THÀNH TẢ THỊ ĐỔI TÙ PHẠM



Nước Vệ có một tù phạm chạy qua nước Ngụy, gặp duyên nên ở Tế Hội đã giúp trị khỏi bệnh cho hoàng hậu của Ngụy Tuyên vương, được Ngụy vương đối đãi tử tế.

Vệ Tự Quân nghe được thì phái người đem năm mươi cân vàng đến chuộc anh ta lại. Đi liên tiếp năm lần mà Ngụy Tuyên vương không đáp ứng, Vệ Tự Quân bèn nói sẽ dùng thành Tả Thị để trao đổi tù phạm, các đại thần trong triều nhao nhao cấm cản.

Tự Quân nói: “Các ông không hiểu, trị nước nếu không chú ý đến những điểm nhỏ thì pháp luật không thể quán triệt, như thế dù cho quốc gia có mười thành Tả Thị chăng nữa, thì cuối cùng cũng sẽ mất đi.”

Ngụy Tuyên vương nghe mấy lời ấy bèn đem tù phạm tống về nước Vệ, cũng không nhận vàng bạc và thành Tả Thị, mục đích là không hy vọng Vệ Tự Quân trị nước giỏi được.

(Hàn Phi tử: Nội các thuyết thượng-Thất thuật)

Suy tư:

Có người khi ở quê hương mình thì thành kẻ tù phạm, nhưng chạy qua nước khác thì được trọng dụng; và lại có người khi ở quê hương mình thì được công hầu khanh tước, nhưng chạy qua nước khác thì trở thành kẻ tù tội, nô lệ. Đó chẳng qua là luật lệ và hoàn cảnh của hai bên không giống nhau mà thôi...

Có người dưới mắt người này thì là kẻ ba trợn, nhưng dưới mắt người khác thì là kẻ thông minh hóm hỉnh, bởi vì ba trợn hay thông minh hóm hỉnh là do cái tâm của người nhìn mà ra: người hiền từ thì nhìn ai cũng thấy dễ thương, người cộc cằn thô lỗ thì nhìn ai cũng thấy ba trợn, người hay hồ nghi thì nhìn ai cũng giống như người ăn cướp, người có đầu óc giai cấp cách mạng thì nhìn ai cũng thấy phản động cần phải đề phòng.v.v...

Con người ta ai cũng có những ưu điểm và khuyết điểm, hãy nhìn cái ưu điểm của họ để hợp tác, để chia sẻ và thăng tiến, bởi vì nếu cứ nhìn khuyết điểm của người khác thì chúng ta sẽ biến họ thành người xấu đáng bị bỏ tù.

Chúa Giê-su không bao giờ nhìn thấy tội lỗi của chúng ta để tha tội, nhưng Ngài nhìn thấy những điểm tích cực trong những khuyết điểm để tha tội và ban ơn cho chúng ta.

Hãy học hỏi nơi Chúa Giê-su: có tấm lòng bao dung.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.