-
Moderator
B - Báo Tàu: ''Trung Quốc cần có căn cứ quân sự tại Trường Sa''
Báo Tàu: ''Trung Quốc cần có căn cứ quân sự tại Trường Sa''
Gần đây, các websites tại Trung Quốc đăng kế hoạch quân sự tấn công Việt Nam. Theo một bản đồ trên mạng Sina, Quân Giải Phóng Nhân Dân sẽ tràn qua biên giới Việt-Trung qua đường bộ và một lực lượng thứ nhì sẽ đổ bộ vào Thanh Hoá từ đường biển.
Giới chức Bắc Kinh khéo léo phủ nhận là tác giả kế hoạch xâm lăng, sau khi họ để cho tài liệu này xuất hiện trên mạng nhiều ngày gây chú ý trong dư luận.
Trong cuộc chiến năm 1979, quân Trung Quốc đã một lần tràn qua biên giới từ phía bắc. Liệu ngày nay họ có chiến lược tấn công Việt Nam từ phía đông? Nhìn lại hai thập niên qua, Trung Quốc đã đầu tư vào chính khả năng này qua Hạm Đội Nam Hải của họ.
Hải quân Trung Quốc được tổ chức thành ba hạm đội. Hạm Đội Bắc Hải trách nhiệm vùng biển gần Hàn Quốc và Nhật Bản. Hạm Đội Đông Hải phụ trách vùng biển xung quanh Đài Loan. Hạm Đội Nam Hải trách nhiệm toàn Biển Đông, kể cả các căn cứ của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Theo truyền thống và cơ cấu chỉ huy, ba hạm đội hoạt động gần như độc lập với nhau.
Trong những năm đầu của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Hạm Đội Nam Hải không phải là trọng tâm. Các tàu chiến của hạm đội này là những tàu cũ của Quốc dân Đảng để lại. Lúc bấy giờ, ưu tiên của hải quân Trung Quốc là chiến tranh Triều Tiên và, trong nhiều năm sau đó, vấn đề Đài Loan.
Kế hoạch xâm lăng Việt Nam (source: Sina.com)
Hạm Đội Nam Hải bắt đầu được tân trang từ khi Bắc Kinh cải cách kinh tế và các nhà lãnh đạo ý thức vai trò kinh tế và an ninh của Biển Đông. Tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc đã dẫn đến chương trình hiện đại hóa quân đội, đồng thời gia tăng các nhu cầu về tài nguyên, lương thực, và thể diện quốc gia.
Biển Đông là nơi có tiềm năng dầu lửa và giầu về hải sản. Bởi vậy, Bắc Kinh đã chính thức coi Biển Đông như là một nội hải (territorial sea) và các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của họ, mặc dù vùng biển này cũng là nơi một phần tư mậu dịch thế giới vận chuyển qua.
Bộ Tư lệnh Hạm Đội Nam hải đặt tại bờ phía đông của bán đảo Lôi Châu (tỉnh Quảng Châu). Hạm đội này bao gồm 2 hải đội tiềm thuỷ đĩnh, 2 hải đội khu trục hạm và nhiều hộ tống hạm; với tổng số lên đến 50 tàu chiến. Theo các nguồn tin tình báo, Hạm Đội Nam Hải là hạm đội có nhiều tàu chiến nhất và được trang bị các chiến hạm hiện đại như tàu ngầm hạt nhân Type 094 đầu tiên của hải quân Trung Quốc.
Tàu ngầm hạt nhân Type 094 (source: SinoDefence.com)
Để hiểu một phần nhiệm vụ của Hạm Đội Nam Hải, chúng ta hãy coi một sự kiện đặc biệt: Tất cả lực lượng thủy quân lục chiến và phần lớn tàu đổ bộ của Trung Quốc trực thuộc hạm đội này. Như vậy có nghĩa là lãnh đạo quân sự Bắc Kinh dự trù nơi có nhu cầu lớn nhất cho lực luợng đổ bộ chính là vùng hoạt động Biển Đông. Một vùng giáp với đất liền Việt Nam và các đảo tại Trường Sa có quân đội Việt Nam đồn trú.
Một sự kiện quan trọng khác là người ta khám phá một căn cứ bí mật cho tàu ngầm tại Tam Á (Sanya) trên đảo Hải Nam. Theo các hình chụp từ vệ tinh Hoa Kỳ, Trung Quốc đang xây cất các hầm dưới nước có thể chứa được trên 20 tầu ngầm. Khi hoàn tất, Tam Á sẽ là căn cứ thứ nhì của Trung Quốc cho tàu ngầm hạt nhân.
Cắn cứ tàu ngầm tại Tam Á (source: Daily Telegraph)
Đồng thời, căn cứ hải quân này còn có bến tàu cho các tàu nổi. Theo các chuyên viên Tây phương, Tam Á có xác xuất sẽ là nơi đồn trú các hàng không mẫu hạm mà Trung Quốc có thể hạ thủy trong 5 đến 10 năm tới. (Để học nghề, họ đã mua của Nga máy bay Sukhoi Su-33 cất cánh trên tàu và của Ukraine hàng không mẫu hạm Varyag của Liên Xô cũ).
Cho nên từ địa điểm chiến lược Tam Á, Hạm Đội Nam Hải có thể khống chế Biển Đông, và gây không ít khó khăn cho hải quân Hoa Kỳ trong việc bảo vệ tự do hàng hải.
Thái độ của Bắc Kinh đối với Biển Đông càng ngày càng được thể hiện rõ. Cuối năm 2007 Quốc Vụ Viện Trung Quốc cho thành lập huyện Tam Sa để chính thức quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cũng vào thời điểm đó, Hạm Đội Nam Hải tổ chức tập trận lớn ở vùng Hoàng Sa gồm các kế hoạch tiếp vận và đổ bộ lên đất liền.
Mối đe đọa từ Trung Quốc nói chung và Hạm Đội Nam Hải nói riêng không chỉ là vấn đề giả thuyết. Năm 1974, Trung Quốc đã chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng Hoà. Năm 1988, họ lại chiếm một số đảo tại Trường Sa từ quân đội Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Năm 1995, Trung Quốc đã nổ súng với Phi Luật Tân tại Đá Vành Khăn (Mischief Reef). Và còn bao nhiêu lần khác Trung Quốc giết hại ngư dân Việt Nam hay đụng độ với hải quân Việt Nam nhưng đã không được công bố.
Kế hoạch tấn công Việt Nam trên mạng Sina chỉ là sự nhắc nhở.
Trung Quốc đi quá đà
Tuy nhiên, không chỉ có Việt Nam để ý. Nhiều quốc gia trong vùng Thái Bình Dương, có kinh tế dựa vào mậu dịch và tự do hàng hải, đang theo dõi kỹ dự tính và khả năng quân sự của Trung Quốc.
Nước Úc, với một thủ tướng thân Tàu nói thông thạo tiếng Quan Thoại, đang phải duyệt xét chính sách quốc phòng. Nam Dương, Mã Lai, Phi Luật Tân và kể cả Ấn Độ e dè về Hạm Đội Nam Hải. Họ thấy Trung Quốc áp dụng “chính sách chuỗi hạt trai” qua việc thành lập nhiều căn cứ hải quân để phóng sức mạnh, từ bờ phía nam của Miến Điện, đến đá Vành Khăn tại Trường Sa, rồi Đảo Phú Lâm (Woody Island) tại Hoàng Sa, và Tam Á tại Hải Nam.
Qua thái độ hung hăng, để xác định tư thế quốc gia và tránh bị phong toả, Bắc Kinh đang góp phần tạo kết quả ngược lại ý muốn của họ, cho người ta thấy sự thiếu tự tin và tự cô lập chính mình.
Đối sách của Việt Nam?
Có lẽ giải pháp cho những người Việt Nam yêu nước nằm trong các bài học ngàn đời của lịch sử. Trung Quốc là nước lớn. Để đối phó với cường quốc phía Bắc, Việt Nam cần xây dựng nội lực và theo đuổi chính sách đối ngoại sáng suốt, đặt quyền lợi đất nước trên hết. Chọn lựa này bao gồm (ít nhất) ba khía cạnh.
Thứ nhất, để giảm thiểu rủi ro xung đột quân sự với Trung Quốc, Việt Nam phải xây dựng khả năng quốc phòng để tạo thế gián chỉ (deterence). Trong nhiều năm qua, chính quyền Hà Nội đã duy trì quân đội theo mục tiêu chính trị để bảo vệ chế độ thay vì có khả năng bảo vệ đất nước.
Thứ nhì, Việt Nam cần phối hợp với các nước trong ASEAN cùng với các quốc gia khác muốn tìm kiếm giải pháp hoà bình cho tranh chấp Biển Đông. Hơn nữa, quan niệm muốn làm bạn với mọi quốc gia là phải sáng suốt để phân biệt giữa các nước coi trọng tự do và có một chế độ tiến bộ với những nước là chỗ dựa cho độc tài và lạc hậu xã hội.
Thứ ba, Việt Nam phải có tự do dân chủ. Chỉ một thể chế dân chủ mới có thể huy động đại đoàn kết dân tộc và tạo điều kiện cho dân giầu, nước mạnh.
Thật ra, kế hoạch tấn công Việt Nam trên mạng Sina ở đầu thế kỷ 21 khá giống kế hoạch xâm lăng Việt Nam (đã thất bại xưa kia) của quân Mông Cổ vào cuối thế kỷ 13. Lúc bấy giờ nhà Trần đã phát huy tinh thần Diên Hồng để huy động toàn dân đánh thắng quân Nguyên Mông, mặc dù quân Nguyên đã đánh chiếm toàn Châu Á, cộng với nửa Châu Âu. Câu hỏi đặt ra là nhờ đâu mà dân tộc Việt Nam đã đánh thắng một đế quốc hùng mạnh như vậy?
Thử thách hôm nay là cần biết dựa vào sức mạnh dân tộc để canh tân đất nước và tránh gây ra chiến sự với bất cứ quốc gia nào.
BBC
Hoàng Tứ Duy
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules