Tầm cao của Phúc Âm


Giakêu là một người giàu có. Sự giàu có của ông có thể khiến cho người ta có lý do chính đáng nghi ngờ ông tham nhũng. Thật vậy, phụ trách thu thuế cho người La mã chiếm đóng xứ sở mình, ông trích ra những khoản đáng kể làm của riêng, lấy ở những số tiền thuế do ông quản lý. Vậy mà Đức Giêsu đã không nề hà đến thăm, lưu lại nhà ông, đem đến cho ông ơn cứu rỗi. Đoạn kết bài tường thuật nhấn vào ý nghĩa sứ vụ của Chúa là đến cứu rỗi nhân loại. Vấn đề đặt ra ở đây là gì? Ơn cứu rỗi đối với ông Giakêu phải chăng là bố thí rộng rãi và hoàn trả gấp bội số tiền phù thu lạm bổ? Chúng ta không nên tách riêng đoạn Phúc Âm hôm nay với giáo huấn tổng quát của Đức Kitô về của cải thế gian. Mọi của cải thế gian, mọi sự giàu có, bất lương hay lương thiện cũng vậy, đều có xu thế chiếm đoạt tâm hồn, đều được chứa đựng hiểm họa gây thiệt hại cho kẻ khác. Muốn được cứu rỗi thì phải cố lên tới tầm mức Nước Thiên Chúa, ở độ cao ấy tâm hồn tự giải thoát khỏi sự chi phối của tiền bạc để có thể thờ phụng Thiên Chúa và đối xử với đồng loại bằng một tình huynh đệ thực tế và công bằng. Tình thương công bằng cho đồng loại, ưu tiên tuyệt đối cho Thiên Chúa, đó là tầm cao ơn cứu rỗi của Phúc Âm. Thế mới biết, những viễn ảnh muốn nhìn Phúc Âm như một hệ thống bình đẳng đáng ngờ trong hưởng thụ của cải đời này, quả là một lối nhìn thiển cận biết chừng nào. Phúc âm trong thực tế chủ trương công bằng xã hội, chính là vì Phúc Âm nhắm một mục tiêu vượt xa đời này vô cùng. Ơn cứu rỗi của Phúc Âm ở tầm cao của đức tin và trong trật tự đức tin. Do đó có hai câu hỏi:

1) Ai dám tự phụ hoàn toàn không mắc cái “tội” của ông Giakêu?
Kitô hữu nào thật sự giàu hoặc thèm muốn giàu mà không cần lo giải thoát tâm hồn mình khỏi sức hấp dẫn của tiền bạc? Tới đây, chúng ta phải đề phòng kẻo rơi vào một ảo tưởng. Sống trong hoàn cảnh đầy đủ, người ta có thể ngay lòng xác nhận mình không bận tâm về của cải thế gian. Nhưng trong hoàn cảnh may mắn ấy, người ta có đặt ưu tiên cho việc thờ phụng Thiên Chúa không? Vì ở đây không chỉ là giá trị của sự từ bỏ những điều giam hãm tâm hồn, ở đây là giá trị của sự thờ phụng và kính mến Thiên Chúa hằng sống.

2) Đức Giêsu có ghét bỏ Giakêu kẻ giàu có không?
Chúng ta biết rõ Đức Giêsu nghĩ gì về sự giàu có. Thế mà Người đối thoại với những kẻ giàu. Chúa đứng về phía những kẻ hèn mọn, nghèo khổ, Chúa bênh vực quyền lợi họ, nhưng không lấy đó làm vũ khí chống kẻ giàu có. Chúa không hô hào bần cùng hóa nhà giàu và tư hữu hóa kẻ nghèo. Tất nhiên Đức Giêsu tiếp lời các ngôn sứ giảng dạy về sự Thiên Chúa đòi hỏi gắt gao phải đối xử công bằng. Nhưng Đức Giêsu đi xa hơn nữa, Người nhắm vấn đề cơ bản. ‘Người này cũng là con cái Abraham’, Chúa nói như thế về ông Giakêu ăn năn trở lại. Vậy thì, con cái Abraham, nghĩa là gì? Là đặt niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa và tin cậy sắt đá vào Thiên Chúa. Dòng dõi thiêng liêng Abraham tập hợp và liên kết chặt chẽ với nhau trong niềm tin vào Đức Kitô. Kẻ nào thành thật sống niềm tin ấy thì tìm được thái độ thích đáng là không gắn bó thiết tha với sự giàu có, giàu có thật sự hoặc giàu có trong mơ ước thèm khát cũng vậy.


(Suy niệm của Achille Degeest)