ĐẠI SƯ VÀ NGỌC QUÝ



Đại sư ngồi trên bờ sông nhập định, đệ tử ôm hai hạt minh châu rất sáng, phủ phục cung kính, cẩn thận đem hai hạt ngọc bỏ trên chân của của đại sư, để bày tỏ tôn sư trọng đạo.

Đại sư mở hai con mắt liếc nhìn hạt ngọc, lơ đễnh cầm viên ngọc lên, kết quả viên ngọc rơi xuống bờ và lăn xuống hồ nước. Các đệ tử rất kinh ngạc vội vàng phóng mình xuống hồ nước, thật đáng tiếc hết lần này rồi đến lần nọ lặn trong nước, tìm nó cho đến khi trời tối mà cũng không biết nó rơi ở chỗ nào, toàn thân ướt mèm, khí cùng lực tận, chỉ có cách là đi làm huyên náo sư phụ đang ngồi ở trong:

- “Bạch thầy, Thầy có nhìn thấy viên ngọc ấy lăn đi đâu không, xin chỉ cho con biết để con tìm viên ngọc lại cho thầy.”

Đại sư nhặt viên ngọc khác ném về phía hồ nước, nói: “Chính là ở đó.”

(Trích: Bài ca của loài ếch, phần tu đức)

Suy tư:

Viên ngọc quý hay bất cứ vật chất nào ở thế gian này, đều không phải là mục đích chiếm đoạt của người Ki-tô hữu, cái mà người Ki-tô hữu phải chiếm đoạt cho bằng được khi còn ở đời này chính là Nước Trời, Nước Trời quý báu gấp vạn lần vàng bạc ngọc ngà châu báu, nó quý hơn cả mạng sống tạm bợ của con người, bởi vì nó là vô giá. Bỏ cái vô giá để đi tìm cái giá trị thấp, bỏ cái vô hạn để tìm cái hữu hạn, thì chỉ có những ai không có đức tin mới làm như thế mà thôi...

Đại sư cầm viên ngọc thứ hai ném đi về hướng viên ngọc thứ nhất vừa lăn xuống hồ nước, thì chẳng khác chi nói với các đệ tử: ngọc quý không phải là mục đích của người tu hành, nhưng mục đích của người tu hành chính là nhận ra được tình yêu của Thiên Chúa trong vũ trụ này, nhất là nhận ra người lân cận –dù họ nghèo nàn- là những viên ngọc quý cũng có giá trị như những người khác, bởi vì họ cũng là con cái của Thiên Chúa.

Chúng ta không thể chiếm hữu vật chất làm của mình được, bởi vì khi chết đi thì những của cải ấy, dù là viên ngọc có giá trị, cũng sẽ bị người khác chiếm đoạt. Cái mà chúng ta phải chiếm đoạt chính là Nước Trời, bởi vì nó sẽ là nơi đi về của chúng ta sau khi từ giả cõi đời tạm này.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.