Chuyện cái sọt và lòng hiếu thảo




Ngày xửa ngày xưa, ở một làng kia có một gia đình nghèo nọ có bốn người, ông bố già, hai vợ chồng trẻ và đứa con nhỏ. Năm tháng làm việc cực nhọc trôi qua cướp đi tuổi trẻ và sức lực của ông bố. Giờ đây ông đã quá già yếu, không làm được việc gì, ông hoàn toàn sống nhờ vào người con trai và nàng dâu. Nhưng họ coi ông là một gánh nặng.

Ông già càng cần được chăm sóc nhiều, thì đó lại càng là mối lo ngại của hai vợ chồng người con. họ chẳng ngó ngàng gì đến ông, chỉ cho ông những thức ăn thừa, mặc những quần áo rách cũ nên ông thường bị đói rét. Đứa cháu trai nhỏ quá thương ông nội nên thường lén cha mẹ xẻ phần cơm của nó nhường cho ông ăn. Nhưng nếu bị cha mẹ nó bắt gặp, nó thường bị mắng, và bị bị cấm không được đến gần ông nữa.

Ông già rất đau khổ về cách cư xử của con dâu và con trai. Ông than phiền, oán trách bao nhiêu họ càng khó chịu bấy nhiêu. Cuối cùng không chịu đựng được nữa, họ bàn nhau sẽ đem ông đến một nơi xa xôi rồi bỏ lại đấy. Người chồng nói sáng mai anh ta sẽ ra chợ mua một cái sọt to bằng tre cứng cáp để bỏ ông cụ vào đó mang đi.

Người vợ lo lắng hỏi: Nhưng còn họ hàng thì sao? Nếu họ biết ông già không còn ở đây, ta sẽ phải trả lời sao?

Người chồng trả lời: Ta sẽ bảo rằng chính bố đòi đi đến miền đất thánh, ở đấy ông cụ sẽ được sống yên ổn cho đến lúc chết.

Họ đâu ngờ rằng trong lúc bàn mưu tính kế để bỏ cha, đứa con trai bé bỏng của họ đã nghe tất cả.

Sáng hôm sau, ngay khi người cha đi chợ mua sọt, đứa bé hỏi mẹ: Mẹ ơi, tại sao bố mẹ lại vứt ông đi?

Người mẹ vội vàng trả lời: Không, chúng ta nào có vứt ông. Lẽ dĩ nhiên chúng ta không làm thế. Con xem bố và mẹ đều bận việc suốt ngày không có thì giờ để chăm sóc ông. Do đó, chúng ta sẽ đem ông đến một nơi có nhiều người hảo tâm. Họ sẽ chăm sóc ông tử tế và ông sẽ được vui hơn.

Đứa bé lại hỏi: Nơi ấy ở đâu, con có biết không? Để con đến thăm ông mỗi khi con nhớ?

Người mẹ lắc đầu: Ồ, nơi ấy xa lắm, con không thể biết được đâu.

Chiều xuống, người chồng đem sọt về. Không muốn cho hàng xóm biết chuyện, họ đợi đến tối mới bắt đầu thực hiện.

Thấy con trai đặt mình vào sọt, ông cụ hốt hoảng hỏi: Con đặt ta vào sọt để đưa đi đâu thế?

Người con trả lời: Bố yên tâm, con sẽ đưa bố đến vùng đất Thánh. Ở đó bố sẽ được yên ổn sống nốt cuộc đời. Ở đây vợ chồng con bận bịu không chăm sóc bố được, khiến bố phải phiền lòng.

Nhưng ông già không mắc lừa. Ông biết vợ chồng đứa con trai định bỏ rơi ông, ông hét lên: Đồ bất hiếu, lúc trước tao đã nuôi nấng mày từ nhỏ đến ngày khôn lớn. Tao làm lụng vất vả đến bây giờ già yếu, sức cùng lực kiệt thì mày muốn vứt bỏ cha mày hay sao?

Giận dữ và to tiếng không xong, ông lại khóc lóc van xin mong đúa con trai duy nhất của ông hồi tâm lại. Cuối cùng cũng không được, ông lại chửi mắng con trai và nàng dâu.

Con trai ông giận dữ, nâng cái sọt lên lưng đi ra khỏi nhà.

Đứa cháu nhỏ im lặng theo dõi mọi việc của cha nó. Vừa lúc cha nó ra khỏi nhà nó bèn lên tiếng: Bố ơi! Khi nào bố vứt ông xuống, bố nhớ đem cái sọt về đây nhé!

Bố nó nghe nói dừng lại hỏi: Để làm gì hả con?

Đứa bé ngây thơ trả lời: Nhà ta còn cần đến cái sọt ấy mà, vì khi bố già con sẽ đựng bố vào cái sọt mang vứt đi chứ.

Nghe đứa bé nói, anh bối rối, chân loạng choạng không sao cất bước nổi. Anh ta thấy hối hận, đem ông bố già vào và từ đấy chăm sóc rất chu đáo.

(Theo Truyện cổ dân gian Trung Quốc)

BÀI HỌC ĐẠO LÝ:

Một trong những nguyên nhân khiến cho con cái bất hiếu với cha mẹ là do đói nghèo. Vì nghèo túng nên dễ cùng quẫn, làm càn, bất chấp đạo lý. Tuy vậy, nhưng không hẳn những ai nghèo khổ cũng đều bất hiếu và những người khá giả cũng chưa chắc đã làm tròn câu hiếu đạo, trọn ân nghĩa với hai đấng sinh thành.

Ngày nay, nhìn chung người ta không nghèo đến nỗi không có cái ăn mặc. Và, cũng không có người con nào mang Cha Mẹ quẳng vào rừng (ngay cả việc đưa Cha Mẹ vào viện dưỡng lão, có người chăm sóc đàng hoàng, cũng còn nhiều tranh cãi) nhưng có một sự thật là con cái vì mưu sinh đành giã từ Cha Mẹ ra đi. Một số vùng nông thôn hiện nay, hầu hết trai trẻ đều tìm đến thành phố hay các khu công nghiệp, nhìn tới nhìn lui còn lại ở quê phần đông là các cụ già, trẻ em. Mỗi năm, nhiều lắm là một đôi lần họ về thăm nhà vào các dịp lễ tết, để lại Cha Mẹ vò võ mong chờ.

Một số người may mắn hơn được ở gần Cha Mẹ nhưng vì chuộng lối sống tự do nên vừa lập gia thất đã cuống cuồng ra riêng. Các bậc Cha Mẹ của những người này về vật chất có thể là không thiếu nhưng rất dễ thiếu cái tình. Họ thèm được nghe tiếng bi bô của cháu, tiếng nói cười của con và cả việc chỉ dạy, giáo huấn cho con cái mỗi khi gặp trở ngại, khó khăn. Tuổi càng cao thì cái tình, cái nghĩa càng trở nên quan trọng. Thiếu nghĩa tình, người già dễ héo hon, buồn tủi và rất khổ… dù vật chất dư thừa.

Do đó, cái nhân bỏ Cha Mẹ ra đi tìm hạnh phúc cho riêng mình hiện nay cũng sẽ dễ dàng hình thành nên quả cô độc khi chúng ta về già. Thì ra, chiếc "sọt" ngày xưa vẫn còn, đang lơ lửng đâu đó để chờ đợi chúng ta. Dẫu cuộc mưu sinh khó nhọc sẽ khiến cho các bậc Cha Mẹ thông cảm, không trách cứ gì nhưng chúng ta phải nhớ bổn phận của mình, phải về với Cha Mẹ ngay khi có thể.



Bạch Vân