Niềm tin Việt Nam: Tứ tri và tha thứ

Niềm tin Việt Nam minh họa trong dạng truyện ngắn về những đời sống niềm tin của người Việt Nam, không phải trong quá khứ, cũng không phải trong tương lai, nhưng ngay trong ngày hôm nay và ngay bây giờ. Đọc Niềm tin Việt Nam, có thể bạn sẽ nhận ra những nhân vật xuất hiện trong Niềm tin Việt Nam chính là bạn, hoặc những người thân trong gia đình, hoặc những người hàng xóm, hoặc những người tín hữu trong xứ đạo của chính bạn.


Tha thứ bẩy lần, Ảnh Nguyễn Trung Tây

Nhìn thấy chồng hai tay chắp sau lưng, thong thả bước những bước đi chậm rãi trong bếp chờ đợi giây phút nước nóng thổi tung bọt bong bóng, dì Tư mở miệng khai hỏa liền,

— Thiệt tình mà nói không dễ làm người Công Giáo!

Nghe vợ nói, ông Tư dừng lại những bước chân di động trên nền gạch màu xanh đậm. Ông Tư yên lặng, dáng vẻ chờ đợi. Thấy chồng không nói chi, dì Tư lộ vẻ khó chịu,

— Ông có nghe tui nói hay không mà sao cứ đứng lặng yên như tượng muối thế kia?

Vẫn với dáng điệu nhẫn nại, ông Tư nghiêng người, đưa tay lên vành tai trái,

— Thì tôi đang lắng nghe đây. Bà đang nói không dễ làm người Công Giáo, có đúng không?

Dì Tư gật đầu cái rụp,

— Đúng rồi! Thiệt tình là không dễ làm người Công Giáo, bởi vì Chúa đòi hỏi nhiều quá. Tui làm không có xuể.

Nhìn chòng chọc vào cặp mắt ông Tư, dì Tư dừng lại giữa chừng. Thấy vợ yên lặng, không nói thêm chi, ông Tư bước tới nhấc ra khỏi bếp ấm nước đang rền vang tiếng hú còi tàu xe lửa, rồi khoan thai đổ nước nóng vào bình trà. Nhẹ nhàng quay lại ông cất tiếng hỏi,

— Ai làm chi khiến bà nổi giận đùng đùng như Trương Phi trong tuồng cải lương hồ quảng vậy?

Dì Tư cộ mắt nhìn chồng,

— Ai? Ai làm chi? Ông gõ cửa nhà bà hàng xóm của ông mà hỏi.

Ông Tư nhíu mày,

— Bà nói bà hàng xóm, mà bà hàng xóm nào?

Dì Tư nóng nảy,

— Ông khéo là hỏi, thím Tám chứ còn bà hàng xóm nào.

Hít một hơi dài vào ngực hương thơm trà đang lan tỏa, ông Tư cất giọng,

— Trà thơm quá!

Quay sang dì Tư, ông Tư nghiêng bình trà xuống hai chung trà làm bằng đất nung. Thật chậm rãi, ông đổ trà nóng đang bốc khói nghi ngút như đầu tàu xe lửa ra hai chung trà màu nâu đỏ sậm. Cầm chung trà óng ánh màu vàng lên, ông Tư mời vợ,

— Chuyện chi thì chuyện, mời bà uống một chung trà với tôi trước đã rồi vợ chồng mình nói chuyện tiếp.

Dì Tư cộ mắt,

— Nói chuyện tiếp. Ông nói chiện đây là chiện chi?

— Chiện chi, thì chuyện bà vừa mới nói đó, chuyện không dễ mà làm người Công Giáo đó.

Như bị khơi dậy lại mối thương tâm đang làm độc mưng mủ trong lòng, dì Tư đẩy tới,

— Đó! Thì ông cứ nghĩ coi, ta nói Hội Legio trong giáo xứ tổ chức bán chả giò…

Ông Tư giơ tay đưa ra ly trà,

— Khoan! Khoan hẵng bà. Đây, đây, ly trà của bà đây. Ngồi xuống, ngồi xuống uống với tôi một chung trà sáng sớm đầu ngày, rồi chuyện gì thì chuyện, vợ chồng mình sẽ bàn tiếp…

Dì Tư yên lặng nhìn chồng. Ngập ngừng trong vòng một giây, dì đưa tay ra đón nhận ly trà trên tay chồng, rồi chậm rãi ngồi xuống chiếc ghế gỗ. Đưa chung trà nóng đang bốc khói nghi ngút lên miệng, dì Tư hớp một ngụm nhỏ, cất tiếng khen,

— Trà thơm quá! Ở đâu mà ông kiếm ra được trà thơm nức mũi thế này?

Ông Tư cười,

— Ở đâu ra? Bà cứ đưa tiền đây cho tôi. Tôi đón xe bus đi xuống dưới phố Việt Nam rảo rảo mấy vòng thì trà nào mà chẳng có. Tôi độ là ở dưới phố Việt, Trảm Mã Trà cũng có nếu mình có tiền.

Ông Tư đưa lên miệng chung trà, cũng hớp một miếng rồi đặt chung trà cạn đáy xuống mặt bàn,

— Nhưng trà mình đang uống là trà Bảo Lộc. Tôi thì có một lần đã được nếm Trảm Mã Trà, một lần khác Bạch Mao Hầu Trà của người Minh Hương. Nhưng tôi thấy trà Việt Nam thơm ngon chẳng kém chi ai.

Dừng lại chuyện trà, ông Tư cất tiếng hỏi vợ,

— Lúc nãy bà đang nói chuyện Hội Legio bán chả giò…

Dì Tư chép miệng,

— Ừ, đúng rồi, tự nhiên ông đổi sang nói chiện trà làm tui quên mất câu chiện tui đang muốn nói. Ta nói mùa hè năm nay Hội Legio quyết định làm chả giò bán sau thánh lễ Chúa Nhật để lấy tiền góp cho những Viện Cô Nhi bên Việt Nam. Thấy chuyện tốt lành như vậy, phần thì cũng rảnh rỗi, nhà chỉ có hai vợ chồng, cho nên tui tình nguyện đứng ra cuốn gói, rồi chiên chiên nấu nấu ba cái chả giò ở ngay nhà bà Hội Trưởng. Ông thấy gần đây cứ chiều tối thứ Bẩy tui vắng mặt không có ở nhà là bởi dzậy đó. Lục đục loay hoay phụ giúp bà Hội Trưởng đi chợ mua thịt heo, đồ gia vị, rồi hai chị em lại ngồi cuốn cuốn chiên chiên mấy trăm cái chả giò. Từng đó chiện thôi cũng đủ hết nửa ngày thứ Bẩy. Rồi sau thánh lễ Chúa Nhật, tui tình nguyện đứng sau quầy với bà Hội Trưởng để bán chả giò. Ai mua thì mình lẹ tay gói cho người ta, rồi mình thu tiền. Ông thấy chuyện buôn bán mà, mình cũng phải chịu khó tươi vui cười cười nói nói, có như dzậy người ta mới vui vẻ móc tiền ra mua chả giò cho mình chớ. Có đúng không?

Dì Tư ngưng lại một chút, tuồng như để thở, rồi thở dài sườn sượt,

— Những điều tui vừa mới nói là tâm thành của mình đối với Chúa, đối với Hội Legio, và đối với những Viện Mồ Côi ở Việt Nam. Tui không nói hơn một câu, tui không nói kém một chữ.

Dừng lại, dì Tư đưa lên miệng chung trà còn đầy tới một nửa, uống thẳng một hơi cạn đáy, rồi tiếp tục câu chuyện, lần này mặt dì trở nên đỏ tía như đang nhai trầu thuốc,

— Thế đó! Vậy mà hôm qua, mới ngày hôm qua thôi, bà Hội Trưởng hỏi tui có mần chi đụng chạm tới thím Tám, hàng xóm cách nhà mình mấy căn hay không? Tui hỏi sao bà Hội Trưởng lại nói như vậy? Bả ấy nói thím Tám đi nói với người ta tui già rồi mà không nên nết, cứ làm như còn trẻ trung lắm đó mà đứng bẹo hình bẹo dạng với người trong xứ và đám trẻ trong khi đứng bán chả giò. Mà coi chừng đó, tiền bạc vào tay tui thì vô chín mười, nhưng chung cuộc đếm lại chỉ còn một hai. Thím ấy còn nói bả ở gần nhà mình mà, cho nên thím ấy rành sáu câu vọng cổ về tui, ai mà không biết tui việc nhà thì nhác, mà việc chú bác thì siêng…

Dì Tư hỉ hỉ mũi, tuồng như xúc động,

— Nghe bà Hội Trưởng nói như vậy, tui nổi giận cành hông, chỉ muốn khóc, chỉ muốn đứng dậy đi ngay tới nhà thím Tám để mà diện đối diện hỏi cho ra lẽ. Mình thì tình ngay ý lành như hoa nhài hoa bưởi mọc ở đầu ngõ mà người ta dám dựng lên cả một tuồng một tích không đầu không đuôi về tui như dzậy đó.

Thấy vợ sụt sùi, ông Tư cầm tờ giấy napkin đưa cho vợ. Dì Tư cầm lấy miếng giấy napkin trong tay, lúng túng đưa lên đưa xuống, rồi lại nhét sâu vào trong túi áo bà ba miếng giấy lau miệng. Dì đứng lên, tay quơ quơ tìm kiếm bình trà. Ông Tư giọng ngọt ngào,

— Bà ngồi yên đó đi. Để tôi, để đó cho tôi...

Nghiêng bình trà xuống chung trà của vợ, ông Tư nói,

— Bà nói đúng, thiệt tình là không dễ làm người Công Giáo. Một mặt thì Chúa nói phải tha không phải chỉ bẩy lần mà là tới bẩy mươi lần bẩy. Một mặt khác, người ta nói đụng chạm tới danh dự của mình tới cỡ như vậy thì làm sao mà tha, làm sao mà bỏ qua cho đặng.

Dì Tư gật gật đầu trước lời an ủi của chồng,

— Vậy là ông hiểu rồi đó. Khi nghe thủng chiện về vụ thím Tám, lòng dạ tui bứt rứt như kiến bò trong bụng như rắn cuộn bắp chân. Nhưng nhớ là tội mình cũng cao thấu trời xanh, mà bao nhiêu lần rồi Chúa vẫn tha cho cái rụp, thì tự nhiên lòng tui lại chùng xuống, lại lòng dặn lòng là thôi bỏ qua, hãy tha thứ. Nhưng nhớ tới những lời người ta nói về mình, lòng tui lại xốn xang, đứng ngồi không yên, tuồng như đi ra đụng kiến lửa, đi vào chạm bọ hung.

Ông Tư gật gật đầu,

— Thì chắc chắn là như vậy rồi. Mình thì không vọc nước giỡn trăng, cứ cắm đầu lo làm việc bác ái việc thiện mà bị người ta đóng đanh như vậy thì làm sao mà không buồn? Mình thì làm người quân tử đi ngang vườn dưa, không cúi xuống sửa giầy, đứng dưới cây mận không đưa tay sửa mũ, thế mà người ta vẫn cứ đổ vạ cáo gian thì làm sao mà tha cho đặng? Nhưng bà thấy đó, Chúa Giêsu cũng đường đường là người quân tử, đi đứng lưng thẳng tắp như cây thước, không đi đường mòn không về ngõ tắt, thế mà người ta vẫn hùa nhau đóng đinh Ngài trên cây thập tự. Thầy còn bị như thế thì làm sao bà là phận đệ tử mà đòi khá hơn Thầy cho được.

Nghe chồng nói tới đoạn này, dì Tư ngẩng đầu lên nhìn ông Tư, rồi lắc lắc đầu tuồng như thương cảm,

— Ông nói thiệt là hay, nghe lọt cái lỗ tai! Ta nói hôm mà coi phim Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, tui khóc hết nước mắt. Ngồi coi phim trong rạp với mấy bà trong Hội Legio, tụi tui cứ thay phiên nhau hỉ mũi khóc sụt sùi...

Ông Tư hỏi vợ,

— Bà còn nhớ cái tích tứ tri khước kim hay không?

— Tuồng đó tui coi từ hồi còn nhỏ mà, làm sao mà quên cho được. Có phải là vào thời của nhà Tống có ông Tể Tướng tên là Dương Chấn tiến cử ông Lý Mật làm quan huyện. Rồi đâu có lần Dương Chấn có dịp đi ngang qua huyện của Lý Mật. Đợi đêm khuya thanh vắng, Lý Mật mang vàng tới tạ ơn tiến cử thuả xưa của Dương Chấn. Nhưng Dương Chấn từ chối không nhận. Lý Mật mới nói, “Đêm khuya thanh vắng có ai biết đâu mà ông e ngại”. Dương Chấn lắc đầu nói, “Tại sao lại nói không ai biết? Đêm khuya thanh vắng nhưng Trời biết, Đất biết, ông biết, và tôi biết”.

Ông Tư gật đầu,

— Bà cũng nhớ dai dữ. Bởi Trời biết, Đất biết, ông biết, tôi biết cho nên người ta mới gọi là tứ tri là vậy. Bà làm việc thiện việc lành, Chúa biết, bà biết, bà Hội Trưởng biết, và bây giờ tôi cũng biết vậy. Như vậy là tứ tri rồi.

Ông Tư gãi gãi đầu,

— Việc đời hai vợ chồng mình thăng trầm trải qua cũng nhiều. Có những chuyện bà với tôi rầu héo ruột bởi người ta đối xử với mình không tốt mặc dù mình cũng chẳng đụng chạm chi tới ai. Nhưng nếu tha được, thì tôi cũng cố gắng bỏ qua, cố gắng không để cho tâm hồn mình bị xao động, bởi tôi thấy đời sống trăm năm rồi cũng như ngọn gió thoảng qua bên song cửa. Thay vì để tâm hồn và thời giờ để giận hờn để ăn miếng trả miếng, tôi để một mảng tâm hồn và một khoảng thời giờ đó pha trà cho bà và cho tôi uống. Như thế trần gian gọi là hạnh phúc, như vậy người đạo gọi là ngộ đạo.

Nhìn vào chung trà của vợ, ông Tư nói,

— Nhơn câu chuyện của bà, tôi còn học được một điều như thế này. Thấy người ta đặt điều nói sau lưng, mình rất phiền muộn khó chịu. Nhưng còn mình, mình có nên bắt chước đi vào những vết xe đổ của người khác hay không? Tôi thấy người ta làm vàng ròng hoặc làm thép rỉ ở ngay điểm này. Đã bao nhiêu lần Chúa Giêsu bị lên án không bằng cớ, không chứng từ, không nhân chứng, nhưng Ngài vẫn tha thứ, vẫn nhắm mắt bỏ qua, vẫn nhất quyết không bước lên vũng lầy xe đổ tạo ra bởi vết chân của những kẻ vu oan giá họa cho Ngài. Tha thứ trong tôn giáo của mình cao siêu và thâm thuý tới cỡ như vậy đó.

Lời Chúa

.. .Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Ðức Giêsu mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?" Ðức Giêsu đáp: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy" (Matt 18:21-22).

Lời Nguyện

Lạy Chúa, xin dậy chúng con biết tha thứ cho những lỗi lầm của anh chị em, như Chúa đã bao nhiêu lần tha thứ, không chấp nhất những yếu đuối mỏng ròn của chúng con.

Trích trong CD Niềm tin Việt Nam: Chú bé vô danh www.nguyentrungtay.com
LM Nguyễn Trung Tây, SVD