2. Lạy Cha Chúng Con

Như đã thấy, kinh Lạy Cha xem ra như một bộc phát từ tâm hồn vị rabbi quê ở Nadarét sau lời yêu cầu tại chỗ của môn đệ. Một bộc phát kỳ diệu vì nó đưa lại cho ta một khuôn mẫu hết sức hoàn hảo cho bất cứ lời cầu nguyện nào.

1. Khuôn Mẫu Tổng Quát

Ta thấy lời kinh ấy bắt đầu bằng cách dành cho Thiên Chúa vị trí riêng rẽ, thích đáng của Người. Thực vậy, ba lời xin đầu là xin cho danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, và ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Chỉ sau đó, lời kinh mới quay qua các nhu cầu và thỉnh cầu của ta. Sai lầm lớn nhất của cầu nguyện là lấy mình làm trung tâm, là đi tìm chính mình. Ta thường quá bận tâm tới điều mình muốn đến nỗi không còn thì giờ nghĩ tới điều Chúa muốn. Ta quá quan tâm tới các ước muốn của mình đến quên khuấy không nghĩ gì tới ý muốn của Thiên Chúa. Ta hay bận bịu nói với Chúa mà quên khuấy không dành cho Chúa cơ hội nói với ta. Đôi khi ta quá bận bịu chuyện vãn với Người đến nỗi quên khuấy không chịu ngưng lại để lắng nghe xem Người nói gì.

Kinh Lạy Cha giúp ta tránh tình trạng không hay ấy. Nó bắt đầu bằng cách đặt Thiên Chúa, chứ không phải chúng ta, ở giữa bức tranh. Chu vi chỉ đúng khi trung tâm đúng. Mọi điều khác chỉ có vị trí đúng khi Thiên Chúa được dành vị trí đúng. Kinh Lạy Cha bắt đầu với việc nhớ đến uy linh Thiên Chúa, mục tiêu Thiên Chúa và chấp nhận ý muốn của Người.

Phần thứ hai của Kinh là phần đầy đủ nhất con người chưa bao giờ được dạy để cầu nguyện. Nó cũng gồm ba lời xin:

Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày;
và tha nợ chúng con, như chúng con cũng ta kẻ có nợ chúng con;
xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.


Lời đầu xin cho nhu cầu hiện tại. Lời hai xin vì tội lỗi quá khứ. Lời ba xin cho phúc lợi và phúc lành tương lai. Ba lời cầu xin vắn vỏi ấy đem cuộc sống quá khứ, hiện tại và tương lai đặt trước Thiên Chúa. Lương thực cho hiện tại, tha thứ cho quá khứ, và giúp đỡ cho tương lai - trọn cuộc đời trải ra trước nhan thánh Chúa.

Nhưng không phải chỉ có thế. Khi ta cầu xin lương thực hàng ngày, là ta nghĩ đến Thiên Chúa Ngôi Cha, Đấng dựng nên và duy trì mọi sự sống. Khi ta xin tha thứ, là ta nghĩ đến Thiên Chúa Ngôi Con, Đấng cứu rỗi và cứu chuộc toàn thể nhân loại và tất cả chúng ta. Khi ta xin trợ giúp tương lai để sống không tội lỗi, là ta nghĩ đến Thiên Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn, Đấng trợ giúp và Đấng che chở mọi sự sống. Ba lời xin vắn vỏi ấy đem ta diện đối diện với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Bên trong cái la bàn nhỏ hẹp, và với tính kinh tế ít lời đến ngạc nhiên của chúng, ba lời cầu vắn vỏi này đã đem toàn bộ cuộc đời tới trước toàn bộ Thiên Chúa.

2. Quyền Phụ Tử và Tình Phụ Tử

Chữ quan trọng đầu tiên trong Kinh dĩ nhiên là chữ Cha. Muốn định nghĩa chữ này, từ điển mà thôi không đủ, mà còn cần đến giải thích của kinh nghiệm nữa. Quả tình, chữ Cha có đến hai nghĩa rất khác biệt nhau. Nó có thể hiểu nghĩa theo cụm từ quyền cha, quyền phụ tử (paternity). Theo nghĩa này, nó chỉ một người có trách nhiệm trong việc cho ra đời một đứa trẻ. Trong trường hợp này, giữa cha và con không có liên hệ nhất thiết nào khác ngoài liên hệ thể lý. Một người đàn ông nào đó có thể là cha một em bé theo nghĩa quyền cha, quyền phụ tử mà không hề trông nom gì tới đứa trẻ do chính ông góp phần cho ra đời. Nhưng chữ Cha cũng có thể hiểu nghĩa theo cụm từ tình cha, tình phụ tử (fatherhood). Theo nghĩa này, nó chỉ mối liên hệ yêu thương, thân mật, tin tưởng, tin cậy giữa cha và con.

Kitô hữu tin rằng Thiên Chúa là Cha theo nghĩa quyền cha vì quả tình Người là nguồn mọi sự sống, đã ban sự sống cho mọi người. Nhưng điều độc đáo trong ý tưởng Kitô giáo về Thiên Chúa là họ tin rằng Thiên Chúa là Cha theo nghĩa tình cha. Quả thế, nhờ Chúa Giêsu Kitô, giữa Thiên Chúa và nhân loại có cả một liên hệ thân mật, suốt đời, đầy yêu thương qua đó Thiên Chúa và con người tiến lại gần nhau hơn.

Sự phân biệt trên cũng tìm thấy nơi các thầy rabbis Do Thái. Họ thường kể câu truyện sau đây về một cô gái được một người giám hộ tốt bụng và trung tín nuôi nấng. Rồi cũng đến ngày cô đi lấy chồng. Vị ký lục lo phần vụ luật pháp của hôn lễ hỏi cô: “Tên cô là chi?”. Cô cho biết tên. Rồi ông hỏi thêm: “Cha cô tên chi?”. Cô gái không trả lời. Người giám hộ nhắc: “Sao con im lặng?”. Lúc ấy cô gái mới lên tiếng; “Vì con không biết ai là cha ngoài cha ra, vì người nuôi là cha, chứ không phải người sinh”. Các thầy rabbis kết luận, người cha thật của Israel không phải là ai khác mà là chính Thiên Chúa, Đấng đã dưỡng nuôi dân tộc này.

Khi ta thưa với Chúa: Lạy Cha, thì tâm trí ta không nghĩ đến quyền cha cho bằng đến mối liên hệ tình cha gần gũi hơn nhiều. Khi Chúa Giêsu dạy các môn đệ kinh Lạy Cha, là Người dạy họ từ một gia tài thật phong phú, vì tình cha nơi Thiên Chúa vốn là một quan niệm hết sức thân thương đối với người Do Thái. Trên môi miệng họ, thường có những lời sau đây: “Các ngươi là con cái Chúa Thiên Chúa các ngươi” (Đệ Nhị Luật 14:1). “Ta là cha của Israel” (Giêrêmia 31:9). “Há Người (Chúa) không phải là cha ngươi, Đấng đã dựng nên ngươi và duy trì ngươi?” (Đệ Nhị Luật 32:6). "Thế nhưng lạy Chúa, Chúa là cha chúng con; chúng con là đất sét, Chúa là thợ gốm; chính tay Chúa đã làm nên tất cả chúng con” (Isaia 64:7). Lòng sùng kính của người Do Thái sống được là nhờ những lời như thế. Niềm xác tín của họ vào tình cha nơi Thiên Chúa khiến họ thật vững lòng về những điều sau đây.

A. Gần Gũi với Thiên Chúa: Vì Thiên Chúa là Cha, nên các hiền nhân Do Thái tin chắc rằng Thiên Chúa rất gần gũi để lắng nghe và đáp lại lời cầu cũng như hiện diện với dân. Nơi người Do Thái, có một lối giải thích lời Thiên Chúa dạy bảo Mô-sen cách thức làm Nhà Tạm trong sách Xuất Hành 26:18-25. Shechinah là vinh quang Thiên Chúa, đôi lúc ngự xuống Nhà Tạm và tại Đền Thờ trong một đám mây tỏa sáng. Khi Thiên Chúa nói với Mô-sen: “Hãy làm cho Ta một nơi cư ngụ”, ông tỏ ra bỡ ngỡ vì biết rõ vinh quang Thiên Chúa vốn tràn đầy thượng và hạ giới, chứ không thể hiểu được chuyện vinh quang ấy lại ở tại một nơi do chính tay ông xây dựng. Nhưng Thiên Chúa cho ông hay: “Ý nghĩ của ngươi không phải là ý nghĩ của Ta. Hai mươi tấm ván về phía bắc, và hai mươi tấm về phía nam và tám tấm về phía tây là đủ cho Ta (Xuất Hành 26:18, 20, 25). Và không phải chỉ có thế, nhưng Ta sẽ xuống và thu gọn Shechinah của ta vào một thước vuông Anh…Các ngươi là con cái Chúa, Thiên Chúa các ngươi, và Ta là Cha các ngươi (Đệ Nhị Luật 14:1; Giêrêmia 31:9). Quả là vinh dự cho con cái được gần gũi cha mình, và cho người cha được ở gần con cái; bởi vậy, hãy làm nhà cho Cha để Người cư ngụ gần con cái Người” (Exod. R. Terumah ___iv, I, 3). Thiên Chúa có thể thu gọn vinh quang Người vào một thước vuông Anh. Vì Thiên Chúa là Cha và chúng ta là con cái Người, nên dù trong căn nhà tầm thường nhất, dù trong một Giáo Đường nhỏ nhoi và trần trụi nhất, dù là nơi một con người vô nghĩa nhất, vinh quang Thiên Chúa cũng ở đó. Bất cứ nơi nào có thể, vị Cha này đều ở với con cái mình.

Các thầy rabbis còn một lối nói khác nữa. Rabbi Simon Judah ben Simon cho hay: “Ngẫu tượng thật gần mà hóa xa; Thiên Chúa thật xa mà hóa gần”. Người ta yêu cầu ông giải thích. Ông bảo: “Người thờ ngẫu thần làm một ngẫu thần và đặt nó trong nhà. Như thế, ngẫu thần thật gần. Nhưng anh ta có gào vào tai ngẫu thần, ngẫu thần cũng chả bao giờ trả lời, bởi đó, ngẫu thần thật xa. Còn Thiên Chúa thì xa mà hóa gần”. Họ vặn lại ông: “Sao thế được?”. Ông giải thích: “Từ đây lên trời là một hành trình năm trăm năm; nên Thiên Chúa quả là xa xôi; nhưng Người cũng rất gần gũi, vì nếu một ai đó cầu nguyện và suy niệm trong lòng, Thiên Chúa sẽ rất gần để đáp ứng lời cầu xin của người này” (Deuteronomy R. Wa’ethanan 11:10). Dù cho nơi cư ngụ của Thiên Chúa có ở trên trời, dù cho trời và đất không chứa vinh quang Thiên Chúa, thì vì Thiên Chúa là Cha, Người vẫn ở tại nơi cư ngụ tầm thường nhất để ở gần cõi lòng đơn sơ nhất.

B. Thiên Chúa nhân từ: Niềm tin vào tình phụ tử của Thiên Chúa khiến người Do Thái vững tin rằng người nhân từ trong phán xét và hằng sẵn sàng chấp nhận cõi lòng thống hối. Người ta vẫn nói cách đẹp đẽ như sau: “Thiên Chúa nói với Israel: Đối với mọi điều kỳ diệu và cao cả Ta từng làm cho các ngươi, phần thưởng duy nhất Ta yêu cầu là các ngươi hãy kính trọng Ta như con cái Ta, và gọi Ta là Cha các ngươi” (Exod. R. Mishpatim, ___ii.5). Yếu tính mối liên hệ của Thiên Chúa với con người là tình phụ tử, nên ước muốn thân thiết nhất của Thiên Chúa là mọi con cái Người hãy tự ý bước vào mối liên hệ ấy.

Các hiền nhân Do Thái nghĩ về Thiên Chúa như phán quan, nhưng là một phán quan kiêm người cha nữa. Có một đoản văn Do Thái kể về hai con người đến tòa phán xét, khiếp đảm vì phán quan và được người ta khích lệ. “Thế là Israel bị phán xét trước tòa Thiên Chúa, và khiếp run vì Quan Tòa. Nên các thiên thần phục vụ nói với họ: Đừng sợ! Các ngươi không nhận ra Người sao? Người là đồng bào các ngươi, như có lời chép: ‘Đó chính là Đấng sẽ xây dựng thành phố tôi’ (Isaia 45:13). Rồi các thiên thần còn nói: Đừng sợ Quan Tòa! Các ngươi không nhận ra Người sao? Người vốn là bà con các ngươi, như có lời chép: ‘Con cái Israel, dân tộc có họ hàng với Người’ (Thánh vịnh 148:14). Rồi các vị nói tiếp: Các ngươi không nhận ra Người sao? Người chính là anh em các ngươi, như có lời chép; ‘Vì anh em và bạn hữu Ta’ (Thánh vịnh 122:8). Và còn hơn thế nữa, Người là Cha các ngươi, như có lời chép: ‘Há Người không phải là Cha các ngươi sao?’ (Đệ Nhị Luật 32:6). Đó quả là ý niệm hết sức đẹp về vị phán quan mà đồng thời cũng là đồng bào, người họ hàng, người anh em và trên hết là cha mình.

Niềm xác tín Thiên Chúa là Cha theo nghĩa tình phụ tử khiến các hiền nhân Do Thái tin chắc rằng sự tha thứ luôn luôn rộng mở đối với các tâm hồn thống hối. Giống như cha mẹ luôn tha thứ cho đứa con biết đến tạ lỗi “Con biết lỗi rồi”, Thiên Chúa cũng thế. “Thiên Chúa phán: Ta lấy trời và đất mà làm chứng rằng ta ngồi và mong đợi Israel còn hơn người cha ngồi chờ đứa con trai hay người mẹ ngồi chờ đứa con gái, nếu chúng biết ăn năn, để lời ta được nên trọn” (Tan.d.b. El.p. 163). Hơn một lần, các hiền nhân Do Thái vẽ ra hình ảnh một vị tiên tri mời gọi dân trở về với Thiên Chúa trong ăn năn, nhưng dân, vì nhận biết mình tội lỗi mình nên không dám tiếp nhận lời mời. Thành thử Thiên Chúa phải nói với họ: “Nếu các ngươi trở về với Ta, há các ngươi đã không trở về với Cha các ngươi ở trên trời sao? Như có lời chép: ‘Vì Ta là một người Cha đối với Israel’ (Giêrêmia 31:9; Pes. K. 165a).

Cũng còn một đoản văn khác của các thầy rabbis nói về một hoàng tử bỏ trốn. Vua cha sai thầy huấn đạo đi mời cậu về. Người con hỏi: “Con còn mặt mũi nào về với cha? Con rất xấu hổ trước mặt cha”. Vua cha trả lời: “Con nào lại xấu hổ quay về với cha mình bao giờ?” Giữa Thiên Chúa và Israel cũng thế (Đệ Nhị Luật R., Wa’ethanan 11:24). Niềm tin vào Thiên Chúa trong các đoạn văn như thế quả thật gần gũi với quan niệm về Thiên Chúa trong dụ ngôn Người Con Trai Hoang Đàng. Đó là hình ảnh Người Cha mà ước muốn duy nhất là con cái đi hoang trở lại mái ấm gia đình.

C. Không Lụy Tình Cảm: Dù có những ý niệm hết sức đẹp đẽ về tình phụ tử của Thiên Chúa, người Do Thái không bao giờ tình cảm hóa mối liên hệ ấy, vì họ hiểu rất rõ tình phụ tử này luôn đòi họ phải yêu thương vâng lời Thiên Chúa. Họ hoàn toàn quyết đoán rằng không bao giờ được dùng ý niệm Thiên Chúa như người Cha yêu thương để bào chữa cho việc phạm tội của mình; đúng hơn phải dùng nó như lời kêu gọi vâng lời thánh thiện. Khi các tiên tri cầu xin Thiên Chúa đoái thương con cái Người, Thiên Chúa đáp: “Chỉ khi nào thực hiện ý Ta, chúng mới là con cái Ta; khi không thực thi ý Ta, chúng không phải là con cái Ta” (Exod. R. Ki Tissa Xlvi, 4). Một đoản văn của các thầy rabbis nói rằng: “Hãy lắng nghe Cha các ngươi ở trên trời. Người cư xử với các ngươi như con một, nếu các ngươi vâng lời Người, nếu không, Người sẽ cư xử với các ngươi như nô lệ. Khi ngươi thực thi ý Người, Người là Cha ngươi, và ngươi là con Người, nếu không, trái với ý ngươi và trái với sự thỏa thuận của ngươi, Người sẽ là chủ nhân ông của ngươi và ngươi sẽ là nô lệ của Người” (Pes. R. 132b). Ý niệm trên cho thấy trong bất cứ trường hợp nào ý Thiên Chúa cũng không thể bị làm ngược. Ai tự ý và vâng lời tiếp nhận ý ấy, sẽ là con cái Thiên Chúa; ai vật lộn nhưng sau cùng cũng tiếp nhận ý ấy, sẽ không phải là con cái yêu qúy mà chỉ là những tên nô lệ bị cưỡng bức, không phải là chí nguyện quân, mà chỉ là anh quân dịch. Các hiền nhân Do Thái từng phú dụ biến cố trong sách Xuất Hành 17:11 nói về trận đánh với quân A-ma-léc, trong đó mỗi lần Mô-sen dơ tay lên hì Israel thắng, mỗi lần Mô-sen buông tay xuống, Israel đều thua. “Có phải tay Mô-sen giúp hay gây trở ngại cho trận đánh? Đúng hơn điều ấy dạy cho các ngươi biết khi nào dân Israel biết hướng lòng lên cao, và duy trì tâm hồn mình tùng phục Cha họ trên trời, thì họ thắng; ngược lại, họ sẽ thua” (Rosh ha-Shanah 3:8).

Cũng thế, không phải việc nhìn lên con rắn lửa chữa được rắn cắn; mà là việc hướng mắt và tâm tư lên Chúa như Cha trên trời. Một vị giảng thuyết Do Thái hỏi: Làm sao chiếm hữu được Thiên Chúa? Và tự trả lời: sở hữu Thiên Chúa bằng việc làm tốt và học hỏi lề luật” (Tan.d.b. El. P. 128). Nhiệm vụ thầy dậy con cái là dạy chúng ‘thực hiện ý muốn của Cha chúng ở trên trời’. Rabbi Judah, con trai Tema, đưa ra lệng truyền đẹp đẽ này: “Hãy mạnh như báo, nhẹ như chim ưng, nhanh như nai, và mạnh như sư tử để làm theo ý Cha ngươi trên trời” (Aboth v. 23).

Tóm lại, người Do Thái luôn nối kết ý niệm tình phụ tử yêu thương và nhân hậu không phải với bất cứ giấy phép phạm tội nào mà là với nhiệm vụ tuyệt đối phải đáp trả bằng vâng lời yêu thương.

D. Tình Huynh Đệ Con Người: Ý niệm tình phụ tử của Thiên Chúa đặt để lên người Do Thái nghĩa vụ phải tuân giữ tình huynh đệ con người. Rabbi Jose cho hay: “Tại sao Thiên Chúa yêu thương cô nhi quả phụ? Vì họ hướng mắt lên Người, như có lời chép: ‘(Người là) cha kẻ không cha, đấng bênh đỡ quả phụ’ (Thánh vịnh 64:5). Chính vì thế, ai bóc lột họ là bóc lột Thiên Chúa, Cha họ trên trời” (Exod. R. Mishpatim 30:8). Nếu Thiên Chúa là Cha, thì Người sẽ không bao giờ xử nhẹ kẻ gây thương tích hay từ khước không giúp đỡ một trong các con cái Người.

3. Trước Thời Chúa Giêsu

Như thế, trước khi có đức tin Kitô giáo và ngay trước khi Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện ‘Kinh Lạy Cha’, ta thấy đã có cả một gia tài phong phú của Do Thái liên hệ tới quan niệm tình phụ tử nơi Thiên Chúa. Tuy nhiên, như ta sẽ thấy, gia tài ấy không hẳn nhất quán. Trước khi đi vào chính tâm tư của Chúa Giêsu, thiển nghĩ nên lược qua một số quan niệm về Thiên Chúa trước thời Chúa Giêsu.

A. Phái Khắc Kỷ và Phái Khoái Lạc: Đối với người Khắc Kỷ, phẩm tính chính yếu nơi Thiên Chúa là apatheia. Trong Hy Ngữ, apatheia không hẳn là dửng dưng vô cảm mà là chỉ người, trong yếu tính, thiếu hẳn khả năng cảm nghiệm bất cứ xúc cảm nào. Luận chứng của người Hy Lạp khá đơn giản và thuận lý. Vì người biết cảm nhận buồn vui, yêu ghét, có nghĩa là có một ai đó có thể tác động trên anh ta. Một người nào đó, với tác phong của mình, có thể khiến anh ta vui hay buồn, nghĩa là có thể tác động và đem lại thay đổi cho tâm tư và tình cảm của anh ta. Mà có khả năng tác động lên một con người khác là ít nhất trong lúc đó, cũng đã có một quyền lực nào đó trên người ấy rồi. Nhưng rõ ràng, theo người Hy Lạp, không ai có thể có bất cứ quyền lực nào đối với Thiên Chúa. Cho nên để bảo đảm điều ấy, chỉ có cách là giả thiết làm nguyên lý đầu hết rằng Thiên Chúa, chỉ vì Người là Thiên Chúa, nên hoàn toàn không thể có bất cứ xúc cảm nào. Ngài là Đấng không thể có cảm nhận, apathes, không đam mê, không cảm xúc, yếu tính là dửng dưng.

Người Khoái Lạc cho rằng phẩm tính tối thượng trong đời là ataraxia, nghĩa là hoàn toàn bình thản, hoàn toàn thanh thản. Họ cho rằng nếu Thiên Chúa can dự vào việc thế gian, thì sự thanh thản của Người sẽ mất đi vĩnh viễn. Bởi thế, theo họ, yếu tính Thiên Chúa là phải tách mình hoàn toàn và trọn vẹn ra khỏi trần gian. Thần minh có thể thấy thế gian, nhưng các ngài tách mình tuyệt đối ra khỏi thế gian ấy. Chính cái tính thanh thản tuyệt đối tách mình ra khỏi trần gian ấy biến các vị thành thần minh.

B. Ba hình ảnh Cựu Ước: Đưa ba hình ảnh này ra, chúng tôi không có ý coi thường Cựu Ước, mà chỉ muốn nói: các tư tưởng gia Cựu Ước đã không biết Thiên Chúa như Chúa Giêsu. Dù sao, nếu các tư tưởng gia ấy hoàn toàn biết Thiên Chúa, thì đâu cần Chúa Giêsu phải xuống thế gian. Chính vì con người không biết, và tự họ không thể biết Thiên Chúa là Đấng nào, nên Thiên Chúa mới đến trần gian trong con người Chúa Giêsu Kitô.

Hình ảnh thứ nhất lấy trong sách Gióp, các chương 38 và 39. Hai chương này rất hay không hẳn chỉ vì thơ văn đầy cảm kích của riêng Cựu Ước mà là thơ văn đầy cảm kích của cả thế giới. Chúa trả lời ông Gióp đang đau đớn thống khổ từ giữa cơn lốc: “Ngươi ở đâu khi ta đặt nền móng cho thế giới? Ngươi có điều khiển được ban mai khi ngày của ngươi bắt đầu? Ngươi có bao giờ vào được nguồn biển cả? Có thấu hiểu cái rộng dài của trái đất? Vào được tận kho chứa tuyết? Có khả năng xích được Sao Mão hay mở được dây trói cho Lạp Hộ? Ngươi có ban cho ngựa sức mạnh của nó? Có làm cổ nó cứng cáp?” (Gióp 38: 4, 12, 16, 18, 22, 31; 39:19). Hai chương này là những lời ‘oanh kích’ đáng sợ nhất của Thiên Chúa đối với ông Gióp. Nó đầy ảm đạm và kinh hoàng, vì thực sự Thiên Chúa muốn hạch xách ông: ‘Ngươi lấy quyền gì mà nói với Ta, hay tra vấn Ta?’. Khó có thể tưởng tượng nổi Chúa Giêsu nói với bất cứ ai đang bị hành khổ trong thân xác và tan nát trong tâm hồn như thế?

Hình ảnh thứ hai là dụ ngôn thợ gốm của Giêrêmia (18:1-11). Giêrêmia tưởng tượng người thợ gốm đang chế tạo những chiếc bình. Chiếc nào méo mó, ông ta chỉ cần loại nó đi và bắt đầu làm cái khác. Giêrêmia đặt vào miệng Chúa những lời sau đây: ‘Này, giống như đất sét trong tay thợ gốm, các ngươi cũng thế, hỡi nhà Israel. Há Ta lại không thể làm như thợ gốm với các ngươi sao? ‘ (Griêrêmia 18:6). Đây là hình ảnh một Thiên Chúa làm cho con người có linh hồn điều thợ gốm làm cho đất sét vô linh hồn. Trong cái nhìn này, dưới con mắt Thiên Chúa, con người không có quyền gì hơn miếng đất sét méo mó dưới mắt thợ gốm. Ta chắc chắn không thể tưởng tượng được Chúa Giêsu nói về con người như thể họ chỉ là đồ vật.

Hình ảnh thứ ba lấy của thánh vịnh gia. Trong Thánh Vịnh 24, soạn giả đặt để các điều kiện tới gần Thiên Chúa:
Ai được lên núi Chúa?
Ai được ở trong đền thánh của Người?
Đó là kẻ tay sạch lòng thanh,
Chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối.
Người ấy sẽ được Chúa ban phúc lành,
Được Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng. (Thánh Vịnh 24:3-5).


Những điều kiện ấy ít kẻ phàm nhân nào đạt được, thành thử, xem ra Thiên Chúa muốn đóng xầm cửa lại đối với mọi phàm nhân. Chúa Giêsu thì không thế. Chính Người đã cho hay: ‘Ta đến không phải để kêu gọi kẻ công chính, mà là người tội lỗi.’ (Mátthêu 9:13).

4. Ý Nghĩa Và Nội Dung Mới

Thiên Chúa trong tâm tư Chúa Giêsu thể hiện rõ rệt nhất qua ý niệm Cha được Người đưa vào Kinh Lạy Cha. Trong vườn Diệtsimani, Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha: ‘Abba, lạy Cha’ (Máccô 14:36). Và thánh Phaolô hai lần viết cho các tín hữu để nhấn mạnh rằng nhờ Chúa Thánh Thần, ta cũng có thể cầu nguyện cách đó, nghĩa là dùng cùng một lối xưng hô Thiên Chúa như Chúa Giêsu đã làm (Thư Rôma 8:15; Thư Galát 4:6).

Chữ abba còn hay hơn chữ cha nữa. Đó là chữ các em bé tại Palestine gọi cha mình trong vòng thân mật gia đình, tương đương với chữ Việt bố, ba sau này. Dĩ nhiên dịch Tân Ước kiểu đó nghe có vẻ kỳ cục và bất xứng. Nhưng quả nó đem lại cho ta một bầu khí thích hợp để ta tiến gần lại Thiên Chúa trong đơn sơ tin cậy và phó thác như một con trẻ đến với người cha nó biết rất rõ, nó rất yêu thương và tin cậy. Và Jeremias cho hay trong trọn bộ nền văn chương Do Thái, không chỗ nào đã áp dụng chữ này vào Thiên Chúa cả.

Chữ ấy thật trái ngược xiết bao với chữ apatheia của Phái Khắc Kỷ, chữ tách mình của Phái Khoái Lạc và các hình ảnh một Thiên Chúa khó lòng với tới của Cựu Ước. Khi ta dùng chữ này, hai điều sau đây đã được giải quyết tức khắc:

i. Mối liên hệ với Thiên Chúa: chữ này từ nay là tinh thần, là niềm tin tưởng và thân mật trong các tiếp xúc của ta với Thiên Chúa.

Nhưng nếu đi thẳng vào chính cách dùng của Chúa Giêsu, ta còn thấy nhiều ý nghiã hơn nữa về nó.

a. Trước hết và đầu hết, nó cho ta thấy Thiên Chúa chăm sóc chúng ta. Thay vì xa cách, tách mình, tránh né mọi xúc cảm, Thiên Chúa chăm sóc con người một cách say mê và yêu thương đến độ cuối cùng, nơi Chúa Giêsu Kitô, Người đã bằng lòng chết trên thánh giá. Chữ abba mang theo đủ chất say mê ấy nơi tình yêu Thiên Chúa.

b. Hơn nữa, ta còn được biết tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu không so đo. Chúa Giêsu từng nhấn mạnh đến khía cạnh này trong tình yêu của Thiên Chúa. Người nói rằng Thiên Chúa cho mặt trời mọc trên cả kẻ dữ lẫn người lành, cho mưa xuống trên người bất chính lẫn người công chính (Mátthêu 5:45). Tình yêu này không chỉ dành cho đứa con ngoan, chưa bao giờ bất tuân cha, mà còn dành cho cả đứa con chỉ biết đến mình đến nỗi đã xé nát cả trái tim cha, nhưng sau đó đã lủi thủi trở lại vì không còn chỗ nào để đi (Luca 15:11-32). Quả tình, không cần phải có những bàn tay sạch và cõi lòng thanh mới vào được tình yêu ấy. Thiên Chúa Cha yêu thương ta bằng một tình yêu không bỏ rơi ta.

c. Ấy thế nhưng, tình yêu của Thiên Chúa vẫn có phần thưởng riêng của nó. Trong cách thế riêng, không ai thấy và không ai biết, Người vẫn tưởng thưởng đứa con thực hành ý Cha (Mátthêu 6:4, 6, 18). Thiên Chúa có hai loại con: kẻ xét nát lòng Người và kẻ làm vui lòng Người, và có những điều qúy giá để tưởng thưởng loại con thứ nhất. Đứa con bất tuân không bị cho ra rìa, nhưng người con tuân phục được những điều mà đứa con bất tuân không bao giờ biết đến, ít nhất cũng tới lúc hắn chịu quay đầu trở lại và tùng phục tình yêu Người Cha.

d. Tình phụ tử của Thiên Chúa là một thứ tình thực tiễn. Tình yêu ấy biết rõ ta cần thực phẩm và áo quần cũng như các điều cần thiết khác. Cha chúng ta biết chúng ta cần những thứ ấy (Mátthêu 6:8, 32; Luca 12:30). Khi ta đến cầu nguyện với Thiên Chúa, lời cầu nguyện của ta không nhất thiết phải hoàn toàn ‘thiêng liêng’ hay ‘tôn giáo’. Ta có thể thưa với Người những điều thực tiễn, các lo lắng của ta, các nhu cầu hàng ngày. Không điều gì ta lại không đem tới Chúa khi cầu nguyện.

e. Tình yêu này vĩ đại đến nỗi nó bao trùm mọi tạo vật của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương mọi thú vật, chim chóc và hoa cỏ, mọi sinh vật do tay Người dựng nên. Và điều lạ lùng là tình yêu phụ tử của Thiên Chúa này không tổng quát đại khái như thế gian mà hết sức chi tiết. Câu nói sau đây của Chúa Giêsu đã được hai phúc âm Mátthêu và Luca tường thuật khác nhau. Trong Mátthêu 10:29, câu ấy như sau:

Há hai con chim sẻ giá không phải một xu sao? Thế mà không con nào rơi xuống đất ngoài ý Cha các con.

Còn trong Luca 12:6, câu ấy như sau:

Há năm con chim sẻ giá không phải hai xu sao? Thế nhưng Thiên Chúa không quên con nào.

Tại Palestine, người mua có thể mua hai con chim sẻ với giá một xu; nhưng nếu chịu trả hai xu, ông ta sẽ được năm con chim sẻ, chứ không phải bốn. Con sẻ thứ năm kể như của rẻ, cho không, coi như không đáng giá, bị người ta coi là vô giá trị. Nhưng ngay con sẻ phụ trội ấy đối với Thiên Chúa vẫn quan trọng, có giá. Bởi chẳng con nào trong năm con ấy bị Thiên Chúa làm ngơ!

Ta nhớ lại lời Thiên Chúa phán với Mô-sen: ‘Ta biết ngươi bằng tên’ (Xuất Hành 33:17). Người cũng phán với vua Kyrô: ‘Ta là Chúa, Đấng biết ngươi bằng tên’ (Isaia 45:3). Một đặc điểm trong Thánh Kinh là có cả những trang trọn dành cho các tên, cho các gia phả. Điều ấy xem ra có vẻ dư thừa, nên lược bỏ. Nhưng đó lại là biểu tượng cho hằng hà sa số những người được Thiên Chúa biết bằng tên. Tình yêu của Thiên Chúa tỉ mỉ đến nỗi con chim sẻ cũng quan trọng đối với Người, không một ai Người lại không biết bằng tên. Về chuyện con chim sẻ, đọc lướt qua, người ta tưởng con chim sẻ rơi xuống đất chết cũng không ngoài ý Chúa. Nhưng J.E. McFadyen cho hay nếu đọc theo tiếng Aram, thì không phải là rơi xuống đất mà là đậu xuống đất. Hình ảnh quả là đẹp: mỗi lần con chim sẻ tung tăng dưới đất, Thiên Chúa đều thấy và biết nó.

Cho nên, mỗi lần đọc Kinh Lạy Cha, ta có thể xác tín rằng đối với Thiên Chúa, không một ai bị mất hút trong đám đông; rằng nếu ta chẳng đáng kể đối với ai, ta vẫn đáng kể đối với Thiên Chúa; rằng nếu chẳng có ai chăm sóc đến ta, Thiên Chúa vẫn săn sóc đến ta. Xác tín ấy chắc chắn sẽ nâng cao trái tim ta mỗi lần ta đọc Lời Kinh của Chúa.

i. Chữ abba cũng giải quyết dứt khóat mối liên hệ của ta với đồng loại. Vì trước nó, có chữ chúng con. Việc dùng chữ sau đã chấm dứt hẳn mọi đặc tính loại trừ. Nếu Thiên Chúa là Cha chúng con, thì đồng loại chúng con chính là anh em chúng con. Căn bản của bất cứ nền dân chủ nào cũng là niềm xác tín vào tình phụ tử của Thiên Chúa. Giá trị duy nhất con người có được trong tư cách người là tư cách con cái Thiên Chúa. Chủ nghĩa duy quốc gia, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa hợm hĩnh, phân biệt giai cấp, da mầu quả đi ngược hẳn hai chữ mở đầu Kinh Lạy Cha. Đọc những chữ ấy, mà ghét bỏ hay khinh miệt đồng loại mình là chế nhạo lời Kinh, là biến mình thành người nói láo.

Ta dám nói khi đã đọc các chữ Lạy Cha chúng con, ta không cần phải đọc thêm chi nữa. Vì chúng đã dứt khoát giải quyết mối liên hệ giữa ta với Thiên Chúa và giữa ta với anh em đồng loại. Đó là các chữ mời gọi ta đến trước nhan Thiên Chúa với niềm tin tưởng và mạnh bạo của trẻ thơ và cản ngăn ta không làm bất cứ điều gì khác ngoài yêu thương anh em đồng loại mình.

(viết theo William Barclay, The Plain Man Looks At The Lord’s Prayer, Fontana Books, 1964)
Vũ Văn An