THA THỨ & PHẨM GIÁ CON NGƯỜI
Hôm nay, 10 năm về trước, ngày 11 tháng Chín, 2001, toàn thể thế giới đã bàng hoàng rúng động khi hình ảnh sự dữ được phô bầy trên màn ảnh truyền hình vì nhóm Hồi Giáo cực đoan al-Qaeda đã cướp bốn chiếc phi cơ dân sự để tấn công các cơ sở kinh tế và chính trị của Hoa Kỳ. Tổng số người thiệt mạng trong biến cố 11 tháng Chín lên đến gần 3,000 người. Số người thiệt mạng không nhiều như người ta dự đoán khi toà tháp đôi World Trade Center đang bốc cháy, nhưng biến cố này đã khởi đầu một thời kỳ của sự nghi ngờ, lo sợ và khép kín trong sinh hoạt trên toàn thế giới.
Cũng trong Chúa Nhật hôm nay, chúng ta được nghe bài Phúc Âm nói về sự tha thứ. Khi ông Phêrô hỏi Đức Giêsu là phải tha thứ cho anh chị em mình bao nhiêu lần, có phải bảy lần không, Đức Giêsu trả lời “Không phải bảy lần, nhưng là bảy mươi bảy lần.” Tha thứ không cùng. Nếu chúng ta có người thân yêu bị chết trong biến cố 11 tháng Chín, chúng ta sẽ nghĩ gì về câu nói của Chúa Giêsu? Hoặc những người đã từng là nạn nhân của bạo lực, của chế độ ngục tù Cộng Sản Việt Nam, họ sẽ nghĩ gì về bài Phúc Âm hôm nay?
Khi theo Chúa Kitô, chúng ta tin rằng lời Chúa đem lại sự sống – không những ở đời sau mà ngay ở đời này – bởi đó điều quan trọng là chúng ta phải áp dụng lời Chúa vào đời sống, vậy, làm thế nào chúng ta có thể tha thứ cho kẻ hại mình? Và khi tha thứ chúng ta được lợi ích gì?
Trong những tù nhân của Cộng Sản Việt Nam có Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Người bị cầm tù trong 13 năm. Tuy bị đối xử cách bất công nhưng cố hồng y vẫn yêu thương người cộng sản, bởi vì theo lời cố hồng y, “Chúa Kitô đã dậy tôi phải yêu thương tất cả mọi người, kể cả kẻ thù. Nếu tôi không làm như vậy, tôi không đáng được gọi là Kitô Hữu.” Làm thế nào cố hồng y không thù hận người cộng sản? Qua các sáng tác của cố hồng y, như cuốn Đường Hy Vọng, Năm Cái Bánh và Hai Con Cá, v.v., chúng ta có thể thấy rằng cố hồng y đã không để sự dữ chế ngự mình mà người đã biến sự dữ thành sự thiện. Thay vì dùng thời gian tù đầy để gậm nhấm sự đau khổ vì bất công và suy nghĩ cách trả thù, cố hồng y đã dùng thời gian đó để suy nghĩ về lời Chúa và viết thành sách, để lại những tư tưởng quý giá cho hậu thế. Cố hồng y đã bị cầm tù về thể xác nhưng người không để sự hận thù làm chủ đời mình.
Trên Internet, có một trang web mang tên The Forgiveness Project (Đề Cao Sự Tha Thứ), trong đó có gần 100 người kể lại câu chuyện tha thứ của mình, và có câu chuyện rất đáng để ý của bà Jo Nodding ở nước Anh. Vào năm 2004 bà bị một thiếu niên 19 tuổi, tên Darren, dùng bạo lực để hãm hiếp bà. Khi ra toà, lúc đầu Darren từ chối tội phạm, nhưng sau đó với chứng cớ DNA, Darren đã bị kết án khổ sai chung thân.
Nhiều tuần lễ sau khi bị hãm hiếp, bà Jo sống trong một tâm trạng sợ hãi, hoang mang không biết phải đối phó thế nào với sự kiện đã xảy ra. Khoảng một năm sau, nhân viên của tổ chức Liên Lạc Các Nạn Nhân đã đến gặp bà và đề nghị cuộc gặp gỡ giữa bà và Darren với mục đích hoà giải và xây dựng. Bà đồng ý gặp vì bà biết rằng đây là cơ hội để bà làm chủ tình hình, để lấy lại một tình trạng mà thủ phạm đã cướp mất của bà. Sau những chuẩn bị lâu dài, mãi cho đến tháng Giêng 2010, cuộc gặp gỡ mới xảy ra trong khuôn viên nhà tù.
Trong cuộc gặp gỡ, bà đã kể lại mọi chi tiết của vụ hãm hiếp, từ đầu cho đến cuối, cũng như cảm tưởng sợ hãi và xấu hổ của bà, và Darren đã khóc hối hận. Trước khi cuộc gặp gỡ kết thúc bà nói với Darren, “Điều tôi sẽ nói với em là điều mà nhiều người rất khó hiểu, nhưng tôi tha thứ cho em về những gì em đã làm đối với tôi. Sự hận thù chỉ tiêu diệt con người, và tôi muốn em hãy vươn lên và thành công trong đời. Nếu em chưa tha thứ cho chính mình, thì tôi hy vọng trong tương lai em sẽ có thể.”
Và bà Jo viết tiếp, “Tôi không nói như thế để bào chữa cho hành động của Darren, hoặc coi thường sự kiện đã xảy ra, nhưng vì tôi muốn chính tôi được thoát khỏi gánh nặng của sự muộn phiền, và tôi hy vọng Darren có thể học được điều gì đó để vươn lên, và tha thứ cho chính mình.”
Bà Jo kết luận, “Khi rời căn phòng đó, tôi có cảm tưởng như mình bay bổng trên không. Cuộc gặp gỡ đó đã chấm dứt một giai đoạn, bởi vì tôi đã nói những gì tôi muốn nói và đã làm chủ lại cuộc đời mình. Tôi biết điều đó có ảnh hưởng mạnh đến Darren. Tôi không còn là nạn nhân, tôi là người sống sót. Tôi có thể biết chắc rằng từ một điều xấu xa đã xuất phát những điều tốt lành.”
Tương tự như cuộc đời của Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, bà Jo Nodding đã không để tội lỗi xác định đời mình, nhưng bà đã cố gắng làm chủ chính mình bằng hành động tha thứ.
Trong chuyến bay American Airlines Flight 11 bị không tặc và đâm vào một trong hai toà tháp đôi World Trade Center có ông Tom McGuinness, là phi công trưởng của chuyến bay này. Sáng hôm ấy, bà Cheryll, vợ của ông Tom, đã vô cùng đau khổ khi nhìn thấy hình ảnh khủng khiếp của toà nhà bốc cháy qua máy truyền hình mà trong đó bà biết có người chồng thương yêu của bà. Ông Tom chỉ là một người vô tội như gần 3,000 người khác mà họ phải chết một cách thảm thương chỉ vì sự cuồng tín của bọn khủng bố! Bà vô cùng tức giận và chỉ muốn công lý được thể hiện.
Bà sống với tâm trạng đó cho đến khoảng gần một năm sau (July 8, 2002) khi bà đến Nữu Ước để lãnh tiền trợ cấp cho nạn nhân, và bà đã đến địa điểm xảy ra tai nạn–bây giờ chỉ là một hố trũng thật rộng và người ta cắm thanh sắt thật lớn bị cháy cong queo, có hình chữ thập, còn sót lại của toà tháp đôi, để tưởng niệm. Bà đứng dưới chân thập tự và tâm sự, “Chúa ơi, chúng đã giết chồng con ở nơi đây.” Tâm hồn bà như sống lại cảm giác đau khổ và tức giận vào sáng ngày 11 tháng Chín năm trước, nhưng đồng thời bà có cảm tưởng như Chúa nói với bà rằng, hãy tha thứ cho chúng. Bà hỏi “Tại sao con phải tha thứ cho những người này?” Trong khi chờ đợi, mắt bà nhìn lên thập tự, và bà cảm thấy như Chúa nói với bà rằng, “Vì Ta đã tha thứ cho con.”2
Câu nói đó giúp bà nhìn lại cuộc đời mình và thấy rằng bà cũng có những lỗi phạm đối với Thiên Chúa – tuy không to lớn và ghê tởm như của bọn khủng bố – nhưng thay vì đối xử công bằng, Thiên Chúa đã xót thương bà; thay vì trừng phạt, Thiên Chúa đã tha thứ cho bà. Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người và chết trên thập giá để đền tội của bà cũng như của bọn khủng bố. Bà không phải là người xét xử nhưng chính Chúa Giêsu; và để được tha thứ tội lỗi, điều kiện của Chúa Giêsu là bà phải tha thứ cho đồng loại.
Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải tha thứ cho nhau bởi vì, “Oán hờn và giận dữ là những điều ghê tởm mà kẻ tội lỗi cứ bám chặt lấy chúng”. Sách Huấn Ca (27:30) đã viết như thế. Và Chúa cũng biết rằng tha thứ là điều khó khăn nên Người sẵn sàng giúp sức cho chúng ta để tha thứ cho kẻ khác. Đó là câu chuyện của cô Corrie ten Boom người Hoà Lan. Trong thời thế chiến II, khi Đức chiếm đóng Hoà Lan, gia đình cô đã giúp đỡ những người Do Thái trốn tránh, do đó, gia đình cô bị tố cáo và bị bắt đưa vào trại tập trung nổi tiếng là Ravensbruck. Khi cuộc chiến chấm dứt, gia đình cô Corrie chỉ còn một mình cô sống sót, và cô đã đi chu du khắp Âu Châu để nói về sự tha thứ và hoà giải.
Sau một lần nói chuyện ở Munich, nước Đức, một người đàn ông tiến đến cảm ơn cô về bài nói chuyện. Cô không thể tin rằng trước mắt cô là người lính Đức Quốc Xã mà trước đây hắn đã canh giữ phòng tắm phụ nữ trong trại Ravensbruck. Ông ta tiến đến để bắt tay cô Corrie. Người cô như chết cứng, cô không thể nắm lấy bàn tay của ông ta. Hình ảnh khủng khiếp của trại tập trung và cái chết của em cô đã sống lại trong tâm trí. Cô ngập tràn sự uất ức và ghê tởm người đàn ông trước mặt.
Cô Corrie cũng không ngờ cô lại phản ứng như vậy. Cô đã từng diễn thuyết hùng hồn về sự tha thứ, và giờ đây, chính cô lại không thể tha thứ cho một người. Khi đứng sững người như vậy, cô đã im lặng cầu xin: Lạy Chúa Giêsu, con không thể tha thứ cho người này. Xin hãy ban cho con sự tha thứ của Chúa. Ngay lúc đó, bàn tay cô như được một sức mạnh giúp đỡ đã đưa ra nắm lấy bàn tay của người đàn ông này trong sự tha thứ thực sự. (Phỏng theo bài giảng của Cha Mark Link).
Qua bốn câu chuyện của những người đã thực sự tha thứ cho kẻ khác, chúng ta nhận ra được sự khôn ngoan và giá trị của lời Chúa hôm nay. Chúa đến để giải thoát chúng ta khỏi sự ràng buộc của tội lỗi, của hận thù, của oán hờn để được tự do, được hạnh phúc. Nhưng niềm vui giải thoát đó chỉ có thể xảy ra với một quyết tâm, đó là đừng để sự dữ làm chủ chính mình mà hãy cố gắng biến sự dữ thành sự thiện, biến đau khổ thành niềm vui – không phải niềm vui vì được trả thù, vì thấy công lý được thể hiện, nhưng là niềm vui của một người đã tìm lại được phẩm giá của mình và được trở nên giống Chúa Kitô.
Pt Giuse Trần Văn Nhật
1. http://theforgivenessproject.com/stories/jo-nodding/
2. http://www.cbn.com/700club/guests/bi...ss_090904.aspx