Chủ nhật, 28 Tháng 8 2011 05:58


Thập giá… hành trang cho cuộc đời.



Những ngày vừa qua, truyền thông mạng loan truyền một video clip với tựa đề “Bế mạc Đại hội giới trẻ thế giới 2011”(WYD). Phải nói rằng, nên đặt lại tên cho video clip này là “Những chứng nhân sống động của Chúa Giêsu Kitô”

Ngay từ những đoạn phim đầu tiên, hình ảnh Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI, người cha chung của Giáo Hội Công Giáo, bị vây quanh bởi một rừng các bạn trẻ, với những lời hoan hô vang dội, bởi đủ mọi loại ngôn ngữ trên thế giới, đã để lại nơi lòng người biết bao điều xúc động.

Và cho tới những đoạn phim cuối cùng, đoạn phim những bạn trẻ Tây Ban Nha, với nghi thức chuyển giao Thánh Giá cho những bạn trẻ Brazil, nơi được cho là sẽ tổ chức đại hội giới trẻ kế tiếp vào năm 2013, đã làm cho tâm hồn nhiều người phải thổn thức.

Điều gì đã khiến cho cả triệu bạn trẻ quy tụ nơi đây ? Và tại sao các bạn trẻ lại dùng biểu tượng Thánh Giá, thay vì bó đuốc hay cờ hiệu, như các tổ chức đời thường, để làm nghi thức chuyển giao cho quốc gia đăng cai đại hội kế tiếp ?

Thưa rằng, các bạn trẻ đã từ muôn phương quy tụ nơi đây, là để làm chứng rằng, họ đã tin và đón nhận Đức Giêsu là vị cứu tinh của đời mình. Và họ chọn biểu tượng Thánh Giá như để tái xác tín rằng, Đức Giêsu, Ngài đã “chịu nạn thời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đinh trên cây Thánh giá, chết và táng xác. Xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại, lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng. Ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết”(Kinh Tin Kính)..

...


Tin và đón nhận Đức Giêsu là vị cứu tinh của đời mình. Vâng, đó cũng là niềm tin của những môn đệ năm xưa. Nhưng khi nói Thầy Giêsu phải “chịu nạn, chịu đóng đinh trên cây thánh giá đến chết” thì quả là một lời nói “gở”, là một sự bàng hoàng đối với các môn đệ tiên khởi của Chúa.

Thật vậy, chuyện đã được kể lại rằng : Khi Thầy và trò đến vùng kế cận Xê-da-rê Philipphe, “Đức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết : Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21).

Làm sao lại có thể như thế được ! Bao nhiêu năm tháng theo Đức Giêsu, các ông đã bao lần thấy Thầy Giêsu chứng tỏ quyền năng của mình, bằng những phép lạ phi thường, Ngài đã chữa lành biết bao kẻ đau ốm tật nguyền, người chết được sống lại. Quỷ cũng còn phải sợ Ngài...

Vả lại, Thầy là Đấng Kitô. Điều mà mới đây, đã được chính Thầy Giêsu công nhận và đã có một lời khuyến cáo rằng “không được nói cho ai biết”... Ôi ! Tại sao hôm nay, Thầy lại công bố một phương án hạ sách như thế ! Tại sao Thầy lại phải cứu nhân độ thế bằng một hành động quái gỡ như vậy!

Nhà tâm lý học thời danh Emerson nói rằng: “Suốt ngày ta suy nghĩ thế nào thì hành động và cư xử thế đó”. Vâng, Tông đồ Phêrô, và rất có thể cả nhóm mười một kia, có phần chắc là “suốt ngày suy nghĩ như thế”, cho nên đã phản ứng dữ dội trước thông tin trên của Thầy mình.

Thật tội nghiệp cho niên trưởng Phêrô. Có lẽ niên trưởng quên lời ngôn sứ Isaia đã nói rằng “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta.... Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối của các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Isaia 55, 8-9).

Phêrô đã gọi Thầy Giêsu là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” thế mà, ông ta lại không nhận ra rằng, tư tưởng của Thầy mình chính là tư tưởng của Thiên Chúa... Ôi ! hỏi sao không bị Đức Giêsu tặng cho một “nickname” không đẹp đẽ chút nào : “Xatan...”.

Vâng, Đức Giêsu nói với Phêrô : “Xatan, lui lại đàng sau Thầy !”.

Một chút tâm tình...

Gọi Phêrô là “Xatan”, đừng nghĩ rằng, Đức Giêsu “đồng hóa” người niên trưởng này vào hàng ngũ con cái ma quỷ. Ngay sau khi nói “lui lại đàng sau Thầy”, Đức Giêsu tiếp lời rằng “Anh cản lối Thầy...”

Chữ Xatan ở đây được hiểu như là “người cản lối”, một ý nghĩa khác có vẻ nặng lời hơn “người chống đối”.

Vâng, Đức Giêsu muốn nói với Phêrô rằng, đừng cản lối phương cách cứu độ của Thiên Chúa. Đừng chống đối chương trình cứu độ của Người.

Một đêm nọ, tại Giêrusalem, Đức Giêsu cũng đã nói rõ phương cách “cứu nhân độ thế” của Ngài cho ông Nicôđêmô, rằng “như ông Môse đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”(Ga 3,14-15)

“Con Người cũng sẽ phải được giương cao”. Giương cao như thế nào ! Thưa chính là giương cao trên thập giá.

Đó mới chính là “tư tưởng của Thiên Chúa”.

Một phút suy tư...

Là một Kitô hữu. Là người môn đệ của Chúa Giêsu. Sẽ thật là hiểm họa, nếu chúng ta không nhận ra, đâu là “Tư tưởng của Thiên Chúa”.

Bởi vì nếu chúng ta không nhận ra “đâu là ý Thiên Chúa : cái gì là tốt, cái gì là đẹp lòng Chúa, cái gì là hoàn hảo”. Vâng, chúng ta sẽ bị đè bẹp, bởi những trào lưu tư-tưởng-của-thói-đời, như “ham tiền bạc, khoác lác kiêu ngạo, nói lộng ngôn, không vâng lời cha mẹ, vô ân bạc nghĩa, phạm thượng, vô tâm vô tình, tàn nhẫn, thiếu tiết độ, hung dữ, ghét điều thiện, phản trác, nông nổi, lên mặt kiêu căng, yêu khoái lạc hơn yêu Thiên Chúa...v.v...” (2Tim 3, 2-4).

Đâu là “Tư tưởng của Thiên Chúa” ? Thưa, chính là những lời được chép trong Kinh Thánh. Thật vậy, tông đồ Phaolô đã nói rằng “Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh ứng và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành”. ”(2 Tim 3, 16-17)

Thánh nhân nói tiếp : “Sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Đức Kitô Giêsu”(2 Tim 3, 15).

Nhận ra được "Tư tưởng của Thiên Chúa" thì dẫu cho có phải “mất mạng sống mình vì Thầy” để được ơn cứu độ thì cũng không có gì thiệt thòi. Bởi vì, ơn cứu độ chính là ân sủng của Thiên Chúa, ban cho ta trở nên người môn đệ đích thực của Ngài.

Vâng, đừng quên, một khi trở nên người môn đệ của Đức Giêsu, hãy xem lời truyền dạy của Thầy Giêsu chính là tư tưởng cho đời sống đức tin của mình : “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo”.


Petrus.tran.