Lời nói dối



Điều răn thứ 8 cấm làm thiệt hại kẻ khác bằng lời nói. Lời nói con người trong giao tiếp phải là lời nói thật. Lời nói không đi với sự thật là lời nói dối. Vậy nói thật được hiểu là nói điều hợp với thực tại, với xác tín và hiểu biết của mình.

Nói sai (sự thật) cũng là hình thức nói dối khi có ý thức rõ ràng về điều mình nói đúng hay sai. Nói sai (sự thật) được gọi là nói sai (có thể không đáng trách tội) vì quá chủ quan, chủ thể nói sai có thể là không nói dối đúng nghĩa. Ngược lại, nói dối là lúc cố tình làm sai một sự thật.

******


1. Hiện trạng và hệ quả của nói dối ngày hôm nay.

a. Hiện trạng:

Nói dối đã “được đưa vào” các tương quan xã hội như một phương thế mặc nhiên, nghĩa là người ta khó phân biệt hay mất ý thức thế nào là nói dối và nắm bắt mức độ được phép hay không được phép. Ngay cả việc người ta đặt ra một ngày và thích thú để nói dối trong ngày 1 tháng 4.

Một khi có sự ích kỷ, tham vọng chen vào, có sự lạm dụng “những cách đùa cho vui” thì nói dối trở thành một “thông lệ” và như một điều kiện cần thiết để đạt chiến thắng, sự thoả thích và thành đạt. Ở đây, người ta không đặt vấn đề là thiệt hại hay không cho người khác.

Người ta rất khó phân biệt và ý thức về việc mình có nói thật (đúng với sự thật) hay không. Ý thức về việc nói dối là có tội hay lỗi đối với người khác đã bị phớt lờ hay giảm thiểu có khi tới mức “đó là chuyện bình thường”. Các thương gia, chính trị gia, luật sư, toà án, người mai mối buôn bán và cả trên các phương tiện truyền thông đại chúng… một khi đã nhắm đến mục đích có lợi cho mình (bằng cách che dấu, nói “trại đi”…) mà không xét đến thiệt hại cho kẻ khác thì có thể con người trong đó bị lôi cuốn vào chiều hướng coi nói dối là chuyện bình thường và có thể họ xem là “chuyện đương nhiên”. “Nói dối” vì vậy đã không còn là một định từ gây áy náy lương tâm cho kẻ lừa lọc.

b. Hệ quả:

Trong chiều kích tâm linh, người nói dối tạo một khoảng cách giữa điều mình xác tín và tuyên xưng (đức tin) với cách thực hành. Thiên Chúa là sự thật nên họ đã chối bỏ sự thật đó !. Và việc cầu nguyện của họ dễ đi đến xáo rỗng và dừng lại ở mức mà họ nghĩ là đủ về mặt đạo đức. Hơn nữa, người không sống thật với điều mình tin thường nói điều mình chưa từng kinh nghiệm được và đôi khi làm nên một “thử thách” sự trung thành của Thiên Chúa.

Sống quen nói dối sẽ đánh mất sự tin tưởng của người khác dành cho mình. Đó lại là một sự bất kính, thiếu tôn trọng đối với kẻ khác. Mỗi lần nói dối là lần đánh mất đức công bình bác ái, gây gương xấu cho kẻ khác, nhất là giới trẻ. Tai hại hơn nếu làm người khác nghĩ rằng đó (lời nói dối) là đúng và làm theo.

Chính người quen nói dối sẽ “thoải mái” khi sống trong tình trạng mất ý thức về tội, lương tâm mù tối và có thể làm họ thiếu hụt hiểu biết về chân lý, có thể dẫn đến tình trạng trở thành người nói sai sự thật cách chủ quan.

2. Ý kiến của Giáo Hội và một số quan điểm của các thần học gia Công giáo.

Kinh thánh Cựu Ước coi sự thật chính là sự trung thành của Thiên Chúa trong quá trình mạc khải. Sự thật chính là Thiên Chúa. Những gì được trình bày ngoài ý muốn cứu độ của Thiên Chúa bị coi là lừa dối. Mạc khải Tân Ước cũng coi sự trung thành của Thiên Chúa đối với Giao ước với dân là sự thật mà sự thật ấy rõ hơn hết qua Lời Người. Thiên Chúa đã mạc khải (“nói”) cho con người về sự thật của mình nơi Đức Kitô: Ngài là Sự Thật, là Sự sống thật, là Đường chân lý. Sự thật đúng nghĩa nhất là biết Thiên Chúa, tức là sống với Người. Nên nếu “nói là hiệp thông với Đức Kitô mà sống trong tối tăm là nói dối” (1Ga 1,6).

Đức Giêsu đã mời gọi các môn đệ yêu chuộng chân lý cách vô điều kiện: “Có thì nói có, không thì nói không, bày điều đặt chuyện là do ma quỉ” (Mt 5,37). Trong đó, ma quỉ bị xem là tên dối trá.

Thánh Gioan đã so sánh sự nhận biết về sự thật Thiên Chúa và tuân giữ Lời Ngài như là mực thang đo lòng thành thật: “Ai khoe mình biết Người mà không tuân giữ các giới răn Người, đó là kẻ nói dối và nơi họ không có sự thật”. Qua đó mà người ta nhận biết mình ở trong Thiên Chúa (hay không ở trong Thiên Chúa). (cf: 1Ga 2,4). Nói một đàng, làm một nẻo là người không sống trong sự thật.

Vì thế, Giáo Hội luôn xem nói dối là một điều xấu tự bản chất. Những xúc phạm đến chân lý là từ chối sống ngay thẳng về chân lý, là bất trung nặng nề với Thiên Chúa và do đó, phá vỡ nền tảng của Giao ước. (GLCG 2464).

Giáo Hội nêu rõ nhiệm vụ mọi người là phải tìm kiếm sự thật, gắn bó với sự thật như là một bổn phận mà sự thật ấy đòi hỏi (MV 59). Để cho sự thật uốn nắn mình, bắt lấy mình, mà xét cho cùng là để Thiên Chúa uốn nắn mình, vì Ngài là Sự thật.

Thời các giáo phụ, một số vị đã lên án gắt gao mọi hình thức dối trá.

Thánh Augustinô cho rằng: nói dối là đưa ra một lời nói sai với dụng ý đánh lừa người khác và đó là một điều xấu tự bản chất.

Thánh Tôma Aquinô cũng cho rằng: nói dối là đi ngược lại bản chất của lời nói nên là một điều xấu tự bản chất. Vì nó gây xáo trộn trật tự mà Thiên Chúa (là Sự thật) đã đặt nơi con người.

Thời cận đại, một số nhà luân lý đã cố gắng đi tìm một cách khác như đồng ý với cách nói “ẩn ngôn”, với lý do bảo vệ một sự thật và tránh mình bị lạm dụng. Sau này, ĐGH. Innocentê XI (1679) đã lên án vì cách thế ẩn ngôn thuần túy đã bị lạm dụng.

Người ta có thể lý luận rằng: đức công bằng và bác ái là mục đích mà lời nói phải hướng tới. Được phép hay không được phép nói dối phải xét trong khi vừa xác định nói dối là điều xấu tự bản chất vừa phải cân nhắc thận trọng trong đức ái Kitô giáo.

Ở đây, luân lý Công giáo đưa ra lý thuyết về kiểu nói ẩn ngôn để che dấu sự thật: “ẩn ngôn hẹp nghĩa”, vì là lời nói làm cho kẻ khác không đoán được hay chỉ hiểu một chiều, xác định rõ và cố ý làm sai sự thật (đồng nghĩa với nói dối) nên không được phép; Còn lối nói “ẩn ngôn rộng nghĩa”, vì tạo cho kẻ khác có nhiều điều kiện suy đoán, có thể hiểu được, nhận ra được sự thật trong lời nói ấy là gì và vì muốn che dấu mộtsự thật có giá trị cân xứng so với thiệt hại do lời nói sai, nên có thể được phép. Xét cho cùng, trong trường hợp này vẫn ẩn dấu một bóng tối của sự tội phải xa lánh.

Hơn nữa, sự thật trong lời nói là giá trị quan trọng nhưng không phải là giá trị cao nhất và duy nhất. Sự thật được bảo vệ đôi khi có giá trị và cấp thiết hơn những thiệt hại do việc nói sai. Và cả quyền biết sự thật của người khác cũng không là quyền tuyệt đối, nhất là khi quyền bảo vệ sự thật trước một sự lạm dụng và giá trị sự thật ấy cao hơn những sự tấn công của kẻ bất chính.

Dù sao, Giáo Hội luôn lên tiếng bảo vệ và nhắc nhở rằng: nói dối là một điều xấu tự bản chất, tự nơi người nói. Lối nói “ẩn ngôn rộng nghĩa” là chuyện chẳng đặng đừng.

3. Người mục tử và vấn đề nói dối.

Về phía mình, người mục tử phải là người đi tiên phong về sự trung thực, tôn trọng sự thật hết sức, giữ lời hứa hay cẩn trọng trong lời nói. Một sự thất hứa hoặc một đời sống không ăn khớp với lời nói sẽ là một tai hại lớn cho cộng đoàn. Tai hại hơn là khi người khác tin đó (lời nói sai) là thật và noi theo.

Lời nói trên bục giảng phải đi sát với thực tế của mình và của cộng đoàn. Không thể hay tránh dùng một ví dụ khó xảy ra trong thực tế. Cẩn thận với lối nói “ẩn ngôn “.

Thiết nghĩ nên bàn thêm về những “câu chuyện vui nhà đạo”. Những câu chuyện vui này thường mô phỏng những nếp sống con người (và của các Thánh) để hư cấu thành một câu chuyện. Nội dung thì hợp lý với diễn tiến nhưng kết luận lại nghịch lý, càng nghịch càng hay kể cả những diễn dịch nghịch lý trong đời sống thiêng liêng…. Giả như người nghe phân biệt đó là chuyện không thể có trong đạo hay trên Nước Thiên Đàng thì sự “dối” ở đây tạm chấp nhận cho vui. Nhưng giả như một người còn mơ hồ trong giáo lý đức tin hay giáo lý luân lý thì coi bộ không ổn đối với họ.

Sự “đùa cợt” (do việc nói sai) là không cần thiết cho cuộc vui khi nó có thể xúc phạm đến đức ái cách nhẹ nhàng dù không đáng tội ( ví dụ: đặt tên “tục”, chọc ghẹo quá đáng… thường là đi quá sự thật “thì mới vui”). Nói sai sự thật để cho vui có thể làm thành một thói quen “đáng trách” hơn là khuyến khích nó.

Dạy cho người khác biết thao thức tìm kiếm sự thật và sống sự thật đó, nhất là giáo lý của Giáo Hội, về chính Thiên Chúa. Tạo điều kiện cho việc học hỏi, bồi bổ kiến thức và đức tin để tránh một quan điểm và cách thực hành không đúng với giáo lý của Giáo Hội.

Khi khuyên bảo một người về vấn đề nói dối, nên tìm hiểu hoàn cảnh, tình trạng những con người chung quanh… để có một lời khuyên thích đáng. Tránh để người khác hiểu rằng, cha sở “cho phép” nói dối. Đôi khi lời khuyên của cha sở, nếu không khéo sẽ làm cho người khác thêm bối rối đối với việc bảo vệ sự thật khách quan.

Không hốt hoảng vì ai đó nói dối mình, vì có thể điều đó họ không cố ý mà chỉ là việc hiểu sai. Hãy tìm cách giải thích trong lòng mến.

Đi đến một hệ luận.

Con người rất cần đến sự chân thật của nhau. Sự chân thật có thể làm cho người ta gần nhau, tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Những lời nói dối thường làm cho người ta trở nên bất an và tránh né sự thật, sợ sự thật.

Người Kitô hữu được Thiên Chúa ban cho một sự thật vượt trên những giá trị chân thật khác (nhân bản) đó là chính Thiên Chúa. Cho nên, những thói quen nói sai sự thật sẽ không hợp với đời sống người Kitô hữu.

Trong tương quan với đồng loại, người Kitô hữu cần xác định chắc chắn rằng: nói dối luôn là một điều xấu, nhưng cũng không vì thế mà bỏ quên những giá trị khác cao hơn như đức ái Kitô giáo. Đúng hơn, cần sự thận trọng trong lời nói để chính Thiên Chúa- chứ không là lời nói của mình- được tỏ lộ. Luôn luôn, họ lấy chuẩn mực để “đo” một sự thật hay để bảo vệ sự thật trong lời nói của mình là Thiên Chúa.



Lm. Phêrô Hồ Đức Thắng