-
Moderator
H - Hãy để câu chuyện Thái Hà một hồi kết có hậu
HÃY ĐỂ CÂU CHUYỆN THÁI HÀ MỘT HỒI KẾT CÓ HẬU
Những bước đi nguy hiểm
Câu chuyện Thái Hà đang đến hồi gay cấn, cả hai bên Nhà Thờ và Nhà nước đã có những bước đi nguy hiểm.
Bước đi của Nhà thờ là đòi bằng được Sự thật, Công lý và sự Công bằng thể hiện qua việc đòi lại tài sản của mình bị chiếm đoạt vô cớ. Sự đòi hỏi này được xác định là chính nghĩa và phải đạt được bằng bất cứ giá nào phải trả. Kể cả việc tù đày và mạng sống của hàng giáo sĩ, giáo dân.
Đây là bước đi nguy hiểm. Nguy hiểm khi mà khí thế của hàng giáo sĩ và giáo dân đã bừng bừng uất hận qua những ngày tháng bị mạ lỵ và vu cáo, bị đổi trắng thay đen trên một hệ thống truyền thông nhà nước mà chính họ là những người đang đóng góp tiền của để nuôi dưỡng. Tất cả họ đang chờ đợi bất cứ một kết cục nào có thể đến khi mà trong tay họ không một tấc sắt.
Nguy hiểm khi mà đối tượng của họ, các cơ quan pháp luật của Nhà nước có đầy đủ quyền hành, súng đạn và nhà tù. Nguy hiểm khi nhà nước đó lại được trang bị bằng một thứ lý thuyết “đấu tranh giai cấp, ai thắng ai” của chủ nghĩa Mác – Lênin vô thần luôn muốn phô diễn sức mạnh chuyên chính vô sản. Nguy hiểm khi mà ở thời hiện tại trong xã hội Việt Nam, sự công bằng, công lý, sự thật là một thứ hàng quá xa xỉ.
Bước đi của Nhà nước là bằng mọi cách, phải đuổi bằng được Nhà thờ ra khỏi khu đất mà Nhà thờ cho là Đất Thánh của mình.
Đây cũng là một bước đi nguy hiểm. Sự thiếu những kịch bản và những tư vấn quan trọng cho Nhà nước trong từng bước đi đã đẩy đến tình trạng dùng vũ lực. Thói thường, khi đã dùng đến vũ lực, có nghĩa là khi mọi lý lẽ, mọi cách hành xử của mình đã thất bại và mình đang bất lực nhất. Nhưng cái thiếu lớn nhất của nhà nước trong vụ việc này, là chính những căn bản pháp lý cho việc giải quyết vấn đề theo ý mình. Mà những vấn đề về pháp lý, ngoài những cái mình có thể đạo diễn, thì còn có những tiêu chí chung mà loài người đã mặc nhiên công nhận. Đó là lẽ phải và lẽ công bằng.
Nguy hiểm, vì trước mắt họ là một cộng đồng tôn giáo Thái Hà và mấy ông tu sĩ tuy không đông, nhưng vô cùng vững chắc bởi tình yêu thương và đoàn kết, dù họ không một tấc sắt trong tay. Nhưng họ đang tin ở chính nghĩa và công lý, sự thật nằm ở phía họ. Và vì thế, họ sẵn sàng xả thân cho niềm tin của họ. Bên họ, một cộng đồng giáo dân đông đúc, một Giáo hội Công giáo Việt Nam và toàn cầu luôn sát cánh kề vai và chia sẻ, đó là những điều không dễ giải quyết nếu bất chấp công lý và sự thật.
Nguy hiểm nhất đối với Nhà nước trong vụ này, có lẽ lại chính là niềm tin bị chao đảo, lung lay ngay cả trong những con người vẫn ăn lương nhà nước nhưng để thật sự họ có lòng tin thì lại không dễ dàng. Khi mà những việc dối trá họ phải làm, ngay khi họ hoàn thành với kết quả như ý muốn nhưng không chứa đựng sự thật, thì đó chính là mối họa lâu dài.
Với những mục tiêu mà cả hai bên theo đuổi, vụ việc đã đẩy đến mức độ nguy hiểm. Nếu theo logic thông thường, có thể là một Thiên An môn mới?
Một Thiên An môn là điều có thể dễ dàng làm đối với một nhà nước có nhiều súng đạn, với quân đội và công an đông đúc để đối phó với một đám dân không nhiều và mấy ông tu sĩ mảnh mai.
Nhưng chắc chắn một điều, là hậu quả thì vô cùng khủng khiếp. Và khi đó, xã hội sẽ có nhiều thay đổi nhanh chóng hơn nhất là khi xã hội đã ở thế kỷ 21.
Truyền thông bóp méo và nhà tù, dùi cui đã làm được điều gì?
Thời gian qua, hệ thống truyền thông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao của mình là “tạo dư luận lên án, đấu tranh” theo định hướng đã có sẵn. Bằng lối truyền thông một chiều nhiều xảo thuật, không kể nhân tâm, không tính nhân bản, tạo nên được trong con mắt những người thiếu thông tin hình ảnh những tu sĩ vào giáo dân Thái Hà luôn luôn là “xấu xa và bạo động”?
Tất nhiên, với những người có tìm hiểu và kinh nghiệm, thì điều này đã ngược lại hoàn toàn.
Nhưng nhà nước đã quên mất điều này: Cuối cùng, muốn để giải quyết tốt đẹp mọi chuyện, thì chính nhà nước lại phải giải quyết vấn đề với những con người “xấu xa” đó, dù bằng súng, hay bằng giấy.
Bằng lối truyền thông đó, nhà nước đã quyết rào kín lối trên con đường đã đi, không tính đến cơ hội quay trở lại kể cả khi đã biết sai lầm. Phải chăng đó là phương thức “đã ra trận chỉ có biết tấn công”?
Về lĩnh vực truyền thông nhà nước trong cả hai vụ việc Tòa Khâm sứ và Thái Hà, có sự khác nhau và sự giống nhau như sau:
Ở vụ việc Thái Hà, hệ thống truyền thông nhà nước vào cuộc khá sớm. Vụ Tòa Khâm sứ, truyền thông không bao giờ đả động đến dù đã kéo dài cả tháng trời căng thẳng, chỉ vào cuộc những ngày cuối cùng.
Ở cả hai vụ việc, sự giống nhau ở lĩnh vực truyền thông, đó là dù vào cuộc sớm hay muộn, thì đều là cách truyền thông một chiều áp đặt vài bịa đặt, bóp méo sự thật đến mức có thể, nhằm phục vụ ý đồ khuất phục đối tượng bằng chiến dịch đàn áp truyền thông.
Phải chăng đó là bản chất của truyền thông Việt Nam theo định hướng Xã hội chủ nghĩa?
Nhưng, kết quả hay hậu quả của nó là gì? Kết quả của nó có là tốt không, khi trong con mắt giáo dân Thái Hà, giáo dân và những người hiểu biết sự thật bằng nhiều cách, (mà con số này không ít khi sự việc đã hơn 8 tháng nay giữa Thủ đô) họ biết rằng đó là sự bịa đặt, bôi xấu và không có sự thật trong những thông tin truyền thông nhà nước. Khi đó, có còn không lòng tin vào truyền thông nói riêng và nhà nước nói chung?
Ngay cả với những người làm công tác truyền thông, tự họ sẽ cảm thấy nhục nhã cho một trí thức của đất nước, một sỹ phu Bắc Hà. Chỉ vì mấy triệu tiền lương mỗi tháng đã phải bán rẻ lương tâm mình, đạo đức của mình, để lại hậu họa cho con cháu bởi cái tội phá chùa đốt Phật mà không có cách nào gỡ nổi như những kẻ đã cầm súng bắn vào địa chủ năm xưa theo lệnh Cải cách ruộng đất của đảng. Tôi chợt nhớ câu thơ của Bùi Minh Quốc:
Chẳng lẽ trở về toàn quân ngậm đắng
Khom mình chào trò xiếc gian manh?
Tôi chợt nhớ câu chuyện truyền thông trong vụ xịt hơi cay vào phụ nữ và trẻ em cầu nguyện đêm 31/8/2008. Khi đó, một giáo dân vốn bất bình với truyền thông bóp méo đã gọi điện đến đến Trung tâm Thông tin - Đài Tiếng nói Việt Nam (số máy 04.8244354) đề nghị cho phóng viên đến hiện trường để thấy rõ vụ việc mà điều chỉnh cách truyền thông. Ông Ngọc Giám đốc Trung tâm, (số đt cố định: 04.9386140; số điện thoại di động là 0913237641) đã cử phóng viên Đình Hiếu (số điện thoại di động là 093234503) đến hiện trường.
Điều hài hước nhất là Đài Tiếng nói Việt Nam đã có nhiều bài phát thanh về vụ Thái Hà rất đanh thép, kiên quyết lên án. Nhưng đến tận 31/8/2008 vừa qua họ vẫn không biết lối vào Thái Hà. Người giáo dân kia đã phải ra tận ngoài đường dẫn phóng viên vào hiện trường. Khi đến đó, các phóng viên báo chí, đài truyền hình, Đài Tiếng nói đã tận mắt thấy vụ việc, họ còn được đưa đến phỏng vấn nạn nhân…
Nhưng, sáng hôm sau, chính họ đã đổi nạn nhân thành thủ phạm một cách trằng trợn trên bài viết. Phóng viên Đình Hiếu (Đài Tiếng nói Việt Nam VOV) đã viết: “Lợi dụng trời tối, những kẻ chủ mưu đã rất thâm hiểm, xúi bẩy, mớm lời cho một số người hô hoán lên rằng bị đánh, bị xịt hơi cay đã ngất xỉu. Thế nhưng chẳng thấy ai phải sơ cứu, phải đi bệnh viện điều trị”?
Còn Đài Truyền hình Việt Nam đã không hề đả động đến những nạn nhân của vụ xịt hơi cay mất nhân tính, mà dùng những hình ảnh của Linh mục Khải khi kêu gọi giáo dân trật tự để cho là “kích động giáo dân”. Quả là miệng lưỡi truyền thông nhà nước.
Một người vốn ít khi nóng tính nhưng khi đọc câu này, đã không kìm nén được căm phẫn: “Sao trời không vật chết tươi ngay những thằng này chứ để nó sống làm gì cho bẩn đất và hại người”.
Riêng tôi thì qua vụ này, tôi hiểu hơn là vì sao trên báo đảng, báo nhà nước, mọi sự vụ liên quan đến công an và các cơ quan nhà nước, bao giờ lỗi cũng thuộc về người dân. Chẳng hạn những việc như người dân được đưa đến đồn thì thích tự treo cổ, các cháu học sinh được đưa về đồn thì lại thích nhảy xuống giếng tự tử… tất cả là lỗi ở người dân? Bởi một điều là những sự việc có thể bị bóp méo và chuyển đen thành trắng không hề thương tiếc hay băn khoăn.
Với lối truyền thông như vậy, đương nhiên giáo dân và tu sĩ Thái Hà đáng bị đem nhốt hết vào tù. Nhưng, có nhốt được tất cả họ hay không lại là câu chuyện khác khi tất cả tu sĩ và giáo dân cùng đồng chịu trách nhiệm.
Sau khi một số người bị giam giữ, một số bị đánh đập dã man bằng dùi cui, roi điện và giày đinh ngay trên đường phố, hay bị xịt hơi cay bất thình lình khi đang cầu nguyện, sau những chương trình bôi đen, bóp méo của truyền thông, những tưởng giáo dân thấy thế thì “chạy mất dép” – nói theo ngôn ngữ dân gian – kẻo lụy đến mình. Nhưng không.
Ngược lại, mấy ngày sau đó, tại Nhà thờ Thái Hà và khu đất được giáo dân gọi là Linh địa, người càng tấp nập ngày đêm. Số khách đến viếng linh địa tăng lên gấp bội. Tôi đã chứng kiến những hôm đến 12 giờ đêm, số người đến Thái Hà vẫn dập dìu đông đúc. Trong đó, có không ít những người không phải là công giáo. Hàng đoàn giáo dân đi về Thái Hà trong niềm hân hoan và chia sẻ, hàng loạt linh mục về Thái Hà dâng lễ hiệp thông, cộng đồng công giáo và không công giáo trong và ngoài nước quan tâm sâu sắc và bày tỏ những sự ủng hộ… Đó có phải là cách trả lời của những người giáo dân về niềm tin của họ, thái độ của họ với hệ thống truyền thông và là một sự khó hiểu cho nhà cầm quyền?
Thực ra, chính những điều vu cáo xa lạ của hệ thống truyền thông nhà nước và những hành động bắt bớ bất bình thường đã kích động giáo dân và những người muốn tìm sự thật, đã khiến người dân quan tâm đến sự thật đằng sau đó. Và khi đã hiểu ra, họ đã thể hiện chính kiến của mình, dù không như nhà cầm quyền mong muốn. Hệ thống truyền thông đã phản tác dụng, cho dù trên tờ Hà Nội mới và một số tờ báo khác đã kêu gào, kết tội và vu cáo nhằm chính trị hóa vấn đề dân sự để mở đường cho những hành động bạo lực có thể có.
Nhưng tất cả họ đã nhầm, họ đã tính sai những nước cờ cơ bản bởi “đối tượng” của họ không phải là những người như họ muốn. Và cái thời “chỉ nghe đài đọc báo của ta” đã qua. Những hành động man rợ diễn ra ngay trên dường phố, việc xịt hơi cay vào phụ nữ và trẻ em được những người có lương tâm cho là một tội ác. Sự bất thường trong cách xử lý một vụ việc dân sự đã đem lại cho người dân một cách nhìn nhận khác để tìm ra sự thật.
Và những tác dụng của nhà tù và súng đạn đến đâu?
Đối tượng của họ ở đây, không là đám dân đen mất nhà, mất ruộng. Không là tổ chức hưởng lương ngân sách thường thấy ở Việt Nam luôn luôn kèn cựa nhau về địa vị và quyền lợi. Họ là những người thật sự “chí công vô tư” đúng như khẩu hiệu của đảng. Ngay cả với giáo dân, họ chẳng được hứa hẹn chia cho 5 hay 7 m2 đất khi đòi được chốn này.
Chủ nghĩa Mác – Lê Nin đã có nhiều kinh nghiệm với tôn giáo, nhưng sao những người cầm quyền lại không học thuộc bài học này?
“Phải tuyệt đối không được sử dụng các biện pháp bạo lực để xoá bỏ tôn giáo. Vi phạm nguyên tắc này là cố tình đẩy xã hội tới chỗ phân chia, đẩy những người theo đạo vào chỗ buộc phải chống lại chính quyền nhân dân... Chính quyền nhân dân nào vi phạm nguyên tắc này thì không còn là chính quyền của nhân dân nữa”- Quan điểm của CN Mác – Lênin về chính sách tôn giáo
Bởi vì như vậy là đã “giúp cho tôn giáo đạt tới chỗ thực hiện tinh thần tử vì đạo và kéo dài thêm sự tồn tại của nó " (C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 20: Chống Đuy-rinh, Sđd, năm 1994, tr.439).
Lối ra nào?
Những động thái leo thang của nhà nước đã đẩy tình hình tới mức nguy hiểm. Vậy đâu là lối ra?
Trên các báo nhà nước đã liên tục vu cáo và đổi trắng thay đen đến mức người dân cũng như giáo dân không thèm nói đến nữa. Nhưng điều đó đã gây ra phản ứng ngược với nạn nhân, khi đơn thư khiếu nại của họ bị các cơ quan từ trung ương đến địa phương vứt vào sọt rác, thì chút lòng tin còn lại của họ cũng đã tiêu tan. Họ chỉ còn một con đường là cống hiến tất cả thân mình, mạng sống mình cho sự thật và dù có phải chết, họ cũng thỏa mãn một kiếp người đã dám sống như mình muốn sống bằng sự thật và niềm tin vào công lý và Thiên Chúa.
Và cái chết của họ nếu có, sẽ không là cái chết bị lãng quên. Chính những hành động bạo tàn đã “phong Thánh” cho họ và những người đó là những người đang ước ao ơn gọi tử đạo hon tất cả những người khác.
Phía Nhà nước, từ chỗ chủ động tấn công dọa nạt, đã rơi vào thế bị động lúng túng mà không tìm ra cách gỡ. Nếu tiếp tục dùng vũ lực, cái hại lớn hơn nhiều cái lợi. Bởi họ đã phơi bày bản chất của mình trước một thế giới văn minh mà dù có xảo trá đến đâu, thì sự thật vẫn là sự thật.
Với tinh thần giáo dân và giáo sĩ đoàn kết như vậy, cách giải quyết nhanh gọn có thể chỉ là một Thiên An môn mới. Để làm lại một Thiên An môn? Điều đó là có thể, nhưng có làm được không mới là điều đáng nói. Một Thiên An môn nếu có trong thời hiện đại, trong thời Công nghệ thông tin toàn cầu, cũng như khi lương tâm nhân loại đã được thức tỉnh và cảnh giác, sẽ là một dấu chấm hết cho những cái không thuộc về ý nguyện nhân dân. Sẽ chấm dứt một trang trong lịch sử đất nước Việt Nam có quá nhiều điều khác thường
Phía nhà nước, cũng thật khó khăn khi lùi lại một bước, bởi sự sĩ diện mình luôn luôn sáng suốt đúng đắn với chủ nghĩa Mác – Lênin “bách chiến bách thắng” trong cuộc đấu “ai thắng ai” này. Chính vì họ đã đẩy sự việc đến mức mà họ không còn đường quay lại.
Quả thật là họa vô đơn chí, khi mà những cơ quan chóp bu, những cơ quan tham mưu cho nhà nước trong vấn đề này đã quá tin vào sức mạnh của nòng súng và dùi cui. Họ tưởng rằng, với sức mạnh của sắt thép, thì ai cũng như họ, chỉ có việc quy hàng. Và cứ thế, họ đẩy sự việc cứ theo đà leo thang lên mức nguy hiểm như hiện nay. Trước hết là hệ thống truyền thông đã đánh lại chính con đường đi của nhà nước nếu muốn có một biện pháp ôn hòa, buộc họ phải dùng súng. Chính hệ thống truyền thông nhà nước phải chịu trách nhiệm này.
Giáo dân và giáo sĩ Thái Hà đã đi những bước chắc chắn và khôn ngoan, dù có lâu dài và mệt mỏi. Nhưng chẳng có sự công bình, tự do nào được cho không. Từ chỗ nhà nước bất chấp, lặp đi lặp lại mỗi một câu “không có cơ sở giải quyết cho việc trả lại” đến chỗ đã chấp nhận việc đưa ra chứng cứ, và khi đưa ra chứng cứ đã thể hiện lên một sự thật là “Không có cơ sở cho việc chiếm đoạt” thì buộc phải dùng đến sức mạnh của dùi cui, súng đạn và nhà tù như những phương sách cuối cùng.
Việc có đẩy đến cùng sự tàn bạo của súng đạn để tự chuốc họa vào mình hay không, phụ thuộc vào cách hành xử và suy nghĩ của nhà cầm quyền. Nhưng, tôi tin chắc rằng, đó không phải là biện pháp khôn ngoan nhất.
Vụ việc đã đến khi cần một nút gỡ, thế nhưng gỡ bằng cách nào?
Theo những người có đầu óc quan sát tỉnh táo, nhà nước cần có những phương cách xử sự hiệu quả hơn. Đừng dùng những lời hứa, đừng dùng những lời đường mật hay dọa nạt cá nhân, cách đó đã xưa rồi. Cái cách mạ lỵ, chia rẽ, gây xung đột tôn giáo, là một mối họa lớn nhất cho dân tộc, chớ dại dột mà lao theo nếu không muốn dân tộc, đất nước này tự thiêu đốt mình.
Những lời hứa từ nhà nước, người dân Việt Nam và người công giáo nói riêng đã có quá nhiều bài học, mà vụ Tòa Khâm sứ vừa qua là một điển hình, con bài này không thể dùng lại với Thái Hà.
Cái cách dùng súng đạn, nhà tù, khởi tố, cưỡng đoạt bằng bạo lực, chưa hẳn là điều nhà nước sẽ đạt được điều mình muốn là bắt những tiếng nói người dân im lặng. Một phiên tòa xử giáo dân “phá hoại tài sản” thì trước hết, phải xác định đất đai đó là của ai? Nếu là của Nhà thờ, thì bức tường đó là bất hợp pháp. Nếu đất đó của Nhà nước, thì cần chứng minh tính pháp lý của nhà nước trong việc sở hữu. Tiếc thay, điều này nhà nước đang khó chứng minh nhất.
Nếu có những hạt máu của giáo dân, tu sĩ đổ xuống Thái Hà, thử tưởng tượng một ngày nào đó, tất cả các giáo xứ, giáo phận toàn quốc sẽ ùn ùn tuốn về Thái Hà như một Linh địa La Vang mà ngày 15/8/2008 vừa qua đã chứa đến 600.000 giáo dân. Lúc đó, có nhà nước nào có thể đương đầu được hết bằng bạo lực?
Cách tốt nhất, vẫn là cùng nhìn nhận tận căn của vấn đề, tính nhân bản và pháp lý của nó ở đâu, thà chịu đau một lần, còn hơn cứ đẩy sự việc và cả đất nước đến một mức không thể kiểm soát.
Cơ sở giải quyết vấn đề cuối cùng cần nhìn nhận việc đó sẽ đem lại cho ai lợi ích? Nếu giáo dân im lặng, như vẫn nhẫn nhục im lặng xưa nay, thì chắc bây giờ trên đất đó đã đẹp đẽ hơn bởi những biệt thự tư nhân lộng lẫy của kẻ nhiều tiền, lấy đâu cơ hội cho những người nghèo.
Nhưng nếu trả lại Nhà thờ, đó sẽ là một công trình cho mọi người được hưởng lợi, nhất là tầng lớp nghèo khổ. Đó là cách tạo đồng thuận lớn nhất cho xã hội, mà người dân dễ chấp nhận nhất.
Đó cũng là cách mà nhà nước chứng minh những điều xưa nay thường nghe nói là “của dân, do dân và vì dân”.
Đó cũng là cách giải quyết tốt đẹp nhất theo đúng tinh thần của Kinh Thánh đã dạy từ mấy ngàn năm nay: “Sự thật sẽ giải phóng anh em” (Ga 8-32).
Hà Nội, ngày 3/9/2008
J.B. Nguyễn Hữu Vinh
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules