Tính nhẫn nại và chịu đựng


Phụ nữ Việt Nam nổi tiếng là nhẫn nại, các nữ tu Việt Nam lại càng nhẫn nại hơn nữa, bởi vì ngoài tính nhẫn nại vốn có của họ, thì các nữ tu được ơn sủng của Thiên Chúa để biết nhẫn nại nhìn thấy ý Chúa qua cuộc sống tu trì của mình, hơn nữa, các nữ tu cũng luôn ý thức rằng: tính nhẫn nại thì luôn đơm hoa kết trái hơn là nóng nảy hục hặc.

Trong giáo xứ, giáo dân thường thích nói chuyện hoặc yêu mến các nữ tu hơn, bởi vì các nữ tu luôn hòa nhã và dịu dàng hơn...cha sở, bởi vì các nữ tu vốn là những con người khả ái, là những thiên thần làm cho giáo xứ tươi vui hơn với những tiếng cười rộn rã của các trẻ em lớp giáo lý, các đoàn thể do các nữ tu phụ trách.

Có một vài nữ tu công tác tại giáo xứ với tư cách ngoại trú (không ở trong giáo xứ) đã chia sẻ rằng: "cha sở X...khó chịu quá, con đi học về chưa kịp ăn uống là chạy đến nhà thờ liền, vậy mà cha cũng càm ràm nói là con không lo bổn phận...”, lại có nữ tu khác nói: “Chúng con đến giáo xứ phục vụ, nhưng cha sở không thèm hỏi chúng con một câu, lại còn hạch sách chúng con ca đoàn hát lộn xộn quá, tụi nhỏ không biết Chúa ở đâu cả...” – Có những công việc không ảnh hưởng gì đến “thời thế” cả, nhưng có một vài cha sở muốn tỏ uy quyền của mình với các nữ tu, vì nghĩ rằng, họ (các tu sĩ nam nữ) đến làm việc trong giáo xứ thì phải thuộc quyền của mình. Đúng vậy, nhưng thuộc quyền không có nghĩa là làm đầy tớ, thuộc quyền không có nghĩa là coi các tu sĩ nam nữ đang phục vụ trong giáo xứ như một giáo dân bình thường, nhưng là một con người được hiến dâng cho Thiên Chúa được giáo luật bảo đảm.

Nếu với thái độ trên của cha sở, thì đối với giáo dân họ sẽ giao công việc lại cho ngài, và thế là tiếng tăm cha sở thế này, cha sở thế nọ sẽ bay khắp giáo xứ. Nhưng với các nữ tu thì chỉ âm thầm chịu đựng và phó dâng cho Thiên Chúa, đây là sự nhẫn nại đầy tính tu đức của những người dâng mình làm tôi tớ Chúa: bỏ ngoài tai những lời càm ràm trách móc vô lý của cha sở, để phục vụ Chúa cách trọn vẹn hơn trong giáo xứ mà mình công tác.

Nhẫn nại và chịu đựng thì các nữ tu lớn tuổi có thừa kinh nghiệm hơn, bởi vì “công phu” tu đức thâm hậu hơn các nữ tu trẻ tuổi, và có khi thâm hậu hơn cả cha sở, khi mà cha sở tuổi đời tuổi tu chỉ bằng hạng em út của họ, do đó mà cha sở -nếu trẻ tuổi- thì cần phải tu dưỡng đạo đức về mọi phương diện, nhất là sự khiêm tốn và vui vẻ, bởi vì có một thực tế mà ngày nay giáo dân đều thấy rất rõ: các tu sĩ nam nữ và giáo dân trình độ ngày càng cao, hiểu biết càng rộng, tham gia sâu vào các công việc của Giáo Hội, nhất là các đoàn thể ban ngành, mà có khi cha sở không hiểu hết.

Với tính nhẫn nại và chịu đựng của tinh thần tu đức, mà các nữ tu nhìn thấy Chúa Giê-su nơi cha sở, chứ không nhìn thấy con người với những cá tính khó chịu của cha sở; với tính nhẫn nại và chịu đựng vì công việc nhà Chúa, mà các nữ tu vui vẻ phục vụ dưới quyền của cha sở thiếu kinh nghiệm tu đức và kinh nghiệm xử thế, đầy kiêu ngạo hách dịch. Nhìn thấy sự nhẫn nại và chịu đựng của các nữ tu (hay bất kỳ tu sĩ nam nữ nào) phục vụ trong giáo xứ của mình, thì cha sở sẽ rút ra được cho mình nhiều kinh nghiệm trong công việc truyền giáo, nhất là sẽ làm cho các thành phần trong cộng đoàn giáo xứ được hài hòa hiệp nhất bởi sự khiêm tốn và vui vẻ của mình.

Đương nhiên trong công việc phục vụ tại giáo xứ, các nữ tu cũng chỉ là những con người, nên cũng có những khuyết điểm mà -đôi lúc- cha sở không thích hoặc không bằng lòng. Bởi vì các nữ tu không chỉ đơn thuần là giúp việc nhà xứ, mà còn làm những việc khác nữa để lo đời sống vật chất như dạy nhà trẻ, do đó mà cũng có những phiền muộn hoặc sức ép từ công việc mà các nữ tu đôi lúc cau có, thiếu nhẫn nại và thiếu sự chịu đựng, thì cha sở cũng cần biết thông cảm để chia sẻ những khó khăn ấy với các nữ tu, đó chính là bày tỏ thái độ hiền lành và khiêm tốn của một mục tử từng trãi nhiều kinh nghiệm, và nói lên được công phu tu đức của ngài.


*** U ***


Tương quan giữa cha sở với các nữ tu đang phục vụ trong giáo xứ của ngài, là một tương quan được hình thành bởi nhu cầu truyền giáo, mà bản thân cha sở, với sức lực và trí lực có hạn, cần phải có những người cùng chí hướng cộng tác để Lời Chúa được mau mắn xuôi chạy đến với mọi tâm hồn. Đó cũng là tương quan được hình thành trong đức ái mà Giáo Hội tiên khởi đã áp dụng, bởi có những giáo dân và những phụ nữ đạo đức cộng tác với hàng giáo phẩm để ai nấy theo phận sự của mình mà chu toàn bổn phận mà Chúa Giê-su đã giao phó (1 Cr 12, 4-11), để công việc rao giảng Phúc Âm của Giáo Hội cách chung, và của cha sở cách riêng, được như trăm hoa đua nở trong giáo xứ của ngài, với nhiều phong phú bởi những người cộng tác đắc lực là các nữ tu khả ái dịu dàng.

Chỉ có những người tự coi mình toàn năng hoàn hảo mới không cần đến người khác cộng tác, giúp đỡ. Nhưng cha sở với tâm tình truyền giáo đầy nhiệt huyết, với tâm tình khiêm tốn nhận thấy mình bất toàn, nên cần đến sự cộng tác của những người cùng chí hướng là các tu sĩ nam nữ, nhất là các nữ tu trong các lãnh vực thuộc nhu cầu truyền giáo ngay trong giáo xứ của mình, không phải cho mình nhưng cho giáo dân, không phải sáng danh mình nhưng là sáng danh Thiên Chúa...

Tương quan giữa cha sở và các nữ tu trong giáo xứ chỉ tốt đẹp khi cha sở lấy lòng mục tử chăm sóc quan tâm đến họ, như quan tâm đến các giáo dân trong giáo xứ của mình, và không gạt họ ra khỏi cộng đoàn giáo xứ dù họ đang làm việc trong giáo xứ, có nghĩa là cha sở không coi các nữ tu giúp xứ như người giúp việc cho mình, vui vẻ thì trò chuyện không vui thì cáu gắt lên to tiếng như những chủ nhân ông, nhưng là như những cánh tay phải đắc lực của mình trong việc xây dựng giáo xứ, mà sự vui tính, cảm thông và hiền lành của ngài là một nhân tố hình thành nên những giáo dân biết yêu mến Thiên Chúa, đoàn kết và phục vụ Ngài qua giáo xứ của mình.

Thật là không phải khi có một vài cha sở coi các nữ tu đang công tác trong giáo xứ của mình ngang hàng như giáo dân, và vì không tôn trọng “những người được thánh hiến” nên có một vài cha sở xử sự với các nữ tu giúp xứ như kẻ cha chú: có giáo xứ nọ cha sở bạt tai nữ tu ngay giữa cộng đoàn, có giáo xứ kia cha sở đang dâng thánh lễ thì ngưng lại la mắng bà sơ đừng hát nữa vì ca đoàn hát không đúng bài của ngài đã chỉ. Hồi tôi còn học lớp Năm trường làng, chính mắt tôi thấy cha sở của mình dùng tay cú trên đầu nữ tu dạy lớp tôi trước mặt học sinh, không phải một cú, mà là ba cú, kết quả là bà sơ ấy phải chống nắp bàn dạy học (bureaux) lên để khóc (vì sợ học sinh tụi tôi thấy).

Giáo luật điều 574 dạy rằng: 1/ Hàng ngũ của những người tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm trong các hội dòng tận hiến, thuộc về sức sống và sự thánh thiện của Giáo Hội; do đó cần được hết mọi người trong Giáo Hội nâng đỡ và cổ võ. 2/ Thiên Chúa kêu gọi đặc biệt một số tín hữu vào hàng ngũ ấy, để họ hưởng nhờ hồng ân đặc biệt trong đời sống Giáo Hội và giúp ích cho sứ mạng cứu rỗi của Giáo Hội, theo mục tiêu và tinh thần của hội dòng”.
Ơn gọi linh mục là để lãnh đạo hướng dẫn giáo dân, ơn gọi tu sĩ là để phục vụ Thiên Chúa qua Giáo Hội và qua con người, cho nên nếu suy xét tận căn của ơn gọi thì dù là ơn gọi linh mục hay tu sĩ đều giống nhau ở một điểm, đó là hiến dâng trọn cuộc đời mình để làm tôi tớ Thiên Chúa trong bậc của ơn gọi mình.

Do đó, để trở thành một tương quan tốt giữa cha sở và các tu sĩ nam nữ giúp xứ của mình, thì cha sở nên và phải chủ động bày tỏ lòng ưu ái với họ bằng tình cảm cha con, mục tử đoàn chiên, và tình huynh đệ chân thành, và nhất là tôn trọng đời sống thánh hiến của họ, để không những các tu sĩ phục vụ trong giáo xứ, mà ngay cả giáo dân cũng nhìn thấy được sự tương quan cần thiết như kiềng ba chân là cha sở, tu sĩ và giáo dân, để giáo xứ ngày càng phát triển hài hòa hơn giữa những con người được hiến thánh –linh mục tu sĩ- và những con người được mời gọi nên thánh –giáo dân. Đó chính là bức tranh sống động nhất của Giáo Hội trần thế ngay trong giáo xứ của mình, mà cha sở chính là người họa sĩ vẽ bức tranh ấy do lòng yêu thương, khiêm tốn và hy sinh của mình.

(còn tiếp)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.