Kinh Tin Kính của tên trộm lành
Nhiều người thường nghĩ, trước giờ chết, xưng tội xong thì chết lên thiên đàng ngay. Họ lý luận đơn giản là Chúa tha tội, hết tội là ta được lên thiên đàng. Tôi đã đặt vấn đề trong suy bài suy niệm về nhân quả. Thí dụ, tôi xưng tội nói xấu, tội tôi được tha. Nhưng hậu quả của việc nói xấu là cả cộng đoàn cứ đinh ninh người đó xấu, họ dè bỉu, họ coi thường, khinh chê, tránh xa người ấy. Bí tích Giải Tội tha tội cho tôi nhưng không có năng lực thay đổi lối suy nghĩ của cộng đoàn về người tôi gây bất công. Như thế hậu quả tội tôi gây ra vẫn còn.
Nếu Chúa nhận việc đền tội bằng mấy kinh tôi đọc, cho tôi lên thiên đàng rồi cứ để người khác chịu oan ức thì đâu là vẻ đẹp của bí tích Giải Tội. Tội thì giải mà không giải được hậu quả của tội thì tôi định nghĩa thế nào về cách tôi nhận ơn sủng của bí tích này. Một lý luận đơn sơ, một người ăn cắp của tôi hàng trăm ngàn, chỉ cần xưng tội, Chúa tha! Rồi tôi lại đi lấy cắp của người khác hàng trăm ngàn, chỉ cần xưng tội, Chúa tha! Ai dám khẳng định giáo lý của Chúa là như thế?
Tôi đã đưa thí dụ. Một người không chịu học hành, ăn gian nối dối, trộm cắp, xì ke ma túy, bệnh hoạn, vào tù. Khi được tha tù, họ sám hối, mọi người tha tội cho anh ta. Tội anh ta không còn. Nhưng vì không học nên vẫn dốt, hết tội không có nghĩa là tự động thông minh. Hậu quả vẫn còn. Anh ta phải đi học lại. Tha tội không có nghĩa là anh ta hết bệnh hoạn. Anh ta phải uống thuốc, phải tập thể thao. Tội thì hết nhưng hậu quả không hết.
Tôi được tha tội, nhưng tôi phải "học" mới lấy lại được kiến thức nơi học đường. Tôi được tha tội, nhưng tôi phải "tập dượt" mới lấy lại được sức khỏe. Vì có như vậy thì các "việc lành" mới có giá trị hiện hữu.
Người trộm lành
Có thể có người đặt vấn đề. Thế còn người trộm chết bên Chúa thì sao. Anh ta đâu có đền tội mà cũng được tha, chết lên thiên đàng ngay! Trong lối suy nghĩ ấy, nhiều người cổ súy một nền tu đức "mì ăn liền". Chỉ cần tích tắc xưng tội là Chúa cho lên thiên đàng ngay. Ta hãy nghe lại những gì xảy ra ở vùng đất Jerusalem hai nghìn năm xưa theo Phúc Âm:
Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: "Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Ðấng Kitô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!" Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống và nói: "Nếu ông là vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi!" Phía trên đầu Người, có bản án viết: "Ðây là vua người Do Thái."
Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: "Ông không phải là Ðấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!" Nhưng tên kia mắng nó: "Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!" Rồi anh ta thưa với Ðức Giêsu: "Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!" Và Người nói với anh ta: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Ðàng" (Lc. 23:34-43).
Phúc Âm cho thấy toàn cảnh bấy giờ như sau:
- Dân chúng đứng nhìn.
- Thủ lãnh buông lời cười nhạo.
- Lính tráng chế giễu.
- Một tên trộm nhục mạ.
Trong ba năm, Chúa chữa biết bao nhiêu người bệnh tật. Những người này bây giờ ở đâu.
Không ai lên tiếng bênh vực Chúa.
Tôi xin đặt vấn đề. Anh ta là tên trộm, tại sao không nói như người trộm bên cạnh: "Ông không phải là Ðấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!" Trái lại anh ta mắng ngược lại tên trộm kia: "Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!"
Qua cuộc đối thoại này ta thấy hai tên trộm không nói cùng một ngôn ngữ của kẻ trộm:
- Một người biết kính sợ Thiên Chúa, một người không.
- Một người biết chịu hình phạt là đích đáng, một người không.
- Một người biết cuộc đời của Chúa không làm gì sai trái, một người không.
- Một người biết Chúa Giêsu bị đóng đinh là sự bất công, một người không.
- Một người lội ngược dòng với đám đông, một người ùa theo.
Tâm đức người trộm lành
Sự khác biệt lớn lao là một người trộm có "tâm đức", một người không. Cái tâm đức này không phải bây giờ anh ta mới có. Nó phải là lòng thao thức từ lâu. Những ngày đi ăn trộm anh ta phải biết về Ðức Kitô rồi, nên mới xác định được là "Ông này đâu có làm điều gì trái." Ăn trộm mà biết về Chúa rõ như thế sao? Ăn trộm mà còn lương tâm nhận là mình đáng tội, có nghĩa là lúc ăn trộm, lương tâm anh ta cũng đã ngời sáng rất rõ ràng. Một người như thế không có "tâm" sao. Bởi đó, ta mới có truyền thống gọi anh ta là người "trộm lành". Trong lối sống "trộm lành" này rất có thể anh ta không ăn trộm chuyên nghiệp. Biết đâu bị bắt ăn trộm trong lúc quá túng nghèo của một sa cơ? Và biết đâu trong lối sống đó anh ta đã làm nhiều việc lành đền tội rồi.
Lời chứng trong bão tố
Nguyên việc trước công chúng mà anh ta dám xác nhận Ðức Kitô vô tội thì anh cũng đáng bị người Do Thái đánh gẫy ống chân. Trong khi Phêrô chạy trốn, bao nhiêu người được Chúa chữa lành, được Chúa thi ơn không dám bênh Chúa còn anh ta có được hưởng ơn gì của Chúa đâu mà dám bênh Chúa? Việc tuyên xưng Chúa vô tội trên thập giá của một tên trộm lại là lời tuyên xưng duy nhất của nhân loại. Toàn thể bấy giờ im lặng. Tất cả thế lực tôn giáo, chính quyền đều chảy xuôi một chiều là nhạo báng Chúa.
Người tuyên xưng Chúa duy nhất lại là tên trộm. Sự tuyên xưng này mang một ý nghĩa rất sâu là anh xác tín vào đời sau. Như thế có nghĩa là tất cả xã hội kia đang đánh mất ân sủng của mình. Toàn thể đám đông kết án Chúa là sai. Anh ta đi ngược lại đám đông, người trộm này dám xưng mình tin Chúa là Ðấng vô tội. Một người bình thường không thể tuyên xưng như thế. Chúa đang chết rất nhục nhã, bởi đó người ta mới cười. "Nó đã cứu người khác thì tự cứu mình đi." Lời đó đối với con mắt người thường là đúng thôi. Vậy tại sao tên trộm lại không tin như thế. Làm cách nào tên trộm này tin Chúa sẽ vào Nước Thiên Chúa? Làm cách nào tên trộm này tin Chúa sống lại? Ai dạy anh ta có sự sống đời sau? Ai dạy anh ta tin rằng Chúa đang chết kia là Thiên Chúa thật? Người khôn ngoan thì đến với kẻ quyền năng chứ đến với một người cũng chết như mình thì được gì?
Cái sám hối của anh không đến từ một "tâm đức nhất thời" mà nó phải có căn tính bằng cả một cuộc sống của quá khứ. Anh phải biết về lời rao giảng của Chúa lúc đương thời. Anh phải theo Chúa trong tâm đức của anh từ lâu lắm rồi. Giáo lý và niềm tin không thể đến bất ưng không vun trồng. Cuộc trở về của tên trộm tương tự như quá khứ tìm kiếm lề luật của người thu thuế Dakêu.
Tư cách thay cả nhân loại tuyên xưng Chúa vô tội. Tư cách xin chấp nhận bị đóng đinh vì xứng với tội của mình để làm tương phản đảo lộn việc đóng đinh Chúa là sai trái, không là bài giảng hùng hồn nhất giữa trời đất trước mặt toàn quyền thượng tế và chính quyền hay sao? Ðấy không phải là cách đền trả công lý của anh sao?
Ðền trả là tuyên xưng đức tin
Hậu quả tội lỗi của anh có đó chứ. Nhưng anh đã đền. Không phải một tích tắc ăn năn, Chúa tha tội là lên thiên đàng. Anh ta đã đền. Cái đền anh dũng trên thập giá của anh cho tôi tin rằng anh cũng đã nhiều lần đền trong lương tâm của một thời quá khứ băn khoăn thao thức. Vấn đề đặt ra ở đây không phải là anh ta không đền. Anh ta đã đền. Cuộc tuyên xưng này không những là đền trả bây giờ mà thôi nhưng nó là kết quả của những trăn trở trong quá khứ rồi. Chỉ có vấn nạn là, đền như thế mà đủ sao? Lỗi đức công bình sao anh không đền trả cho người? "Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải? Thật vậy, khi anh đi cùng đối phương ra toà, thì dọc đường hãy cố gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào ngục" Tôi bảo cho anh biết: Anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng kẽm cuối cùng" (Lc. 12: 58-59). Phải trả đến đồng kẽm cuối cùng. Theo mạch văn thì không phải là trả cho Thiên Chúa mà cho đối phương. Ta cũng nên lưu ý một suy nghĩ, đây là ý tưởng Phúc Âm Luca. Phúc Âm Luca được mệnh danh là Phúc Âm của lòng thương xót. Luca luôn luôn đề cao lòng thương xót. Tại sao ở đây Luca viết bằng ngôn ngữ mạnh như thế.
Tất cả hậu quả của tội đều phải đền. Chỉ có vấn nạn là đền ít hay nhiều, đền bao nhiêu mới đủ, đền không đủ thì sao, làm cách nào đền. Tôi sẽ đề cập tới đền như thế nào mới đủ trong đề tài Chúa làm phép bánh hóa ra nhiều ở biển hồ Galilê.
Rồi anh ta thưa với Ðức Giêsu: "Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!" Và Người nói với anh ta: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Ðàng." Lời cầu xin của anh ta là:
- Anh tin có Nước Thiên Chúa và sự sống đời sau.
- Anh tin người ta sẽ sống lại.
- Anh không là người vô thần. Anh kính sợ Thiên Chúa.
- Anh tin Ðức Kitô là Thiên Chúa, có sự sống nơi Chúa.
- Anh tin vào Ðấng Cứu Ðộ. Ðức Kitô là Ðấng có thể cứu anh.
- Anh tin có sự cứu chuộc. Con người cần được cứu chuộc.
- Anh tin vào luân lý có đúng, có sai.
- Anh tin những người kết án Chúa, họ là kẻ là sai lầm.
- Anh tin Thiên Chúa có thể sửa sai. Anh tin một niềm hy vọng.
Sự tuyên xưng này anh phải trả giá vì nó đi ngược lại những người đang kết án Chúa. Ðây không là lời tuyên xưng dễ dãi biếng nhác. Sự đền trả của người mù ở đây mang một ý nghĩa khác nữa. Nó làm trọn Lời rao giảng của Đức Kitô: "Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời" (Mt. 10:32).
Hành trình thiêng liêng
"Tên trộm," mà hôm nay người ta thường gọi danh xưng như thế đã là nhân chứng của niềm tin giữa giờ vô cùng bão tố. Bão tố nhất. Ta có thể nói, trước khi có Kinh Tin Kính thì anh trộm đã tuyên xưng trước chúng ta rồi. Một lời tuyên xưng công khai trước toàn thể quyền thế nhân loại. Lời tuyên xưng sau cùng trước khi Chúa giã từ trần gian. Trong lúc cả nhân loại im tiếng thì một người duy nhất tuyên xưng lại là anh. Hành trình thiêng liêng của người trộm này không là tích tắc được Chúa cho vào Nước Chúa, nhưng là một hành trình đã chuẩn bị từ tháng ngày trong quá khứ.
Ta nên nhìn con đường trưởng thành thiêng của người trộm này không đến từ ngẫu hứng "mì ăn liền." Không nên dễ dãi kết luận, chỉ cần tích tắc nói với Chúa vài câu là được lên thiên đàng. Ta nên nhìn con đường trưởng thành thiêng liêng của người trộm này trong cái nhìn tìm hiểu đoạn Kinh Thánh tường thuật về anh. Có thể nói cách khác, chính lời tuyên xưng của "tên trộm" viết thành lời đoạn Kinh Thánh này.
Nguyễn Tầm Thường