có một mục tiêu chính đáng.

2. Tổng Thống Obama đã nói trong bài diễn văn, “có thể hợp tác trong một cố gắng chung không?” Hội Thánh có thể hợp tác với chính phủ trong cố gắng chung không?

Là một quốc gia, chúng ta muốn chấm dứt kỳ thị chủng tộc. Chúng ta muốn một nền hoà bình chắc chắn hơn trên thế giới. Chúng ta muốn một sự công bằng vững chắc về kinh tế cho dân chúng. Cho nên chúng ta không thể không hợp tác với chính phủ.

Nhưng chúng ta cũng đang chiến đấu cho sự sống còn của chúng ta – thật vậy. Chúng ta đang cố gắng bảo vệ hằng ngàn những đứa trẻ chưa được sinh ra. Chúng ta đang chiến đấu cho quyền thực thi lương tâm được đào luyện đúng đắn khác với chính sách công cộng. Chúng ta không được đánh giá thấp nguy hiểm của việc chần chờ trong cố gắng này, hay có thái độ “chờ đợi xem sao”. Nếu chúng ta không đứng đầu trong trận chiến bảo vệ quyền làm theo lương tâm, việc lật đổ Rove v Wade, và địa vị ưu tiên của hôn nhân chân chính, thì chúng ta sẽ bại trận trong những lãnh vực đó. Tôi nghĩ rằng người ta đã rút tấm thảm dưới chân chúng ta. Nếu chúng ta cứ ngồi đó để cho mình bị ru ngủ trong ảo tưởng của an bình và hợp tác về những điều này, thì chúng ta sẽ bại trận và sau đó sẽ tự hỏi tại sao.

3. Không nói rõ là ai hay nhóm nào, Cha John Jenkins, Viện Trưởng Đại Học Notre Dame trong bài giới thiệu Tổng Thống đã cảnh cáo chúng ta về khuynh hướng “ma quỷ hóa nhau”. Vậy có phải các vị Giám Mục lên tiếng chống lại việc cấp bằng tiến sỹ danh dự về luật cho Tổng Thống Obama là “ma quỷ hóa” ông ta hay Đại Học Notre Dame không?

Tôi nghĩ rằng các Giám Mục (và nhiều người khác) đã vạch ra bản chất bi thảm của việc mời (ông Obama). Khi tôi đọc lại lời của Cha Jenkins tôi thấy nó được chia thành ba phần. Trong phần thứ nhất, chính Cha Jenkins đã dùng hàng loạt những từ ngữ khó nghe. Cha đã dùng những từ như - chia rẽ, kiêu căng, khinh miệt, ma quỷ hóa, giận dữ, bóp méo, ghen ghét, kết án, thù nghịch. Và người ta phải thắc mắc rằng chẳng lẽ Cha đã dùng những từ này như một bức họa để châm biếm 60 đến 70 vị Giám Mục đã lên tiếng phản đối việc Cha mời (ông Obama) hay sao.

Phần giữa hoàn toàn nói về đối thoại. Tôi nghĩ rằng Cha đã dùng chữ đối thoại sáu lần. Cha trích lời ĐTC Bênêđictô XVI, Ex Corde Ecclesiae và Công Đồng Vaticanô II.

Và trong phần thứ ba, Cha trình bày lòng thán phục của Cha đối với Tổng Thống. Như thế đây được coi là cách Cha sắp đặt bài nói chuyện của Tổng Thống với Cha – nói một cách rất tiêu cực về bất cứ ai có vẻ chống lại quyết định của họ, rồi nhấn mạnh đến địa vị hàng đầu của việc đối thoại, và sau cùng bày tỏ lòng ngưỡng mộ của Cha đối với Tổng Thống. Đối thoại là điều quan trọng, nhưng vấn đề phải được đưa ra một cách công bằng, “Chúng ta có thể thương lượng về những điều mà tự bản chất của chúng là ác hay không?” và tôi nghĩ rằng câu trả lời là không.

4. Tổng Thống cũng đã lên tiếng phản đối việc hạ những người có những quan điểm khác thành những nhân vật biếm họa. Có phải đó là điều mà các Giám Mục đã làm đối với hành động của Tổng Thống về sự sống không?

Các Giám Mục ý thức về những quyết định rất tai hại mà Tổng Thống Obama đã hứa làm về vấn đề sự sống, và bây giờ đã làm liên quan đến việc phá thai và việc nghiên cứu tế bào gốc lấy từ phôi thai. Đây là điều trọng yếu; đây nói về sự sống và chết. Nếu khi nói về những điều này, chúng tôi bị gán cho là giận dữ hay kết án – thì cứ hiểu như thế đi. Những hành động như vậy đáng bị kết án. Đó là một phần của gương mù trong việc Notre Dame mời Tổng Thống – vì nó có thể làm cho người ta bị lầm lẫn về giáo huấn của Công Giáo chống lại phá thai trong số những vấn đề về chính sách công cộng khác.

5. Có sứ điệp nào quan trọng nổi bật nhất đối với vụ ra trường không?

Tôi nghĩ rằng sứ điệp của ngày này là - Viện trưởng Notre Dame đã nói rằng họ đã mời Tổng Thống Hoa Kỳ và đã quyết định tôn vinh ông vì đối thoại. Rồi Tổng Thống đã đứng lên và nói rằng những khác biệt mà chúng ta có về phá thai – chính là việc Hội Thánh cương quyết chống phá thai và việc ông cương quyết ủng hộ phá thai là điều “không thể hòa giải được”. Và ngay lúc ấy, đối với tôi, cuộc đối thoại đi đến chỗ ngừng lại tức khắc. Cha Jenkins đã diễn tả ước muốn đối thoại, dù có nền tảng vững chắc hay có thể biện minh được, ở điểm này Cha đã bị mất mặt. Tổng Thống đã đóng cửa về việc đối thoại bằng cách nói rằng ông sẽ không thay đổi lập trường về phá thai và ông cũng hiểu rằng lập trường của Hội Thánh cũng không thay đổi chút nào. Đối với tôi, đó là bài học của ngày hôm nay. Tôi mừng là ông Obama đã nói thật rõ ràng.

Và thật là ngạc nhiên khi mọi người đứng lên vỗ tay ca ngợi ông. Tiếc thay, việc này làm cho người ta ngộ nhận là cử tọa hoàn toàn tán thành lập trường của ông, và bởi vì ông là một người thông minh và tài ba, điều này phải được đo lường bằng những quyết định tai hại mà ông đang làm hết ngày này qua ngày khác.

6. Có phải lời kêu gọi hợp tác với nhau để làm giảm bớt việc vô tình thụ thai là một cách mới để tìm ra quan điểm chung không?

Tôi e rằng cách đặc biệt mà Tổng Thống đóng khung điều này trong cụm từ “giảm thiểu việc vô tình thụ thai” là quảng bá Planned Parenthood và phục vụ việc ngừa thai. Tổng Thống đã ủng hộ dự luật Phòng Ngừa Trước (Preventive First Acts) đang được bàn luận. Đây không phải là giáo dục về tiết dục, mà là cổ võ việc dùng thuốc ngừa thai và cung cấp cho Planned Parenthood một ngân phiếu khổng lồ vô hạn. Nếu người Công Giáo không thấy đây là một vấn đề thì tôi không nghĩ rằng họ hiểu được mối đe dọa đối với ý nghĩa của hôn nhân, với sự chung thủy, với đức trong sạch, và ngay cả đối với sự linh thiêng của đời sống con người và tình yêu mật thiết.


Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ