CHÚA ĐÃ HIỂN LINH


Trong bài phỏng vấn ông Francois de Ravignan, chuyên viên nghiên cứu nông nghiệp, về nạn đói trên thế giới, của tác giả Linh Tiến Khải (Đài Vatican). Theo ông, vấn đề ở đây không phải là của số lượng, vì số lượng thực phẩm do trái đất sản xuất dư sức để nuôi tất cả mọi người (vì thực phẩm trên thế giới thặng dư), mà là vấn đề công bằng xã hội. Thật vậy, trong các tháng vừa qua, thế giới đã chứng kiến người dân tại 25 nước trên thế giới nổi dậy vì nạn đói. Tham dự các vụ nổi dậy đó là những người thất nghiệp hay bị kiệt quệ về kinh tế, một dấu hiệu cho thấy, nạn đói luôn gắn liền với tình trạng bị gạt bỏ bên lề xã hội hoặc bị đối xử bất công.

Về vấn đề công bằng xã hội, vào thời Đức Giêsu cũng không ngoại lệ. Xét về mặt pháp lý, thời này có ba hạng người : những người có quyền công dân Rôma, những người tự do nhưng không có quyền công dân Rôma và các nô lệ.

Quyền công dân Rôma có được là do thừa kế bởi cha mẹ hoặc mua được bằng một món tiền lớn, hay do hoàng đế thưởng công. Được làm công dân Rôma là một lợi thế, vì được miễn một số thuế vốn là gánh nặng không phải là nhỏ đối với dân thường, hay còn được hưởng một số đặc ân về mặt pháp lý. Với công dân bình thường , như Đức Giêsu chẳng hạn, thì phải theo luật địa phương. Còn số phận của các nô lệ không giống nhau, tùy phong tục của từng vùng, tùy tính khí của chủ, hay tùy công việc họ làm, mà có nơi rất cực khổ, cũng có nơi được ưu đãi hơn. Nói chung, các nô lệ không có quyền gì về mặt pháp lý.

Đức Giêsu mở mắt chào đời khi hoàng đế Auguttô đã trị vì đế quốc Rôma được 20 năm, ông khai mở một thời kỳ tương đối ổn định trên toàn phần đất của đế quốc hơn ba triệu cây số vuông. Riêng ở Palettin, nghị viện Rôma đã đặt Hêrôđê, còn gọi là Hêrôđê Cả làm vua từ năm 40 trước công nguyên. Nhưng phải đến năm 37, ông này mới chiếm được Giêrusalem và cai trị ở đó. Khi Chúa Giêsu sinh ra thì Hêrôđê đã ở vào những năm cuối đời. Ông là một con người đa nghi và tàn ác. Nên khi nghe các nhà chiêm tinh từ phương đông đến Giêrusalem hỏi :"Đức Vua dân Do thái mới sinh, hiện ở đâu ?"(Mt 2, 2a), ông tỏ ra bối rối và dân chúng thì xôn xao. Hêrôdê bối rối vì tưởng sẽ có người tranh dành quyền lực với mình, nên đã tìm cách hãm hại Hài nhi Giêsu.. Còn dân chúng xôn xao vì nghĩ rằng họ sắp được giải thoát khỏi ách nô lệ đế quốc Rôma. Nhưng sau khi gặp được Hài nhi và dâng tiến vàng, nhũ hương và mộc dược, các nhà chiêm tinh được báo mộng đi lối khác mà về xứ mình.

Hai thái độ của các nhân vật trong bài Tin mừng Mt 2, 1-12 cho thấy : kẻ đói khát ơn cứu độ (ba nhà chiêm tinh) tìm mọi cách vượt qua khó khăn để đạt được. Kẻ thờ ơ, hờ hững (Hêrôđê và dân Do thái) thì an phận, bỏ qua cơ hội gặp Chúa hay vì ghen tị mà tìm cách loại trừ Người.

Thiên Chúa đã chọn mảnh đất nhỏ bé này làm nơi diễn ra lịch sử cứu độ toàn thể nhân loại. Con Thiên Chúa đã trở nên một người Do thái bình thường, nhưng trong mắt các nhà chiêm tinh, Ngưòi là vị vua Mesia mà họ đã lặn lội từ xa tới để triều cống những lễ vật dành cho một vị vua. Đức Giêsu đến không phải để giải thoát người dân theo nghĩa chính tri hay làm cho Itraen thành một siêu cường về mặt kinh tế.. Ngưòi đến để giải thoát con người khỏi tình trạng nô lệ tội lỗi mà nguyên nhân là do lòng tham và dục vọng.

Qua bài Tin Mừng, Chúa cũng muốn nhắn gửi với mỗi người chúng ta là đã được mời gọi nhận biết Chúa, thì phải trân trọng hồng ân đó bằng cách gắn bó với Đức Giêsu, để mỗi biến cố trong cuộc sống được soi sáng và hướng dẫn bằng Lời của Người. Xưa kia Chúa tỏ mình ra qua chính Con của Ngài. Ngày nay Ngài gặp gỡ ta qua Lời Chúa và các Bí tích, nhất là nơi những người sống quanh ta. Đến với Lời Chúa là tìm được lẽ sống và hạnh phúc cho mình.



Phanxicô Xaviê