Bó Ðuốc và Xô Nước


Chủ đề: "Các huấn lệnh của Chúa chúng ta có thể coi là những điều hạn chế bớt tự do của chúng ta, mà cũng có thể coi là những hướng dẫn giúp chúng ta triển nở, hay như những lời mời gọi chúng ta yêu thương."

Một người nọ đã từng trông thấy một Thiên Thần đi bộ xuống phố, tay này cầm bó đuốc, tay kia cầm xô nước. Người ấy liền hỏi: "Ngài làm gì với bó đuốc và xô nước vậy?". Vị Thiên Thần đột ngột đứng lại nhìn vào người ấy nói: "Ta sẽ thiêu rụi các toà nhà trên trời bằng bó đuốc và sẽ dập tắt lửa hoả ngục bằng xô nước. Lúc đó chúng ta sẽ thấy được ai là kẻ thực sự yêu mến Thiên Chúa". Chủ ý của vị Thiên Thần muốn nói là nhiều người vâng theo lệnh Chúa là vì sợ hoả ngục hoặc vì hy vọng phần thưởng nước trời. Họ không giữ huấn lệnh ấy vì yêu thương như Chúa Giêsu đã nêu ra trong bài Phúc âm hôm nay: "Nếu các con yêu mến Ta, các con sẽ vâng giữ lời Ta".

Bây giờ, chúng ta hãy xét kỹ hơn các huấn lệnh của Chúa Giêsu.

Chúng ta thường quan niệm về các huấn lệnh của Chúa Giêsu theo ba cách: Hãy lấy ví dụ huấn lệnh "chìa má kia luôn"

Trước hết, chúng ta có thể coi huấn lệnh này như một cái gì hạn chế tự do của chúng ta lại. Nó giống như một điều chúng ta ghét mà vẫn phải làm. Một điều mà chúng ta chỉ mong dẹp đi khỏi làm thì thích hơn. Nếu coi huấn lệnh "chìa luôn má kia" của Chúa Giêsu như một cái gì hạn chế tự do chả mấy thích thú, như một điều mà chúng ta chỉ muốn bỏ qua khỏi làm thì chắc hẳn chúng ta sẽ nổi giận và thậm chí căm thù huấn lệnh ấy nữa, vì chúng ta sẽ nói: "tại sao lại phải tha thứ cho kẻ thù chúng ta? Tại sao không cho chúng biết rằng chúng không thể truyền khiến chúng ta được? Tại sao không bắt chước thái độ của Nikita Krushchev?

Trong một chuyến viếng thăm thiện chí nước Pháp, Krushchev - một lãnh tụ Nga trước đây - nói rằng ông khâm phục nhiều lời giáo huấn của Chúa Giêsu; nhưng ông lại bất đồng với một số giáo huấn của Chúa, chẳng hạn ông không đồng ý với giáo huấn chìa má kia ra khi kẻ khác xúc phạm mình. Krushchev nói: "Nếu kẻ đó xúc phạm tôi, tôi sẽ không chìa má kia ra đâu, mà trái lại sẽ đánh trả lại cho tới khi hắn rơi đầu mới thôi"

Bây giờ chúng ta xét đến cách quan niệm thứ hai của chúng ta về các huấn lệnh của Chúa Giêsu. Chúng ta có thể xem các huấn lệnh này như những chỉ dẫn chúng ta thăng tiến. Lần này chúng ta cũng lấy huấn lệnh của Chúa Giêsu và sự tha thứ cho kẻ thù chúng ta làm ví dụ.

Cách đây vài năm, Hội Y Học Mỹ có mở cuộc thăm dò trên vài ngàn bác sĩ chuyên khoa. Họ yêu cầu các bác sĩ trả lời câu hỏi sau: "Trong một tuần lễ, có bao nhiêu phần trăm bệnh nhân mà quí vị cho là có thể điều trị được bằng những kỹ thuật y khoa của quí vị?". Các câu trả lời khiến chúng ta sửng sốt. Các bác sĩ trả lời rằng họ chỉ điều trị được quãng 10% bệnh nhân bằng phương tiện thuốc men của họ. Khi hỏi về 90% còn lại, các bác sĩ bảo rằng những bệnh nhân này thực sự có đau đớn, nhưng vấn đề của họ không thuộc lãnh vực hoá học hay vật lý mà là tâm lý. Nói cách khác, đó là "vấn đề cuộc sống" mà mọi sự điều trị thuốc men thông thường không đem lại kết quả.

Những nguyên nhân thực sự của nỗi đau nơi họ là những chuyện giận dữ, thù nghịch ngấm ngầm, cô đơn, những cảm xúc tiêu cực, hoặc những lối sống tác hại. Ðây là những vấn đề mà một bác sĩ bình thường không được huấn luyện hay trang bị để đương đầu. Khi bình luận về hậu quả của những cảm xúc này đối với sức khoẻ, Bruce Larson viết:

"Những cảm xúc chúng ta có về mình và kẻ khác cũng như tính chất các mối tương giao của chúng ta tác động đến bệnh tật chúng ta nhiều hơn yếu tố di truyền, hoá chất, chế độ kiêng khem hoặc môi trường chung quanh. Các bác sĩ xác nhận rằng họ ít được trang bị trong việc điều trị bệnh để giúp các bệnh nhân mắc phải những 'vấn đề cuộc sống này'".

Rõ ràng là khi chúng ta giữ lại trong tâm tư sự hằn học, khi chúng ta từ chối không chịu tha thứ, hoặc khi chúng ta tìm cách trả thù thì chúng ta đã gây tổn thương cho chính mình không khác gì gây thương tổn cho kẻ thù chúng ta. Nói một cách thi vị và sống động, thì lưỡi gươm chúng ta dùng để gây thương tích cho kẻ thù sẽ đâm vào chính chúng ta trước. Người Trung Hoa thời xưa có câu ngạn ngữ nhằm cảnh cáo tai hại này: "Khi nào bạn cứ đeo đuổi việc báo thù thì bạn hãy đào sẵn hai cái huyệt, một cái cho kẻ thù bạn và một cái cho chính bạn"

Tóm lại, giáo huấn của Chúa Giêsu về sự tha thức cho kẻ thù không phải là những gì hạn chế tự do của chúng ta, mà là những hướng dẫn giúp chúng ta có sức khoẻ và hạnh phúc.

Cuối cùng xét theo cách thứ ba chúng ta có thể xem các huấn lệnh của Chúa Giêsu như những lời mời gọi yêu thương. Ðây là cách Chúa Giêsu đề nghị trong Phúc âm hôm nay, Ngài nói: "Nếu các con yêu mến Ta, các con sẽ vâng giữ lệnh truyền của Ta". Chúa Giêsu trình bày các huấn lệnh Ngài như là những cơ hội để chúng ta biểu lộ tình yêu đối với Ngài. Nói cách khác, có thể chúng ta không hiểu được tại sao chúng ta nên tha thứ và chìa thêm má nữa cho kẻ khác, nhưng chúng ta cứ làm thế vì Chúa Giêsu muốn chúng ta làm. Chúng ta xem những huấn lệnh của Chúa Giêsu như lời mời gọi chúng ta biểu lộ tình yêu đối với Ngài.

Bài Phúc âm hôm nay mời gọi chúng ta kiểm điểm lại các động cơ khiến chúng ta vâng phục. Tại sao chúng ta tuân theo các huấn lệnh của Chúa Giêsu? Phải chăng vì sợ bị phạt hay vì hy vọng được thưởng, hoặc là do tình yêu chúng ta đối với Ngài? Một tôn giáo chỉ xây dựng trên sự sợ phạt và mong thưởng thì luôn luôn tìm kiếm kẽ hở, chẳng hạn chúng ta nghe người ta nói:

- Tới mức nào thì tôi mới bị xem là phạm tội?
- Tôi có thể ăn cắp bao nhiêu mà chưa phải là tội trọng?
- Tôi có thể cho ít bao nhiêu mà vẫn chu toàn bổn phận Kitô hữu của tôi?

Ðang khi đó, một tôn giáo xây dựng trên tình yêu thì luôn tìm kiếm cơ hội phục vụ, chẳng hạn chúng ta sẽ nghe nói:

- Tôi có thể làm gì để giúp đỡ hơn nữa?
- Bạn cần chi không?
- Ðừng ngại nhờ đến tôi vào bất cứ lúc nào.

Tình yêu thì luôn luôn tìm cách để phục vụ.

Như thế, chúng ta có thể xem huấn lệnh của Chúa Giêsu về việc tha thứ cho kẻ khác theo ba cách khác nhau:

- Hoặc đó là những điều giới hạn tự do, cách này khiến chúng ta thi hành lệnh Chúa một cách "cực chẳng đã".

- Hoặc đó là những hướng dẫn giúp chúng ta tăng triển, cách này khiến chúng ta thấy rằng nên thi hành huấn lệnh Chúa.

- Hoặc đó là những lời mời gọi biểu lộ tình yêu, cách này thúc đẩy chúng ta muốn thi hành lệnh Chúa.

Trong quá khứ chúng ta đã quan niệm thế nào về các huấn lệnh của Chúa Giêsu? Trong tương lai chúng ta phải quan niệm chúng ta thế nào? Và bắt đầu ngay bây giờ chúng ta có thể làm gì đối với các huấn lệnh ấy?

Ðây là một thách thức mà bài Phúc âm hôm nay đặt ra cho mỗi người chúng ta.

Ðể kết thúc, chúng ta hãy trưng dẫn lời của Harry Emerson Fos____:

"Sợ hãi thường làm tê liệt, tình yêu luôn làm thư giãn.
"Sợ hãi cầm tù, tình yêu giải phóng.
"Sợ hãi nghe chua chát, tình yêu nếm ngọt ngào.
"Sợ hãi gây thương tích, tình yêu lại chữa lành.
"Sợ hãi luôn lẩn tránh, tình yêu luôn mời gọi".

Lm Mark Link, SJ