Results 1 to 2 of 2

Thread: D - Đoàn Thị Điểm

  1. #1
    Moderator phu ong's Avatar
    Join Date
    Nov 2006
    Posts
    1,945

    Default D - Đoàn Thị Điểm

    *

    Tiểu sử

    Đoàn Thị Điểm (sinh 1705 – mất 1748), hiệu Hồng Hà, biệt hiệu Ban Tang. Sinh tại làng Hiến Phạm, huyện Văn Giang, xứ Kinh Bắc (tỉnh Bắc Ninh). Do lấy chồng họ Nguyễn nên bà còn có tên là Nguyễn Thị Điểm.

    Mẹ của bà là Võ thị, vợ kế ông hương cống Lê Doãn Nghi, tương truyền trong một giấc mơ ông Nghi thấy có người ban cho họ Đoàn liền lấy họ Đoàn. Ngoài ra bà còn có một anh ruột là ông giám sinh Đoàn Luân.

    Đoàn Thị Điểm là người có tài trí và nhan sắc hơn người, nổi tiếng từ hồi trẻ. Năm 6 tuổi đã học rất giỏi. Năm 16 tuổi, có quan thượng thư Lê Anh Tuấn mến mộ muốn xin làm con nuôi, để tiến cử vào cung chúa Trịnh, nhưng bà nhất định từ chối. Về sau cha mất, gia đình phải chuyển về quê nhà, được ít lâu dời về làng Võ Ngai, tại đây Đoàn Thị Điểm cùng anh trai Đoàn Luân hành nghề dạy học.

    Nhưng ông Luân mất sớm, bà Điểm lại đem gia đình lên Sài Trang, ở đây bà được vời dạy học cho một cung nữ. Thời gian này bà kiêm luôn nghề bốc thuốc, gần như một tay nuôi sống cả gia đình - gồm 2 cháu nhỏ, mẹ và bà chị dâu goá. Bởi tài năng và sắc đẹp cộng với tính hiếu thuận rất đáng quý, bấy giờ bà được nhiều người cầu hôn nhưng nghĩ đến gia đình đành chối từ tất cả.

    Năm 1739 bà lại dẫn gia đình về xã Chương Dương dạy học.

    Năm 1743, sau một lời cầu hôn bất ngờ và chân thành, bà nhận lời làm lẻ của ông binh bộ tả thị lang Nguyễn Kiểu, theo ông về kinh đô. Sau đám cưới vài ngày, thì ông Kiểu phải đi sứ sang Tàu. Thời gian này Đoàn Thị Điểm còn nghiên cứu thiên văn và bói toán, viết nhiều sách [khoa học] có giá trị.

    Năm 1746, ba năm chờ chồng dài đằng đẳng vừa kết thúc, bà lại phải khăn gói, từ biệt mẹ già cháu nhỏ để sang Nghệ An, nơi ông Kiểu mới được triều đình bổ nhiệm. Sang Nghệ An buồn bã quá, một phần nhớ người thân lại thêm lạ nước lạ cái, bệnh hoạn xuất hiện rồi ngày càng phát, đến ngày 9 tháng 11 năm 1748 (âm lịch), Đoàn Thị Điểm qua đời, hưởng dương 44 tuổi.

    Sự kính yêu của người đời sau với Đoàn Thị Điểm không chỉ vì tài thi văn điêu luyện, đặc sắc, còn vì bà có những phẩm chất cao quý, đức hạnh tốt đẹp xứng đáng là mẫu phụ nữ tiêu biểu của xã hội Việt Nam ở mọi thời đại.

    Sự nghiệp

    Đoàn Thị Điểm được xem là đứng đầu trong số các nữ sĩ danh tiếng nhất Việt Nam (sau đó là Bà huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Sương Nguyệt Ánh).

    Bà làm thơ rất hay, tiếng tăm đã nổi từ 15 tuổi, được những bậc hay chữ cùng thời như Ngô Thì Sĩ, Đặng Trần Côn tán thưởng.

    Khi bà dạy học ở kinh thành và Chương Dương xã đều được rất đông học sinh tới học, trong đó có người sau này đỗ tiến sĩ là ông Đào Duy Ích.

    Tác phẩm

    Đoàn Thị Điểm viết sách nhiều nhưng thất lạc cũng nhiều, hậu thế chỉ còn biết đến một vài tác phẩm Hồng Hà nữ sĩ gồm:

    Tục truyền kỳ

    Còn gọi là Truyền kỳ tân phả, sách viết bằng chữ nho. Trong có 7 truyện:

    * Vân các thần nữ (bà chúa Liễu Hạnh)
    * Hải khẩu linh từ (nữ thần Chế Thắng)
    * An ấp liệt nữ (tiểu thiếp Đinh Nho Hàn)
    * Nghĩa khuyển thập miêu (chó nuôi mèo)
    * Hoành sơn tiến cục (cờ trên núi Hoành)
    * Mai huyền (cây mai huyền bí)
    * Yến anh đối thoại (Yến anh nói chuyện)

    Hai truyện cuối trong danh sách trên đã bị thất lạc. Sách này là nối tiếp sách Truyền kỳ mạn lục của ông Nguyễn Dữ

    Chinh Phụ Ngâm

    Là bản việt hoá của tác phẩm Chinh Phụ Ngâm bằng hán văn của ông Đặng Trần Côn sáng tác.

    Bản dịch gồm 412 câu theo lối song thất lục bát, trong diễn tả nhiều tâm trạng: hy vọng, buồn bã, giận hờn tựu về một mối đó là nỗi nhớ nhung khắc khoải của một người chinh phụ (vợ có chồng đi lính) đang chờ chồng trở về sum họp.

    Đây có lẽ cũng là tâm trạng của bà Điểm trong các năm 1743 – 1746 khi ông Nguyễn Kiểu đi sứ sang Trung Quốc.

    Tuy là bản dịch, nhưng thậm chí còn được yêu thích hơn bản chính, nên đến nay được xem như là một sáng tác của bà Điểm.

    Tác phẩm từng được dịch ra tiếng Pháp bởi những nhà văn trong nhóm Mercure de France, với tên Les Plaintes d’une Chinh phu (1939). Sau này giáo sư Takeuchi dịch ra tiếng Nhật, với tên Seifu Ginkyoku.

    Cùng với Truyện Kiều của Nguyễn Du, Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, bản dịch Chinh Phụ Ngâm của Hồng Hà nữ sĩ được xem là tác phẩm ưu tú nhất của nền thi văn trung đại Việt Nam.

  2. #2
    Moderator phu ong's Avatar
    Join Date
    Nov 2006
    Posts
    1,945

    Default Re: Đoàn thị Điểm

    Loạn thời
    Tác giả : Đặng Trần Côn



    1. Thiên địa phong trần
    Hồng nhan đa truân
    Du du bỉ thương hề thuỳ tạo nhân
    Cổ bề thanh động Trường Thành nguyệt
    5. Phong hỏa ảnh chiếu Cam Tuyền vân
    Cửu trùng án kiếm khởi đương tịch
    Bán dạ phi hịch truyền tướng quân
    Thanh bình tam bách niên thiên hạ
    Tùng thử nhung y thuộc vũ thần
    10. Sứ tinh thiên môn thôi hiểu phát
    Hành nhân trọng pháp khinh ly biệt
    Cung tiễn hề tại yêu
    Thê noa hề biệt khuyết
    Liệp liệp tinh kỳ hề xuất tái sầu
    15. Huyên huyên tiêu cổ hề từ gia oán
    Hữu oán hề phân huề
    Hữu sầu hề khế khoát
    Lương nhân nhị thập Ngô môn hào
    Đầu bút nghiên hề sự cung đao
    20. Trực bả liên thành hiến minh thánh
    Nguyện tương xích kiếm trảm thiên kiêu
    Trượng phu thiên lý chí mã cách
    Thái Sơn nhất trịch khinh hồng mao
    Tiện từ khuê khổn tùng chinh chiến
    25. Tây phong minh tiên xuất Vị kiều

    Thời loạn
    Người dịch : Đoàn thị Điểm

    1. Thuở trời đất nổi cơn gió bụi,
    Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên(1)
    Xanh kia thăm thẳm từng trên
    Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?
    5. Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt,(2)
    Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây.(3)
    Chín lần gươm báu trao tay,
    Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh.
    Nước thanh bình ba trăm năm cũ,
    10. Áo nhung trao quan vũ từ đây.(4)
    Sứ trời sớm giục đường mây,
    Phép công là trọng niềm tây sá nào.(5)
    Đường rong ruổi lưng đeo cung tiễn,
    Buổi tiễn đưa lòng bận thê noa (6)
    15. Bóng cờ tiếng trống xa xa,
    Sầu lên ngọn ải oán ra cửa phòng.
    Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt,
    Xếp bút nghiên theo việc đao cung.
    Thành liền mong tiến bệ rồng, (7)
    20. Thước gươm đã quyết chẳng dong giặc trời (8)
    Chí làm trai dặm nghìn da ngựa (9)
    Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao.(10)
    Giã nhà đeo bức chiến bào,
    Thét roi cầu Vị ào ào gió thu. (11)

    (1)Truân chuyên :Gian nan khốn khổ
    (2)Tràng thành :Vạn lý trường thành ở Trung hoa
    (3)Cam tuyền : Tên đất
    (4)Áo nhung :Áo của quân nhân
    (5)Niềm tây : niềm riêng
    (6)Thê noa : Vợ con
    (7)Thành liền : Do chữ "liên thành " ,thành lũy liên tục nhau.(Điển tích :Nước Triệu có hai hòn ngọc bích vua nước Tần viết thư xin đem 5 thành trì đổi ngọc.Vì thế nhân gian ví những vật gì quí báu là giá "liên thành "
    (8)Giặc trời : Do chữ "thiên kiêu " Hán thư có câu :" Hồ giả thiên chi kiêu tử "Giặc Hồ là đám con khó dạy của Trời.
    (9)Da ngựa : Do chữ " mã cách " (Mã là ngựa ,Cách là da )
    Điển tích : Thời Đông hán, Mã Viện tướng giỏi từng nói :Làm trai nên chết chốn sa trường biên ải ,lấy da ngựa bọc thây chôn mới gọi là trai.
    (10) Tư mã Thiên nói :Người ta vẫn có cái chết ,song có cái chết đáng nặng như núi Thái Sơn ,có cái chết không đáng nhẹ như lông chim hồng.Ý nói có sự đáng chết và không đáng chết.
    (11) Cầu Vị : Bởi chữ " Vị Kiều " Thơ Lý Bạch có câu :"Tuấn mã nhược phong phiêu ,minh tiên xuất Vị Kiều " ( Ý nói ngựa giỏi chạy như gió cuốn ,thét roi ra lối cầu sông vị )

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts