-
Moderator
L - Linh Mục
Linh Mục
“Từ bụi tro Chúa nâng con lên hàng khanh tướng. Rầy về sau khắp nơi khen con thật vinh phúc.”
Lời ca trên đây vẫn rất ấm trong lòng người. Tiếng nhạc vẫn rạo rực trong giáo đường ngày thụ phong linh mục. Lời đẹp, ý cao sang. Làm sao mà qua lời kinh truyền phép, có Chúa hiện diện nơi bánh miến? Tôi chỉ có thể sống đời linh mục chứ chẳng hiểu được ơn gọi linh mục bằng phân tích của trí tuệ. Ơn gọi linh mục là một huyền nhiệm.
Chức vụ tư tế chỉ ai được chọn mới được lãnh nhận (1Sam 16:1-13, Yn 15:16). “Không ai được tự hãnh huống về vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên Chúa kêu gọi, như Aaron thưở xưa” (Heb 5:4). Chẳng có ý muốn trần thế nào ban tặng được thiên chức linh mục. Bởi đó, bài hát đã gọi ơn linh mục là rất quý. Lời ca thật đẹp và cũng thật đúng. Ngày tôi bước lên lãnh nhận thiên chức đó, hồn tôi cũng hân hoan vô lượng. Đức mến gọi tôi tới nhủ rằng tôi là người được chọn. Đức tin bảo rằng lối tôi vào đời rất huyền diệu.
Ngày thụ phong linh mục không phải chỉ là mơ ước trong hồn người lãnh nhận đã kết trái, mà là kết trái của mơ ước nơi bao nhiêu con tim. Những con tim nhìn về tương lai đợi trông mùa hoa thơm quý sẽ nở trên đường linh mục. Lời ca nói đến kẻ được chọn là một hồng ân. Thế nhưng, trong hai lời ca, chỉ có lời ca thứ nhất: “Từ bụi tro Chúa nâng con lên hàng khanh tướng” là lúc nào cũng đúng. Chúa không lấy lại ơn gọi Chúa đã ban tặng.
Lời ca thứ hai: “Rầy về sau khắp nơi khen con thật vinh phúc” không phải lúc nàp cũng đúng. Có linh mục chỉ sau một bình minh không dài, màu áo dòng bạc phai. Và lời ca kia trở thành sầu muộn. Có đời linh mục là tiếng thở dài của người bên cạnh và của chính mình. Giáo dân không còn bảo tôi là người vinh phúc nữa. Nơi họ là nỗi chán. Tôi đi vào chiều tắt nắng.
Ngày Hạnh Phúc Nhất?
Ngày đứng trước bàn thánh có phải là ngày hạnh phúc nhất trong đời một linh mục? Một trời mới, một đất mới mở ra, vì thế, người ta thường bảo ngày thụ phong linh mục là ngày hạnh phúc nhất, đẹp nhất.
Nhưng thời gian trôi. Những bó hoa “Ngày vui nhất” đó tàn theo một chiều ngắn. Căn phòng trở lại êm vắng. Và rồi, cũng với thời gian, căn phòng từ êm vắng có thể trở thành vắng mà không còn êm đềm. Người ta cũng thường lấy ngày cưới của hôn nhân mà so sánh với ngày linh mục. Trong ngày cưới, không phải chỉ có tình yêu giữa hai người yêu nhau, mà tiếng pháo của bao nhiêu thân thương khác chung quanh họ, anh em, bạn bè cũng nổ vang chung vui với họ. Nhưng tiếng pháo cũng sẽ im. Người sẽ xa. Tà áo cưới lãng quên trong bận rộn. Hình kỷ niệm mờ phai dần với tuổi đời. Một ngày nào đó nhìn lại tấm hình xa xưa mà ngỡ như chuyện thần tiên. Có khi những khắc khoải muộn phiền trong đời sống hôn nhân làm họ nhìn những kỷ niệm cũ mà mơ hồ như chuyện không thực. Vì thế, họ thường gọi chỉ có ngày hôn lễ là đẹp nhất trong đời.
Ngày hôn nhân hay ngày linh mục cũng có những giống nhau. Lãnh ơn gọi cho một giao ước thì hôn nhân hay linh mục cũng thế. Ngày khởi hành lời đoan hứa thì hôn nhân hay linh mục cũng là khởi hành bằng tình yêu.
Rồi lại cũng ngày nào đó, mười lăm năm sau, hai mươi năm sau, có thể là cánh thư, có thể là tấm thiệp gởi đến chúc mừng. “Cầu chúc tình yêu của hai người nồng nàn như ngày mới cưới nhau.” Họ nhắc nhau nhớ kỷ niệm năm xưa và chúc cho nhau một hành trình thật dài, tình yêu vẫn đẹp như ngày ban đầu. Ngày xưa dấu ái ấy đẹp quá. Họ nhớ mãi ngày mà không có lần thứ hai trong đời. Linh mục cũng vậy thôi: “Xin cho Cha dâng lễ sốt sắng như ngày Cha dâng lễ mở tay.” Một lời chúc mừng mà trong đó vô tình có nuối tiếc.
Vào ngày kỷ niệm thụ phong linh mục, tôi nhận được cánh thiệp chúc mừng. Từ xa có người nhắc nhở cho ngày trọng đại thưở xưa. Cái ngày đẹp ấy còn ghi dấu trong hồn người thân. Và hôm nay, người ấy nguyện xin cho đời linh mục của tôi mãi mãi “đẹp như ngày ban đầu”.
Trong lời chúc ấy có lo âu nếu hôm nay tôi không còn thiết tha như thưở đầu tiên. Lời chúc ấy đến từ cảm nghiệm của cuộc sống thực, vì trong cuộc sống cho thấy với thời gian, cung đàn nào rồi cũng có thể phôi pha.
Sau bao năm sống đời linh mục, bao nhiêu lần dâng lễ, mà nay chỉ mong sao cho được như ngày ban đầu thôi. Trong hôn nhân, tình yêu những ngỡ rằng như dòng sông sau bao nhiêu khúc quanh, ngang miền gian khổ mà đi thì nay vận điệu phải là trường ca, ấy thế mà lời cầu chúc cũng chỉ mong sao cho hôn nhân của họ được đẹp ngày đầu thôi.
Những lời chúc mừng ấy là phản xạ rất trung thực của đời sống thực tế hôm nay. Ước mơ được như ngày đầu có nghĩa là sợ rằng đã xa hạnh phúc ban đầu ấy rồi. Ngày xưa dâng lễ sốt sắng, bây giờ phôi pha. Ngày xưa hôn nhân hạnh phúc, bây giờ chán chường.
Linh mục hay hôn nhân mà nhìn những ngày tương lai không thể hạnh phúc như ngày đầu được thì trong hạnh phúc của những ngày đầu ấy đã là hàm số chứa đựng nuối tiếc đang đến rồi.
Ngày hôn lễ chỉ là khởi điểm của những ngày hạnh phúc hơn về sau. Họ không mừng ngày hôn lễ như ngày đích điểm tận cùng đã tới. Ngày ấy chỉ là vết than hồng cho ngọn pháo bông ngày mai. Ngày thụ phong linh mục cũng vậy. Những nghi lễ, chúc mừng chỉ là phụ thuộc cho một hành trình nột tâm mà hôm nay lối ngõ mới chợt mở. Nếu không săn sóc sự thật này, chao đảo dưới chân ngày thụ phong linh mục và hôn nhân sẽ đưa những hoang vắng đến.
Ngày thụ phong linh mục hay hôn lễ là ngày tình yêu lên đường. Tình yêu như những hạt lúa, đi tới đâu làm thửa đất thành ruộng mạ tới đó. Hành trình tình yêu ấy càng dài thì người mang tình yêu ấy càng hạnh phúc.
Lúa vàng không có ở chân bàn thờ trong ngày thụ phong linh mục. Cánh đồng lên màu, mùa gặt chỉ đến sau những ngày lao tác. Ngày thụ phong linh mục là tấm phên cửa sổ mở ra cho thấy những huyền nhiệm hạnh phúc khác đang đến. Huyền nhiệm hạnh phúc ấy là những ngày truyền giáo, có thể là xuôi ngược như Phanxicô, có thể là trong chiêm niệm trầm lắng mà tha thiết như Têrêsa. Đó là những chiều mỏi mệt mà không từ chối ban bí tích giải tội cho một linh hồn đang gõ cửa. Đó là những ngày hối hả mà vẫn tha thiết với bí tích Thánh Thể, sốt sắng cho giờ dâng lễ.
Ngày làm linh mục là ngày dâng lễ thứ nhất. Như thế, sẽ có hàng ngàn thánh lễ sắp xếp theo thời gian. Nhưng thánh lễ nào cũng phải là thánh lễ “mở tay”. Tân linh mục không chỉ dâng lễ “mở tay” một lần. Thánh lễ nào cũng mới. Thánh lễ nào cũng linh thiêng mầu nhiệm. Trên thập giá, tay Đức Kitô lúc nào cũng giang rộng. Mở tay để nắm lấy tay người, và để người nắm tay mình. Đường về nhà Chúa là đường Hiệp Nhất. Khi bàn tay nắm lại là dấu chỉ của thách đố, tranh đấu, chỉ thị, ra lệnh quyền uy. Những thánh lễ không “mở tay” là thánh lễ không có ơn cứu độ.
Nếu linh mục không thể chỉ có một thánh lễ “mở tay”, mà là suốt đời, thì có phải đường hôn nhân cũng là như thế, không thể chỉ có một ngày cưới mà sáng nào cũng là hôn lễ.
Lạy Chúa, sáng mai con dâng lễ trong nhà nguyện nhỏ không trang trọng như ngày con dâng lễ “mở tay”. Nhưng giữa con và Chúa vẫn là thánh lễ rất đặc biệt.
Bánh thánh không bao giờ cũ.
Xin cho con chút linh hồn nghệ sĩ để thấy không buổi chiều nào có hai màu mây giống nhau. Mỗi bình minh là một độc đáo. Thì, mỗi thánh lễ là một ơn cứu độ khác biệt quý giá.
Xin cho con ngày thụ phong linh mục cuả con, trước mặt Chúa và trước mơ ước của con sẽ không phải là ngày đẹp nhất để rồi xuống dần. Những ngày con đang sống, những ngày đang tới với con phải là những ngày đẹp hơn và hạnh phúc hơn, vì lòng thương xót của Chúa cứ theo thời gian mà ban xuống cho con cơ mà.
Nguyễn Tầm Thường, SJ
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules