MẪU GƯƠNG SỐNG 3 LỜI KHUYÊN PHÚC ÂM
Buổi sinh hoạt Huấn đức Huynh đoàn Đa Minh Gp. Saigon (01/12/2010) có chủ đề : Thảo luận về “Sống 3 lời khuyên Phúc Âm”. Chủ đề được thảo luận rất quen thuộc với mọi Ki-tô hữu, nên anh chị em Huấn đức các Liên huynh rất nhiệt tình trao đổi, đóng góp ý kiến, khiến buổi thảo luận thật sôi nổi và đạt hiệu quả cao. Sở dĩ được như vậy cũng là vì chủ đề này được thảo luận vào tháng 12 mà ngày 25 là ngày Lễ mừng Chúa Giáng Sinh. Chiêm ngắm hang đá Be-lem và suy niệm sẽ thấy đó là nơi thể hiện rõ nét nhất, sinh động nhất tinh thần “khó nghèo + khiết tịnh + vâng phục”, Thánh Gia Thất là mẫu gương tuyệt hảo nhất để sống theo 3 lời khuyên Phúc Âm.
Thật vậy, Chúa Giê-su vâng lệnh Chúa Cha xuống thế làm người, Người không chọn gia đình vương giả với quan quyền vua chúa nơi cung vàng điện ngọc, mà chọn làm con một bác thợ mộc trầm lặng và một bà nội trợ hiền lành, để rồi không nhà cửa, không quán trọ, mà sinh ra nơi một hang đá nuôi bò lừa. Từ mẫu gương đó, anh chị em vận dụng vào cuộc sống trong gia đình, trong giáo xứ, trong huynh đoàn, rồi đúc kết nên một bài học hữu ich cho bản thân : Sống tinh thần khó nghèo không có nghĩa là phải trở nên những người khố rách áo ôm, da bọc xương, lang thang đầu đường xó chợ, cầu bơ cầu bất; mà phải là “ai có hai áo thì chia cho người không có, ai có của ân cũng hãy làm như vậy” (Lc 3, 11). Nếu Chúa thương, có đời sống dư giả về vật chất, thì tuyệt đối không xa hoa phung phí mà hãy tiết kiệm để có thể chia sẻ cho anh chị em khó nghèo, bệnh tật. Đặt giả thử mình cũng chỉ đủ ăn hoặc thiếu thốn, thì mình đến với anh em bằng những món quà tinh thần (ủi an, khuyến khích, phục vụ vô vị lợi…). Nhiều khi những món quà tinh thần lại nâng đỡ, trợ giúp anh chị em nhiều hơn là những món quà vật chất vô hồn. “Của cho không bằng cách cho”, có lẽ thế chăng ?
Về nhân đức khiết tịnh, một vấn nạn được đề ra “Sống khiết tịnh có phải là đi tu hoặc tu tại gia, không được kết hôn ? Người sống bậc hôn nhân có thể sống khiết tịnh được không ?” Nhiều ý kiến được nêu ra : Người sống bậc hôn nhân vẫn có thể sống khiết tịnh, nếu có một đời sống tình dục tiết độ (điều răn thứ 6) nhằm mục đích truyền sinh hơn là khoái lạc và chỉ trong khuôn khổ một vợ một chồng (điều rân thứ 9). Ngay lập tức có phản biện : Những trường hợp vẫn chỉ một vợ một chồng, nhưng khi hoạt động sinh lý thường hay dùng thuốc kích dục, dùng phim ảnh, hoặc dụng cụ trợ lực để tăng khoái cảm, nhằm mục đích tăng trưởng tình yêu đôi lứa, như vậy thì có thể coi là khiết tịnh được không ? Câu trả lời đã sẵn : Nói rằng những trường hợp như vậy có mục đích tăng trưởng tình yêu đôi lứa là nguỵ biện, bởi như thế là đã vi phạm điều răn thứ 6 một cách có ý thức. Khi Thiên Chúa dựng nên loài người có nam có nữ với mục đích “Các con hãy sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất”, Người cũng đã tiên liệu khi con người được tự do mà phải làm một công việc gì không ham thích, không khoái cảm, chắc chắn nó sẽ từ chối và nếu có miễn cưỡng làm thì hiệu quả cũng chẳng tới đâu. Vì thế, Người mới ban cho con người – nói chung là các sinh vật có giới tính – sự khoái cảm khi thực hiện hành động truyền sinh. Và tình yêu đôi lứa bền vững không chỉ giới hạn trong phạm vi khoái cảm, mà còn mở rộng ra trong tình yêu gia đình (yêu kính ông bà, cha mẹ, yêu thương anh chị em và con cháu về sau…), để từ đó phát triển thành tình yêu cộng đồng, tình yêu tha nhân không chung huyết thống. Và cũng nhờ phản biện này mà có thể đi tới kết luận : Người đi tu cũng chưa chắc đã sống khiết tịnh được nếu trong tư tưởng vẫn luôn nuôi những ý đồ thoả mãn nhu cầu sinh lý bằng cách sưu tầm hình ảnh, coi phim đồi truỵ, hoặc thủ dâm, đồng tính luyến ái v.v….
Xin mở ngoặc nói thêm một chuyện bên lề cuộc hội thảo về nhân đức khiết tịnh : Sau cuộc hội thảo, có vài anh chị gặp riêng tôi, hỏi ý kiến về vấn đề đức trinh nguyên vẹn tuyền của Đức Mẹ. Tại sao vẫn có tôn giáo tin rằng Đức Giê-su Ki-tô là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, nhưng lại không tin Đức Mẹ còn đồng trinh ? Vấn đề này tôi cũng đã mạo muội đưa ra trong nhiều buổi hội thảo và có viết trên Thanhlinh.net. Nay xin được nhắc lại : Đối với phái nữ, có một quan điểm bất di bất dịch về trinh tiết căn cứ ở cái màng trinh (Ai còn màng trinh thì còn trinh, và rách hay không có màng trinh là mất trinh). Tuy nhiên, nhìn chung, ai cũng phải công nhận những phụ nữ rách hoặc không có màng trinh cũng chưa hẳn là đã mất trinh, và những phụ nữ còn màng trinh cũng chưa hẳn là còn trinh nguyên (khi màng trinh ấy có thể co giãn không bị ảnh hưởng bởi quan hệ tình dục, hoặc đã được bàn tay tinh xảo của khoa học hiện đai vá lại, làm lại). Không thể căn cứ vào những nhãn quan giới hạn của loài người mà khẳng định một người phụ nữ còn trinh hay mất trinh. Ấy là chưa kể có những quan điểm thật tiến bộ cho rằng sự trinh tiết của người phụ nữ không ở nơi thể xác, mà quan trọng hơn cả là ở tinh thần. Về trường hợp Đức Mẹ, thì phái hoài nghi vẫn cho là Mẹ đã sinh con thì không thể còn là trinh nữ được nữa. Nếu như vậy thì cũng chẳng cần bàn cãi làm gi, vì mỗi người đều có quyền tự do trình bày và bảo vệ quan điểm của mình. Nhưng khổ một nỗi, những người theo thuyết này lại vẫn tin người Con mà Mẹ cưu mang là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật. Rõ ràng là họ đã tự mâu thuẫn ngay từ cái gốc của vấn đề. Họ đã quên mất điều căn bản: Thiên Chúa dựng nên vũ trụ, trong đó có con người được đặt làm chủ trái đất. Thiên Chúa tạo dựng được con người thì vấn đề để Con Một hoài thai trong lòng một người nữ ở trần gian, mà vẫn giữ nguyên vẹn tiết trinh của người nữ đó, chỉ là chuyện nhỏ. Vâng, "Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối vớiThiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được." (Mt 19, 26).
Về đức vâng phục, anh chị em cũng đưa ra khá nhiều lập luận, đại khái : Vâng phục (cũng có khi dùng từ tuân phục) là kính cẩn nghe lời. Kính cẩn vâng nghe Lời Thiên Chúa truyền dạy là điều hiển nhiên, khỏi cần bàn cãi; nhưng còn vâng phục các vị thừa kế sứ vụ Đức Giê-su Ki-tô (tư tế thừa tác, tức linh mục, và nói chung là hàng Giáo phẩm), kể cả các bậc trưởng thượng trong các đoàn hội, hoặc vâng phục cộng đồng thì sao ? Vấn đề có vẻ gay go, vì rất có thể sẽ gây đụng chạm, mất lòng. Tuy nhiên, vì lợi ích chung, anh em cũng nhiệt tình đóng góp ý kiến : Trườc đây, ở nhiều nơi vẫn quan niệm giáo dân chỉ có nghe lời và thực hành, không được thắc mắc, bàn cãi, nói cách khác là phải tuyệt đối tuân phục. Tuy nhiên, kể từ Công đồng Va-ti-ca-nô II, vai trò người giáo dân đã được đặt lại đúng với giá trị đích thực mà Thiên Chúa đã dành sẵn, nên nếu chưa thông suốt, còn thắc mắc, thì vẫn được quyền nêu ý kiến, thảo luận đả thông. Có tâm phục thì mới có thể vâng lời mà thi hành có hiệu quả được. Gọi lời khuyên Phúc Âm này là vâng phục, tuân phục, cũng là vì thế.
Câu hỏi đúc kết chung cho buổi thảo luận : "Anh (chị) cho biết "sống lời khuyên Phúc Âm" nằm ở mục nào trong 4 mục thuộc tinh thần Dòng Đa Minh ? Hãy nêu tấm gương tiêu biểu nhất về sống theo 3 lời khuyên Phúc Ấm". Tất cả đều đồng ý hoàn toàn với lập luận : Tinh thần Dòng tuy có phân ra 4 mục (Cầu nguyện – Hiệp thông huynh đệ - Học hỏi – Tông đồ bác ái) nhưng tập trung nhất vẫn là tinh thần hiệp thông. Như thế thì cũng có nghĩa là sống đúng theo điều răn quan trọng nhất mà Đức Giê-su Ki-tô đã truyền dạy : Mến Chúa yêu người. Sống hiệp thông là thực hiện tốt sứ vụ tông đồ bác ái, muốn thực hiện tốt sứ vụ này thì phải học hỏi để nâng cao tu đức (như Thánh Tổ phụ đã khuyên nhủ), và để chu toàn cuộc sống thì chắc chắn phải biết cậy dựa vào Thiên Chúa, vào anh em, tắt một lời phải biết cầu nguyện, cầu nguyện liên lỉ. Thực vậy, Dòng (ordo) là một tập thể, một cộng đoàn cùng chung chí hướng, cùng chung sinh hoạt, nên nhất thiết phải sống tình hiệp thông : hiệp thông với Thiên Chúa, hiệp thông với Giáo Hội và hiệp thông giữa anh em trong Dòng với nhau. Còn muốn sống trọn vẹn 3 lời khuyên Phúc Âm thì phải có được 3 nhân đức đối thần vững mạnh : Tin – Cậy – Mến (tôi phải thực lòng tin vào Thiên Chúa, tự tin vào mình, mới có thể sống đức khó nghèo để hưởng phúc; tin vào Thiên Chúa, nên phải trông cậy vào Người, mới có thể kiên trì sống đức tin được; mà muốn sống trong Tin-Cậy, thì tôi phải có lòng Mến sốt sắng, bởi "Hiện nay đức Tin, đức Cậy, đức Mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức Mến." – 1Cr 13, 13).
Tóm lại, 3 nhân đức Tin – Cậy – Mến đều tập trung vào đức Mến, mà sống 3 lời khuyên Phúc Âm, sống hiệp thông, cũng tức là thể hiện đức Mến bằng hành động cụ thể. Rõ ràng mối dây liên kết chặt chẽ ấy hình thành một hệ luận : Sống 3 lời khuyên Phúc Âm = sống 3 nhân đức Tin-Cậy-Mến = sống hiệp thông => Mến Chúa yêu người. Còn mẫu gương tuyệt hảo về sống 3 lời khuyên Phúc Âm, chắc chắn ai cũng đồng một cảm nhận và tuyên xưng : Đó chính là 3 nhân tố trong một gia đình nơi hang đá mọn hèn Bê-lem, mà hôm nay toàn Giáo Hội mừng kính : THÁNH GIA THẤT. Ôi ! Lạy Chúa ! Hôm nay con thuật lại buổi sinh hoạt Huấn đức Huynh đoàn Đa Minh Giáo phận Saigon thảo luận chủ đề "sống 3 lời khuyên Phúc Âm", cũng chỉ nhằm mục đích tự nhắc nhở bản thân hãy chiêm niệm mầu nhiệm Giáng Sinh và triệt để sống theo mẫu gương tuyệt hảo của Thánh Gia Thất. Ngoài ra, nếu có một chút gì đó có thể chia sẻ được với anh em xa gần, thì đó là một diễm phúc, một vinh dự lớn cho anh chị em trong Ban Huấn đức HĐGP chúng con. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.