NIỀM VUI MẦU HỒNG


Chúa Nhật III Mùa Vọng B (Is 61:1-2a, 10-11; 1 Thes 5:16-24; Jn 1:6-8, 19-28)





Hôm nay là Chúa Nhật III Mùa Vọng, chỉ còn một tuần nữa là lễ Giáng Sinh – Thiên Chúa xuống thế làm người – do đó Hội Thánh dùng nến mầu hồng và lễ phục mầu hồng để thúc giục chúng ta hãy vui lên vì Thiên Chúa gần đến.

Qua các bài đọc hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu tại sao chúng ta vui và niềm vui đó như thế nào?
Sau khi ADong và EVà sa ngã phạm tội bất phục tùng, loài người mất đi phẩm giá nguyên thuỷ của mình, không còn xứng đáng với hạnh phúc thiên đàng, nhưng Thiên Chúa hứa sẽ cứu chuộc nhân loại qua Đấng Thiên Sai hay Đấng Cứu Thế.

Qua Kinh Thánh, chúng biết Thiên Chúa đã chọn dân tộc Do Thái để làm nơi phát sinh Đấng Thiên Sai. Sự xuất hiện của Đấng Thiên Sai được báo trước bởi các ngôn sứ Do Thái sống trước khi Đức Giêsu giáng trần cả trăm năm. Tỉ như trong bài đọc I hôm nay, ngôn sứ Isaiah đã tiên đoán về Đấng Cứu Thế là người sẽ đem tin mừng cho kẻ nghèo, sẽ chữa lành những tâm hồn tan nát, sẽ công bố tự do cho người bị giam giữ, và phóng thích các tù nhân.

Nhưng khi Thiên Chúa xuống thế làm người qua cuộc đời của Đức Giêsu, chúng ta thấy những lời tiên đoán của ngôn sứ Isaiah dường như không thành sự thật, vì Đức Giêsu sinh trong cảnh nghèo nàn, lớn lên trong một gia đình thợ mộc bình thường thì tin mừng mà Đức Giêsu đem người nghèo là tin mừng gì?

Có lẽ người nghèo mong chờ được ngày ngày có cơm no áo ấm trong một mái nhà tươm tất, nhưng Đức Giêsu đã không thoả mãn nhu cầu này. Có lẽ những người bị cầm tù một cách oan ức dưới chế độ cai trị đang mong chờ được giải thoát, nhưng Đức Giêsu không phải là một người làm cách mạng, lật đổ nhà cầm quyền để phóng thích các tù nhân.

Những nhận xét vừa rồi có lẽ rất thích hợp với tư tưởng của người Do Thái, vì thế, mãi cho đến ngày nay, dân tộc Do Thái vẫn còn trông chờ một vị cứu tinh khác hơn Chúa Giêsu. Tuy nhiên, bài phúc âm hôm nay có một điểm rất quan trọng mà Thánh Sử Gioan đã viết ra – dường như để trả lời cho những thắc mắc nêu trên.

Trước hết, chúng ta cần có cái nhìn tổng quát về các thánh sử. Trong các tác giả phúc âm, các học giả Kinh Thánh cho rằng thư của Thánh Phaolô được viết xuống trước hết, vào khoảng thập niên 50 – chúng ta nhớ rằng Chúa Giêsu chấm dứt cuộc sống ở đời này vào khoảng năm 33 – sau đó là phúc âm của Máccô, Mátthêu và Luca, được viết xuống trong những thập niên 60 cho đến 90. Phúc âm của Thánh Gioan được coi là sáng tác sau cùng, từ thập niên 90 trở về sau, do đó, các học giả Kinh Thánh nói rằng, phúc âm của Thánh Gioan là kết quả của một sự suy tư lâu dài và thâm trầm về Đức Kitô.

Trong bài phúc âm hôm nay, Thánh Sử Gioan đã trích một đoạn của ngôn sứ Isaiah nhưng không còn giữ nguyên văn. Trong Isaiah đoạn 40 câu 3, viết “Trong vùng đất hoang vu, hãy làm thẳng một con đường cho Thiên Chúa chúng ta” (Make straight in the wasteland a highway for our God – New American Bible, Revised Edition). Nhưng trong bài phúc âm theo Thánh Gioan hôm nay, ông Gioan Tẩy Giả nói rằng, “Tôi là tiếng kêu của người hô lớn trong sa mạc, ‘hãy làm thẳng lối của Đức Chúa,’” (I am the voice of one crying out in the desert, “Make straight the way of the Lord” - ibid).

Khi nghe Isaiah nói hãy “làm thẳng một con đường cho Thiên Chúa”, có lẽ ai ai cũng nghĩ đến người đi trên con đường ấy. Chuẩn bị con đường cho Đức Chúa như thế nào? Có thể đó là chuẩn bị gia nhập một đạo quân của Đức Chúa? Có thể là chuẩn bị vũ khí để chiến đấu, giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của nhà cầm quyền? Có lẽ đó là ý nghĩ của người Do Thái, nhưng người Công Giáo chúng ta ngày nay không ai hiểu như vậy. Hầu hết chúng ta đều hiểu đó là lời kêu gọi hãy thay đổi lối sống của mình tốt hơn để xứng đáng đón mừng Chúa đến.

Tuy nhiên, lời tiên đoán của ngôn sứ Isaiah về tin mừng cho người nghèo, giải thoát kẻ tù đầy thì sao? Như đã nói ở trên, Đức Giêsu không thực hiện công việc này, theo nghĩa đen. Và có lẽ câu hỏi trên cũng là thắc mắc của Thánh Sử Gioan, nên sau nhiều năm suy tư, thánh sử đã sửa lại câu nói của Isaiah thành “Hãy làm thẳng lối của Đức Chúa”. Nếu ngôn sứ Isaiah kêu gọi làm một con đường cho Đức Chúa, đến thời Gioan, con đường ấy đã có rồi, Đấng Cứu Thế đã đến rồi và chính Người là Đường. Do đó khi kêu gọi chúng ta “Hãy làm thẳng lối của Đức Chúa”, dường như thánh sử kêu gọi chúng ta hãy suy nghĩ cho đúng về Đấng Cứu Thế, hãy dựa trên các sự kiện đã xảy ra trong cuộc đời của Đức Giêsu để thấy rằng chính Người là Đấng Thiên Sai.

Chúng ta không còn nghi ngờ như người Do Thái về Đấng Thiên Sai, nhưng Đức Giêsu đã đem tin mừng cho người nghèo, và giải thoát kẻ tù đầy như thế nào?

Về sự sinh hạ của Đức Giêsu, Thánh Sử Mátthêu viết, “Này đây, trinh nữ sẽ sinh con trai, và người ta gọi người là Emmanuel” nghĩa là “Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Chữ Emmanuel cũng là lời của ngôn sứ Isaiah (7:14). Khi Thiên Chúa xuống thế làm người để trở thành Emmanuel, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, điều đó có nghĩa Thiên Chúa sẽ ở với loài người trong mọi hoàn cảnh – từ khi trong bụng mẹ cho đến khi nằm trong lòng huyệt mộ, trọn cả một kiếp người; từ những vui sướng dù nhỏ bé, cho đến những đau khổ dù lớn lao, Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta để thông cảm, để an ủi, để xoa dịu và để nâng đỡ loài người chúng ta. Điều quan trọng nhất là Đức Giêsu, thay mặt cho toàn thể nhân loại, đã vâng lời Thiên Chúa cho đến chết để xóa bỏ tội bất phục tùng của nguyên tổ, và Thiên Chúa đã cho Người phục sinh để chu toàn lời hứa cứu chuộc con người.

Nếu vì tội của Adong và Evà mà loài người bị sự chết thống trị, giờ đây, nhờ Emmanuel, Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta, loài người sẽ được phục sinh vì phẩm giá con người được phục hồi. Đây là tin mừng cho toàn thể nhân loại. Nhờ sự Phục Sinh, giá trị con người không còn bị giới hạn trong sự sống đời này và bị uổng phí bởi cái chết đau thương. Những gì chúng ta sống trong thân xác này, thi hành trong cuộc đời này sẽ có giá trị góp phần cho sự sống đời sau của chúng ta.

Nói cách khác, dù già hay trẻ, dù giầu hay nghèo, dù có địa vị hay không, con người có cùng một phẩm giá. Người ta không còn phải vất vả cực khổ chạy theo tiền tài, vật chất, địa vị để được coi là có giá trị. Trước mặt Thiên Chúa, giầu hay nghèo, điểm quan trọng là phẩm giá con người. Đây là tin mừng cho người nghèo. Giờ đây đừng nghĩ rằng vì nghèo mà tôi không thể có giá trị. Đừng nghĩ rằng vì tôi là thường dân, không có địa vị, không có chức quyền thì tôi không có giá trị. Điều quan trọng là hãy giữ cho phẩm giá của mình đừng bị hoen ố. Đức Giêsu là một người nghèo, không có địa vị trong xã hội, nhưng Người không phạm tội.

Ngoài sự nghèo nàn về vật chất còn có những nghèo nàn về tinh thần. Khi xã hội ngày càng văn minh, càng giầu sang về vật chất thì dường như ý nghĩa của sự vị tha, sự hy sinh và bác ái ngày càng biến dạng, đó là sự nghèo nàn về tinh thần.

Chúng ta đang chứng kiến hậu quả của một xã hội đề cao sự hưởng thụ và cá nhân chủ nghĩa với con số phá thai lên đến hàng triệu sinh linh bởi vì người ta coi con cái là gánh nặng chứ không còn là kết quả của tình yêu. Chúng ta đã từng chứng kiến sự đổ vỡ của nhiều gia đình vì anh chị em tranh dành của cải, vì vợ chồng không còn muốn hy sinh cho nhau. Một xã hội như thế sẽ đưa đến sự chết hơn là sự sống, sẽ đưa đến sự đau khổ hơn là hạnh phúc.

Điều nghịch lý là khi người ta càng tìm cách hưởng thụ, càng chạy theo của cải, danh vọng thì dường như người ta lại càng mất tự do, bời vì họ phải lệ thuộc vào vật chất, vào danh vọng để có được hạnh phúc, và điều đó không khôn ngoan.

Đức Giêsu đã sinh ra trong một hoàn cảnh thật nghèo để chúng ta thấy được sự khôn ngoan khi không lệ thuộc vào vật chất. Nghèo hay giầu không quan trọng bằng phẩm giá con người. Vật chất sẽ qua đi, nhưng phẩm giá sẽ tồn tại. Chỉ khi nào sống đúng với phẩm giá của mình, chúng ta mới thấy hạnh phúc. Đó là loại hạnh phúc thực sự tự do, đó là sự giải thoát cho những ai đang là tù nhân, là nô lệ cho vật chất.

Khi sống đúng với con đường của Chúa Giêsu, chúng ta cảm nhận được ý nghĩa đích thật của tình yêu. Vì tình yêu, sự đau khổ trở nên hạnh phúc. Vì tình yêu, những hy sinh cho vợ/chồng, con cái, cha mẹ, anh chị em, và ngay cả cho tha nhân trở nên nguồn đem lại hạnh phúc. Vì tình yêu, người ta dễ tha thứ cho nhau. Vì tình yêu, chúng ta thấy được những nụ cười tươi nở trên môi những người phục vụ, dù với công việc nhỏ bé ngay trong gia đình, trong cộng đoàn, hay những công việc khó nhọc ở những nơi truyền giáo xa xôi, hẻo lánh, thiếu tiện nghi. Vì tình yêu, sự hy sinh không còn là điều ghê tởm phải tránh xa, ngược lại, sự hy sinh đem lại ý nghĩa cho cuộc đời.

Hôm nay Hội Thánh kêu gọi chúng ta hãy vui lên là vì qua sự giáng trần của Đức Giêsu, chúng ta sẽ tìm thấy ý nghĩa đích thật của cuộc đời, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, và Con Đường Giêsu sẽ giải thoát chúng ta khỏi mọi ràng buộc để trở nên con người thực sự tự do.


Pt Giuse Trần Văn Nhật