Kỳ 2: ‘Bát quái trận đồ’ nhớt giả, nhớt dỏm
Dầu nhờn tự pha chế bằng công nghệ trời ơi, đem đổ vào bình thật của các nhãn hàng có tên tuổi rồi tung ra thị trường. Đó là nhớt giả. Còn dầu nhớt tuy không giả, vẫn có nhãn hiệu đàng hoàng nhưng chất lượng thì phập phù, song cũng tung hoành ngang dọc.
Trong khi đó, người tiêu dùng lại gần như hoàn toàn không hề có kiến thức về dầu nhờn, nên không phân biệt được chất lượng đến đâu.
"Dây chuyền công nghệ" chiết tách đóng chai chỉ là một phuy đựng có vòi dẫn để rót nhớt vào bình. Ảnh: Đặng Vỹ
“Công nghệ” làm nhớt giả, nhớt dỏm
“Dầu cắt” nấu ra từ các lò, được cho thêm tí phụ gia để đạt các chỉ tiêu về phẩm cấp nhớt như chỉ số độ nhớt, trị số kiềm tổng… để chế biến làm thành nhớt. Tại một cơ sở chiết nạp dầu nhờn ở Long An, chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy công cụ để chiết nạp chỉ là một cái thùng phuy. Từ phuy này chuyền nhớt ra bình bằng ống dẫn nhựa hoặc vòi vặn. Dầu nhờn từ đây được vặn rót vào bình. Sau đó áp miếng tem dính lên miệng bình, dùng bàn ủi nóng ủi lên. Vỏ nhựa và miếng tem bằng giấy bạc thì đặt các cơ sở thổi nhựa làm.
Để làm dầu nhờn đúng phẩm cấp và chất lượng, phải lấy 100% dầu gốc được chiết ra từ các nhà máy lọc dầu để làm nguyên liệu, cho thêm phụ gia. Dầu gốc loại này đã có đầy đủ các tiêu chí như chỉ số độ nhớt, nhiệt độ chớp cháy, trị số kiềm tổng, tổng lượng axit.. đảm bảo làm trơn, mát, tốt cho động cơ. Tuy nhiên vì lợi, các cơ sở nhỏ không ai cho các thứ dầu gốc và phụ gia vào nhiều vì giá khá đắt. Do đó, đa số nhớt bán ra thị trường không thể nói gì được về chất lượng, phẩm cấp.
Để đối phó với cơ quan quản lý, các cơ sở này mua nhớt tốt đưa vào bình của mình rồi đưa qua trung tâm kiểm định. Cơ quan kiểm định xác định thành phần của mẫu xét nghiệm, còn doanh nghiệp tự công bố và chịu trách nhiệm. Từ tờ giấy kiểm định này, các cơ sở cứ thế mà ghi thành phần chất lượng lên nhãn hiệu. Người sử dụng sẽ lầm tưởng kết quả kiểm định kia chính là giấy công nhận chất lượng sản phẩm. Thậm chí khi cơ quan quản lý thị trường hỏi tới, người ta cũng trình ra tờ giấy này.
Cần – một tay chuyên nấu nhớt thuê cho biết, anh ta đã làm cách này và đã có được tờ giấy kiểm định cho hơn10 cơ sở chế biến. Anh ta còn bày cách làm nhớt giả, vì loại này giá thành vẫn thấp nhưng giá bán cực cao.
“Nếu muốn làm nhớt giả, tụi này nhận cung cấp vỏ bình thật của các hãng nhớt nổi tiếng luôn, kể cả tem giấy bạc, nắp bình”, người thanh niên này đặt vấn đề.
Theo cách này, các cơ sở làm nhớt giả đi mua gom chai nhớt thật về, đặt làm lại cái nắp và tem giả, sau đó cho nhớt tái chế vào, đóng nắp là thành chai chính hãng 100%, không thể nào phân biệt. Ông Lê Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Castrol BP Petco, chủ sở hữu hai nhãn hiệu nổi tiếng Castrol và Vistra thừa nhận, hiện nay trên thị trường vẫn còn tình trạng nhớt giả nhãn hiệu Castrol và Vistra. "Chúng tôi đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để bảo vệ người tiêu dùng và triệt tiêu nạn hàng giả", ông Dũng khẳng định với phóng viên VietNamNet.
Giá thành chai nhớt xe máy loại này khoảng 17.000 đến 20.000 đồng, đem ra thị trường bán 35 ngàn đồng, còn tiệm sửa và rửa xe vẫn bán cho người dùng với giá nhớt thật của chính hãng, từ 55.000 đến 70.000 đồng.
Trong "ma trận" nhớt, thế giới không thể phân biệt đâu là nhớt thật, nhớt giả, nhớt kém chất lượng. Ảnh: Đặng Vỹ
Tại cơ sở chiết nạp nhớt nhãn hiệu có chữ “pec” ở xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, mặc dù khách nói là đến mua hàng số lượng lớn và muốn xem dây chuyền để đánh giá chất lượng, nhưng chủ cơ sở chỉ tiếp ở nhà trên, không cho bước xuống dưới nhà. Trên catologe của “nhà sản xuất” này có giới thiệu đầy đủ dây chuyền máy móc thiết bị đo, dây chuyền chiết nạp hiện đại, nhưng người dẫn đường nói rằng chẳng có máy móc gì cả, vì chính anh lắp cho cơ sở này các dụng cụ chiết nạp. “Chỉ có cái bồn chứa, ống tuy-ô với bàn ủi thôi”, Cần nói.
Theo Truân, nhân vật đã nói đến trong bài trước, không ai điên gì lắp đặt dây chuyền chiết nạp hiện đại, vì tốn hàng tỷ đồng, trong khi làm ăn chụp giựt thì phải thu lợi lớn và nhanh. Chỉ riêng cái máy đo chỉ số độ nhớt đã tốn 76.000 USD, máy đo nhiệt độ chớp cháy cũng 26.000 USD. Trong khi đó, toàn bộ “dây chuyền” chiết nạp thủ công tại nhà gồm một nồi nấu, một bồn 1.000 lít, một khuôn đúc vỏ bình nhựa, chưa tới 40 triệu đồng.
Đỗ Anh Hải, chủ lò nấu nhớt ở Cát Lái quận 2, cũng cho rằng nếu một ngày nấu cắt dưới 50 phuy nhớt thải thì không thể lắp đặt dây chuyền chiết nạp, vì dây chuyền tốn vài tỷ đồng. “Tốt nhất là đóng bằng tay, chỉ vài người nhà, đã đóng được vài ngàn bình một ngày”.
Thật giả khó lường
Sau khi chiết nạp, các loại nhớt này tỏa ra các nơi, tuồn về các ngả, đưa đến các tiệm sửa, rửa xe, các cây xăng tư nhân…, và từ đây trở vào lại ôtô, xe máy.
Nguyễn Văn Bảy, thợ sửa xe tại ngã ba Gò Dầu – Tân Quý phường Tân Quý quận Bình Tân cho biết, chính các hãng nhớt có thị phần lớn lại càng bị làm giả. Tại tiệm của mình, anh giữ một số bình nhớt Castrol, Vistra 300 giả để giúp khách hàng phân biệt với nhớt thật. “Cái vỏ bình là thật 100%”, Bảy cho biết. “Họ chỉ cần đặt làm cái nắp và miếng kim loại trên miệng bình, cho nhớt giả vô đóng lại là xong”.
Ở nhãn hiệu Vistra 300, có thể phân biệt nhớt giả ở tem. Tem nhớt thật được ép phẳng, sắc, in bằng công nghệ 3D nên khó nhìn thấy chữ và hoa văn ngũ sắc. Còn tem giả màu xỉn, nhăn nhúm, không làm được công nghệ 3D nên nhìn thẳng vẫn thấy hoa văn và chữ "bp". Ảnh: Đặng Vỹ
Do vỏ bình là thật, trong khi lại không có công cụ gì để phân tích thành phần nhớt, nên theo Bảy, chỉ có cách duy nhất là xem miếng tem dán trên miệng bình. Tem nhớt Vistra 300 chính hãng làm bằng công nghệ 3D, nhìn nghiêng mới thấy hoa văn ngũ sắc và chữ “bp” sắc nét, dán phẳng; còn chai nhớt giả có tem nhàu nát, xỉn màu, nhìn thẳng vẫn thấy hoa văn và chữ "bp" lem nhem. Tổng Giám đốc Công ty Castrol BP Petco cũng xác nhận cách nhận chuyện này.
Hiện nay, điểm đổ nhớt chính là các cây xăng, ga-ra ôtô, tiệm sửa và rửa xe máy. Thói quen của chủ xe là ngồi đọc báo, chỉ khi nghe hỏi có đổ thay nhớt hay không, thì gật đầu, và chẳng cần biết đó là nhớt loại gì.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc Công ty dầu nhớt GS Việt Nam, là nhà phân phối các loại sản phẩm nhớt của hãng GS Oil Hàn Quốc, cho rằng đó là thói quen tai hại. Theo ông Cường, thủ phạm của việc rỉ nhớt từ trong xe ra, chính là lượng axit còn tồn dư trong nhớt quá nhiều. Khi các lò thủ công đổ axit vào để tách cặn, lượng axit hoàn toàn vẫn còn trong đó. Axit ăn mòn các lớp đệm (ron) bằng da, cao su, và chảy ra ngoài. “Axit sẽ phá hủy khiến máy móc sẽ hỏng hóc rất nhanh”, ông Cường cho biết.
Hiện nay trên thị trường, có đến hàng trăm chủng loại nhớt ôtô, xe máy, với giá cả muôn hình vạn trạng và chất lượng cũng muôn màu muôn vẻ, thật giả khó phân. Đứng top đầu và đã khẳng định thương hiệu tại thị trường Việt Nam có một số nhãn như Sell, Caltex, Exxon Mobil; Ultra, Golden Pearl 3, Kixx D1, Geartec GL5 của hãng GS Oil; Castrol, Vistra của BP, PLC RACER SJ của Petrolimex… Các loại này có giá 55-70.000 đồng/bình, còn dưới đó là hàng trăm loại có tên kèm theo những cái đuôi na ná nhau nào những “be”, “pec”, “tec”, “lub”…, có địa chỉ sản xuất tại Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bình Chánh… giá chỉ từ 25.000 đến 35.000 đồng/bình. Tình trạng "thật giả phân tranh" khiến cho người tiêu dùng rất dễ mua nhầm hàng dỏm.
(theo vietnamnet)