HÃY GÌN GIỮ NGÔI ĐỀN THỜ CỦA THIÊN CHÚA!
Để nói lên tầm quan trọng của sự thanh sạch trong việc phụng tự cũng như trong các nghi lễ và trong đời sống của một dân thánh, sách Ngũ Thư, đặc biệt là sách Lêvi đã nhắc đi nhắc lại tới 174 lần cho dân Ít-ra-en biết, họ phải giữ mình cho thanh sạch, tránh liên can đến những thứ từ thực phẩm cho đến những bịnh tật và những vật dụng … mà làm cho họ ra ô uế. “Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi; các ngươi phải nên thánh và phải thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh; các ngươi đừng làm cho chính mình ra ô uế vì mọi loài vật nhỏ bò trên đất” (Lv 11:44).
Để nói lên tầm quan trọng của sự thanh sạch khi đón nhận Mình Thánh Chúa, Giáo Lý Toát Yếu Công Giáo dạy rằng người ta phải sống trong tình trạng ân sủng, có nghĩa là phải ở trong tình trạng sạch sẽ không vướng tội trọng thì mới được rước Chúa vào lòng(291).
Ngay cả đối với tổ tiên ông bà của chúng ta, những người chưa nhận biết Thiên Chúa, các ngài cũng coi trọng và đề cao sự sạch sẽ trong đời sống, cả về mặt luân lý lẫn thể lý, vì thế mới có câu đói cho sạch, rách cho thơm, hay là nhà sạch thì mát, bát sạch thì ngon, hoặc là có phúc lấy được vợ già, sạch cửa sạch nhà lại ngọt cơm canh.
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại rằng Chúa Giêsu đã xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ (Ga 2:15). Tại sao vậy? Là bởi vì Ngài chịu không nổi cái cảnh người ta biến Nhà Cha của Ngài thành một nơi buôn bán, đổi chác, họ tranh chấp, lừa bịp, gian dối nhau và như thế là họ đã làm cho Đền Thờ thánh thiêng trở nên một nơi ô uế!
Bạn thân mến, tôi nghĩ ai ai cũng muốn cho nhà cửa của mình được sạch sẽ, ngăn nắp và gọn gàng. Tôi dám cá với bạn rằng dù là dân trí thức hay dân lao động, dù giàu hay nghèo, dù trắng hay đen, dù thông minh hay dốt nát … không có ai muốn nơi ăn chốn ở của mình bị dơ bẩn và ô uế, nhất là chẳng có ai muốn người khác làm cho nhà cửa hay làm cho phòng ốc của mình bị dơ dáy, mất trật tự và dơ bẩn cả! Bạn đồng ý không? Vậy nếu căn nhà vật chất của chúng ta mà còn cần phải được bảo trì, cần phải được giữ gìn và cần phải được thường xuyên quét dọn, lau chùi cho sạch sẽ ngăn nắp thì huống hồ chi là ngôi Thánh Đường, và đặc biệt nhất là ngôi Đền Thờ linh thiêng tức là thân xác của mỗi con người, là nơi mà Thiên Chúa ngày đêm ngự trị? Những nơi chốn thiêng liêng ấy cần được chúng ta chăm sóc, bảo trì và gìn giữ cho sạch đẹp, khang trang và lịch sự hơn là những căn hộ mà người ta hay gọi là home hay là tư gia nhiều!
Qua sự kiện Chúa Giêsu tẩy uế Đền Thờ bạn học được gì? Tôi thì học được bài học quý giá này, đó là: TÔI PHẢI TÔN KÍNH VÀ GÌN GIỮ ĐỀN THỜ CỦA THIÊN CHÚA MỌI NƠI MỌI LÚC! Thánh Phaolô đã nói, mỗi một người chúng ta là Đền Thờ của Thiên Chúa, Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong [mỗi người] … [Và] Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là [mỗi một con người]” (1 Cor 3:16-17) vì thế tôi và bạn phải nỗ lực, phải cố gắng gìn giữ, làm vệ sinh, trang hoàng và bảo trì những ngôi Đền Thờ của Thiên Chúa cho thật khang trang, sạch sẽ, thanh nhã và thẩm mỹ. Bạn đang thắc mắc phải gìn giữ, bảo trì và trang hoàng làm sao cho những ngôi Đền Thờ của Chúa sạch đẹp và trang nhã hả, dễ lắm!
Đối với những ngôi thánh đường vật chất, được xây bằng xi măng cốt sắt, hay bằng gỗ đá … mà ta quen gọi là Thánh Đường, Nhà Thờ hoặc Nhà Thờ Chính Tòa hay là Vương Cung Thánh Đường...
· Khi bước vào, bạn và tôi phải tỏ ra thái độ cung kính, trang trọng và lịch sự bằng cách bái quỳ hay cúi mình để thờ lạy Chúa, giữ gìn sự thinh lặng, không ăn uống, nói cười hay xả rác … vì đây là nơi thánh thiêng, là nơi Thiên Chúa đang ngự trị.
· Khi có cơ hội, bạn hãy tham gia với cộng đoàn trong việc trang trí, cắm hoa, lau chùi, hút bụi, chùi kiếng cửa sổ, làm vệ sinh … để Đền Thờ của Chúa thêm phần thanh nhã và sạch sẽ, lịch sự.
· Bạn hãy rộng rãi trong việc đóng góp tiền của, sức lực và tài năng trong các thánh lễ hay cho quỹ xây dựng hay quỹ bảo trì Đền Thờ. Đền Thờ là nhà của Thiên Chúa, việc bảo trì (điện, gas, nước, rác, bảo hiểm, máy lạnh, máy sưởi …), sửa chữa, xây dựng hay trùng tu là bổn phận và là trách nhiệm của tất cả mọi thành phần dân Chúa trong giáo xứ, chứ không phải là riêng của một cá nhân nào, càng không phải là việc riêng của các linh mục hay của các tu sĩ!
Đối với ngôi Đền Thờ Thiêng Liêng, tức là linh hồn và thân xác của bạn và của tha nhân, được chính Thiên Chúa xây dựng nên thì xin bạn:
· Hãy quét dọn, làm vệ sinh cho sạch sẽ Đền Thờ của Chúa bằng cách đi xưng tội mỗi tháng hay hai tháng một lần.
· Hãy tôn trọng và gìn giữ cho Đền Thờ của Chúa được trang nhã và sạch đẹp bằng cách đừng bao giờ nhìn xem những hình ảnh dâm ô, tục tĩu trên internet, trong báo chí hay trong các bộ phim con nhà nghèo… Mỗi lần xem những thứ bẩn thỉu này là mỗi lần mình đem rác đem bỏ vào Đền Thờ của Chúa đấy! Phạm thánh đấy chứ chẳng chơi đâu!
· Hãy gìn giữ cho nhiệt độ trong Đền Thờ của Chúa được quân bình, được ổn định, được mát dịu bằng cách tham dự thánh lễ, tham dự các Giờ Chầu Thánh Thể, đọc kinh cầu nguyện thường xuyên hơn, đừng để tâm hồn quá lạnh lẽo, lúc on lúc off là Đền Thờ mau bị xuống cấp lắm!
· Hãy tôn trọng Đền Thờ của người khác bằng cách tránh những tội xúc phạm đến thân xác của người khác, chẳng hạn như: ngoại tình, quan hệ tình dục, ăn chơi bừa bãi, đánh đập hành hung người …
Nếu tôi và bạn nỗ lực và cố gắng hết sức mình để làm những công việc trên, hoặc tương tự như vậy thì tôi bảo đảm, Thiên Chúa sẽ cư ngụ lâu dài trong chúng mình. Và như thế, tôi và bạn sẽ không bao giờ phải sống trong lo âu, sợ hãi hay mất bình an bởi vì Thiên Chúa chính là tình yêu, là nguồn gốc của mọi sự lành bằng an, là nguồn sống vĩnh cửu và là cùng đích của muôn vật muôn loài, có Chúa trong ta rồi thì chẳng lo gì cả.
Hãy ráng làm hết sức mình và phải lo làm cho Đền Thờ của Thiên Chúa được đẹp đẽ, lịch sự, trang nhã và sạch sẽ mãi bạn nhé! Chứ cứ để Đền Thờ trong tình trạng dơ dáy bẩn thỉu, hôi hám, hỗn độn, bất xứng và lôi thôi lếch thếch như vậy thì làm sao Chúa ở được cơ chứ? Bạn đồng ý không?
Phải dọn dẹp và lau chùi ngay đi thôi, nếu không, Ngài mà bỏ đi là …căng đấy nhé!
Lm Ansgar Phạm Tĩnh, SDD