PHÚC CHO NHỮNG AI KHÓC LÓC



THÁNG HOA KÍNH ĐỨC MẸ - 2009

Nếu tiếng khóc đã trở thành cội phúc, thì tiếng khóc đó không thể thiếu được trong cuộc lữ hành đức tin của chúng ta. Tiếng khóc đã lấp đầy lịch sử nhân loại và rải rác trong các bài tường thuật của Tin Mừng. Chúng ta hãy nhớ lại tiếng khóc của những bà mẹ khi những đứa con dại bị vua Hêrôđê ra lệnh sát hại. Chúng ta hãy nhớ lại tiếng khóc của Chúa Giêsu khi đứng bên ngôi mộ của người bạn Ladarô. Dĩ nhiên, chúng ta không thể quên được tiếng khóc trên đường dẫn đến núi Sọ của những người phụ nữ, của những người thân của Chúa Giêsu và của chính Mẹ Ngài. Thế nhưng Chúa Giêsu đã nói với những người phụ nữ Giêrusalem:

“Chớ khóc thương Ta mà hãy khóc thương con cái các ngươi!”.

Dường như Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng có nhiều tiếng khóc khác nhau, mặc dù ai cũng mang tiếng khóc khi chào đời. Người ta phân biệt tiếng khóc cá sấu với tiếng khóc trầm lặng trong lòng. Tiếng khóc của Mẹ Maria khi đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu không hẳn giống tiếng khóc của những người đàn bà đã thương khóc Ngài. Những người đàn bà này đã cảm thông, đã thông dự vào niềm đau của Chúa Giêsu, nhưng có lẽ họ đã không hiểu gì về nỗi đớn đau Ngài đã trải qua. Mẹ Maria cũng đã khóc, nhưng Mẹ hiểu được nỗi đớn đau của Chúa Giêsu.

Tiếng khóc là một tuyên xưng về nỗi bất lực của con người. Do đó, nó cũng chứa đựng niềm hy vọng, bởi vì chỉ khi nào ý thức được nỗi bất lực của mình, con người mới mở miệng van xin. Kinh Thánh thường dùng kiểu nói: “khóc lóc van xin”, có lẽ không có khoa học nào, không có triết lý nào giải thích nỗi tại sao con người phải van xin trong tiếng khóc. Chỉ có trong niềm tin chúng ta mới hiểu được giá trị của tiếng khóc.

Là người lữ hành trong đức tin, chúng ta không thể tiến bước mà không có nước mắt. Tất cả là những người tiên phong của chúng ta trong cuộc hành trình này đều đã than van khóc lóc. Chúng ta hãy lắng nghe tiếng khóc của Mẹ Maria: khi đã mất hài nhi Giêsu trong đền thờ, chắc chắn Mẹ đã khóc và có thể đây là tiếng khóc của mất mát. Nhưng cuối cùng đứng dưới chân thập giá, Mẹ đã khóc trong thinh lặng: thinh lặng trong cảm thông, trong hiểu biết, trong kết hiệp. Chúng ta cũng được mời gọi để bước theo chân Mẹ. Người lữ hành trong đức tin sẽ không bao giờ tránh khỏi thập giá. Mất mát, sỉ nhục, bách hại là thập giá rải rác trên hành trình của chúng ta trong tiếng kêu thảm thiết của những kẻ yếu hèn, bất lực. Chúng ta tin chắc rằng Chúa là Đấng luôn ở bên cạnh chúng ta, Ngài đỡ nâng, Ngài bổ sức cho chúng ta. Đó chính là sức mạnh của chúng ta. Sức mạnh đó không là của chúng ta, nhưng là của Đấng đang sống trong chúng ta, đang chiến đấu trong chúng ta.

“Phúc cho những ai khóc lóc vì họ sẽ được an ủi”.

Ước gì lời chúc này của Chúa Giêsu chiếu rọi vào những khóc lóc đau buồn của chúng ta. Ước gì lời chúc phúc này có sức đỡ nâng chúng ta, để chúng ta tìm được ủi an đích thực. Đó là biết rằng: chúng ta đang đi trên chính con đường của Chúa.

Chúng ta hãy xin Mẹ Maria, người lữ hành kiểu mẫu bầu cử cho chúng ta, để trong lời kinh đầy nước mắt, chúng ta luôn được kết hiệp với Đấng đã chết cho chúng ta, để đem lại sự sống đích thực cho chúng ta.