YÊU EM ANH ÐỂ TRONG LÒNG........


Năm ngoái bay tới New York, tôi được một người bạn đưa đi thăm mấy bảo tàng viện. Ðến khu trình bày các cổ vật miền Á châu, tôi cảm thấy như đi vào miền đất quen thuộc. Tới khu Việt nam, tôi càng cảm thấy lòng mình như ấm lại. Nhưng càng đi sâu vào nghệ thuật, tôi càng xa lạ với những điều anh bạn thao thao bất tuyệt giải thích. Tôi không có kiến thức về nhân chủng và khảo cổ học. Cái nhìn của tôi chỉ phớt qua trên mặt những cổ vật. Bao nhiêu nền văn minh nấp sau những báu vật đó không tỏa chút ánh sáng nào vào tâm trí tôi. Cổ vật trở thành vô nghĩa, vô hồn và không chút giá trị gì đối với một người “dốt đặc cán mai” như tôi.



ÐIỀU RĂN MỚI

Giới răn tình thương cũng chịu một số phận tương tự. Chúng ta đã nói về đức ái rất hay, nhưng có lẽ vẫn chưa hiểu hết ngọn nguồn sâu xa của đức ái. Có lẽ khi nghe Chúa công bố “điều răn mới,” một vài môn đệ hời hợt có thể có những nhận định tương tự như tôi trước cổ vật. Họ có lý khi thấy chẳng có gì mới nơi điều răn của Thày. Nói khác, họ chẳng thấy có giá trị nào đặc biệt nơi những điều Thày vừa trình bày. Họ đã nghe nhàm tai giới răn thương yêu. Từ Ngũ Kinh đến các ngôn sứ, họ đã thấy nhai đi nhai lại điều răn đó. Vậy thì mới ở chỗ nào ?

Trước hết, giữa giới răn thương yêu và vinh quang Ðức Kitô bên Chúa Cha có một mối liên kết. Tình yêu là phản ảnh Ðức Kitô vinh quang, Ðấng mang đến cho toàn thể vũ trụ một cái nhìn đặc biệt về tình yêu. Người trở thành con đường để con người đi lên với Thiên Chúa và Thiên Chúa xuống với con người. Tất cả sứ mệnh của Người có thể tóm gọn trong lời ngôn sứ Isaia 61:1-2 : “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4:18-19) Khi xuống trần gian, Ðức Giêsu nhắm làm vinh danh Thiên Chúa Cha. Vinh quang Thiên Chúa là con người được hạnh phúc. Vinh quang chỉ đến khi con người thực sự trở thành con người. Chính vì thế, Người quyết tâm hồi phục địa vị cao cả của con người trên vũ trụ.

Hơn nữa, tình yêu đưa con người vào cảnh “trời mới đất mới.” Nơi đó Thiên Chúa và dân Người hiệp nhất trong một tình yêu tuyệt vời. Ðây là một thời gian vui tươi và hạnh phúc vô tận. Cảnh tượng này thực sự phản ánh một lối nhìn về sự hoàn thành thời đại cánh chung mới, đã khai trương nơi cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Khi vùng dậy từ cõi chết, Người hoàn toàn thay đổi các mãnh lực của trời đất. Tình yêu thay đổi hoàn toàn vạn vật. Bởi đấy, Người căn dặn môn đệ : “Chúng con hãy yêu thương nhau như Thày đã yêu thương anh em.” (Ga 13:34) Ở đây, Người cố ý nói tới agape, một thứ tình yêu đòi hỏi phải hoàn toàn tín thác và trông cậy. Ðó chính là tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, một tình yêu gương mẫu cho chúng ta yêu tha nhân. Khi xét đến những đòi hỏi của tình yêu này, chúng ta mới thấy mức độ cách mạng của giới răn thương yêu như thế nào và nó đòi phải thay đổi thái độ tới mức nào.

Sau cùng, đức ái phải luôn đi kèm với công lý. Dù hết sức tìm cách giải cứu người phụ nữ ngoại tình, Ðức Giêsu không bao giờ bao che tội lỗi cho cô. Nếu hôm đó, Chúa chỉ nghĩ đến việc thực thi đức ái hay tỏ lòng từ bi mà thôi, chắc chắn công lý đã bị coi thường. Cô sẽ trở về tiếp tục cuộc sống ô nhục. Phẩm giá không được phục hồi. May mắn thay Chúa đã nghiêm chỉnh đòi hỏi công lý nơi chính cô khi nói : “Cô hãy về và đừng phạm tội nữa.” Nhờ đó, Chúa đã tạo được sự quân bình và nền tảng cho đức ái. Nói khác, Chúa đòi hỏi cô phải giữ nhân đức “công bình xã hội.” Ðây là một nhân đức cá nhân, chứ không phải là đặc tính của những hệ thống xã hội, như người Do thái hay hầu hết mọi người vẫn tưởng. Người Do thái gào thét đòi ném đá cô để thực thi công bình xã hội như luật Môsê đòi hỏi. Họ xử dụng “công bình xã hội” như một nguyên tắc quy định trật tự xã hội. Họ chú trọng tới quyền lực, chứ không phải nhân đức.[1]

Không có công lý, đức ái dễ khiến con người mù quáng. Rõ ràng tình yêu phải đi kèm với công lý. Nếu không, bác ái có thể tiếp tay với chế độ trù dập con người. Chính công lý đã vực cô dậy. Ðức ái phải đi kèm công lý mới trả lại phẩm giá cho con người. Khác hẳn Chúa, đa số ngày nay Kitô hữu chỉ lo làm việc bác ái, bất kể công lý. Không có điều kiện công lý đi kèm, hoạt động bác ái chỉ lấp đầy bao tử, bất chấp tiếng gào thét của lương tâm. Ðó là lý do tại sao con người vẫn không ngóc đầu lên làm người được ! Con người có gì khác con vật ?!

Nhưng địa vị con người cao cả hơn vũ trụ. Theo thánh Phaolô, con người là Ðền Thờ Thiên Chúa. Khi vào Ðền thờ Giêrusalem, Chúa Giêsu đã đánh đuổi con buôn như biểu lộ sự quyết liệt tranh đấu chống lại bất công đối với Ðền thờ Thiên Chúa hay con người. Ðó là một việc làm vô cùng ý nghĩa không phải chỉ cho thân xác Người, nhưng cho cả phẩm giá con người nữa . Sự giận dữ của Người cũng bắt nguồn từ một loại tình yêu – tình yêu đối với Chúa Cha và với Nhà Cha. Khi sự thánh thiện và uy nghi của Chúa Cha hay Nhà Cha bị đe dọa hay coi thường, chắc chắn Ðức Giêsu phản ứng mãnh liệt. Thái độ nhiệt tình đối với Ðền Thờ Thiên Chúa đã làm hao mòn thân xác Người. Sở dĩ phải tỏ thái độ quyết liệt, vì Người muốn tranh đấu để tái lập sự công bình và phục hồi giá trị đích thực cho Ðền Thờ. Chúng ta có thể thấy tất cả nỗ lực giành lại công lý cho Thiên Chúa và con người nơi Ðức Giêsu ở đây.



NƯỚC THIÊN CHÚA

Kitô hữu được kêu gọi xây dựng Nước Thiên Chúa ở trần gian. Sứ mệnh cao cả không thể hoàn thành, nếu họ không biết Nước Thiên Chúa là gì. Thánh Phaolô xác định rất rõ : “Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.” (Rm 14:17) Trong thực tế, chúng ta làm ngược lại. Những việc bác ái, đóng góp từ xưa tới nay xoay quanh vấn đề gì ? Từ trong nước đến hải ngoại, chúng ta thi đua nhau đóng góp cho chuyện ăn chuyện uống chuyện xây nhà thờ, xây tòa giám mục v.v., chứ không hề băn khoăn về “sự công chính” một chút nào cả. Có những tòa giám mục sang trọng như ốc đảo trù phú xa hoa giữa một đại dương nghèo đói, tràn ngập các nạn nhân ....

Thay vì trở thành những trung tâm rao giảng Tin Mừng, nhiều nhà thờ và cơ sở giáo hội hôm nay đang phát ra những phản chứng. Làm sao những giá trị Tin Mừng có thể xâm nhập vào văn hóa và xã hội từ những phản chứng đó ?! Lỗi đó tại ai ? Kitô hữu có thể phủi tay trước tình trạng tha hóa đó của dân tộc không ? Không phải chỉ có những việc xấu xa đã gây nên nông nỗi. Nhưng nếu không kèm theo công lý, ngay cả việc tốt, như công cuộc bác ái, cũng có thể gây những hậu quả xấu khôn lường.

Từ nay, bác ái phải có điều kiện. Ðiều kiện đây là “công bình xã hội.” Chắc chắn có người phản hồi : bác ái có điều kiện không còn phải là bác ái nữa. Thực ra, điều kiện kèm theo đó không đánh mất bản chất công cuộc bác ái, vì nhằm đem lại lợi ích cho chính những người nghèo. Không có điều kiện đó, việc bác ái trở thành vô ích và không thể nâng người nghèo trỗi dậy.

Trước hết, cần phải hiểu đúng nhân đức “công bình xã hội.” “Công bình xã hội cần phải chiếm địa vị ưu tiên trong sự quan tâm của mọi người. “Nếu hiểu đúng nghĩa, “công bình xã hội” là một nhân đức đặc biệt có tính “xã hội” theo hai chiều hướng. Thứ nhất, “công bình xã hội” đòi phải có tài đưa ra sáng kiến, hợp tác và quy tụ người khác cùng nhau hoàn thành tác vụ công bình. Hoạt động này đòi phải được thực hiện với người khác. Ðó là lý do tại sao nó được gọi là một loại đặc biệt của đức công bình. Thứ hai, “công bình xã hội” luôn nhắm tới công ích, chứ không nhắm lợi ích của một tác nhân mà thôi. Nhân đức công bình có tính “xã hội”, vì mục tiêu đầu tiên nhằm giúp đỡ tha nhân.”[2]

Bất cứ một sự trợ giúp nào cũng phải nhằm xây dựng một xã hội công bình. Một xã hội đầy dẫy bất công làm sao tạo nên sự công chính cần thiết cho việc xây dựng Nước Trời ? Chúng ta gởi tiền về giúp đỡ Việt nam một cách vô tội vạ, không cần biết đồng tiền đi tới đâu và làm những gì. Có thể nhiều người nhân danh sự nghèo đói và người nghèo để khai thác bất chính. Nhiều khi chúng ta “giao trứng cho ác” mà không hay biết.

Ðã có những trường hợp bị dối gạt. Sau khi đi một vòng khắp các cộng đoàn Việt nam ở Hoa kỳ xin tiền trợ giúp đồng bào nghèo hay xây nhà thờ, có những cá nhân sắm những xe hơi hạng sang như Mercedes, Lexus v.v. hay những biệt thự lộng lẫy. Tuy vậy, không nên vì những cá nhân lạm dụng đó mà chúng ta dẹp bỏ việc bác ái đối với đồng bào.

Từ trước tới nay, chúng ta làm việc bác ái một cách vô tổ chức. Tất cả đều tùy thuộc vào tình cảm hay niềm tin vào một người hay một tổ chức bác ái v.v. Ðã đến lúc chúng ta cần sát cánh để tạo một sức mạnh thực sự giải phóng dân tộc khỏi ách lầm than, nghèo đói. Không những cần tổ chức quy mô để tránh lạm dụng, lãng phí, mà còn giúp ích cho nhiều người một cách hữu hiệu hơn. Hơn nữa, còn phải có một tầm nhìn để khám phá những nhu cầu thực sự của những người nghèo.

Từ nay, thay vì giao tiền cho một người trợ giúp người nghèo, chúng ta hãy cố gắng mở ra những quỹ tín dụng giúp vốn và kỹ thuật cho người nghèo tự nuôi thân. Nói khác, giúp cho họ có cần câu và kỹ thuật câu còn quan trọng và cần thiết hơn cung cấp những con cá qua bữa. Mỗi giáo xứ hay mỗi nhà dòng ở Việt nam có thể trở thành những nơi cung cấp vốn cho những người nghèo, bất phân lương giáo. Quỹ tín dụng được xây dựng trên niềm tin. Còn chỗ nào đáng tin bằng Nhà Chúa ? Nhà Chúa không đồng nghĩa với nhà xứ hay nhà dòng. Nhà Chúa phải theo đúng tiêu chuẩn Tin Mừng và chiều hướng Giáo Hội. Bởi thế, cần có những cơ quan giám sát để kiểm tra con người và cơ sở trước khi giao phó công cuộc tín dụng đó. Ngay cả trong khi hoạt động vẫn cần đến sự kiểm soát này. Về vấn đề này, các chuyên viên ngân hàng nên tình nguyện tham gia giúp đỡ cộng đồng trong công cuộc bác ái theo chiều hướng mới.

Nhưng trên hết vẫn là việc nâng cao ý thức giáo dân về công lý. Cho tới nay, hầu như người Công giáo không hay biết gì về học thuyết xã hội của Giáo hội. Ðó là một thiếu sót rất lớn. Kitô giáo là một Ðạo nhập thể. Theo Ðức Kitô, không thể không dấn thân. Nếu chỉ thỏa mãn với những giáo lý về bí tích, phụng vụ và những tổ chức đình đám trong khuôn viên nhà thờ, chắc chắn Kitô hữu vẫn còn “nhốt” Chúa ở trên trời. Sống đạo như thế là sống nửa vời. Không thể yên lương tâm với lối sống đạo như thế.

Khi thấy được bản chất Nước Thiên Chúa, người Công giáo không thể ngồi yên nhìn cảnh bất công đang xảy ra dầy dẫy chung quanh. Không có công bình cũng chẳng có bác ái thực sự. Ý thức về công bình sẽ mở rộng tầm nhìn của Kitô hữu về trách nhiệm và quyền lợi của một người công dân trong nước trần gian và Nước Chúa. Ðó là điều kiện căn bản để bảo đảm công ích. Trước tiên, muốn “nhìn nhận và tôn trọng nhân phẩm phải bênh vực và cổ động nhân quyền cơ bản và bất khả nhượng.”[3] Nhân quyền không chỉ có ngoài xã hội. Ngay cả trong Giáo hội, nhân quyền cũng phải được quyền bính tôn trọng. Nếu không, xã hội cũng như Giáo hội không thể đạt tới công ích. Ðừng tưởng kế hoạch ngũ niên hay những phương tiện sản xuất sẽ quyết định sự thành công. Yếu tố chính vẫn là con người.

Ðúng như Chúa nói : “Con người sinh ra không phải vì lề luật,” cơ chế, hay tổ chức. Nhưng tất cả đều phải phục vụ con người. Bởi thế, công bình xã hội cũng phải lấy con người làm gốc. Không gì có thể thay thế con người. Thực tế, “ngoài đời chủ trương công bình xã hội không đòi những con người nhân đức, chỉ cần có những chương trình hoàn hảo. Theo Giáo hội, công bình xã hội là nhân đức cá nhân; ngoài đời cho rằng công bình xã hội là một thành quả chính trị. Giáo hội tin con người lương thiện sẽ làm cho chương trình xã hội tốt đẹp; ngoài đời tin rằng những chương trình xã hội tốt đẹp sẽ làm cho con người lương thiện. Giáo hội và ngoài đời có rất ít điểm giống nhau về công bình xã hội.”[4] Nếu cứ tiếp tục chà đạp nhân phẩm hay không tôn trọng nhân quyền, tất cả mọi guồng máy, tổ chức, cơ chế sẽ nếm mùi thất bại thê thảm.

Bởi vậy, không những phải nhìn nhận quyền làm người, nhưng còn phải lo đào luyện cho con người có nhân đức. Nhân đức đó trước tiên là công bình xã hội. Thật vậy, “công bình xã hội là một nhân đức, một thuộc tính của các cá nhân. Nếu không, đó chỉ là một sự dối trá. Nếu Tocqueville có lý khi nói ‘nguyên tắc liên đới là luật lệ đầu tiên của nền dân chủ,’ thì công bình xã hội là đức tính đầu tiên của dân chủ, vì người ta thường thực hành nguyên tắc liên kết như thế trong cuộc sống hằng ngày.”[5] Chính vì thiếu đức tính căn bản đó, nên xã hội Việt nam đầy dẫy những con người thiếu khả năng xây dựng dân chủ. Cuối cùng, con người mất hạnh phúc. Tự do chỉ còn là cái bánh vẽ. Nhân quyền trở thành ảo mộng.



VÀO ÐỜI

Vậy những ai đang mất quyền làm người hôm nay ? Trước hết, đó là những người nghèo khổ, (...), các người thiểu số, những trẻ em không được cắp sách đến trường, những người bệnh tật, già nua, những người bị mất đất, những công nhân và nông dân bị ức hiếp, những cô gái phải bán mình v.v. Tất cả đều là con đẻ của cơ chế bất công. Đôi khi quyền lợi của phe nhóm vượt trên tất cả mọi quyền lợi người dân. Chính vì sự chênh lệch ấy, nhiều người đã mất cơ hội để phục vụ đất nước và Giáo hội. Trật tự xã hội bị xáo trộn vì thứ tự các giá trị bị đảo lộn.

Trước tình thế đó, đáng lẽ các Kitô hữu phải tích cực phê phán những tệ trạng và can đảm đòi hỏi quyền làm người. Nhưng giáo dân quá thụ động, hoàn toàn lệ thuộc vào hàng giáo phẩm, trong khi họ có quyền tham gia và sinh hoạt chính trị xã hội. Nếu cứ thụ động như thế, họ sẽ thất vọng. (...) Chỉ cần nhìn sang giáo hội Phillippines và Nam Hàn, họ sẽ thấy mình không giống ai. Bên Phi châu, các giám mục tại các nước Mali và Nigeria đang kêu gọi và hướng dẫn dân chúng xử dụng quyền bầu cử để chọn những vị lãnh đạo xứng đáng trong một thể chế dân chủ và tự do. Họ còn dám lên tiếng phê bình những ứng viên có những lời hứa thiếu nền tảng thực tế.

Trong cuộc tiếp kiến các Đức Giám Mục Venezuela viếng thăm Tòa Thánh vào hôm thứ Sáu 27/4, Đức Thánh Cha đã bày tỏ quan ngại sâu xa của ngài về tình trạng nhân quyền tại Venezuela và những dấu hiệu cụ thể về hiện tượng lạm dụng quyền lực tại quốc gia này. Đức Thánh Cha nói Giáo Hội không thể không bảo vệ phẩm giá con người, và do đó cần có tự do để trình bày công khai ý kiến của mình trước công chúng. Đức Tổng Giám Mục Roberto Luckert, phó chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Venezuela cho biết: “Trong suốt buổi tiếp kiến chúng tôi đã trình bày cho ngài về những vấn đề chúng tôi đang gặp phải trong việc giáo dục giới trẻ, tình trạng thiếu an ninh, và sự chà đạp nhân quyền trong nước.[6]

Còn tại Việt nam thì sao? Nhiều người cho rằng phải đặt mình trong hoàn cảnh Việt nam mới có thể thông cảm ... Hoàn cảnh Việt nam khó lắm ! Vâng, đúng thế. Hoàn cảnh Venezuela hay các nước Phi châu cũng không dễ tí nào đâu !



[I]Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả

Anh hùng hào kiệt có hơn ai ?![/
I]

(Phan Bội Châu)



Lạy Chúa, xin nhìn đến quê hương yêu dấu của chúng con ! Xin cho GHVN luôn đồng hành với dân tộc đau khổ. Xin Chúa sai Thánh Linh ban ơn can đảm và khôn ngoan cho chúng con. Amen.

đỗ lực

06.05.2007


--------------------------------------------------------------------------------

[1] x. Novak, Michael “Defining Social Justice.” First Things 108 (December 2000): 11-13.

[2] Sđd.

[3] Yếu Lược Học Thuyết Xã hội của Giáo Hội, số 388.

[4] DeMarco, Donald. "The Virtue of Social Justice." Lay Witness.

[5] Sđd.

[6] VietCatholicNews 01/05/2007, không rõ VietCatholic lấy từ nguồn nào.