CHÚA NHẬT III MC năm B

ĐỨC GIÊSU KITÔ LÀ ĐỀN THỜ MỚI


Phụng vụ Chúa Nhật III Mùa Chay Năm B mời gọi chúng ta chuyển từ Giao ước cũ, Giao ước Xinai, sang Giao ước mới nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng đã thay thế Đền Thờ Giêrusalem và trở thành nơi phượng tự mới thánh thiện, đẹp lòng Chúa Cha. Hơn nữa, Đức Giêsu chẳng những là đền thờ mà còn là của lễ hy tế toàn thiêu đẹp lòng Cha và sinh ơn cứu độ cho muôn người. Từ nay mọi lễ dâng phải được kết hợp với hy tế thập giá và phải được dâng lên từ Đền Thờ mới là Đức Giêsu Kitô mới được Chúa Cha chấp nhận. Nhờ ơn Người thanh tẩy và biến đổi, mỗi con người- nhất là Kitô hữu- cũng đã trở thành đền thờ của Thánh Thần, của Thiên Chúa. Kể từ nay mọi lễ vật muốn được đẹp lòng Thiên Chúa phải là lễ dâng của tâm hồn, của Tình Yêu, mọi lời nói, cử chỉ và hành động xâm phạm đến việc và nơi phương tự hay đến con người đều là những tội phạm thánh.

I. Lắng nghe Lời Chúa

1. Bài đọc 1: Xh 20,1-17.
2. Bài đọc 2: 1 Cr 1,22-25.
3. Bài Tin Mừng: Ga 2,13-25.

II. Tìm hiểu Lời Chúa

1.Bài đọc 1: Xh 20,1-17. Là nội dung lề luật tức mười giới luật mà Thiên Chúa ban cho dân Ítraen trên núi Xinai qua ông Môsê: 1. Không tôn thờ một thần nào khác mà chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa mà thôi, 2. Không được dùng Danh Đức Chúa một cách bất xứng, 3. Giữ ngày sabát vì là ngày thánh trong thời gian biểu của Thiên Chúa, 4. Thờ cha kính mẹ, 5. Không giết người, 6. Không ngoại tình, 7. Không trộm cắp, 9. Không làm chứng gian hại người. 10. Không ham muốn nhà cửa, vợ con, tôi tớ, của cải của người khác. Lề luật trên có giá trị đối với Ítraen vì Đấng ban lề luật ấy chính "là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, Người đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ."

2. Bài đọc 2: 1 Cr 1,22-25. Thánh Phaolô khẳng định: Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan thì Ngài rao giảng Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại coi là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, thì Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

3. Bài Tin Mừng: Ga 2,13-25. Là câu chuyện Đức Giêsu xua đuổi những người buôn bán và đổi tiền ra khỏi Đền Thờ Giêrusalem. Để làm việc đó, Đức Giêsu đã phải dùng đến vũ lực, - một sự kiện chỉ xẩy ra một lần duy nhất trong Phúc âm - và lời lẽ cương quyết "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán." Hành động và lời nói của Đức Giêsu như 'tấn công trực diện' giới chức quyền tôn giáo và đền thờ. Vì thế mà họ hạch hỏi Người: �Ong lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?� Đáp lại, Đức Giêsu thách thức họ: "Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại" Đức Giêsu ám chỉ đến con người của mình sẽ bị bầm dập và bị giết trên thập giá trong Cuộc Thương Khó và Khổ Nạn. Còn người Do Thái thì thắc mắc về việc làm sao mà trong ba ngày anh chàng Giêsu này có thể xây dựng lại một cơ sở nguy nga, hùng tráng, vĩ đại như Đền thờ Giêrusalem của họ. Hai bên không hiểu nhau, vì nói bằng hai ngôn ngữ khác nhau, theo hai tinh thần khác nhau! Lời tuyên bố của Đức Giêsu (Đền thờ Giêrusalem là Nhà của Cha Người) càng làm cho tình hình thêm trầm trọng, vì giới lãnh đạo đền thờ đã bị Người tước quyền sở hữu!

4. Sứ điệp của Lời Chúa: "Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán."

4.1 Sứ điệp cho giới lãnh đạo Đền Thờ Giêrusalem và tín hữu Do Thái xưa.

Như chúng ta đã biết Do Thái giáo đang ở vào thời suy tàn. Người có đạo, nhất là những kẻ đứng đầu, đã lợi dụng vị thế, chức danh, quyền hạn tôn giáo để trục lợi. Cảnh buôn bán, đổi tiền ồn ào náo nhiệt trong hành lang Đền Thờ Giêrusalem là một minh chứng. Đáng lẽ đây là chốn tôn nghiêm thì mọi người phải giữ thinh lặng và sạch sẽ. Đáng lẽ việc hiến tế những con vật (bò, chiên, bồ câu) cho Thiên Chúa phải được thực hiện trong tinh thần vô vị lợi và cao thượng của tôn giáo thì các chức sắc của Đền Thờ đã lợi dụng cơ hội và chức quyền để bán buôn trục lợi. Sứ điệp Đức Giêsu gửi cho họ là hãy tôn kính Đền Thờ Giêrusalem là nơi thờ phượng Thiên Chúa là Cha của Người và hãy giữ cho nơi ấy sự tôn nghiêm và trầm lắng thánh thiện.

4.2 Sứ điệp cho các Kitô hữu ngày nay.

Chúng ta có thể áp dụng sứ điệp của Đức Giêsu vào hai lãnh vực: lãnh vực tôn giáo và lãnh vực con người. Lãnh vực tôn giáo được hiểu là các việc có tính tôn giáo và các cơ sở dành cho việc phượng tự tôn giáo. Cả trong các việc tôn giáo như việc cử hành các bí tích nhất là thánh lễ, cầu nguyện, cả trong các cơ sở tôn giáo như thánh đường, nhà nguyện, trung tâm hành hương, đài Đức Mẹ, đài các thánh...Đức Giêsu muốn chúng ta phải tôn trọng tính linh thiêng và thánh thiện của tôn giáo, và tuyệt đối không được để xẩy ra cảnh "buôn thần bán thánh" trong những việc ấy và ở những nơi ấy. Đã có không ít người lợi dụng danh nghĩa tôn giáo hay việc phượng tự để trục lợi cá nhân. Đã có nhiều giáo dân làm việc lành phúc đức - như dâng cúng vào nhà thờ, chia sẻ với người túng thiếu - chỉ cốt để lập công hay trao đổi với Thiên Chúa. Họ hy sinh bỏ tiền ra để Thiên Chúa ban ơn cho họ. Họ làm như họ mua được Nước Thiên Đàng bằng đồng tiền của họ. Họ cho rằng việc ăn chay kiêng thịt hy sinh bố thí của họ đổi được tất cả các ơn huệ của Thiên Chúa. Không biết cách suy nghĩ và cách hành đạo như thế có phải là chuyện "buôn thần bán thánh" mà Đức Giêsu đã lên án không? Nhưng có điều chắc chắn là mọi người được cứu độ là do Tình Yêu vô biên của Thiên Chúa, và mọi người được cứu độ bằng Máu Cực Thánh của Con Thiên Chúa làm người là Đức Giêsu đã đổ ra trên thập giá! Thánh Phaolô đã khẳng định: Chỉ có một Đấng Trung Gian duy nhất làm hòa chúng ta với Thiên Chúa. Đó là Đức Giêsu Kitô! Tất cả những hy sinh, hãm mình, việc lành phúc đức, chia sẻ và dâng cúng của chúng ta chỉ có ý nghĩa và giá trị khi chúng là những hành động tạ ơn của chúng ta đối với Thiên Chúa Tình Yêu. Vì chúng ta được Thiên Chúa yêu thương vô cùng và cứu khỏi tội lỗi và sự chết đời đời, nên để tỏ lòng biết ơn Người, chúng ta hy sinh tiền của, thời gian, công sức cho nhà thờ và phục vụ tha nhân, hay chúng ta đọc kinh, lần hạt, tham dự bí tích, hành hương cầu nguyện...

Trong lãnh vực con người thì sự sống là thánh thiêng, bất khả xâm phạm và tâm hồn con người, nhất là của người đã được in ấn tín Bí Tích Thánh Tẩy, đã trở thành Đền Thờ của Thánh Thần, của Thiên Chúa. Không một ai có quyền xâm phạm sự sống và sự thánh thiêng của con người. Những bất công, đàn áp, bóc lột, kỳ thị, loại trừ, buôn bán, lạm dụng con người đều là những xúc phạm đến đền thờ của Thiên Chúa. Những thờ ơ không quan tâm, không cứu giúp những người yếu kém, nghèo đói, hoạn nạn cũng là những xúc phạm đến đền thờ của Thiên Chúa. Cả những thờ ơ với đời sống tâm linh, không quan tâm làm cho đời sống nội tâm thăng tiến cũng là những xúc phạm đến đền thờ của Thiên Chúa. Nếu nói theo cách tích cực thì chúng ta có thể khẳng định thế này: vì sự sống là thánh thiêng, nên chúng ta có nhiệm vụ phải yêu thương, kính trọng, bảo vệ và che chở sự sống. Tương tự như thế, vì con người là đền thờ của Thiên Chúa nên chúng ta phải tôn trọng, giữ gìn và làm cho mọi con người được phát triển về mọi mặt: nhân bản cũng như tâm linh, vật chất cũng như tinh thần, kinh tế cũng như xã hội, văn hóa cũng như chính trị. Điều ấy rất phù hợp với những tuyên bố của Đức Giêsu trong Ngày Phán Xét Chung trong Mt 25.

III. Sống Lời Chúa

Mỗi ngày tôi sẽ làm một việc cụ thể (giúp đỡ vật chất, hỗ trợ tinh thần, khai sáng tâm linh) hoặc cho một người nào đó vì người ấy là đền thờ của Thiên Chúa, hoặc cho đời sống tâm linh của tôi nên sâu sắc thánh thiện hơn cho xứng là đền thờ của Thiên Chúa hơn.

IV.Cầu nguyện với Lời Chúa

Lạy Thiên Chúa là Cha, chúng con cảm tạ Cha đã ban cho chúng con Đức Giêsu Kitô Con Yêu Dấu của Cha là Đền thờ và là Lễ Tế hy sinh đẹp lòng Cha. Cùng với Người và trong Người chúng dâng cả cuộc sống của chúng con cho Cha. Xin Cha vui lòng chấp nhận.
Lạy Thiên Chúa là Cha, chúng con cũng tạ ơn Cha đã biến mọi tâm hồn con người thành đền thờ của Thiên Chúa. Xin Cha ban cho chúng con ơn biết nhận ra Cha trong tâm hồn của chúng con và trong tâm hồn của mọi người. Xin Cha ban cho chúng con ơn biết yêu thương phục vụ mọi người là đền thờ của Thiên Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Con Cha, Chúa chúng con. Amen.


Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.