HÔN NHÂN DỊ GIÁO: HIỆP NHẤT TRONG KHÁC BIỆT


... Giovanna và tôi (Giovan Battista Brunori) lấy nhau từ 18 năm và có 4 con, hai trai hai gái. Tôi là tín hữu Công Giáo, xuất thân từ gia đình Công Giáo sống đạo chân thành và gần gũi với Giáo Hội Công Giáo. Gần gũi không phải chỉ thường xuyên tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật mà còn tích cực tham gia các sinh hoạt thiện nguyện của giáo xứ. Song Thân tôi hiện sống tại thành phố Pisa (Bắc Ý).

Giovanna là tín hữu Do Thái giáo. Thân mẫu nàng là cháu của đại rabbi Elia Benamozegh (1823-1900), từng làm rabbi ở Livorno và là tôn sư của rabbi Elio Toaff, nhân vật nổi tiếng trong công cuộc đối thoại giữa Hồi giáo và Kitô Giáo vào thời điểm mà tiến trình đối thoại liên tôn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Giovanna và tôi gặp nhau rồi quen nhau lúc chúng tôi cùng làm công tác thiện nguyện cho một Phong Trào Công Giáo khi cả hai còn là học sinh trung học.

Thời kỳ đính hôn chúng tôi bắt đầu nói đến chuyện chọn nghi thức nào cho hôn lễ, gia đình thực hành tôn giáo ra sao và phải giáo dục con cái như thế nào??? Thật là vấn đề vừa tế nhị vừa rắc-rối nhiêu-khê!!! Đúng như câu nói diễn tả cuộc đối thoại ”trớ-trêu” giữa người Do Thái và tín hữu Kitô:
- Tin Đức Chúa GIÊSU nối kết nhưng Tin vào Đức Chúa GIÊSU lại phân rẽ!

Thế nhưng điều nối kết thì nhiều hơn điều phân rẽ chúng tôi. Bởi vì, chúng tôi thuộc về duy nhất gia đình tôn giáo. Thật thế, Đức Tin nơi THIÊN CHÚA là một. Chúng tôi có duy nhất THIÊN CHÚA là CHA, THIÊN CHÚA của Abraham, Isaac, Giacób, Môsê và của Đức Chúa GIÊSU. Chúng tôi tôn kính chung các ngôn sứ và có chung Sách Thánh mà tín hữu Kitô gọi là Cựu Ước còn tín hữu Do Thái gọi là Tanakh.

Giovanna và tôi đối thoại, bàn thảo hết tháng này qua năm khác để tìm ra giải pháp cho vấn đề giáo dục con cái! Đây cũng là một trong những vấn đề khiến cho các cuộc hôn nhân hỗn-hợp gặp rắc rối, gây khó khăn:
- Giáo dục con cái như thế nào? Phải rửa tội ngay cho con cái khi chúng vừa sinh ra theo thói quen tốt lành của các gia đình Công Giáo hay là phải cắt-bì cho con trai theo thói tục của người Do Thái??? Phải cho con cái gia nhập nơi đâu? Gởi con cái đến lớp giáo lý của Công Giáo hay cho con theo học khóa Talmud Torah của Do Thái Giáo???

Thật là chọn lựa khó khăn khi chính đó là con cái của chúng tôi! Ban đầu, xem ra không thể chọn được giải pháp đúng!!! Thế rồi, cùng với thời gian vấn đề từ từ sáng tỏ. Chúng tôi nhìn ra đâu là mục đích phải tiến tới.

Trước tiên, chúng tôi đồng ý giúp con cái tự tìm ra con đường phải đi. Chúng tôi thấy rõ không nên dừng lại lưng-chừng nửa đường giữa Do Thái Giáo và Kitô Giáo. Cũng không nên lầm lẫn hoặc trộn chung hai tôn giáo. Không! Hai tôn giáo mặc dầu là Chị Em nhưng vẫn khác biệt nhau! Vậy thì phải làm sao bây giờ??? Sau cùng chúng tôi quyết định đồng hành với từng đứa con trong ơn gọi mà THIÊN CHÚA tuyển chọn cho mỗi đứa.

Chúng tôi không rửa tội cũng không cắt bì cho con, nhưng chỉ giáo dục con trong gia sản đức tin chung của cả hai tôn giáo là Do Thái Giáo và Kitô Giáo. Chúng tôi đồng hành với con cái cho đến khi chúng lớn lên và tự chọn lựa tùy theo tâm tình tôn giáo của mỗi đứa .. Thế là con trai cả của chúng tôi quyết định học tiếng Do Thái, xin chịu cắt-bì và học nơi trường Trung Học Do Thái ở Porto d'Ottavia.

Trong khi con gái lớn thì chọn Đức Tin Công Giáo. Cháu theo lớp giáo lý của giáo xứ để chuẩn bị lãnh bí tích Rửa Tội và Thêm Sức. Và cháu đã lãnh các bí tích từ tay Đức Giám Mục Giáo phận. Hai cháu nhỏ hơn thì chưa có quyết định nào. Chúng tôi tiếp tục đồng hành với con cái.

Nhờ thế mà trong gia đình chúng tôi có bầu khí hòa hợp vui tươi và trong sáng. Không có phân-rẽ chia-cách nhưng chỉ có ”khác-biệt”: người thì đến nhà thờ Công Giáo tham dự Thánh Lễ; kẻ thì đến hội đường Do Thái. Mỗi người tuân theo luật lệ riêng của tôn giáo của mình.

Xin kể lại một giai thoại ngắn để làm nổi bật sự khác biệt giữa Do Thái Giáo và Kitô Giáo. Cách đây vài năm chúng tôi mời một cặp vợ chồng bạn đến nhà dùng bữa. Đôi bạn là cặp hôn nhân dị-giáo. Chồng là Kitô-hữu. Vợ là Do thái giáo. Đứa con trai nhỏ nhất của chúng tôi - năm ấy bé lên 5 tuổi - cất tiếng hỏi người chồng:
- Bác có dùng ”salame - thịt heo muối” không?

Và khi thấy vị khách gật đầu thì bé reo lên:
- Vậy thì cháu hiểu rồi! Bác là tín hữu Kitô!

Dĩ nhiên điều rõ ràng là trong gia đình, chúng tôi cùng nhau mừng chung các ngày lễ lớn của cả hai tôn giáo Do Thái và Kitô. Và con cái thường lãnh đến hai phần quà! Trước mỗi bữa ăn trưa và tối, toàn gia đình chúng tôi dâng lời cảm tạ THIÊN CHÚA về thức ăn Ngài ban cho chúng tôi. Có khi là lời kinh tự phát. Có khi hiền thê tôi hoặc đứa con trưởng nam của chúng tôi đọc lời kinh chúc lành Bánh và Rượu theo truyền thống Do Thái.

Nói tóm lại, trong gia đình chúng tôi lan tỏa bầu khí hòa điệu, đối thoại và tôn trọng, nhưng cũng nổi bật sự khác biệt giữa ai là tín hữu Kitô ai là tín hữu Do Thái!


... THIÊN CHÚA phán với ông Môsê: ”Phần ngươi, hãy nói với con cái Israel: cách riêng, các ngươi sẽ giữ các ngày sa-bát của Ta, bởi vì đó là một dấu hiệu giữa Ta và con cái các ngươi qua mọi thế hệ, để người ta biết rằng chính Ta là THIÊN CHÚA, Đấng thánh hiến các ngươi. Các ngươi sẽ giữ ngày sa-bát, vì đó là ngày thánh đối với các ngươi. Kẻ nào vi phạm điều ấy, thì sẽ bị xử tử; phải, kẻ nào làm việc trong ngày ấy, sẽ bị khai trừ khỏi dân nó. Trong sáu ngày, người ta sẽ làm việc, nhưng ngày thứ bảy là một ngày sa-bát, một ngày nghỉ hoàn toàn, ngày dâng hiến THIÊN CHÚA. Kẻ nào làm việc trong ngày sa-bát sẽ bị xử tử. Con cái Israel sẽ giữ ngày sa-bát, nghĩa là nghỉ ngơi trong ngày đó, qua mọi thế hệ: đó là một giao ước vĩnh viễn. Đó là một dấu hiệu vĩnh viễn giữa Ta và con cái Israel; vì trong sáu ngày THIÊN CHÚA đã dựng nên trời đất, nhưng ngày thứ bảy, Người đã ngưng các việc và nghỉ xả hơi” (Sách Xuất Hành 31,12-17).

(”Nella Luce d'Imelda oggi”, Periodico quadrimestrale della Congregazione delle Suore Domenicane della Beata Imelda, Anno XIV, n.35, Settembre/Dicembre 2010, trang 12-14)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt