Các trí thức Công giáo Hà Nội trong xã hội hôm nay


Trong cuộc họp tại Hà Nội về đề tài: Các trí thức Công giáo Hà Nội trong xã hội hôm nay
(Bài phát biểu của GM Nguyễn văn Sang, Giám mục Thái Bình)

Kính thưa Đức Tổng Giám Mục Hà Nội.
Kính thưa các Cha,
Các Tu sĩ nam nữ,
Các vị trí thức trong đạo ngoài đời trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Tôi được hân hạnh, theo lệnh Đức Tổng trình bày cùng các vị đề tài: “Các trí thức Công giáo Hà Nội trong xã hội ngày nay”. Tại sao lại là tôi, giám mục thôn quê nơi đồng chua nước mặn, vị chủ chăn của đa số là nông dân trồng lúa, trong khi còn bao đấng anh tài xuất chúng, bằng cấp đầy mình đang như ngôi sao sáng trên bầu trời Việt Nam.

Có lẽ theo tôi nghĩ, vì tôi là người gốc Hà Nội, sinh ra và lớn lên giữa hàng me hàng sấu bên bờ hồ, đã từng là học sinh lang thang trên các đường phố, trốn học lấy tiền đi ăn bánh tôm Hồ tây. Nhưng sau cùng được ơn Chúa gọi dấn thân vào con đường phục vụ: làm linh mục ở giữa Thủ đô, rồi làm Giám mục Phụ tá 10 năm cho Đức Hồng y Giuse Trịnh Văn Căn. Như vậy tôi có gốc rễ và liên đới chặt chẽ với những ai là con dân Hà Nội. Tôi đã từng dạy học, làm Giám đốc Chủng viện, một thứ Đại học Công giáo, từng giữ một số vai trò chủ chốt trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Và nói gọn tôi cũng là thành phần trí thức Hà Nội như các vị, đã trải qua những năm tháng khắt khe ác liệt và đầy thử thách. Rồi trong môi trường Xã Hội Chủ Nghĩa, chúng ta cùng lớn lên và hoạt động, chia ngọt sẻ bùi với nhau. Có lẽ với lí do đó mà tôi được chọn làm người mở đầu để nói lời với các thành phần trí thức thủ đô trong xã hội hôm nay.

Dĩ nhiên đề tài này tập trung vào trí thức giáo dân, không kể đến trí thức trong hàng ngũ giáo sĩ, và cũng chỉ nói tới trí thức giáo dân trong địa bàn thủ đô Hà Nội, chứ không có tham vọng đề cập trí thức Công giáo trong phạm vi cả nước. Sau khi đã khoanh vùng cho đề tài, chúng ta đặt ra một số câu hỏi liên quan:

1. Người có trí thức là có gì ?

Đó là người có một số nhận thức và hiểu biết đạt tới trình độ cao thuộc phạm vi nào đó trong xã hội.

Cái danh hiệu đó hoặc được công quyền nhìn nhận qua các văn bằng chứng chỉ, hoặc do dư luận quần chúng trao tặng.

2. Vậy ai là trí thức?

Phải kể đến ở đây là các giáo sư, kỹ sư, bác sĩ, các văn nghệ sĩ và một số nghành nghề hiểu biết khác. Trong thời phong kiến, người trí thức được đề cao, thường được chọn lựa để làm quan trong triều đình và tham gia vào bộ máy cai trị ở địa phương như: quan tuần, quan phủ, nha lại.

Trong cách phân chia giai cấp cũ, họ đứng đầu: sĩ nông công thương. Tuy tới đời Hồ Quý Ly, nhiều kẻ “trốn việc quan đi ở chùa” ruộng vườn bỏ hoang hoặc dâng cúng hết vào các chùa chiền, nên có câu nghịch lại: “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”.

Trong số trí thức “thường thường bậc trung như vậy” nổi lên những người tài đức gọi là kẻ sĩ, thuộc hàng sĩ phu, hay hiền nhân quân tử, có năng lực lãnh đạo dân chúng, an quốc trị dân như lịch sử đã ghi.

3. Vậy ngày nay các trí thức công giáo ra sao?

Có thể nói đa số trí thức ngày nay trong thủ đô này đều được đào tạo hoặc trước hoặc sau ngày độc lập dân tộc 2/9, do đó chịu ảnh hưởng xã hội khác nhau.

Ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực và sâu đậm hay nhẹ nhàng tùy từng đối tượng.

Một số trí thức Công giáo sau ngày độc lập nhận thức đường lối cách mạng đi ra kháng chiến chống Pháp không phải là không có, và sau ngày thắng lợi trở về thủ đô tham gia vào các công tác, tham gia quốc hội, chính quyền trong phong trào yêu nước. Chúng ta có thể kể tên được như cụ Vũ Đình Tụng, bác sĩ Nguyễn Tấn Di Trọng, luật sư Đàm, Cụ Tham Điện v.v… Đáng tiếc là lúc đó chưa có Công đồng Vatican II hướng dẫn người Giáo dân sống nhập thế ra sao cho đúng đắn, các vị gặp những khó khăn lúng túng khi tham gia một số đoàn thể xã hội, một phần do sự cứng rắn dễ thông cảm của giáo quyền, một phần do chính sách chống tôn giáo ở các nước xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô cũ, do đó tạo điều kiện cho một số người Công giáo Việt Nam lúc đó do dự nếu không phải là thụ động.

Trong cuộc tọa đàm về Công giáo và Dân tộc do Viện Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức ở Hà Nội vào ngày 27-28/4/2006 vừa qua, các vị linh mục đã nêu ra ảnh hưởng của chính sách chống tôn giáo đó trong các trường đại học, trung học ở Nga và ở tại Việt Nam, rồi những sai phạm trong cải cách ruộng đất mà người Công giáo nhất là thành phần trí thức được liệt vào hạng tư sản, tiểu tư sản v.v... bị thiệt hại rất nhiều, tuy có thể có một vài âm mưu dụ dỗ của thế lực phản động, song với hai triệu người di cư từ Bắc vào Nam năm 1954 đã là một cuộc bỏ phiếu bằng chân như một số các báo chí quốc tế đã gọi như vậy!!!

Nhà nghiên cứu Mác xít và giáo sư lỗi lạc về nghiên cứu tôn giáo, Trưởng ban cố vấn về Tôn giáo của Mặt Trận Tổ Quốc cụ Đặng Nghiêm Vạn trong buổi họp đã phát biểu ý kiến rằng: “chính tôi cũng đã được học mấy năm đầu ở Đại học Lomoxop, toàn dạy về các môn chống tôn giáo, sau khi về nước, chúng tôi cũng tiếp tục các giáo trình này. Ít lâu sau, hiểu rõ sự sai lầm của giáo dục đó, chúng tôi đã đứng lên xin lỗi các sinh viên”. Thật là một con người cộng chân chính và can đảm.

Tôi được tin cụ đau nặng sau lại qua khỏi, khi bình phục, cụ còn tuyên bố: kỳ này phải cố gắng để cho các tôn giáo tham gia tích cực và cụ thể vào các công việc bác ái xã hội và giáo dục, là những điều mới chỉ được qui định và khuyến khích song chưa có cơ chế để thực hiện trong xã hội.

Trong môi trường xã hội như vậy, các vị trí thức Công giáo Hà Nội đa số đã chọn lối giữ đạo thụ động nếu không nói là bỏ đạo. Các vị cổ vũ lối giữ đạo tại tâm, ít đi nhà thờ, có khi lý lịch không dám khai là Công giáo, nhất là đi lại các cha cố được gán cho là “phản động”. Nói chung có vài trường hợp danh từ Công giáo đem lại chút gì lợi lộc! Ví dụ: thời kỳ bao cấp còn tem phiếu, ai khai là Công giáo đến lễ Noen được mua thêm gói chè, bao thuốc, cân đường v.v... Còn một khi sinh mạng chính trị, kể cả sinh mạng thực tế của chính mình, của vợ con gia đình bị đe dọa, khi mà miếng cơm manh áo, đồng tiền bát gạo cũng là một sức mạnh cám dỗ một số trí thức Công giáo đã để cuộc đời Đức tin buông xuôi.

Đã có một thời đòi hỏi trí thức phải vừa Hồng vừa Chuyên. Hồng thì không phải ai cũng có thể đạt tới. Chỉ có chăm chỉ cố gắng rèn cái Chuyên nhẫn nhục để sinh tồn trong xã hội.

Còn các bậc trí thức Công giáo được đào tạo sau 2/9 ở trong tình trạng bi đát tồi tệ hơn nữa. Từ tiểu học, trung học, rồi đại học biết bao pháo đài cản trở cho cuộc sống Đức tin, để thành danh thành đạt làm một trí thức ở vào địa vị cao, ngành nghề trổi vượt phải chuyên vượt bậc như một số các vị trước đây mới có thể đứng vững, và tất nhiên đời sống Đức tin bị buông xuôi. Biết bao học sinh, sinh viên ta vì vấn đề giữ đạo mà đành là kẻ “nửa đường đứt gánh”, “bán đồ nhi phế !”

May thay thời kỳ đó đã lui vào dĩ vãng, công cuộc đổi mới của đảng và chính phủ đề ra đã cởi trói cho nhiều ngành nghề, về các lãnh vực xã hội khác, trong đó cả tôn giáo.

Trên nguyên tắc đã có những nghị định pháp lệnh về tôn giáo tỏ ra cởi mở cho các sinh hoạt tôn giáo, bảo đảm cho tự do tín ngưỡng của các công dân được tiến hành bình thường.

Đại hội Đảng X vừa qua lại là lần đổi mới thứ II vấn đề tôn giáo tuy còn vài vướng mắc và sai phạm ở một số nơi, một số cá nhân, song rất thuận lợi cho đồng bào Công giáo nói chung và giới trí thức nói riêng phấn khởi đóng góp công sức vào xây dựng kiến thiết đất nước giầu mạnh.

Các vị trí thức Thủ đô bước ra ánh sáng, tuy có vị còn thận trọng e dè, không kể một số đã quen thụ động, các vị đã đến nhà thờ, tiếp xúc với các cha, các thầy, các nam nữ tu sĩ, lo lắng cho con cái học hành đạo đức, kinh bổn v.v.. Nhiều vị đã cảm thấy niềm an ủi của đạo Thánh trong lúc tuổi già, nhóm trẻ sinh viên năng động cảm thấy sức mạnh lôi cuốn của sách vở Công giáo và tình liên đới với nhau để thực hành Bác Ái.

Đó là cuộc sống thiêng liêng mà các cán bộ đoàn không thể nào đem lại cho các sinh viên Công giáo như chính họ đã thú nhận và vui lòng để các bạn đó tham gia vào các đoàn thể Công giáo thoải mái, đem lại nhiều lợi ích cho xã hội hơn.

4. Trong một môi trường xã hội cởi mở như vậy, các vị trí thức thủ đô sẽ sống thế nào và làm gì cho xứng danh vừa là công dân trí thức Việt Nam vừa là trí thức Công giáo Thủ đô ?

A) Trước hết, trong các vị là trí thức Công giáo thủ đô Hà Nội, văn gia, thi sĩ, nghệ sĩ v.v... Học thức của các vị về phần đời đa số là tuyệt vời, song tôi xin lỗi các vị về mặt kiến thức giáo lý, đạo đức, có thể ngang bằng hay sâu rộng như kiến thức phần đời chăng? Tôi xin được phép hồ nghi. Và nhân đây tôi trích câu truyện về anh sinh viên trong tập sách “ĐỐI THOẠI TÔN GIÁO” do Bạch Lạp biên soạn, được Nhà xuất bản Tôn giáo ấn hành năm 2005 tại Hà Nội:

“Thưa Cha, tôi là một con chiên cũ của Cha, tôi đã từng theo mẹ đi chầu lễ và đã từng chịu lễ lần đầu do tay Cha, đã từng theo anh em đi học kinh bổn trong những ngày niên thiếu, đã từng vào hội Ca-lễ, hát trong Thánh đường và giúp lễ trên bàn thờ... Nhưng đến tuổi trưởng thành, hấp thụ một nền học vấn khoa học tiến bộ, tôi nhận thấy những kinh bổn ngày xưa mình học là hão huyền trẻ con cả. Nhân tiện Cha đang thảo luận về khoa vũ trụ học, tôi xin đan cử một ví dụ trích trong kinh cám ơn sau khi chịu lễ mùa Sinh Nhật mà ngày trước tôi vẫn nghe mẹ tôi và cả nhà thờ đọc: "Chúa có phép vô cùng, lấy ba ngón tay nâng nổi cả và trời đất".

Thiên Chúa như bên đạo dạy là Đấng thiêng liêng vô hình, vô tượng, làm gì có chân tay mà nâng đỡ vũ trụ. Mà giả sử như Thiên Chúa có hình có tượng thì không biết Ngài đứng ngồi vào chỗ nào để nâng đỡ vũ trụ, và 3 ngón tay ấy to lớn biết chừng nào, vì như chính Cha đã nói trên, vũ trụ rộng lớn bằng triệu triệu quang niên.

Tôi nhớ lại lời nhà du hành vũ trụ Liên xô Ti-tốp khi bay trong vũ trụ có nói đùa đại khái rằng: Tôi đã bay lên trời, mà chẳng thấy thiên đàng, chẳng thấy Đức Chúa Trời đâu cả. Vậy xin Cha giải thích cho chúng tôi được rõ.

Anh sinh viên ngồi xuống giữa những tiếng vỗ tay nồng nhiệt và những tiếng cười giòn dã.

Từ lúc anh sinh viên xưng ra là con chiên cũ của Cha, Cha đã nhớ ra con người ấy trong đám con cái của Cha, cách đây 10 năm... Đó là thằng Khoái biệt hiệu là cu Nhoai của xứ, có nghĩa là cũng bướng, cũng lười, cũng ngỗ nghịch như thằng Nhoai trong câu truyện Cha xứ soạn cho các em học bổn.

Thằng Khoái mồ côi cha từ thuở còn nằm ngửa trên tay mẹ. Một bà mẹ gốc gác ở Thái Bình, lấy chồng sinh con muộn, sinh được mỗi một con trai, lại góa chồng sớm.

Người đàn bà buôn thúng bán mẹt tần tảo nuôi con, nhưng tối sớm không quên sự đạo nghĩa, mà cũng năng nắn đứa con đi nhà thờ kinh hạt lễ lạy sớm chiều.

Cha xứ biết rõ thằng Khoái từ những ngày nó còn thò lò mũi xanh, theo mẹ đi nhà thờ. Thằng bé thông minh nhưng rất ươn lười và ngỗ nghịch. Nói là đi học bổn nhưng toàn là nói dối mẹ đi chơi. Phải hai ba kỳ sát hạch mới được chịu lễ lần đầu. Bà mẹ mấy lần đến xin Cha xứ cho con vào hội Ca-lễ, nhưng trong giờ tập hát, giúp lễ, thằng bé chỉ phá quấy, kèn cựa với anh em, bắt nạt những đứa bé hơn.

Người mẹ lếch thếch kèm cặp con đi nhà thờ lễ lạy được ít lâu, rồi vắng bóng cả hai mẹ con, cho đến một hôm người mẹ đi một mình vào hầu Cha xứ, khóc mếu kể lể về con mình.

Con cứ phải dỗ nó đi lễ, mỗi một lễ là một bát phở, thế nhưng nó cũng chỉ đi được ít lâu là bỏ, bảo thế nào cũng không được. Nó viện lẽ, đi lễ rồi đi học cứ bị các thầy giáo và các bạn bè chê là mê tín, lạc hậu. Nó bảo thầy giáo dạy rằng: tổ tiên người ta bởi con khỉ mà ra, chứ chẳng có chúa chiếc nào dựng nên. Con nghe bấy nhiêu sự như dao đâm vào ruột. Con giận nó quá cũng đâm ra bỏ cả lễ lạy kinh hạt.

Cha xứ nghe câu chuyện vừa buồn cười vừa thương hại, Cha lựa lời an ủi:

Thôi con cái chúng ta hư về đạo lý cũng do hoàn cảnh ngày nay một phần. Để bù lại, mình càng phải cố gắng sốt sáng đọc kinh cầu nguyện xin Chúa thương ban ơn cho chúng con. Bà không nên giận con cái mà bỏ cả kinh hạt lễ lạy.

Người đàn bà nghe lời Cha xứ lại sốt sáng đạo đức như xưa. Người ta vẫn thấy bà quỳ lâu trước tượng Đức Mẹ khóc lóc... Những giọt nước mắt ấy phải chăng để đền bù cho đứa con xa lạc... những giọt nước mắt ấy thể nào cũng làm cho Chúa để ý thương nghe.

Mười năm trôi qua, thằng cu Nhoai năm xưa là anh chàng sinh viên to béo đang đối diện với Cha xứ trong căn phòng này... Bỗng nhiên Cha xứ bừng bừng nổi giận... Cha vốn tính hiền lành nhân hậu, thỉnh thoảng do "cơn hỏa vượng" như các vị lương y xem mạch cho cha thường nói. Cha quát mắng đôi chút xong việc lại thôi ngay, nhưng trong những trường hợp như thế này, cha không cầm được cơn nóng giận. Âu là một khuyết điểm của một con người, khó khắc phục.

Đó là trường hợp của những con người học hành kinh bổn ít, cái vốn về đạo lý tẻo teo, thế mà cũng lên mặt phê phán về đạo, lên mặt dạy đời, huyênh hoang cho mình là tiến bộ thoát "gông cùm mê tín lạc hậu".

Trong cơn nóng giận, Cha xứ tiến ra diễn đàn gọi giật giọng:

Anh Khoái!

Sinh viên Khoái đứng lên, đôi mắt của anh gặp đôi mắt nảy lửa của Cha xứ. Trong ánh mắt ấy, anh thấy hiện lên một dĩ vãng. Cái ngày xưa anh còn gần gũi Cha, anh vừa sợ Cha lại vừa mến !... sợ vì Cha có uy quyền để chinh phục và bắt anh phải nghe theo chứ không như người mẹ anh ù lì đần độn mà anh hay mè nheo bắt nạt. Nhưng anh cũng mến Cha, vì Cha tỏ ra một lòng thương vô bờ đối với con cái và riêng đối với anh.

Những ngày mẹ anh bận việc buôn bán vẫn gửi anh ở nhà xứ, những ngày lễ trọng, chịu lễ lần đầu v.v.. Cha xứ chăm sóc cho anh từng tí, từ bát cơm đến manh áo, nhiều khi chữa bệnh cho anh. Anh giật mình vì thấy Cha xứ hỏi:

Anh học năm thứ mấy ?

Thưa Cha, tôi...con... con học năm thứ ba.

Mỗi ngày anh học mấy tiết ?

Thưa trung bình sáu bảy tiết, còn thời giờ tham khảo nghiên cứu không kể.

Anh bỏ học kinh bổn đã lâu chưa ?

Thưa từ 10 năm nay.

Ngày trước kinh bổn trình độ của anh đạt tới mức nào ?

Thưa tôi đã chịu lễ lần đầu.

Cha xứ cười khà nói to cho mọi người:

Với một rúm kinh bổn anh bạn học được khi chịu lễ lần đầu - nghĩa là trình độ nhận thức về đạo lý ngang bậc tiểu học, và bỏ những 10 năm trời không ôn tập ngó ngàng chi tới cả duyệt lại toàn bộ vấn đề đạo lý, nhất là trong những lãnh vực khó khăn như vấn đề vũ trụ quan chúng ta đang thảo luận - những vấn đề mà ngay những người chuyên môn như tôi học đến bạc đầu vẫn thấy mình còn dốt. Xin các vị đánh giá xem anh bạn sinh viên của chúng ta to gan chừng nào. Đàng khác, trong lãnh vực học tập văn hóa để có một trình độ khoa học tương đối như anh bạn ngày nay, mỗi ngày 6, 7 tiết, trung bình mỗi tuần 30 giờ, mỗi tháng 100 giờ, mỗi năm v.v.. Trong khi đó anh không dành một giây phút nào để học tập kinh bổn, lại cốt ý làm quên đi những gì đã tiếp thu trong lúc thiếu thời, tất nhiên anh bạn không thể nào nhận thức một vấn đề tôn giáo cho đúng đắn được... cái sự mất cân bằng trong nhận thức đưa đến sự phán đoán sai lệch có thể ví được với thằng người đầu to đít bé... không thể tiến lên với trạng thái đó, mà chỉ có ngã quay lơ bên đường.

Rất đáng tiếc, lại còn dựa vào sự kém hiểu biết ấy mà từ bỏ cái lý tưởng cha ông mình ôm ấp, mà mình có vinh dự thừa kế, vênh vang ra bộ đã tìm được con đường chân lý đi theo.

Đối với anh bạn cũng như đối với tất cả những ai chỉ trích đạo thuyết Công giáo, tôi xin có lời nhắc nhở rằng: Hãy học biết, tìm hiểu đạo thuyết cho đúng đắn, nếu không được bằng cái trình độ văn hóa khoa học mình đang có, thì ít ra cũng phải có một cố gắng đáng kể, như thế mới tránh được tình trạng nhận xét sai lệch, hoặc đấm không trúng đích, hoặc đá vào quãng không”. (Trích trong: “Đối Thoại Tôn Giáo”, của Bạch Lạp, tr.564-570)

Thực ra trong thế giới và xã hội ngày nay có rất nhiều vấn đề thuộc mọi lĩnh vực cần có ánh sáng Đức tin soi chiếu để có thể sống sao cho đúng đắn, và cần thiết để soi lối chỉ đường cho người khác.

Ví dụ: về phương diện sinh lý học, y học, môi sinh thậm chí văn chương văn nghệ như sự ca tụng tính dục trong văn chương hiện đại qua tác phẩm của nhà văn Việt Nam: Võ Thi Hảo với Dàn hỏa thiêu, Trắng Đen, Bóng đè; Dan Brown với cuốn phim và tiểu thuyết Mật mã Da Vinci v.v…

Mấy người trong các vị có kiến thức thâm sâu về thần học, triết học, kinh thánh để phân biệt phải trái, và trong các vấn đề nóng bỏng đó để soi sáng cho mình, cho gia đình.

Do vậy, tôi xin Đức Tổng cứu xét cho tổ chức các lớp Giáo lý, Thần học, Kinh thánh v.v., dành cho lớp trí thức Công giáo thủ đô. Ngày nay chúng ta có nhiều linh mục, giám mục, nam nữ tu sĩ du học các môn có bằng cấp cao, chuyên môn lớn, có đủ khả năng phụ trách các lớp như vậy.

B) Người Công giáo không sống cô đơn trên ốc đảo ngoài tổ quốc nơi đã cưu mang mình và là nơi mình sinh sống đóng góp xây dựng cho nên giầu mạnh. Họ còn có Giáo Hội Công giáo là Mẹ là Thầy; giáo phận với Giám mục phụ trách và giáo xứ như một gia đình thân ái. Họ không sống đạo một mình nhưng cùng với anh em trong xã hội. Họ được định nghĩa là người giáo dân với cái nét đặc trưng là có tính cách thế trần.

Cũng như ở phần đời, có Đảng, có Đoàn, có các tổ chức gom góp tụ hội những công dân để thống nhất đường lối cùng nhau sinh hoạt sao cho ích nước lợi dân. Về phần đạo cũng thế, người Công giáo qui tụ trong các đoàn thể, hiệp hội để cùng nhau chia sẻ tâm tình đạo đức, bồi dưỡng thêm lý tưởng giáo lý thích hợp cách riêng cho mỗi thành phần trong Giáo Hội.

Trong mỗi xứ họ có biết bao hội đoàn ngày nay đang sinh hoạt sôi nổi và đem lại lợi ích cả phần hồn và phần xác. Vd: Huynh đoàn Đaminh, Dòng Ba Phanxicô, Hội hát, Bà mẹ Công giáo, Hội phụ nữ, Hội con cái Đức Mẹ, Hội Thiếu nhi Thánh Thể v.v…

Ước mong Đức Tổng Giám Mục, nhất là Cha chính xứ Nhà Thờ Lớn Hà Nội nghiên cứu xem xét để anh em chị em trí thức Công giáo thủ đô được kết hợp với nhau thành một đoàn thể để sinh hoạt đạo đức chung, nâng đỡ nhau, trợ giúp nhau cả tinh thần vật chất.

C) Người Công giáo, đặc biệt các vị trí thức Công giáo không phải chỉ là người có Đạo như sở hữu một thứ đạo gia truyền, cũng không phải là người theo đạo giữ đạo như một thói quen, song phải là Người Sống Đạo, sống cuộc sống của Đức Kitô, như cành nho kết hợp với cây nho. Do đó, người có đạo phải đi nhà thờ cầu nguyện, dâng lễ, lãnh nhận các Bí tích và làm các việc đạo đức bác ái xã hội. Đó là việc làm chứng tá lòng tin. Vì như lời Thánh Giacôbê nói: “nếu xét về việc tin có Đức Chúa Trời, thì Ma Quỉ còn tin mạnh hơn chúng ta. Nếu anh tin, anh hãy bày tỏ lòng tin bằng các việc lành thánh để làm chứng lòng tin của anh” (X. Giacôbê 2,14-26). Người ta gọi người sống đạo như vậy là người Công giáo thực hành: “ Pratiquants”.

Cũng có ý kiến là thực hành không phải chỉ đi lễ, đọc kinh, chịu các Bí tích, mà thực hành còn là Thực Hành Bác Ái, yêu thương lẫn nhau, sống công chính trong cuộc sống, giúp đỡ những người đau khổ tinh thần cũng như vật chất. Vừa rồi Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ra bức thư chung “SỐNG ĐẠO HÔM NAY” có thể giúp các bậc trí thức nói riêng và mọi người Công giáo nói chung sống đạo trong xã hội ngày nay. Nội dung bức thư phong phú và liên hệ tới rất nhiều người, song trực tiếp liên hệ tới các trí thức Công giáo thủ đô, theo tôi nên chú trọng tới 2 điểm:

Điểm thứ nhất: xây dựng cho mình và cho mọi người chung quanh một lương tâm ngay chính, biết tôn trọng sự thật và được hướng dẫn bởi các nguyên tắc Kitô giáo. Có một lương tâm ngay chính để thoát khỏi những áp lực chung quanh do các yếu tố độc hại là một giá trị quí báu cho bất cứ một xã hội nào. Gần đây trong xã hội chúng ta bị thống trị vì vô lương tâm gây ra biết bao tội ác cho cá nhân và xã hội.

Linh mục Thiện Cẩm đã viết trong tập san Công giáo và Dân tộc rằng: “xã hội ta ngày càng trở nên giả dối: từ cơ chế cho đến việc thực hiện đường lối, chính sách, từ giáo dục, thi cử, đến y tế v.v., tất cả đều cứ như nửa thật nửa đùa. Thậm chí mỗi con người Việt Nam hình như không thực sự là mình, hay ít ra không sống đích thực như mình là mình, mà chỉ sống với cái tôi khác, hoặc còn tùy theo người đối diện mà thể hiện cái tôi của mình". (Trích Nguyệt san số 141, ra tháng 9/2006, trang 3: Đòi hỏi chân lý trong cuộc sống).

Nhất là trong lãnh vực giáo dục, đào tạo con người, linh mục Thiện Cẩm đã mạnh mẽ dựa vào những thực tế mà lên án: “Tôi được đọc bài viết của ông Nguyễn Viết Hùng, trên một tờ báo điện tử, có lẽ là báo Báo Thanh Niên, nếu tôi không nhớ lầm, trong đó có đoạn viết: “có ở đâu mà người dân phải kêu lên trên báo chí: “con tôi khổ quá, ông Bộ trưởng Giáo dục ơi!” Có bao giờ lại đổ đốn lắm bằng cấp “tưởng rằng đồ thật, hóa đồ chơi” đến bây giờ.

Có tiến sĩ dạy đại học cho in giáo trình sai kiến thức cơ bản, có thầy giáo vòi tiền “mãi điểm” thi của sinh viên, rồi những kẻ dùng bằng-lái-mua gây tai nạn giao thông chiếm kỷ lục thế giới; có kẻ mang danh trí thức, nghệ sĩ mà đạo văn, đạo nhạc, đạo tranh không còn biết xấu hổ là gì” Để xảy ra tình cảnh đáng sợ đó có trách nhiệm của hệ thống giáo dục không? Chắc chắn là có”.

Đây không phải là người đầu tiên, hay người duy nhất nói về đề tài nhức nhối này. Tôi nhớ có lần đã đọc được những nhận định thẳng thắn và nghiêm khắc của giáo sư Võ Tòng Xuân của Đại học Cần Thơ, thêm vào đó, trong một buổi họp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như trong một buổi họp khác của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Hà Nội, nhiều giáo sư và nhà khoa học cũng đã lên tiếng than phiền về tình trạng giáo dục” vô giáo dục hiện nay! Bản thân tôi cũng đã nhiều lần đề cập tới vấn đề, và trong bài trước cũng đã nhắc lại.

Trong bài viết của mình, ông Nguyễn Viết Hùng có cho một thí dụ về chuyện gian dối trong hệ thống giáo dục và thi cử ở nước ta hiện nay: “một trường ở Thanh Hóa thi tú tài đỗ 90%. Mấy ngày sau, cho cùng đề đó nhưng coi nghiêm túc như thi đại học, kết quả đạt chưa đầy 20% (Báo Tuổi Trẻ, ngày 5/11/2002)”. Sự giả dối này tôi cũng đã đề cập tới trong bài viết trước. Còn chính thủ tướng Phan Văn Khải, trong bài diễn văn đọc trước ngày 16/6/2006 vừa qua,-để từ biệt Quốc hội, sau khi quyết định xin nghỉ hưu trước thời hạn, cũng đã nhìn nhận rằng công cuộc đổi mới chưa thành công trong việc giáo dục đào tạo. Tuy nhiên thủ tướng không nêu lên những lý do của sự thất bại này. Nhưng theo nhiều người, thì lý do chủ yếu là những người có trách nhiệm trong công tác này chỉ làm cho có hình thức”. (X. trang 4&5 - Đòi hỏi chân lý trong vấn đề giáo dục).

Có người nói chúng ta đang sống trong thời đại “văn hóa phong bì”. Các phong bì nó có cái hay để che đậy một cách tế nhị số tiền được biếu xén cách phải phép như trong các cuộc lạc quyên, từ thiện v.v., song nó được dùng để che đậy những hành vi đút lót, tham nhũng diễn ra ở mọi giới trong xã hội đến nỗi có câu ca dao:

“Thanh cha thanh mẹ thanh gì
Nếu có phong bì, thì mới thanh-kiu (thank you)”


Điểm thứ hai: song có một lương tâm ngay chính nhiều khi chưa đủ, nhất là chúng ta lại là trí thức Công giáo cần phải trong nhiều trưởng hợp được soi sáng bằng những chân lý của đạo Chúa Kitô. Lương tâm con người dễ bị ảnh hưởng của xã hội, của lý thuyết này nọ, lối sống sai trái như thể bị hư đi, và nếu không có những nguyên tắc đạo đức Kitô chỉ đạo, các bậc trí thức của chúng ta trong mọi nghành nghề có thể đi lạc đường và đóng góp vào sự sai lầm của xã hội, đi tới những tai hại không lường trước.

Ví dụ: trong vấn đề đề cao tính dục của văn chương hiện đại, đề cao tự nhiên chủ nghĩa nếu không nói là tự do quá đang trong văn chương nghệ thuật, làm ảnh hưởng tới nền luân lý hiện tại, nhiễm vào đầu óc non nớt của đám thanh thiếu niên, tác động buông mình cho những tệ nạn xã hội như: nghiện hút, mãi dâm, ăn chơi trụy lạc v.v…

Ví dụ: trong việc nhận định về tôn trọng sự sống con người ngay khi còn ở trong lòng mẹ mà lương tâm không được soi sáng bởi các tôn chỉ đạo đức Kitô giáo, đã đưa xã hội chúng ta phải đương đầu với nạn phá thai trầm trọng. Theo tin trên Vietnam Net: Việt Nam vào số trong 3 nước phá thai nhiều nhất thế giới và kỷ lục mang thai ở tuổi vị thành niên rất cao. Phải chăng đó là dấu hiệu lương tâm con người không còn được soi sáng bằng những tôn chỉ đạo đức, nhất là đạo đức Kitô giáo mà các trí thức Công giáo chúng ta có nhiệm vụ cao quí và nặng nề để khắc phục trong xã hội hôm nay. Vậy để lương tâm được soi sáng sao không nhờ vào các cuộc học hỏi như trên tôi đã đề nghị mở các lớp bồi dưỡng giáo lý, nhất là mở các cuộc hội thảo bàn về những vấn đề đạo Công giáo liên quan tới xã hội ngày nay.

Ví dụ: Tiêu chuẩn đạo đức cho các cuộc trình diễn nghệ thuật ca nhạc v.v.

Nghệ thuật tạo hình với quan điểm tôn giáo.

S.O.S văn chương tính dục ngày nay trong xã hội. (Đã có bản thảo, đợi dịp sẽ trình bày).

Việc giáo dục tính dục trong các môi trường học đường.

Người Công giáo ghĩ gì về nạn ___ trong trường học làm mẹ tuổi 14, làm bố tuổi 16 và các tệ nạn khác vẫn đăng trong các báo chí. Người Công giáo nghĩ gì và làm gì trước hàng hiệu Top Ten (đứng trong số ba nước đi đầu về nạn phá thai và thiếu nữ mang thai vị thành niên).

Việc cờ bạc, cá độ với tiêu chuẩn đạo đức.

Việc các quán cà-fê ôm, khách sạn lắc, bia mại dâm trá hình v.v…

Chạy điểm, chạy trường, chạy thầy cô trong học đường.

Nói chung một số người tỏ ra bi quan thấy dấu hiệu của sự sa sút về đạo đức, thuần phong mĩ tục bị coi nhẹ v.v.. Nhưng người Công giáo thường bình chân như vại: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”

Chúng tôi, các vị đâu phải là thất phu, mà là sĩ phu Công giáo, tại sao chúng ta không ngồi lại nơi nhau từ mọi địa vị xã hội, nhất là để trau dồi và bồi dưỡng về các vấn đề trên để tìm phương thế chữa trị: làm cho “Dân giầu Nước mạn” còn cần đến Tâm linh và Đạo đức chứ không phải chỉ có về kinh tế.

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam có Ủy Ban Văn Hóa sao không chủ trì những cuộc hội thảo đó. Ủy Ban Giáo Dân có trách nhiệm gì trong vấn đề này. Mỗi tiểu ban có người chuyên trách về văn nghệ: đọc và thẩm tra những sách vở, báo chí liên hệ đến đạo. Ví dụ: Trong văn chương cuốn sách dịch Mật Mã Da Vinci mà tôi đã tập hợp trong một cuốn sách tựa đề là: “Gian Dối và Nhạo Báng”, xin Ban Tôn Giáo cho in song song với cuốn Tiểu thuyết đang bày bán ở các hiệu sách trong cả nước, song không được in, vì có lời hứa sẽ cho thu hồi cuốn sách đó, nhưng trong thực tế vẫn còn thấy bán như thường trong các hiệu sách!!! Sách sáng tác ở Việt Nam nhiều vô kể, tôi sẽ đề cập trong bài tham luận S.O.S văn chương tính dục trong các tác phẩm như: Dàn Hỏa Thiêu, Bóng Đè, nhất là cuốn sách của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh “Mẫu Thượng Ngàn” đề cập tới rất nhiều đến tôn giáo một cách thiếu khách quan.

Về phim ảnh, kịch nghệ thuật, đĩa hình v.v., nhất là một nghệ thuật nghe nhìn dễ đến với quần chúng hơn cả. Trước đây ở cửa các nhà thờ thường có bảng thông tin về mức độ luân lý của các cuốn phim đang chiếu có thể giúp cho các bậc phụ huynh và các thanh thiếu niên xét đoán. Cũng vẫn còn nhiều điều chúng ta không đề cập hết trong bài này được, song các vị sẽ dành đề đến phần thảo luận.

Sau này, xã hội còn cởi mở hơn, chúng ta còn có các trường Đại học, Trung học dân lập Công giáo, các Bệnh viện đa khoa, các Trung tâm y tế dành cho người nghèo miễn phí- các trí thức Công giáo thủ đô “có đất để dụng võ”, “có sân chơi để thi thố tài năng ngành nghề” việc sống đạo thực hành sẽ phong phú hơn, như ngày nay ở Thành phố Hồ Chí Minh đang phát triển: có những hiệp hội bác ái, kỹ sư, giám đốc quy tụ với nhau xin Đức Hồng y hướng dẫn đề ra qui tắc để sinh hoạt tôn giáo và thường đề ra một số lợi nhuận để làm việc bác ái xã hội.

Mong thay cho các vị trí thức Công giáo thủ đô cũng sẽ được như vậy để nên chứng nhân cho Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh ngành nghề, làm Muối cho đời, làm Men cho cuộc sống đẹp tươi.

Để kết luận, tôi vẫn thích kể lại đoạn kết của cuốn phim “Sám hối” chiếu tại Nga thời kỳ “đổi mới” kể lại cảnh “một bà lão mất cả gia đình” vì một cán bộ cấp cao ở tỉnh nhà, nên đã ba lần đào mộ lấy xác hắn đặt ngay cửa ra vào, sau cùng bị bắt và bị đưa ra tòa. Được xử trắng án, bà bơ vơ muốn tìm một nhà thờ để cầu nguyện. Tới một ngã ba đường, bà lão không biết phải đi đường nào nên hỏi một ông chủ quán nước bên đường:

Con đường trước mặt có dẫn tới nhà thờ không?

Ông chủ quán trả lời:

- Con đường trước mặt không dẫn tới nhà thờ.

Bà lão nổi giận nói:

- Đường mà không dẫn tới nhà thờ mà cũng gọi là đường à!

Con đường các vị tri thức thủ đô đang đi có dẫn tới nhà thờ chăng? Là nơi chúng ta hội tụ (Ecclesia nhà thờ có nghĩa là hội tụ) để gặp gỡ Chúa và thông hiệp với nhau, là nơi chúng ta cầu nguyện, lĩnh nhận Bí tích, nhất là Phép Thánh Thể, để rồi chúng ta lại ra đi xây dựng các ngôi nhà thờ trong tâm hồn mọi người, ở mọi nơi.

Kính thưa các quí vị,

Tôi đã làm mất nhiều thì giờ của quí vị, song đây là lần đầu chúng ta gặp nhau trong chừng ấy năm xa cách. Biết bao tâm tình, biết bao vui buồn trong dĩ vãng ngổn ngang trong lòng không sao diễn tả bằng lời nói:

“Ấp úng nói không ra
Nghẹn ngào không kể hết
Bâng khuâng lòng chẳng hết
Huyền nhiệm tình chúng ta.
Vì tình yêu thăm thẳm tựa Biển sâu
Những cảm xúc trào lên như Sóng vỗ
(Lặn) xuống một hơi... tâm hồn tan vỡ...”


Vậy nên,

Thôi đành để trong tương lai, có dịp chúng ta lại gặp nhau trao đổi nhiều hơn.

Xin cảm ơn các vị đã lắng nghe.

Ghi chú: Do buổi họp tại Hà Nội trùng với thời gian diễn ra Hội nghị APEC (11/2006), nên được hoãn lại vô thời hạn. Do đó, đến hôm nay bài này mới được công bố. Xin mọi người thứ lỗi.


+ GM F.X. Nguyễn Văn Sang