Phúc cho ai xây dựng hoà bình
Shalom: hoà bình, tiếng chào này của người Do Thái mang nhiều ý nghĩa sâu xa hơn là một lời cầu chúc bình an. Shalom: hoà bình! Lời chào này không mang ý nghĩa tiêu cực như cầu chúc vắng bóng chiến tranh, loạn lạc, hay cầu chúc không bị vấn đề nào xảy ra làm cho cuộc sống phải gặp khó khăn bất hạnh. Trái lại, lời chào Shalom của người Do Thái mang những ý nghĩa hoàn toàn tích cực có thể so sánh những câu người Việt Nam chúng ta cầu chúc nhau mỗi độ xuân về, tết đến: Cầu chúc anh chị muôn điều may mắn trong Năm mới hay Cầu chúc cô cậu được vạn sự như ý.
Mang ý nghĩa đó, lời chào của Đức Maria lúc thăm viếng bà chị họ Elizabet, trong lúc bà được diễm phúc thụ thai để thoát cảnh son sẻ, vốn bị quan niệm thời bấy giờ coi như là một bất hạnh, mới gây niềm hân hoan chan chứa như Phúc Âm thánh Luca diễn tả: Xảy ra là thoạt khi Êlizabét nghe lời Maria chào, thì hài nhi nhảy mừng trong dạ mẹ. Hài nhi nhảy mừng để chia sẻ niềm vui của Mẹ, người được Thiên Chúa cất nỗi tủi nhục, vì có dạ mà không mang được con. Hài nhi nhảy mừng để chia sẻ niềm vui của Mẹ, người đang diễn tả sự hân hoan của mình qua câu hỏi: Bởi đâu tôi được thế này, là Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Và còn hơn thế nữa, Shalom: Hoà bình! Tiếng chào của Mẹ Maria không chỉ gây niềm hân hoan cho mẹ con bà Êlizabét, nhưng qua chuyến thăm và ở lại phục vụ trong thời gian 3 tháng trước khi bà Êlizabét sanh nở, Mẹ Maria không chỉ cầu chúc Shalom: hoà bình, nhưng Mẹ là người xây dựng sự hoà bình ấy cho bà Êlizabét và nơi gia đình ông Dacaria. Trong bài giảng trên núi, Đức Giêsu đã tuyên bố: Phúc cho những người xây dựng hoà bình.
Shalom: hoà bình - thời điểm Đức Maria đi thăm viếng và phục vụ bà Êlizabét để xây dựng hoà bình rất đáng chú ý: Mẹ vội vã ra đi lên vùng đồi núi, ngay sau khi cưu mang Đức Giêsu, vị Vua của hoà bình. Mẹ ra đi vội vã, vì Mẹ muốn mang nguồn hoà bình chia sẻ cho mọi người. Và kể từ giây phút ấy, Mẹ Maria luôn cộng tác với Đức Giêsu trong công cuộc xây dựng hoà bình.
Điển hình và gần chúng ta nhất là những hoạt động của Mẹ diễn ra tại Fatima vào năm 1917. Thế giới năm 1917 là một thế giới đang tự huỷ diệt vì chiến tranh, vì hận thù. Cuộc thế chiến I vừa bùng nổ trước đó 3 năm đang lan rộng trên các quốc gia Âu châu: nước Áo và Hungari tuyên chiến với Secvia; nước Đức tuyên chiến với Liên Xô và Pháp; Anh và Hoa Kỳ cũng nhảy vào vòng chiến để chặn đứng sự bành trướng của Đức. Giáo Hội hết sức băn khoăn trong vai trò lãnh đạo tinh thần và cổ võ hoà bình của mình. Đức Thánh Cha Bênêđictô XV nhiều lần kêu gọi các nước lâm chiến giải hoà, chấm dứt cuộc chiến tàn khốc và tự huỷ diệt ấy, nhưng những lời kêu gọi của ngài như tiếng kêu trong sa mạc, không đem lại kết quả cụ thể nào. Sau cùng, Đức Thánh Cha kêu gọi thế giới hãy cầu xin Đức Maria can thiệp. Ngày 5/5/1917, Đức Thánh Cha cho công bố một lá thư mục vụ, trong phần kêu gọi cầu nguyện, Ngài viết những dòng sau đây:
Hơn bao giờ hết, trong giờ kinh hoàng này, ước mong những lời van xin của những người con đau khổ trong Giáo Hội được dâng lên Mẹ Maria, Mẹ tình thương, Mẹ của quyền năng trong ơn thánh. Hãy dâng lên Mẹ lời van xin sốt sắng đầy tình mến, từ mọi miền trên trái đất. Hãy dâng lên Mẹ những lời kêu khóc nức nở của những bà mẹ và những người vợ. Hãy dâng lên Mẹ những lời than van của những kẻ vô tội, những ánh mắt của những tâm hồn quảng đại, để Mẹ mủi lòng, để Mẹ ban ơn hoà bình cho thế giới đang xáo trộn của chúng ta.
Tiếc rằng, chưa nhìn thấy hoà bình thì Đức Thánh Cha Bênêdictô XV đã qua đời. Tuy nhiên phải nhận rằng Thiên Chúa đã đáp lại nỗ lực của ngài qua biến cố Fatima. Vì thực sự năm 1917, Đức Mẹ đã tuyển chọn 3 trẻ ở Fatima: Lucia, Jacinta và Phanxicô để trao cho thế giới 3 mệnh lệnh, như những phương thế cứu rỗi nhân loại và vãn hồi hoà bình thế giới. Đó là: Cải thiện đời sống - tôn sùng trái tim vẹn sạch của Mẹ - và siêng năng lần chuỗi Mân Côi.
Trong hoàn cảnh của xã hội, của Giáo Hội hôm nay, chúng ta càng phải chú tâm thực hiện 3 mệnh lệnh của Me, để cùng cộng tác với Mẹ trong công cuộc xây dựng hoà bình cho bản thân, cho gia đình, cho tổ quốc và cho toàn thể nhân loại. Ước gì lòng tôn sùng Mẹ cũng dẫn chúng ta theo gương Mẹ đã làm, để lời chào: Shalom: hoà bình của chúng ta không chỉ là những lời cầu chúc rỗng tuếch, ngoài môi miệng, nhưng được thể hiện qua những hành động cụ the, như Mẹ đã chào và đã phục vụ bà Êlizabét. Có như thế hoà bình mới được xây trên những nền móng vững chắc của mỗi cá nhân và những đoàn thể. Muốn làm con cái Đức Maria và làm môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta hãy cầu xin Mẹ Maria dạy và ban sức cho chúng ta dõi theo gương Mẹ, trên con đường xây dựng hoà bình, qua sự dấn thân phục vụ.