THẬP GIÁ



Thập giá – đau khổ và nhục nhã

Thập giá là dụng cụ nhục hình dành cho các tội nhân thời đó. Thập giá là biểu tượng của sự thử thách, của nỗi khổ đau. Trong cuộc sống, dù muốn dù không, chúng ta vẫn gặp và chịu đựng nhiều thứ trái ý. Thật vậy, bị áp bức hoặc không làm gì được người kia thì đành phải chịu thua. Đó là “bị” vác thập giá, bị nhục nhã. Người Việt có câu: “Một sự nhịn, chín sự lành”. Nhưng người ta thường “nói đùa” là “một sự nhịn, chín sự… nhục”.

Tuy nhiên, Thập giá cũng chính là dụng cụ nhục hình mà Chúa Kitô đã chịu đóng đinh vào, và Ngài đã chết trên đó để cứu chuộc nhân lọai. Ngài đã bị nhục nhã ê chề, vì hình phạt đóng đinh vào Thập giá chỉ dành cho những tên tội phạm “khét tiếng”. Không chỉ là bị đóng đinh vào Thập giá mà Ngài còn bị lột trần. Vô cùng nhục nhã. Thậm chí các môn đệ chí thiết cũng tìm cách rời xa Ngài vì sợ bị liên lụy. Chúa Giêsu đã bị liệt ngang hàng với cỡ tội phạm nguy hiểm như Baraba. Có lẽ không còn sự nhục nhã nào hơn nữa!

Thập giá – hy vọng và quang vinh

Thập giá còn có nghĩa là bất cứ thử thách đau khổ nào mà Kitô hữu phải chịu, và tự nguyện chấp nhận, để được kết hợp với Chúa và cộng tác với Ngài trong việc cứu rỗi chính mình và các linh hồn. Như thế, Thập giá không còn là nhục hình mà lại trở thành một mầu nhiệm được mặc khải, được Chúa dạy khi Ngài nói: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Thầy” (Mt 16:24; x. Mt 10:38 và Lc 14:26-27). Mầu nhiệm Thập giá là một trong các chủ đề chính yếu của các thư thánh Phaolô (Rm 5:8; I Cr 1:17; Gl 4:16 và Pl 2:6-11).

Trên Cây Thánh Giá, Chúa Giêsu là Đấng vô tội nhưng đã bị vu cáo, là Đấng Công chính nhưng đã bị kết án, là Đấng chí thánh nhưng đã bị đày ải, là Vua trời đất nhưng đã bị hành hạ nhục nhã và bị đóng đinh chết tức tưởi, là Con Thiên Chúa toàn năng nhưng đã bị thóa mạ, bị chà đạp và bị từ chối, là Ánh Sáng nhưng đã bị tối tăm vây phủ, là Đấng vô cùng cao sang nhưng đã bị trần truồng tủi hổ, chịu chết treo trên hai miếng gỗ, là Sự Sống nhưng đã phải trút hơi thở cuối cùng, là Sự Chết nhưng cũng là Sự Sống Lại.

Thánh Gioan Kim khẩu suy niệm: “Cây Thánh Giá là hy vọng của các Kitô hữu, là sự sống lại của kẻ chết, là sự hướng dẫn cho kẻ mù, là cây gậy cho người què, là sự an ủi cho kẻ nghèo khổ, là sự kềm hãm của kẻ giàu sang, là sự hành hạ đối với kẻ xấu xa, là sự chiến thắng ma quỷ, là kẻ chỉ đạo cho người thanh niên, là bánh lái cho những người vượt sóng, là cửa biển cho những kẻ đi xa, là thành lũy cho những kẻ bị vây hãm”.

Thập giá là chìa-khóa-Nước-Trời, là chìa-khóa-vạn-năng giúp chúng ta xử lý bất kỳ trường hợp nào trong cuộc sống. Khi cô đơn, đau khổ, vất vả, thất vọng, lo sợ, tủi nhục,… cứ ngước nhìn Thập giá Đức Kitô thì người ta sẽ tìm được ủi an, nâng đỡ và bình an. Thánh Jean Chrysostome nói: “Hiểu đau khổ, đón nhận đau khổ, tiến dâng đau khổ, đó là nguồn sống hạnh phúc hoan lạc. Chiến đấu với tội lỗi là chiến đấu với đau khổ”. Với Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu: “Có Chúa, tất cả đau khổ thế trần là thần lương bổ dưỡng, và tất cả an ủi thế trần trở nên cay đắng”.

LM Anton Torès viết: “Vác Thánh giá mà không có gì an ủi, đó là lúc ta đang bay bổng trên đường trọn lành; khi cầu nguyện mà không nghe động tình vui thú an ủi, đó là cách cầu nguyện rất hữu ích cho linh hồn”. Một Saolê hung hãn bắt đạo đã trở nên một Phaolô hăng say rao giảng về Thập giá: “Lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (I Cr 1:18, 25).

Cứ ngỡ Thập giá là nhục nhã nhưng lại là niềm hy vọng và vinh quang. Bác học Voltaire đã thốt lên: “Lạy Chúa, con đã chiến đấu 60 năm vì vinh quang Ngài” (Mon Dieu, j’ai combattu soixante ans pour Ta gloire). Chiến đấu thì phải đau khổ, có đau khổ mới có vinh quang. Trong một chương trình phát thanh, đài Nguồn Sống xác định: “Chúa không cần người có tài, nhưng Ngài cần người mà Ngài có thể dùng”. Đó là những người xả thân vì Đức Kitô, không có tài sẽ được Ngài hỗ trợ – như Samuel, thánh nữ Faustina,… Có tài thì vẫn tốt, nhưng Chúa cần có đức trước, như người Việt thường nói: “Tiên học lễ, hậu học văn” vậy. Chúa Giêsu có những cái “ngược đời”, nhưng đó lại là những điều tối cần thiết để sống hữu ích cho chính mình, cho tha nhân, cho Giáo hội, cho tổ quốc, cho xã hội – hôm nay và ngày mai. Chúa Giêsu bị treo trên Thập giá và Ngài kéo chúng ta lên. Ngài lên cao và vinh quang qua con đường Thập giá thì chúng ta cũng nhờ Thập giá mà hy vọng được lên cao và chung hưởng vinh quang với Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thật lòng yêu mến và say mê Thập giá để khả dĩ là khí cụ của Ngài, dám sống “ngược đời” như Ngài, và như mong muốn “không giống ai” của Thánh Phaolô: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì ngoài Thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6:14).


TRẦM THIÊN THU
Saigon, Lễ Suy tôn Thánh Giá – 14/9/2011