Mười truyện đơn sơ về Giáo Lý và Giáo Dục mỗi tuần (26)

251. Nên làm gì trước khi trả lời hoặc trước khi hành động?

Xưa có một triết gia cầm một giây xích nhỏ gồm một trăm vòng. Ông tự ép mình đếm cho xong một trăm vòng của giây xích nầy trước khi định trả lời hoặc định làm một việc gì mà ông cảm thấy nôn nao, bức xúc, mất bình tĩnh. Nhờ đó, ông tránh được phát ngôn nhiều lời chưa kịp suy nghĩ kỹ, cũng như tránh được nhiều hành động bộc phát, bất thần, thiếu chuẩn mực.

Nếu bạn và tôi không có mang trong mình một giây xích có một trăm vòng như vậy, chúng ta vẫn có mười ngón tay để đếm cũng được: đếm từng ngón tay cho đến khi cảm thấy con người của mình bình tĩnh, sáng suốt thì mới trả lời, mới hành động.

252. Bài học của sự cố gắng không ngừng!

Chắc bạn đã biết cuộc đời của thi sĩ vĩ đại Milton, của nhạc sĩ vĩ đại Beethoven, của nhà bác học vĩ đại Pasteur, của tiểu thuyết gia vĩ đại Stevenson.

Và chắc bạn cũng lấy làm khâm phục khi biết rằng người thứ nhất: đui, người thứ hai: điếc, người thứ ba: bất toại, người thứ tư: ho lao.

Thế mà cuộc đời của họ rất lạ lùng, làm say mê nhân loại!

Cũng như bạn và tôi, họ gặp rất nhiều trở ngại trong đời mình. Những trở ngại của họ nhiều khi quá lớn lao, tưởng không thể nào vượt qua được. Nhưng họ đã thâu được nhiều thành công đáng phục trong cuộc đời khó khăn của mình. Họ không cam phận sống cảnh dỡ dang. Họ không để cho bất cứ khó khăn nào chận đứng họ lại. Họ đã cố gắng đủ cách để lật nhào những trở ngại to tát. Họ dạy cho bạn và tôi một bài học vô cùng quan trọng khi chúng ta đứng trước những trở ngại nhỏ nhoi hoặc to tát đang chận đứng cuộc đời mình: bài học của sự cố gắng không ngừng!

253. Phải làm việc lành, mới khôn ngoan

Một thành phố Hy Lạp có tục lệ lạ lùng như sau: mỗi năm, họ tìm một người lạ mặt để tôn lên làm vua; xong năm đó, họ hạ bệ ông vua nầy, đày ông ra ngoài một hoang đảo mà không cho ông đem theo một cái gì cả.

Ngày kia, một người lạ mặt được bầu lên làm vua. Ông nầy thật khôn. Ông truyền cho đem áo quần, đồ ăn, vật dụng ra ngoài hoang đảo, để khi bị truất phế, ông sẽ có đủ mọi thứ để sống một cách vui vẻ nơi hoang đảo nầy.

Đó là một câu truyện do thánh Đamasxênô đã thuật lại.

Vua một năm, đó là chúng ta. Sống trong cuộc đời vắn vỏi nầy, chúng ta sẽ về đảo đời đời. Nếu chúng ta đã tích trử những công việc lành, chúng ta mới có phước. Còn nếu không, chúng ta sẽ vô phước.

254. “Con biết Chúa là Con Đức Chúa Trời!”

Khi cha Durien đang làm việc trong một xứ truyền giáo tại Phi Châu, có một em bé tuy còn nhỏ nhưng cứ đòi xin cho được rước lễ. Mỗi lần em đòi, cha Durien luôn trả lời câu sau đây: “Con còn nhỏ quá, chưa hiểu gì đâu.”

Mỗi lần nghe cha Durien trả lời như vậy, em tỏ ra rất buồn.

Một trưa kia, em vào nhà thờ, tưởng không có ai trong đó, liền nói to lên cho Chúa Giêsu trong Nhà Tạm nghe:

- “Lạy Chúa, cha sở nói rằng con không thể rước Chúa được vì con không biết Chúa. Điều đó không đúng. Con biết Chúa lắm vì con biết Chúa là Con Đức Chúa Trời, là Hài Nhi do Đức Mẹ đã sinh ra tại Bêlem, là Đấng đã sống ở Nadarét. Chúa đã chọn ácc Tông Đồ, đã chịu chết trên Thánh Giá vì chúng con và đã sống lại. Chúa xem như vậy mà bảo con không biết Chúa sao? Xin Chúa soi trí cha sở cho con được rước Chúa.”

Cha Durien lúc đó có mặt trong nhà thờ mà em không hay. Cha quá cảm động. Từ đó, cha liệu cách dọn mình cho em được rước lễ vỡ lòng.

255. Tìm sự bình an và niềm vui trong Chúa khi đau khổ

Denise Legris sinh ra, không tay, không chân, nhưng chị vẫn quyết chí sống. Chị đã trở thành hoạ sĩ kiêm văn sĩ có biệt tài, và đã được giải thưởng Albert Schweitzer.

Trong những cơn đau đớn thể xác và tâm hồn, chị tìm được bình an và vui vẻ trong Chúa. Chị nói:

- “Trong cơn đau đớn, tôi thầm nguyện phó mình cho Thiên Chúa. Từ ấy, tôi cảm thấy tâm hồn thư thái và vui hẳn lên.”

256. Em cũng muốn yêu Ngài hết sức em!

Thánh nữ Magarita, hoàng hậu xứ Écosse, lúc bốn tuổi, thấy một cây Thánh Giá, liền hỏi. Người chị cắt nghĩa cho Magarita biết vì sao Chúa Giêsu đã chịu chết. Magarita cảm động, la lên:

- “Chúa Giêsu đã yêu em như vậy. Em cũng muốn êu Ngài hết sức em!”

257. Sợ Thánh Giá là nổi khổ nhất của chúng ta

Thánh Vianê, bổn mạng các linh mục quản xứ, suy niệm về Thánh Giá như sau:

- “Trên con đường của Thánh Giá, chỉ có bước đầu mới gay go. Sợ Thánh Giá là nổi khổ nhất của chúng ta. Phần đông loài người từ chối Thánh Giá và tìm cách chạy trốn. Nhưng họ càng chạy trốn thì Thánh Giá càng đuổi theo họ, càng tấn công họ, càng đè nặng trên mình họ … Vậy chúng ta hãy tiến lên để đón lấy Thánh giá như thánh Anrê khi thấy Cây Thánh Giá quân lý hình đang dựng lên trước mặt: “Kính chào Thánh Giá đáng yêu, đáng chuộng! Chớ gì Thánh Giá hãy đón nhận tôi và trao tôi về với Thầy tôi là Đấng sẽ dùng Thánh Giá để cứu chuộc tôi.”

258. Chắp tay lại và làm Dấu Thánh Giá

Thánh nữ Anê bị bắt vì Đạo lúc 15 tuổi.

Quan dỗ, cô không nghe. Quan doạ, cô không sợ. Quan không ngã lòng: ông truyền dẫn Anê đến đền thờ bụt.

Khi đến đền thờ bụt, quan truyền mở trói cho Anê để cô được tự do lấy một tí hương rắc vào lửa. NNếu cô làm như thế, cô sẽ được tha vì làm như vậy, cô tỏ dấu tôn kính bụt thần.

Thấy hai tay được tự do, Anê liền cung kính chắp lại và sốt sắng làm Dấu Thánh Giá. Cô biết mình yếu đuối. Cô biết quan sẽ căm tức. Cô biết quân lính sẽ giết chết mình. Nhưng với Thánh Giá Chúa Giêsu, cô được tràn đầy sức mạnhđể chíem lấy vòng hoa tử đạo.

259. “Sách Phúc Âm có nói Chúa chết và Chúa đã sống lại.”

Bà thánh Magarita đồng trinh đã được phước tử đạo như sau.

Bà bị quan cai thành Antioche xử án.

Thấy đức tin của bà quá mạnh, quan án liền nói:

- “Tin một kẻ bị đóng đinh sỉ nhục, thật không có điều gì dại dột bằng.”

Magarita liền hỏi vặn lại ngay:

- “Thưa ngài, sao ngài lại biết Chúa Giêsu bbị đóng đinh?”

- “Ta đọc trong sách Phúc Âm mà ngươi cho là Sách Thánh.”

- “Thưa ngià, sách Phúc Âm là Sách Thánh, nhưng sách Phúc Âm có nói Chúa chết và Chúa đã sống lại. Ngài đã chết như một người. Ngài đã sống alị như Thiên Chúa. Cho nên chúng tôi thờ lạy Ngài và chúng tôi hát Alleluia trong ngày Ngài phục sinh. Vì thế, chúng tôi ngợi khen Danh Ngài và chúng tôi không ngần ngại liều mình chết để tin điều đó.”

Lý luận chặt chẽ đã làm cho mọi người bỡ ngỡ, nhưng quan án tức tói và truyền xử tử thánh nhân.

260. “Chúa Kitô đã sống lại!”

Dịp Lễ Phục Sinh năm 1918, một đám người Nga vô thần đã tổ chức một cuộc diễn thuyết chống đạo Công giáo.

Spitzberg, người danh tiếng nhất trong nhóm nầy, đã chứng minh một cách hùng hồn rằng Giêsu không thể nào sống lại được.

Sau bài diễn thuyết, Spitzberg được dân chúng vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt.

Trong khi mọi người đang còn tán thưởng Spitzberg thì có một người đứng dậy. Đó là một vị linh mục già. Vị linh mục nầy nói:

- “Cho tôi trả lưòi ông Spitzberg.”

- “Được, đồng chí cứ nói, nhưng nói cho vắn tắt, đừng quá năm phút.”

- “Tôi chỉ xin chừng một phút.”

Vị linh mục già liền ra trước mặt dân chúng, làm Dấu Thánh Giá, hôn Cây Thánh Giá đeo trên ngực, rồi cúi đầu chào khán giả. Mọi người quá ngạc nhiên nên hết sức lắng tai nghe linh mục phát biểu ý kiến. Nhưng linh mục già nầy chỉ nói có mấy chữ, mà nói một cách mạnh mẽ: “Chúa Kitô đã sống lại!”

Dân chúng, như bị một luồng điện giựt, đều đứng dậy đồng thanh đáp:’

- “NGÀI ĐÃ SỐNG LẠI!’”

Vị linh mục già nầy liền làm Dấu Thánh Giá trên dân chúng để ban phép lành cho họ. Xong, ngài thong thả ra về.

Bọn vô thần đỏ mặt. Và bài diễn thuyết công phu của ông Spitzberg không còn giá trị gì nửa.

(Cũng nên biết rằng dân Nga thời ấy có một tục lệ rất cảm động là trong Tuần Phục Sinh, họ chào nhau bằng câu: “ Chúa Kitô đã sống lại!” và người kia liền thưa: “Ngài đã sống lại thật!”)
LM Nguyễn Vinh Gioang