Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (66)


661. “Mỗi ngày, tôi thủ thỉ một lời khuyên vào tai nó.”

Mới đây, một cụ già ở Milanô kể lại rằng cụ đã được đánh động bởi câu nói của ông Arturô Toscanini, một nhạc trưởng vĩ đại: trong một cuộc gặp gỡ thân hữu, sau khi nói về cha mẹ và gia đình, ông Toscanini đột nhiên hỏi những người hiện diện:
- “Các bạn thân mến, nếu có thể ban cho con cái một món quà, các bạn sẽ cho cái gì?”
Người trả lời cái này, kẻ trả lời cái kia, nhưng Toscanini làm mọi người phải ngạc nhiên khi ông nói:
- “Tôi sẽ ban cho con tôi một hứng khởi, và mỗi ngày, tôi thủ thỉ một lời khuyên vào tai nó.” (Giáo Dục Theo Gương Don Bosco)

662. Ai đã làm nên những vị thánh nầy?

Ai đã làm nên thánh Bênađô rất trong sạch, rất mạnh mẽ, đầy lòng yêu mến Chúa đến thế? Đó là người cha tên là Tescelin và người mẹ tên là Aleth.
Và bà thánh Chantal? Ôi! vị thánh nầy không còn mẹ nữa, nhưng vị thánh nầy lại có một người cha hay một người mẹ, hoặc có cả hai, trong một vị quan tòa không ai sánh kịp, đó là ông chủ tịch Frémyot.
Và thánh Symphorien rất là anh dũng trong cuộc sống cũng như trước cái chết, đó là nhờ bà mẹ can trường tên là Augusta.
Và thánh Gioan Kim Khẩu, và thánh Atanasiô, và thánh Ambrôsiô, và thánh Grêgôriô Cả? Và sau nầy, thánh Lu-y, thánh Êđu-a, thánh Phanxicô thành Asisiô? Và trong thời hiện nay, thánh Phanxicô Salêsiô, thánh Têrêxa?
Có lẽ phải kể ra tất cả các vị anh hùng và tất cả các vị thánh, vì người ta hầu như không bao giờ thấy xuất hiện một vị nào mà Thiên Chúa đã không ban cho họ một người cha hay một người mẹ thật xứng đáng, một người đi trước đã có thể chuẩn bị cho họ có những vận mệnh cao cả. (Bougaud)

663. “Đó là mẹ tôi!”

Có người hỏi thi sĩ François Coppée, người Pháp:
- “Ai làm cho ông nên tốt lành như thế?”
Thi sĩ nầy trả lời ngay, không chút do dự:
- “Đó là mẹ tôi!”

664.. ”Tôi thà chết túng thiếu...”

Đại tướng De Sonis rất ý thức bổn phận nặng nề và cao cả của một người làm cha đối với con cái. Ông xác tín nói rằng:
- “Tôi thà chết túng thiếu còn hơn sống mà thấy con tôi vô đạo hoặc những nhưng với đạo.”

665. “Anh yêu em!” - “Em cũng yêu anh!”

Hai vợ chồng kia, sau một thời gian dài chung sống, bỗng sinh ra cãi cọ nhau mãi.
Cuối cùng, họ đi đến một quyết định: hãy viết ra trên hai trang giấy tất cả những điều gì mà họ bất bình với nhau, sau đó, trao cho nhau xem, rồi thôi, đừng cãi nhau nữa, để dành sức hơi mà lo cho gia đình, cho con cái.
Người vợ viết hai trang giấy dày đặc, rồi trao cho chồng.
Người chồng nhận lấy, nhưng đốt đi, không đọc. Sau đó, người chồng trao cho vợ hai trang giấy, nhưng trên hai trang giấy nầy, người chồng chỉ viết ba chữ: ‘Anh yêu em!”
Đọc xong, người vợ khóc và nói: “Em cũng yêu anh!”
Tình yêu chân thành làm cho hai vợ chồng xóa bỏ được tất cả những khó khăn và trở ngại trong cuộc sống gia đìn để cùng nhau xây dựng hạnh phúc cho chính mình và cho con cái.

666. Ai làm tổn thương ta, ta hãy quên!. Ai giúp đỡ ta, ta hãy nhớ!

Trong kho tàng truyền thuyết Ả Rập, có một câu chuyện như sau.
Có hai người bạn đi du lịch trên sa mạc. Trong chuyến đi, họ cãi nhau chỉ vì một chuyện nhỏ. Kết quả là một người đã tát cho người kia một cái.
Người bị tát, cảm thấy như mình bị sĩ nhục, liền đi ra ngoài lều, chẳng nói câu nào, và viết lên cát rằng: “Hôm nay, người bạn tốt của tôi đã tát tôi một cái.”
Sau đó, họ lại hòa hợp với nhau và tiếp tục cuộc hành trình.
Một hôm, họ đi đến một ốc đảo. Cả hai dừng lại đó và uống nước. Không may, người hôm trước bị tát, rơi xuống suối, suýt nữa thì chết đuố, may nhờ có người kia kịp thời cứu giúp nên mới thóat chết.
Anh bạn, sau khi được cứu, đã cầm thanh kiếm và khắc vào hòn đá: “Hôm nay, người bạn tốt nhất của tôi đã cứu mạng tôi.”
Người kia thấy vậy, liền hỏi:
- “Hôm trước, sau khi tôi đánh cậu, cậu đã viết chuyện đó xuống cát. Còn hôm nay, sau khi tôi cứu cậu, cậu lại khắc vào đá. Thế là làm sao?”
Anh chàng kia cười và nói:
- “Khi bị bạn làm tổn thương, nên ghi vào chỗ nào dễ quên, gió sẽ có trách nhiệm xóa đi. Nhưng ngược lại, nếu như được bạn giúp đỡ, chúng ta nên khắc ghi nó vào nơi sâu thẳm trong tâm hồn, dù có gió mưa, bão tố, chúng ta cũng không thể quên điều đó được.” (315 Đạo Lý Giúp Bạn Thành Công)

667. Hãy dũng cảm lãnh trách nhiệm về mình!

Ông vua ngành đường sắt Carnegie là một người rất dũng cảm, dám chịu trách nhiệm về những việc làm của mình.
Khi còn trẻ, Carnegie làm nhân viên điện báo cho một công ty đường sắt. Một hôm, vào ngày chủ nhật, lại đúng vào phiên trực của Carnegie, ông nhận được một bức điện khẩn rằng: “Một đoàn tàu hỏa chở đầy hàng hóa, bị trật bánh khi đi qua đoạn đường sắt ở gần công ty, và đề nghị công ty thông báo cho tất cả những đơn vị có liên quan, tìm cách giải quyết, tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc.”
Vì hôm đó là ngày chủ nhật nên, dù đã gọi rất nhiều cuộc điện thoại, nhưng Carnegie không thể tìm được vị chủ quản công ty.
Thời gian không chờ đợi con người. Từng phút từng giây trôi qua là nỗi nguy hiểm lại càng gần kề hơn. Nếu có một đoàn tàu nào đó đi ngang qua nơi xảy ra sư cố thì hậu quả thật khó lường.
Trong tình thế đó, Carnegie đành phải đưa ra một quyết định táo bạo: ông thay mặt giám đốc công ty, ra lệnh cho tất cả những người lái tàu hỏa sắp đi ngang qua đoạn đường có sự cố, yêu cầu họ chuyển hướng hoặc dừng cuộc hành trình lại.
Ông hiểu rất rõ hậu quả việc làm của mình vì công ty đã có quy định rằng tất cả những nhân viên trực điện báo, nếu tự ý dùng chức danh của chủ quản để thông báo một mệnh lệnh nào đó khi chưa có lệnh chính thức, đều sẽ bị sa thải.
Sau khi thông báo mệnh lệnh trên, Carnegie đã tự động viết đơn xin thôi việc. Ông trình bày lại đầu đuôi sự việc trong lá đơn đó, rồi để nó lại trên bàn làm việc của chủ quản.
Ngày hôm sau, Carnegie không đến công ty.
Ông nhận được điện thoại của chủ quản, yêu cầu ông đến văn phòng.
Sau khi đến văn phòng công ty, Carnegie thấy vị chủ quản đã xé vụn lán xin thôi việc của mình, cười nói:
- “Tôi được điều đến phụ trách một bộ phận khác trong công ty, còn anh đã được cấp trên bổ nhiệm làm chủ quản bộ phận của chúng ta. Lý do là vì anh đã đưa ra được một sự lựa chọn đúng đắn vào thời điểm cần thiết nhất, lại rất dũng cảm chịu trách nhiệm về việc làm của mình.”

668. “Lúc đó,. .., tôi đã sai.”

Khi sơ tuyển tổng thống nước Mỹ năm 1912, trong một thị trấn nhỏ ở New Jersey, có một cuộc mít tinh,ở đó Roosevelt đang diễn giảng cho cho nhân dân thôn quê.
Trong buổi diễn giảng, Roosevelt đề cập đến việc phụ nữ hưởng những lợi ích gì khi có quyền tuyển cử.
Lúc đó, trong đám đông, có một giọng nói lớn vang lên từ phía sau:
- “Thưa ông, năm năm trước, ông không hề có chủ trương như thế nầy!”
Câu trả lời của Roosevelt đã biểu hiện nhân cách của ông. Ông nói:
- “Đúng vậy, lúc đó học thức của tôi còn hạn hẹp, tôi đã sai. Bây giờ, tôi đã tiến bộ rồi.”
Ông tuyệt không nói đến những từ “nhưng”, “giả như”, hoặc là những từ né tránh. Ông đã phát biểu một cách kiên cường, một con người có đầu óc thẳng thắn, dũng cảm nói ra những sai lầm của mình. Ông đã biểu hiện một tinh thần là ông có thể đi cùng với thời đại. (Lựa Chọn Để Quyết Định Cuộc Sống)

669. Đừng lo lắng thái quá và không cần thiết

Tạp chí Time có đăng câu chuyện về một vien trung sĩ bị thương ở Guadalcanal.
Cổ họng anh ta bị một mảnh vỏ đạn đâm xuyên qua, nên anh phải truyền máu đến bảy lần.
Anh viết một mẫu giấy hỏi bác sĩ: “Tôi sẽ sống phải không?”
Bác sĩ trả lời: “Phải.”
Anh lại viết vào mẫu giấy khác: “Toi sẽ có thể nói chuyện bình thường trở lại phải không?”
Câu trả lời vẫn là “Phải”.
Sau đó, anh viết vào mẩu giấy nữa: “Vậy tôi đang lo lắng về cái quái gì thế?”
Ngay lúc nầy, tại sao chúng ta không dừng lại để tự hỏi: “Ta đang lo lắng về cái quái gì thế?” Có lẽ chúng ta sẽ nhận ra mình đã luôn lo lắng một cách thái quá và không cần thiết.
Khoảng chín mươi phần trăm những sự việc xảy ra trong cuộc sống của chúng ta là tốt đẹp. Chỉ mười phần trăm là những việc làm ta không hài lòng.
Nếu muốn tận hưởng một cuộc sống hạnh phúc, chúng ta nên tập trung vào chín mươi phần trăm những điều tốt đẹp kia và lờ đi mười phần trăm những điều bất hạnh.
Còn nếu bạn muốn luôn luôn lo lắng, đau khổ và bị loét dạ dày, thì cứ làm ngược lại. (Vui Sông và Làm Việc)

670. Hoà hợp hai yếu tố tinh thần và vật chất

Cô bạn của tôi (tôi: Debbie Gisonni) điều hành việc kinh doanh các thíet bị viễn thông, vừa chỉ đạo các nhân viên, vừa nuôi dạy năm đứa con gái từ ba đến mười bốn tuổi.
Vì công việc và khách hàng của cô đòi hỏi rất khắt khe và chiếm rất nhiều thời gian. Do đó, để có thời gian dành cho gia đình, cô đã phải sử dụng đến kỹ năng quản lý tuyệt vời của mình và vận dụng nó vào cuộc sống gia đình. Vì vậy, cô luôn có thể thu xếp được thời gian dành cho các con và những sinh hoạt gia đình.
Dù là việc học đan cùng với một trong năm đứa con hay lên kế hoạch cho cả nhà cùng đi du lịch, đều được cô xếp vào lịch làm việc hằng ngày.
Nếu cứ đợi khi xong công việc (mà công việc của cô thì biết bao giờ mới xong), thì chắc cô sẽ không còn thời gian dành cho gia đình yêu quý của mình.
Cuộc sống luôn tồn tại những vòng tròn xoay chuyển với các công việc nối tiếp nhau.
Trong sự biến đổi không ngừng đó, chúng ta cần nhớ rằng con người thật của chúng ta không phải là địa vị hay công việc mà chúng ta đang tất bật lao vào.
Vấn đề then chốt để có được sự cân bằng trong cuộc sống là chúng biết kết hợp hài hòa giữa đời sống tinh thần và vật chất.
Chỉ khi nào chúng ta biết cách dung hợp hai yếu tố ấy, chúng ta mới có một đời sống tròn đầy, hạnh phúc. (Hạnh Phúc Ở Trong Ta).


LM Nguyễn Vinh Gioang