Chúa Nhật IV Mùa Chay A

( Jn.9,1-41)

THIÊN CHÚA LÀ ÁNH SÁNG


Chủ đề xuyên suốt của Chúa Nhật IV Mùa Chay năm A này là : Chúa Giêsu là ánh sáng. Anh sáng chiếu soi để cho tiên tri Samuel có thể nhận ra người mà Thiên Chúa tuyển chọn làm vua Israel là David, cũng chính ánh sáng ấy đã dẫn đưa dân thành Ephêsô từ nơi thâm u tối tăm của sự chết là tội lỗi trở thành con cái ánh sáng trong giếng Rửa Tội. Và Đức Kitô đã truyền ánh sáng từ nơi mình sang cho anh mù bẩm sinh để anh được nhìn thấy Đấng ban sự sáng cho mình mà đi theo và loan truyền tình thương của Chúa.

Theo quan niệm của người Do Thái xưa vẫn cho rằng : Những gian nan khốn khó người ta gặp phải là do tội lỗi nên bị Thiên Chúa phạt, vì thế anh mù trong Tin Mừng hôm nay thuật lại, cũng không thóat khỏi ánh mắt không thiện cảm của những người chung quanh và cả những người thân. Cha mẹ coi anh như một của nợ nên đẩy anh ra khỏi nhà, không chia sẻ số phận hẩm hiu của anh, nên đã không đi tìm Chúa Giêsu để xin cứu chữa và cũng không cám ơn Chúa khi con được khỏi bệnh, cũng không bênh vực khi anh bị chất vấn. Cho nên khi anh được khỏi mù, anh đã không chạy về với cha mẹ. Còn những người láng giềng không nhận ra anh phải chăng anh đã bị người ta quên lãng ? Và những người thường gặp anh ăn xin thì không vui khi anh được sáng mắt, có nghĩa là họ không cảm thông chia sẻ với anh. Cả các môn đệ khi thấy anh bị mù họ cũng cho anh là người có tội hay cha mẹ anh, họ không thương xót, không cảm thông, cứu chữa. Qủa thật, anh mù rất cô đơn, vô cùng đau khổ trong kiếp sống tàn tật ăn xin, bị mọi người bỏ rơi, nguyền rủa.

Trong khi đó Chúa Giêsu không kết án, không qui tội mà cứu chữa anh, đã đưa anh đến miền ánh sáng của đức tin. Thật vậy :

1/ Anh mù đã tin một người là Giêsu đã mở mắt anh :

Anh nhận ra Chúa Giêsu khác hẳn những người khác : “ Người tên là Giêsu đã trộn ít bùn, xức vào mắt…tôi đi rửa và tôi nhìn thấy được”(c.11), một ông Giêsu quyền năng, vì chưa bao giờ người ta nghe nói là có ai mở mắt cho kẻ mù từ lúc mới sinh, thế mà ông Giêsu làm được như thế. Ông Giêsu đã yêu thương, ông không lên án mà cứu chữa (x.c.32). Còn những người khác chẳng những bất lực mà lại không có tình thương. C.32 cho thấy con người khoanh tay trước bệnh mù bẩm sinh. Mọi người chẳng những khoanh tay bất lực mà còn thiếu tình thương, chỉ biết lên án.

2/ Anh mù nhận ra Chúa Giêsu là ngôn sứ :


Người Biệt Phái không nhất trí với nhau về lai lịch của người đã chữa anh mù, vì Chúa Giêsu đã chữa anh vào ngày Sabat nên Chúa Giêsu không phải do Thiên Chúa vì không giữ ngày hưu lễ, nhưng có người lại nhấn mạnh đến việc Chúa đã chữa người mù nên Ngài không thể là có tội được. Còn anh mù thì lý luận : “ Nếu không phải người bởi Thiên Chúa mà đến thì ông ta đã chẳng làm gì được“(c.33) nên anh cương quyết xác nhận“Người là một vị ngôn sứ” (c.17b).

3/ Anh mù nhận ra Chúa Giêsu là người do Thiên Chúa :
Cuộc tranh luận và thái độ của những người Biệt Phái làm cho anh mù càng xác tín và thách thức họ “ hay các ông cũng muốn là môn đệ ông ấy”(c.27b), lời nói của anh nhìn nhận Chúa Giêsu là một bậc thầy trên cả những người Biệt Phái, đi một bước xa hơn nữa là anh đã cho họ một bài học : “ chúng ta biết rằng Thiên Chúa không nhận lời những kẻ tội lỗi …xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh, nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến”(c.31-33). Khi anh được Chúa Giêsu làm cho sáng mắt thì anh trở thành ánh sáng của Ngài, trở thành dấu chỉ sáng chói của Ngài. Chính vì điều này mà sau đó người ta xua đuổi anh.

4/Người mù được Đức Giêsu cho biết Ngài là Con Người và anh đã tin :


Người Do Thái xua đuổi anh, còn Đức Giêsu thì tiếp nhận anh, điều đó cho thấy Chúa Giêsu luôn luôn là người đi bước trước, “Đức Giêsu nghe nói họ đã trục xuất anh, và đi tìm gặp anh”(c.35). Trên hành trình đức tin phải có bước khởi đầu xuất phát từ Thiên Chúa. Và chính hành động này làm cho người mù có so sánh : Những người mệnh danh là cha mẹ dân thì xua đuổi anh trong khi Chúa Giêsu là người bị họ coi là người tội lỗi lại đón tiếp anh, cho nên niềm tin của anh vào Ngài càng lớn mạnh. Vì thế, khi nghe Chúa Giêsu hỏi : “anh có tin vào Con người không ?…chính Người đang nói với anh”(c.35b-37) thì anh sẵn sàng tuyên xưng đức tin “ Thưa Ngài tôi tin”. Liền đó anh sấp mình xuống trước mặt Người, lời nói và cử chỉ của anh chứng tỏ anh nhìn ra Đức Giêsu Thiên Chúa.

5/Sứ điệp Tin Mừng :

Chúa để xẩy ra đau khổ, tật nguyền để con người nhận thấy giới hạn của mình, và để liên đới sự đau khổ, khuyết tật của người khác cũng là đau khổ, khuyết tật của mọi người, nhờ đó sẽ kích thích cho con người tìm phương pháp cứu chữa, xoa dịu.Thái độ của chúng ta đối với đau khổ, tật nguyền, tội lỗi, bị xã hội khai trừ là một sự cảm thông đem tình thương Chúa đến cho họ, đây là một lời mời gọi hằng vang lên, thúc bách ta phải thi hành sứ mạng.Việc Chúa Giêsu không giữ ngày hưu lễ mà lại chữa anh mù bẩm sinh khỏi bệnh, cho chúng ta thấy Ngài có quyền trên lề luật(x.Lc.13,10-17) và Ngài đã đặt lề luật bên dưới con người (x.Mc.2,28). Qua đó, ta hiểu được Thiên Chúa của Đức Giêsu là Thiên Chúa yêu thương con người.Chúng ta thử xét xem, trong cuộc đời trên đường chúng ta đi có khi nào chúng ta xua đuổi ánh sáng được Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta không ?Chúng ta dùng bài này để cầu nguyện như thế nào ? và quyết sống ra sao ?

Lạy Chúa, là ánh sáng trường tồn bất biến, xin cho chúng con không cố chấp ngồi lì trong bóng đêm tội lỗi, nhưng biết nhận ra tình trạng đui mù tâm hồn của mình mà khiêm tốn, can đảm đi đến suối Siloe là Đức Kitô bằng lòng tin, lòng ăn năn sám hối và yêu mến để được dẫn vào nguồn sáng Phục Sinh của Chúa, hầu được hưởng ơn cứu độ.

Sr. Mai an Linh, OP