SUY NIỆM LỜI CHÚA
Bàn tay cha, dòng sữa mẹ…
Lễ Thánh Gia Thất
Lc 2, 22-40
Sinh ra trên cõi đời, ai trong chúng ta cũng có một gia đình để yêu thương. Gia đình chính là môi trường, là trường học cho chúng ta được lớn lên và trưởng thành dưới bàn tay dạy dỗ của cha, trong dòng sữa nồng ấm đầy yêu thương của mẹ. Chúa Giêsu cũng vậy. Tuy là Con Thiên Chúa, nhưng khi xuống thế làm người, mặc lấy thân phận mỏng giòn của kiếp người, Chúa Giêsu cũng có một gia đình trong đó song thân của Người- thánh Giuse và Mẹ Maria, luôn là tấm gương mẫu mực về đời sống gia đình. Lễ Thánh Gia, vì thế là ngày lễ của mọi gia đình Kytô quy hướng về di sản gia đình Nadarét để chiêm ngắm, học hỏi và theo gương các nhân đức mà gia đình này đã để lại cho nhân loại.
Điều ghi nhận đầu tiên khi nhìn vào gia đình Thánh Gia là mẫu gương về đời sống khó nghèo và cần mẫn lao động. Sở dĩ chúng ta khẳng định được điều này là vì Tin mừng hôm nay ghi lại việc song thân Chúa Giêsu khi tiến dâng Người cho Thiên Chúa có kèm theo lễ vật là “một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non”- đây là lễ vật của người nghèo. Mà đúng là nghèo thật, vì chúng ta từng chiêm ngắm cảnh giáng sinh của Con Thiên Chúa trong hang bò lừa lạnh lẽo mùa đông. Có người cho rằng Chúa Giêsu đâu có nghèo. Bởi vì hôm đó đông người nên không tìm được chỗ đấy thôi. Đây là cái nhìn một chiều và phiến diện. Bởi “đôi chim gáy” hôm nay và 30 năm sống làm “con bác thợ mộc” của Chúa Giêsu cho chúng ta cái nhìn đầy đủ về một đời sống khó nghèo và cần mẫn lao động của gia đình Thánh Gia. Thế rồi ba năm rao giảng Tin mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu kết thân với những người nghèo khổ, bệnh hoạn tật nguyền; làm bạn và đồng bàn với những kẻ tội lỗi và gái điếm để đưa họ về nẻo chính đường ngay,… Tất cả để minh chứng rằng, trước khi đến với người nghèo, Chúa Giêsu và gia đình Thánh Gia đã từng trải qua cảnh nghèo, từng đồng lao cộng khổ, bôn ba đó đây để tìm miếng cơm manh áo. Trải nghiệm như thế để rồi thời gian rao giảng cũng chính là thời gian Người tỏ lòng cảm thông, chia sẻ và gắn bó với những con người nghèo khổ, bệnh hoạn và tội lỗi hầu mang đến cho họ sự an vui hạnh phúc không chỉ ngay ở đời này mà còn hướng họ về sự sống hạnh phúc mai sau.
Gia đình Thánh gia không chỉ nghèo khó, lam lũ cần lao mà còn là một gia đình thánh thiện, chuyên chăm cầu nguyện. Thánh Giuse được xem là người cha công chính. Suốt một đời, Người luôn chuyên chăm phụng thờ Giavê Thiên Chúa, tìm thánh ý Chúa qua mỗi công việc, dù là nhỏ nhất. Không thấy câu nói nào của thánh Giuse được lưu lại cho hậu thế, điều đó chứng tỏ rằng, thánh Giuse là con người của lao động và cầu nguyện, là con người nói ít làm nhiều; Mẹ Maria đạo hạnh khiết trinh. Cuộc đời của Mẹ luôn là bài ca “Xin vâng” cho trọn vẹn ý Chúa. Dõi bước theo từng hơi thở, từng bước đi, từng cái rùng mình khi trái gió trở trời của Chúa Giêsu, tất cả đều không ra khỏi ánh mắt yêu thương của Mẹ, tất cả đều được mẹ ghi nhận và “suy đi nghĩ lại trong lòng”. Hôm nay cũng vậy. Mặc dù lề luật không buộc tiến dâng con trong Đền thờ, nhưng song thân Chúa Giêsu vẫn đưa con đến Đền thờ để tiến dâng cho Giavê Thiên Chúa. Điều đó cho thấy rằng thánh Giuse và Đức Maria là những người rất nhiệt tâm lo việc phụng sự Chúa. Đời sống đạo đức của các ngài không phải đợi có luật mới thực thi hoặc chấp hành lề luật cách miễn cưỡng, mà là thực thi việc đạo đức và tuân hành lề luật với tình yêu chân thành.
Gia đình Thánh Gia còn là mẫu gương về đời sống luôn không ngừng đi tìm Thánh Ý và phó thác mọi sự trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Tiến dâng con cho Thiên Chúa, chắc hẳn không bậc cha mẹ nào lại mong muốn cho con mình có một tương lai đen tối, một tương lai bị ngược đãi, đau khổ. Thánh Giuse và Đức Maria hẳn cũng có những tâm tình ấy khi dâng con vào Đền thờ, phó thác người con cho Giavê Thiên Chúa. Thế nhưng, những gì mà cụ ông Simêon nói về người con của mình hẳn làm cho các ngài phải sửng sờ kinh ngạc. “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng”. Ai chứ người như cụ ông Simêon thì không thể ác mồm ác miệng “trù ẻo” con mình được. Vì cụ chính là người công chính và sùng đạo mà ai ai ở Giêrusalem này biết đến. Mà cụ đâu chỉ nói về Hài nhi Giêsu, cuộc đời của Đức Maria cũng trở nên như “lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn”. Vì thế, đối với Mẹ, sự kiện này- tuy chưa hiểu thấu, hẳn là một nhắc nhớ cần thiết cho Mẹ hằng suy ngẫm và phó dâng tất cả cho Thiên Chúa.
Ý thức rằng “này con cái là hồng ân của Chúa/con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban” (Tv 126,3), nên trách nhiệm của cha mẹ là luôn quan tâm, yêu thương và giáo dục con cái theo luật Chúa truyền, theo truyền thống gia đình Kytô giáo; còn bổn phận của con cái cần phải tôn kính, thảo hiếu và phụng dưỡng cha mẹ khi các ngài tuổi đời xế bóng. Bởi Thiên Chúa hứa ban cho những ai thảo kính cha mẹ không chỉ được Thiên Chúa nhậm lời khi họ cầu nguyện mà còn đền bù mọi lỗi lầm của mình nữa (x. Hc 3, 3.5).
Mừng lễ Thánh Gia Thất là dịp để mỗi người trong gia đình Kytô nhìn lại đời sống đạo của mình khi đối chiếu với mẫu gương gia đình Thánh Gia. Ước mong mỗi gia đình Kytô sẽ là mẫu gương sống động về tình yêu thương, gương hy sinh phục vụ và chuyên chăm cầu nguyện cho người khác tìm về. Sống trong một thế giới đang mất dần những giá trị về đời sống gia đình, gia đình Kytô chúng ta cần phải nêu cao gương sáng hơn nữa để chính đời sống gia đình Nadarét tại thế của chúng ta sẽ đánh động lương tri nhân loại hầu thế giới ý thức giá trị và tầm quan trọng của gia đình để không ngừng làm cho các giá trị đó ngày một thăng tiến.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb