CHÚNG TA PHẢI VUI MỪNG


Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy (Lc 15,32)

Câu này lấy từ phần cuối dụ ngôn người con trai hoang đàng, dụ ngôn bạn chắc chắn đã biết, dụ ngôn cho ta thấy sự vĩ đại của Thiên Chúa đầy lòng thương xót. Nó cũng kết thúc cả một chương Phúc Âm Luca trong đó Đức Giêsu còn kể hai dụ ngôn khác để diễn giải cùng một chủ điểm. Bạn có nhớ câu chuyện con chiên bị mất và người chủ đã để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang để đi tìm cho kỳ được không? Và hẳn bạn cũng còn nhớ câu chuyện đồng bạc bị đánh mất và niềm vui của người đàn bà khi đã tìm được rồi, mời bạn bè, hàng xóm lại để chung vui với bà ấy?

Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.

Với lời này, Thiên Chúa mời gọi bạn và mọi Kitô hữu hãy vui vẻ, hãy ăn mừng và chia sẻ niềm vui với Người vì người tội lỗi đã mất mà nay lại tìm thấy.

Trong dụ ngôn người cha nói lời này với người con cả vốn ở với ông suốt đời, sau một ngày làm lụng vất vả, không chịu vào nhà nơi vừa bắt đầu mở tiệc để mừng cậu em trở về trong tiếng đàn ca nhảy múa tưng bừng. Người cha đi ra để đón người con trung thành, cũng như ông đã đi ra để đón đứa con đã mất, và ông tìm cách thuyết phục cậu con cả, thế nhưng giữa cha và con thái độ thật khác biệt: cha thì yêu vô bờ bến và vui mừng hớn hở, còn con thì đầy những khinh bỉ và ganh tị đối với cái thằng em mà cậu không còn nhìn nhận. Thật vậy, cậu nói về người em của mình thế này: "Thằng con của cha đó, đã nuốt hết của cải của cha".

Tình yêu và niềm vui của người cha đối với đứa con đã trở về tương phản rõ rệt với sự cay đắng của người con kia, sự cay đắng bộc lộ một mối quan hệ lạnh lẽo, và ta có thể thêm, cả giả dối nữa với người cha của mình. Người con cả này chí thú làm lụng, thực hiện nhiệm vụ, nhưng không yêu cha mình như một người con chân chính. Đúng hơn, ta có thể nói rằng cậu ta yêu cha như một ông chủ.

Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.

Khi nói lời này, Đức Giêsu chỉ ra một mối nguy hiểm mà bạn nữa có thể cũng mắc phải: nguy cơ muốn sống một cuộc đàng hoàng và khả kính, nhưng lại dựa lên việc tìm kiếm sự trọn hảo, xét đoán người khác còn lầm lỗi. Thật vậy, nếu bạn “gắn bó” với sự trọn hảo, bạn đang tự xây dựng đời mình không cần Thiên Chúa, bạn đầy cái tôi, bạn đầy những sự thán phục bản thân. Bạn như người con ở lại nhà và kể lể với cha về mọi công trạng của mình. "Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh".

Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.

Khi nói lời này, Đức Giêsu chống lại cái thái độ chủ trương rằng mối tương quan với Thiên Chúa đặt cơ sở trên việc tuân giữ các điều răn. Giữ các điều răn thì không đủ. Truyền thống Do thái cũng ý thức rõ điều này.

Trong dụ ngôn này, Đức Giêsu đề cao Tình Yêu thần linh và cho thấy Thiên Chúa, là Tình Yêu, đã đi bước trước đến với mọi người, không xem xét liêu họ có xứng đáng hay không, nhưng yêu cầu họ mở ra với Người nhằm thiết lập một mối hiệp thông yêu thương đích thực. Dĩ nhiên, bạn dư hiểu cái trở ngại lớn nhất đối với Thiên Chúa – Tình Yêu, chính xác là một sự sử dụng cuộc sống trong đó người ta thu tích hoạt động và công trạng, trong khi Thiên Chúa thì muốn tấm lòng của họ.

Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.

Khi nói lời này, Đức Giêsu mời gọi bạn hãy có cũng cùng tình yêu vô biên mà Chúa Cha có đối với những người mà các Kitô hữu khả kính phán xét nghiêm nhặt, coi họ là quân tội lỗi. Người đang yêu cầu bạn đừng đo lường tình yêu của Chúa Cha dành cho mỗi một người theo khả năng yêu thương của bạn.

Bằng cách mời gọi người con cả hãy vui với mình vì đứa con được tìm lại được, Chúa Cha cũng còn yêu cầu bạn hãy thay đổi cách nhìn: trong thực tế, bạn cũng phải chào đón các anh chị em mình kể cả những con người mà cứ bình thường bạn đâm ra đem lòng ghen ghét và xem mình như ở trên họ. Điều này sẽ đem lại một sự cải hoán tự tân thực sự trong người bạn bởi vì nó thanh luyện bạn khỏi cái tự đắc là mình còn hơn chán vạn người khác, nó ngăn bạn khỏi rơi vào thái độ bất khoan dung tôn giáo, và giúp bạn ôm chầm lấy ơn cứu độ mà Đức Giêsu đã đoạt lấy cho bạn, như một món quà tặng không biếu không cho bạn, như một món quà tình yêu của Thiên Chúa.


Chiara Lubich
Đan Quang Tâm dịch