Page 1 of 2 12 LastLast
Results 1 to 20 of 24

Thread: Cái chết của một ngôn ngữ: tiếng Việt Sài Gòn cũ

  1. #1
    đệ nhất gàn hoaphonglan1911's Avatar
    Join Date
    Nov 2006
    Posts
    850

    Default Cái chết của một ngôn ngữ: tiếng Việt Sài Gòn cũ

    Cái chết của một ngôn ngữ: tiếng Việt Sài Gòn cũ
    Trịnh Thanh Thuỷ

    Vấn đề ngôn ngữ là vấn đề của muôn thuở, không riêng gì của người Việt. Trong bài viết này, tôi muốn bàn về một thực trạng của tiếng Việt mà đã đến lúc, chúng ta không thể không suy nghĩ về nó một cách nghiêm túc. Đó là nguy cơ diệt vong của một thứ tiếng Việt mà người miền Nam Việt Nam dùng trước năm 1975 hay còn được gọi là tiếng Việt Sài Gòn cũ. Thứ tiếng Việt đó đang mất dần trong đời sống hàng ngày của người dân trong nước và chẳng chóng thì chầy, nó sẽ biến thành cổ ngữ, hoặc chỉ còn tìm thấy trong tự điển, không còn ai biết và nhắc tới nữa. Điều tôi đang lo lắng là nó đang chết dần ngay chính trong nước chứ không phải ở ngoài nước. Người Việt hải ngoại mang nó theo hành trình di tản của mình và sử dụng nó như một thứ ngôn ngữ lưu vong. Nếu người Việt hải ngoại không dùng, hay nền văn học hải ngoại không còn tồn tại, nó cũng âm thầm chết theo. Nhìn tiếng Việt Sài Gòn cũ từ từ biến mất, lòng tôi bỗng gợn một nỗi cảm hoài. Điều tôi thấy, có lẽ nhiều người cũng thấy, thấy để mà thấy, không làm gì được. Sự ra đi của nó âm thầm giống như những dấu tích của nền văn hoá đệ nhất, đệ nhị cộng hoà VN vậy. Người ta không thể tìm ra nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, Cổ Thành Quảng Trị, nghĩa trang Quận Đội, trường võ bị Thủ Đức, v.v... Tất cả đã thay đổi, bị phá huỷ hoặc biến đi như một sắp xếp của định mệnh hay một định luật của tạo hoá.

    Nhắc đến tiếng Việt Sài Gòn cũ là nhắc tới miền Nam Việt Nam trước 1975. Vì cuộc đấu tranh ý thức hệ mà Nam, Bắc Việt Nam trước đó bị phân đôi. Sau ngày Việt Nam thống nhất năm 75, miền Nam thực sự bước vào sự thay đổi toàn diện. Thể chế chính trị thay đổi, kéo theo xã hội, đời sống, văn hoá và cùng với đó, ngôn ngữ cũng chịu chung một số phận. Miền Bắc thay đổi không kém gì miền Nam. Tiếng Việt miền Bắc đã chịu sự thâm nhập của một số ít ngữ vựng miền Nam. Ngược lại, miền Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp sự chi phối của ngôn ngữ miền Bắc trong mọi lãnh vực. Nguời dân miền Nam tập làm quen và dùng nhiều từ ngữ mà trước đây họ không bao giờ biết tới. Những: đề xuất, bồi dưỡng, kiểm thảo, sự cố, hộ khẩu, căn hộ, ùn tắc, ô to con, xe con, to đùng, mặt bằng, phản ánh, bức xúc, tiêu dùng, tận dụng tốt, đánh cược, chỉ đạo, quyết sách, đạo cụ, quy phạm, quy hoạch, bảo quản, kênh phát sóng, cao tốc, doanh số, đối tác, thời bao cấp, chế độ bao cấp, chế độ xem, nâng cấp, lực công, nền công nghiệp âm nhạc, chùm ảnh, chùm thơ, nhà cao tầng, đáp án, phồn thực, sinh thực khí, từ vựng, hội chứng, phân phối, mục từ, kết từ, đại từ, nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân,v.v...dần dà đã trở thành những từ ngữ quen thuộc trong đời sống hàng ngày của người dân miền Nam.

    Có những từ ngữ miền Nam và miền Bắc trước 75 đồng nghĩa và cách dùng giống nhau. Có những từ cùng nghĩa nhưng cách dùng khác nhau. Tỷ như chữ "quản lý" là trông nom, coi sóc. Miền Nam chỉ dùng từ này trong lãnh vực thương mại trong khi miền Bắc dùng rộng hơn trong cả lãnh vực cá nhân như một người con trai cầu hôn một người con gái bằng câu: "Anh xin quản lý đời em". Hoặc từ "chế độ" cũng vậy, miền Nam chỉ dùng trong môi trường chính trị như "chế độ dân chủ". Miền Bắc dùng bao quát hơn trong nhiều lãnh vực như "chế độ xem", "chế độ bao cấp". Có những từ miền Bắc dùng đảo ngược lại như đơn giản - giản đơn; bảo đảm - đảm bảo; dãi dầu - dầu dãi; vùi dập - dập vùi. v.v...

    Song song với việc thống nhất đất nước, chính quyền Việt Nam đã thống nhất hoá tiếng Việt và gọi đó là "tiếng Việt toàn dân". Cuối năm 1979, đầu năm 1980, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam đã phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục tổ chức một số cuộc hội thảo về vấn đề chuẩn hoá tiếng Việt. Bộ Giáo dục cũng thông qua một số quy định về chính tả trong sách giáo khoa cải cách giáo dục. Ngày 01/7/1983, Quyết nghị của Hội đồng chuẩn hoá chính tả và Hội đồng chuẩn hoá thuật ngữ đã được ban hành và áp dụng cho các sách giáo khoa, báo và văn bản của ngành giáo dục.

    Khi tiếng Việt được thống nhất và chuẩn hoá, toàn quốc sử dụng chung một thứ ngôn ngữ theo một tiêu chuẩn, mẫu mực nhất định. Tiếng Việt Sài Gòn cũ, gồm những từ ngữ mà tiếng Việt miền Bắc đã có từ ngữ thay thế, sẽ bị quên đi hoặc bị đào thải. Những từ ngữ thông dụng cho cuộc chiến trước đó sẽ biến mất trước tiên. Những: trực thăng, cộng quân, tác chiến, địa phương quân, thiết vận xa, xe nhà binh, lạnh cẳng, giới chức(hữu) trách, dứt điểm, phi tuần, chào bãi, tuyến phòng thủ, trái bộc pha, viễn thám, binh chủng, phi hành, gia binh, ấp chiến lược, nhân dân tự vệ, chiêu hồi, chiêu mộ, v.v… hầu như ít, thậm chí không được dùng trong hiện tại. Những từ ngữ thông dụng khác như ghi danh, đi xem đã bị thay thế bằng đăng ký, tham quan. Nhiều từ ngữ dần dần đã bước vào quên lãng như:sổ gia đình, tờ khai gia đình, phản ảnh, đường rầy, cao ốc, bằng khoán nhà, tĩnh từ, đại danh từ, túc từ, giới từ, khảo thí, khán hộ, khao thưởng, hữu sự, khế ước, trước bạ, tư thục, biến cố, du ngoạn, ấn loát, làm phong phú, liên hợp, gá nghĩa, giáo học, giáo quy, hàm hồ, tráng lệ, thám thính, tư thất, chẩn bệnh, chi dụng, giới nghiêm, thiết quân luật, v.v...

    Ở hải ngoại, khi bắt đầu cầm bút, trong tâm thức một người lưu vong, viết, đối với tôi, là một động tác mở để vỡ ra một con đường: Đường hoài hương. Nhiều người viết hải ngoại cũng tìm đến con đường về cố hương nhanh nhất này như tôi. Hơn nữa, để đối đầu với cơn chấn động văn hóa thường tạo nhiều áp lực, tôi xem viết như một phương pháp giải toả và trám đầy nỗi hụt hẫng, rỗng không của một người vừa ly dị với quê hương đất tổ sau một hôn phối dài. Tôi không bao giờ để ý đến việc mình viết cho ai, loại độc giả nào, trong hay ngoài nước, và họ có hiểu thứ ngôn ngữ mình đang dùng hay không vì lúc đó, chỉ có một vài tờ báo điện tử liên mạng mới bắt đầu xuất hiện ở hải ngoại. Sau này, nhờ kỹ thuật điện toán ngày một phát triển, cầu giao lưu giữa trong và ngoài nước được nối lại, độc giả trong và ngoài nước đã có cơ hội tiếp xúc, thảo luận, đọc và viết cho nhau gần như trong gang tấc. Đó là lúc tôi được tiếp xúc với dòng văn học trong nước và làm quen với nhiều từ ngữ mới lạ chưa từng được nghe và dùng. Ngược lại, trong nước cũng vậy, số người lên mạng để đọc những gì được viết bởi người cầm bút ngoài nước cũng không ít.

    Thế hệ chúng tôi được người ta âu yếm gọi là thế hệ một rưỡi, thế hệ ba rọi hay nửa nạc nửa mỡ, cái gì cũng một nửa. Nửa trong nửa ngoài, nửa tây nửa ta, nửa nam nửa bắc, nửa nọ nửa kia, cái gì cũng một nửa.

    Do đó, nhiều lúc tôi phân vân không biết mình nên dùng nửa nào để viết cho thích hợp nữa. Nửa của những từ ngữ Sài Gòn cũ hay nửa của tiếng Việt thông dụng trong nước? Mình có nên thay đổi lối viết không? Tôi nghĩ nhiều người viết hải ngoại cũng gặp khó khăn như tôi và cuối cùng, mỗi người có một lựa chọn riêng. Không chỉ trong lãnh vực văn chương, thi phú mà ở các lãnh vực phổ thông khác như giáo dục và truyền thông cũng va phải vấn đề gay go này. Việc sử dụng nhiều từ ngữ thông dụng của quốc nội ở hải ngoại đã gặp nhiều chống đối và tạo ra những cuộc tranh luận liên miên, dai dẳng.

    Các cơ quan truyền thông như báo chí, truyền thanh, truyền hình thường xuyên bị chỉ trích và phản đối khi họ sử dụng những từ trong nước bị coi là "chữ của Việt Cộng" và được yêu cầu không nên tiếp tục dùng. Nhất là ở Nam Cali, báo chí và giới truyền thông rất dễ bị chụp mũ "cộng sản" nếu không khéo léo trong việc đăng tải và sử dụng từ ngữ. Chiếc mũ vô hình này, một khi bị chụp, thì nạn nhân xem như bị cộng đồng tẩy chay mà đi vào tuyệt lộ, hết làm ăn vì địa bàn hoạt động chính là cộng đồng địa phương đó.

    Trong cuốn DVD chủ đề 30 năm viễn xứ của Thúy Nga Paris, chúng ta được xem nhiều hình ảnh cộng đồng người Việt hải ngoại cố gìn giữ bản sắc văn hoá Việt Nam bằng cách mở các lớp dạy Việt ngữ cho các con em. Khắp nơi trên thế giới, từ nơi ít người Việt định cư nhất cho tới nơi đông nhất như ở Mỹ, đều có trường dạy tiếng Việt. Riêng ở Nam California, Mỹ, hoạt động này đang có sự khởi sắc. Ngoài những trung tâm Việt ngữ đáng kể ở Little Saigon và San José, các nhà thờ và chùa chiền hầu hết đều mở lớp dạy Việt ngữ cho các em, không phân biệt tuổi tác và trình độ. Nhà thờ Việt Nam ở Cali của Mỹ thì rất nhiều, mỗi quận hạt, khu, xứ đều có một nhà thờ và có lớp dạy Việt ngữ. Chùa Việt Nam ở Cali bây giờ cũng không ít. Riêng vùng Westminster, Quận Cam, Cali, đi vài con đường lại có một ngôi chùa, có khi trên cùng một con đường mà người ta thấy có tới 3, 4 ngôi chùa khác nhau. Việc bảo tồn văn hoá Việt Nam được các vị hướng dẫn tôn giáo như linh mục, thượng tọa, ni sư nhắc nhở giáo dân, đại chúng mỗi ngày. Lớp học tiếng Việt càng ngày càng đông và việc học tiếng Việt đã trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng lưu vong. "Tại Trung tâm Việt ngữ Hồng Bàng, năm nay số học sinh nhập học tiếng Việt lên tới 700 em. Những thầy cô dạy tiếng Việt đều làm việc thiện nguyện hoàn toàn, đã hết lòng chỉ dạy cho các em, nhất là các em vừa vào lớp mẫu giáo tiếng Việt" (trích Việt báo, Chủ nhật, 9/24/2006)

    Về vấn đề giáo trình thì mỗi nơi dạy theo một lối riêng, không thống nhất. Sách giáo khoa, có nơi soạn và in riêng để dạy hoặc đặt mua ở các trung tâm Việt ngữ. Còn ở đại học cũng có lớp dạy tiếng Việt cho sinh viên, sách thường được đặt mua ở Úc. Một giảng sư dạy tiếng Việt tâm sự với tôi: "Khi nào gặp những từ ngữ trong nước thì mình tránh đi, không dùng hoặc dùng từ thông dụng của Sài gòn cũ trước 75 vì nếu dùng cha mẹ của sinh viên, học sinh biết được, phản đối hoặc kiện cáo, lúc ấy phải đổi sách thì phiền chết."

    Sự dị ứng và khước từ việc sử dụng tiếng Việt trong nước của người Việt hải ngoại có thể đưa tiếng Việt ở hải ngoại đến tình trạng tự mình cô lập. Thêm nữa, với sự phát triển rầm rộ của kỹ thuật điện toán và thế giới liên mạng, báo chí, truyền thông của chính người Việt hải ngoại đến với mọi người quá dễ dàng và tiện lợi. Độc giả cứ lên mạng là đọc được tiếng Việt Sài Gòn cũ nên họ dường như không có nhu cầu tìm hiểu tiếng Việt trong nước. Kết quả là tiếng Việt trong và ngoài nước chê nhau!!!

    Việc người Việt hải ngoại chống đối và tẩy chay ngôn ngữ Việt Nam đang dùng ở trong nước có vài nguyên do:

    Thứ nhất là do sự khác biệt của ý thức hệ. Những người Việt Nam lưu vong phần lớn là người tị nạn chính trị. Họ đã từ bỏ tất cả để ra đi chỉ vì không chấp nhận chế độ cộng sản nên từ chối dùng tiếng Việt trong nước là gián tiếp từ chối chế độ cộng sản.

    Thứ hai, sự khác biệt của từ ngữ được dùng trong cả hai lãnh vực ngữ nghĩa và ngữ pháp. Đây là một thí dụ điển hình. Trong cùng một bản tin được dịch từ một hãng thông tấn ngoại quốc, nhà báo ở trong nước và ngoài nước dịch thành hai văn bản khác nhau:

    Trong nước:

    Tàu ngầm hạt nhân Nga bốc cháy

    Interfax dẫn một nguồn tin Hải quân Nga cho hay ngọn lửa bắt nguồn từ phòng điện hóa và dụng cụ bảo vệ lò hạt nhân đã được kích hoạt, do đó không có đe dọa về nhiễm phóng xạ. Phát ngôn viên hạm đội này cho hay: "Lửa bốc lên do chập điện ở hệ thống cấp năng lượng phần mũi tàu.
    (http://vnexpress.net/Vietnam/The-gioi/2006/09/3B9EDF89/)

    Ngoài nước:

    Hỏa hoạn trên tàu ngầm Nga

    Hải quân Nga nói rằng lò phản ứng hạt nhân trên tàu Daniil Moskovsky đã tự động đóng lại và không có nguy cơ phóng xạ xảy ra. Chiếc tàu đã được kéo về căn cứ Vidyayevo. Nguyên nhân hỏa hoạn có thể do chạm giây điện.
    (http://www.nguoi-viet.com/absolutenm...p?a=48362&z=75)

    Một người Việt hải ngoại khi đọc văn bản thứ nhất sẽ gặp những chữ lạ tai, không hiểu nghĩa rõ ràng vì sự khác biệt như những chữ: phòng điện hoá, được kích hoạt, chập điện, hệ thống cấp năng lượng...

    Hơn thế nữa, Việt Nam mới bắt đầu mở cửa thông thương giao dịch với quốc tế; những từ ngữ mới về điện toán, kỹ thuật, y khoa, chính trị, kinh tế, xã hội, ồ ạt đổ vào. Có nhiều từ ngữ rất khó dịch sát nghĩa và thích hợp nên mạnh ai nấy dịch. Ngoài nước dịch hai ba kiểu, trong nước bốn năm kiểu khác nhau, người đọc cứ tha hồ mà đoán nghĩa. Có chữ thà để ở dạng nguyên bản, người đọc nhiều khi còn nhận ra và hiểu nghĩa nó nhanh hơn là phiên dịch.

    Trong việc phiên dịch, theo tôi, địa danh, đường phố, tên người nên giữ nguyên hơn là phiên dịch hay phiên âm. Nếu có thể, xin chú thích từ nguyên bản ngay bên cạnh hay đâu đó bên dưới bài viết sẽ giúp người đọc dễ theo dõi hay nhận biết mặt chữ. Tỷ như việc phiên âm các địa danh trên bản đồ trong sách giáo khoa của Bộ Giáo dục trong nước là việc đáng khen nhưng tôi nghĩ, nếu đặt từ nguyên thủy lên trên từ phiên âm thì các em học sinh chưa học tiếng Anh hoặc đã học tiếng An sẽ dễ nhận ra hơn. Xin lấy tỉ dụ là những địa điểm được ghi trên tấm bản đồ này. (http://i12.photobucket.com/albums/a2...hualuonJPG.jpg)

    Tôi thấy một hai địa danh nghe rất lạ tai như Cu dơ Bây, Ben dơ mà không biết tiếng Mỹ nó là cái gì, ngồi ngẫm nghĩ mãi mới tìm ra: đó là hai địa danh Coos Bay và Bend ở tiểu bang Oregon, nước Mỹ!

    Ngôn ngữ chuyển động, từ ngữ mới được sinh ra, từ cũ sẽ mất đi như sự đào thải của định luật cung cầu. Tiếng Việt Sài Gòn cũ ở trong nước thì chết dần chết mòn; ở ngoài nước, nếu không được sử dụng hay chuyển động để phát sinh từ mới và cập nhật hoá, nó sẽ bị lỗi thời và không còn thích ứng trong hoạt động giao tiếp nữa. Dần dà, nó sẽ bị thay thế bằng tiếng Việt trong nước. Nhất là trong những năm gần đây, sự chống đối việc sử dụng tiếng Việt trong nước ngày càng giảm vì sự giao lưu văn hoá đã xảy ra khiến người ta quen dần với những gì người ta đã phản đối ngày xưa. Tạp chí, sách, báo đã đăng tải và phổ biến các bản tin cũng như những văn bản trong nước. Người ta tìm được nhiều tài liệu, ấn phẩm, sách nhạc quốc nội được bày bán trong các tiệm sách. Các đài truyền thanh phỏng vấn, đối thoại với những nhà văn, nhà báo, chính trị gia và thường dân trong nước thường xuyên. Đặc biệt, giới ca sĩ, nhiều người nổi tiếng ra hải ngoại lưu diễn, đi đi về về như cơm bữa. Giới truyền thông bây giờ sử dụng từ ngữ trong nước rất nhiều, có người mặc cho thiên hạ chỉ trích, không còn ngại ngùng gì khi dùng từ nữa. Khán thính giả có khó chịu và chê trách, họ chỉ giải thích là thói quen đã ăn vào trong máu rồi, không chịu thì phải ráng mà chịu.

    Sự ra đi của một chế độ kéo theo nhiều thứ: con người, tài sản, nhà cửa, vườn tược, lịch sử… nhưng có cái bị lôi theo mà người ta không ngờ nhất lại là "cái chết của một ngôn ngữ". Đau lòng lắm thay!

  2. #2
    Nhím Lang Thang VietLang's Avatar
    Join Date
    Jan 2005
    Location
    Động Nhím Nương
    Posts
    19,100

    Default Re: Cái chết của một ngôn ngữ: tiếng Việt Sài Gòn cũ

    Bài viết đọc rất hay, rất thấm.

    VL qua Mỹ hồi năm 10 tuổi, trình độ học vấn tiếng Việt là trình độ lớp năm. Vì nhờ đọc sách đọc báo nên không quên tiếng mẹ đẻ. Về cách dùng chữ của người trong nước ngày nay VL để ý đến hai điểm chính:

    - Không dùng tiếng Hán Việt mà dịch sang tiếng Việt như: hỏa tiễn thì gọi là tên lửa, hàng không mẫu hạm gọi là tàu hàng không, thủy quân lục chiến gọi là lính thủy đánh bộ, nhu liệu thì gọi là phần mền, cương liệu gọi là phần cứng.

    - Chữ Nôm không dùng, đi dùng chữ Hán Việt cho tỏ ý mình có "học thức" như rác rưởi gọi là phế liệu, thịt cá hư thối gọi là thịt cá phế liệu, đồ ăn thì gọi là thực phẩm, buồn bực thì gọi là bức xúc (bức rức xúc động?), v.v.

    Đôi khi còn có trường hợp tiếng Nôm tiếng Hán trộn lẫn lộn như nồi cám heo như thái dương hệ thì gọi là hệ mặt trời, phá sản thì gọi là mất khả năng chi trả, ngân hà thì gọi là sông ngân, lệ phí thì gọi là tiền phí, v.v.

    Đó la chưa kể vì không hiểu rõ tiếng Hán Việt nên có rất nhiều trường hợp dùng ẩu tả, thí dụ như liên hệ thay vì liên lạc, đa nghi thay vì nghi ngờ, liên lụy được dùng theo động từ thay vì tĩnh từ, nhưng có lẽ chưa có chữ nào dùng bậy bạ nhất bằng hai chữ "vô tư".

    Nhiều khi chữ nghĩ VL viết và dùng trong ĐN không biết những bạn trẻ ở Việt Nam hiểu có hết và có đúng nghĩa như VL đã viết hay không.
    Chú ý: Đọc kỹ Nội Quy trước khi đặt câu hỏi. Xin đừng Spam, nếu spam account sẽ lập tức bị khóa. Cách cám ơn tốt nhất là giúp người khác những gì mình được giúp.


    Tên: Ngô Nhân Kiệt
    Tự là Đằng Giang
    Bút hiệu Việt Lang
    Pháp danh Trúc Vượng


    Những bạn nào muốn liên lạc với Admin Việt Lang có thể liên lạc trực tiếp qua Facebook Việt Lang để trao đổi

  3. #3
    member ngan hoa's Avatar
    Join Date
    May 2007
    Posts
    359

    Default Re: Cái chết của một ngôn ngữ: tiếng Việt Sài Gòn cũ

    Đọc xong bài viết hay này em cảm thấy buồn.
    Last edited by ngan hoa; 09-07-2007 at 01:47 PM.

  4. #4
    Ngươi it noi nguyenvuvnn's Avatar
    Join Date
    Jan 2007
    Location
    TPHCM, VN
    Posts
    671

    Default Re: Cái chết của một ngôn ngữ: tiếng Việt Sài Gòn cũ

    Người xưa có câu: Thắng làm vua, thua làm giặc.Ngôn ngữ chỉ là một phần trong những cái mất của chế độ Sài gòn củ thôi.
    Cám ơn đời đã cho ta ngày mới
    Có thêm ngày để sống để yêu thương



  5. #5
    đệ nhất gàn hoaphonglan1911's Avatar
    Join Date
    Nov 2006
    Posts
    850

    Default Re: Cái chết của một ngôn ngữ: tiếng Việt Sài Gòn cũ

    Theo tôi nghĩ, ngôn ngữ là sinh ngữ, nó tồn tại song song với cuộc sống con người. Giống như câu "nó không tự nhiên sinh ra, không tự nhiên mất đi, mà chỉ dần dần biến đổi cho phù hợp". Chẳng có cái gì mãi mãi trường tồn, cũng chẳng có cái gì là mất đi mãi mãi. Nếu nói như bác Thủy và các bác ở đây thì nhẽ ra chúng ta phải nói năng giống hệt như Trung Cộng chứ, vì chúng ta bị 1000 năm bắc thuộc cơ mà.
    Ấy thế nhưng lại không hề giống tẹo nào. Hoặc giả như người Quảng Đông vậy họ cũng phải nói năng giống như dân Hoa Bắc chứ! Nhưng không đâu, mặc dù họ bị bắt phải học tiếng Hoa Bắc. Ví dụ điển hình là các bác Quảng Đông xưng "tôi" = "ngộ" chứ không xưng "wo" như Hoa Bắc.
    Cũng như vậy, ở VN, mặc dù toàn quốc phải theo một chuẩn học tiếng phổ thông, nhưng khi về địa phương họ vẫn xài tiếng riêng của họ. Ví dụ: ở Bắc Hà thì kêu cha mẹ là "bố mẹ" nhưng Trung Kỳ và Nam Kỳ vẫn kêu là "ba má", Bắc Kỳ gọi "thầy" xưng "em" nhưng Nam Kỳ vẫn gọi "thầy" xưng "con", Bắc kêu bằng "giáo viên" thì Nam kêu bằng "giáo sư tiểu học", "giáo sư trung học"... lấy ví dụ có mà cả ngày không hết.
    Tuy rằng, có rất nhiều từ mới được cập nhật, thậm chí là từ cũ dùng lại, đấy cũng là nhu cầu phát triển tự nhiên thôi. Cũng như các thứ ngôn ngữ khác cũng có cả đống trường hợp "đồng âm dị nghĩa" và "đồng nghĩa dị âm" đó thôi.
    Và nếu các bác có tham khảo "Đại Nam Quấc âm tự vị" của Huình Tịnh Paulus Của tập 1 xuất bản 1895, tập 2 xuất bản 1896 các bác sẽ thấy có rất nhiều từ nói và viết rất khác bây giờ, vậy tại sao không ai than vãn về sự ra đi của thứ ngôn ngữ ấy?
    Các bác thấy tôi viết sai chính tả ở trên phải không? Nhưng chính tả hồi ấy là như vậy đó.

    Trên thực tế: bản thân "ngôn ngữ" không trong sáng, mà trong sáng hay không là ở ý thức hay văn hóa của người dùng nó mà thôi.

  6. #6
    Senior Member
    Join Date
    Nov 2006
    Posts
    1,089

    Default Re: Cái chết của một ngôn ngữ: tiếng Việt Sài Gòn cũ

    tui xin lưu ý các cao thủ võ lâm phải tự lượng sức mình, nếu công lực không đủ thâm hậu thì không nên cố gắng đọc hết pho bí kíp này, coi chừng bị tẩu hỏa nhập ma !


    Cải cách chữ viết tiếng Việt
    (Sưu tầm)


    Qua bao thế hệ cải, cải, cải (và cả cãi nữa) mà chẳng nhích lên được (khoảng) cách nào so với thứ quốc Ngữ mà ngài Rốt đã Bồ hóa ngày xưa, tức là vẫn dậm chân tại chỗ, Bộ quyết tâm lần này cải ra cải và phải cách bằng được. Bắt đầu từ ý kiến cải cách đầu tiên (?), đó là của Bác Hồ ngày xưa là thay D/GI bằng Z, Bộ đã quyết thà zùng thêm một chữ cái chuẩn Latin còn hơn có nhiều chữ quá zư thừa, không đúng với yêu cầu đầu tiên của sách vở záo zục: nhất quán. Còn yêu cầu thứ hai là tối zản, tức zảm bớt những cặp chữ cái thừa, như tại sao phải đèo 2 thằng PH trong khi chỉ chở 1 thằng F là đủ, zù nó là Tây fốp fáp. Tiếng Việt fong fú thật nhưng fong kiểu này chẳng thấy fú đâu mà chỉ fung fí zấy mực, công sức, thời zan và cả bai-tờ (byte) máy tính nữa, tức là làm nghèo đi ! À mà nhắc tới nghèo, G hay NG là ngon rồi tại sao fải lót thêm H cho nó ngộ ngĩnh, trong khi cả 2 đứa khi nge qua lỗ tai nào miễn đừng ngễnh ngãng thì cũng có khác zì nhau đâu? (nhờ thế mà từ nay thằng Ngốc khỏi fải tị thằng Ngếch mãi vì tự nhiên nó có H hơn mình nhé !)
    Zạo này bài học đánh vần chữ S cong lưỡi đã hóa sa sưa rồi, vậy sao không đánh đồng nó với X mà từ trước đến nay thiên hạ chỉ sem là một thôi ? Nếu sét về tình thì nên chọn S thay X vì tên X trông nó cứ sấu sí, sộc sệch thế nào ấy, chẳng được sinh sắn như anh S ! Nhưng X là âm mà người Việt hay nói nên xử zụng nó có lẽ cũng là xáng xuốt thôi. Cùng xố phận với S là em TR nếu đem xo với chị CH thì chông chúng cũng chỉ chòm chèm nhau, thôi thì cứ quy chòn về một mối cho đỡ chầy chật (thế là fải rồi, ai đọc “trân trọng” mà cong lưỡi thì nge cứ cháo chở thế nào ấy ! ) À mà đã loại chừ tay D zở zở ương ương đi rồi thì fí fạm quá, xao không tận zụng hắn để thay luôn cái thằng Đ dểu zả ấy, nó là cái gã fụ âm zuy nhất không có chân chong An-fa-bê Latin mà cứ cứng dầu dứng bám chụ ở bảng chữ cái tiếng Việt dằng dẵng qua bao dợt cải cách, khiến cho bao nhiêu ngón tay fải dau dớn vì bấm dúp trên bàn fím dến dờ dẫn mới dem nó ra dược! Duổi nó di thì dảm bảo sẽ dược dông dảo dồng bào dồng tình thôi! Cải cách có khác ! Dả dảo những nề nếp cũ kỹ !
    Gượm dã, “cũ kỹ” ư, có gì kỳ cục ở dây rồi ! C với K dánh lưỡi lên khác nhau ở chỗ nào nhỉ ? Nếu chỉ kông nhận mỗi chú K thì chẳng fải kao kiến xao ? Kó luật nào kấm kản dâu nhỉ ? Mà dã kải kách thì fải xuyên xuốt từ dầu cho chí dít chứ ! K làm duôi thì chú ngốk nào zám thắk mắk ? Mà kũng không dượk chừa kái duôi CH ra: nếu chú này bám theo kák anh I hay Ê thì dík thị kũng kùng một zuộk với nhà K thôi chứ kó chệk di dâu nhỉ ! Ô, tôi thấy bạn zơ tay rồi dó ! Zỏi ! Nếu dã loại C rồi thì CH (dứng dầu) chả fải zư zả quá dó xao ? Zứt thằng H di thì cẳng fải cong xáng, cỉn cu hơn hay xao ?
    A, lại kòn kái ông Q mà dố ai zám fát âm dúng tiếng Việt dấy ! Quái quỷ thật… ồ quả nhiên, vừa nhắc xong là thấy liền dấy, ông này fỏng kó bao zờ dứng xô-lô mà lúc nào kũng quắp ku U theo quấn quýt, kớ xao không qẳng nó đi mà làm qân tử tự qyết xố fận mình nhỉ ? Ô, lại qên rồi ! Q với K qí vị nào zám qả qyết là khác nhau ? Vậy xao không bỏ kuách một chữ kái thừa di nhỉ ? Kuốc ngữ mà, fải nhất kuán chứ !
    Hừm ! Dã nhất kuán thì bản thân chữ nhất kuán kũng fải huàn tuàn… nhất kuán ! Nói kách khák không thể để “kuán” và “hoán” là hai kách viết khác nhau kủa kùng một âm dượk ! Thế thì cuáng, cuáng thật ! Nói chẳng ngua, như “bông hua”, người Hua người ta kũng viết là hua mà ! Mà nếu dã viết “đúa hua”, thì không thể nhập nhằng với “vuô chuố” dượk dâu nhé ! Ngôn ngữ kuổ kuốc za cứ nào fải chợ buố ! Kũng vậy, “lưa thưa” là kiểu cữ xươ rồi, nay cớ kó ai viết bườ như vậy dượk nưỡ.
    Chươ xog dơu thuơ wí vị, kòn jiều fuơg án kải kaq kựk kì kấp tién mag tíj kaq mạg nưỡ dã duọk dề ngị, jưg zo wan ngại tìj cạg nguòi Viẹt khôg dọk duọk jữg zì mìh gi, nên cỉ zừg ở mứk dộ ngien kứu cờ dáj zá, chuơ tién hàj cuơg cìj thí diẻm dồg luạt.
    Huan hô kải kách !

    LTBeng

  7. #7
    Senior Member
    Join Date
    Nov 2006
    Posts
    1,089

    Default Re: Cái chết của một ngôn ngữ: tiếng Việt Sài Gòn cũ

    Đấu láo tào lao vài hàng nha bà con..

    Độ này tui thấy ở VN và các websites trong nước rất hay dùng chữ LIVE Nào là Live show, Live concert v.v..Thậm chí đi nghe buổi trình diễn của Phạm Duy cũng gọi là Live show, đêm nhạc của Hồng Nhung trình làng dĩa CD Như cánh vạc bay cũng gọi là Live show, show Góc trời Tuấn Ngọc cũng là Live show !!! Chắc là có ai khám phá ra chữ LIVE thật câu khách nên đi đâu cũng thấy chữ LIVE

    Đọc mấy chữ Live này tui rất lấy làm thắc mắc !! Thiệt tình, show nào mà chả LIVE ? Show nào mà chả là nhạc "sống" ? Tại sao lại không viết thẳng là Show, Concert mà lại thêm chữ LIVE vậy ?

    Ở Mỹ các shows nhạc hay các buổi trình diễn thông thường chỉ dùng chữ show hay concert. Chỉ khi nào show được phát thanh hay truyền hình lên radio hoặc TV thì các đài phát thanh/truyềnhình mới dùng chữ Live Show hay Live Concert để báo cho khán giả biết là show được thâu LIVE trực tiếp, trước đám đông hay trên sân khấu chứ không phải là màn trình diễn được dàn dựng trong phim trường.

    Ai biết lý do tại sao chữ Live này rất thịnh hành trong nước xin vui lòng cắt nghĩa cho tui hiểu được không ?

  8. #8
    Senior Member
    Join Date
    Nov 2006
    Posts
    1,089

    Default Re: Cái chết của một ngôn ngữ: tiếng Việt Sài Gòn cũ

    Trần Ngọc Cư
    Thi ca xứ này





    Chúng ta thường nghĩ rằng ở trong mỗi tâm hồn Việt Nam đều có một thi sĩ, hay nói cách khác, người Việt Nam sinh ra và lớn lên trong bầu khí văn hoá ra-ngõ-gặp-thi-nhân. Đầu đời là những câu ca dao mẹ hát ru con, cuối đời là câu kinh tiếng kệ, những lời nguyện cầu, đều là thơ cả. Làm thơ và thưởng thức thơ là một sinh hoạt trí thức phổ biến trong nếp sống văn hóa Việt Nam. Người Việt ta khi ra định cư ở nước ngoài cũng mang theo ít nhiều hành trang văn hoá này, mặc dầu hiện nay lòng yêu thích thi ca chỉ còn được biểu hiện rõ nét ở những người lớn tuổi, nói chung là những người khi rời quê hương cũng đã được trang bị một ít vốn liếng Việt văn, tiếp thu được từ chương trình trung học, khả dĩ cảm nhận thấm thía khi nghe câu hát "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời..." của nhạc sĩ Phạm Duy. Nhan nhản trong các tạp chí bày bán hoặc tặng biếu ở các khu thương mại hoặc trên các báo điện tử của người Việt đều có trang thơ. Trong các cộng đồng người Việt rải rác trên đất Mỹ, nếu chịu tò mò một chút chúng ta cũng có thể phát hiện một số hội thơ. Nắm bắt được tấm thịnh tình người Việt dành cho thi ca, Bill Clinton đã chịu khó soạn bài trước khi sang thăm nước ta vào năm 2000 và ông đã nhắc đến nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong một bài diễn văn đọc trong chuyến công du này.

    Với tình yêu thi ca của một tâm hồn Việt Nam, liệu chúng ta có thể "suy bụng ta ra bụng người" được không? Trong bài này chúng tôi sẽ điểm qua tình hình thi ca hiện nay tại Mỹ, hay đặt vấn đề một cách khác: Người Mỹ có còn thích đọc thơ hay không?

    Nói ra thì nghe thật bẽ bàng, nhưng đối với người Mỹ, dù là người ở ngoài đường phố hay là một trí thức chuyên gia, thi ca là một loại hình văn chương đang trên đường đi tới chỗ diệt vong. Nàng Thơ đang vào cõi chết, nhưng chẳng mấy ai “sẵn mối động tâm”. Khó mà tưởng tượng được người Mỹ có thể sống trong một thế giới không có phim ảnh, kịch nghệ, hài, tiểu thuyết và âm nhạc; nhưng nếu phải ở trong một thế giới thiếu vắng thi ca thì họ vẫn điềm nhiên theo đuổi hạnh phúc trần thế, chẳng có gì băn khoăn thắc mắc. Sau khi rời ghế nhà trường, là nơi bị cưỡng chế phải học thơ văn, cả hàng chục năm trong cuộc đời trưởng thành của một người Mỹ chưa chắc đã có mấy ai chịu cầm lấy một tập thơ hay một bài thơ để “thưởng thức”. Họ ngại phải động não để giải mã những biểu tượng (symbols) hay ám từ (allusion) rải rác trong một bài thơ. Từ người lao động đến các nhà khoa bảng, chẳng mấy ai có đủ tự tin để kể được tên một thi sĩ lớn hiện đang còn sống, mặc dù ai cũng có thể nói vanh vách tên các cầu thủ, các tài tử điện ảnh, các tỉ phú, các tiểu thuyết gia mà họ hâm mộ. Trong phép ứng xử với giới trẻ, ta lại càng không nên đem thi ca ra mà luận bàn với họ. Xin đừng vội nghĩ người Mỹ không thích đọc sách, mà nên nghĩ ngược lại. Trên ghế đá công viên, trên máy bay, trên các phương tiện di chuyển công cộng, số người có quyển sách trên tay vẫn là con số đáng kể. (Mỗi lần đi xa bằng phương tiện máy bay hay xe lửa, tôi luôn luôn có ấn tượng về không khí yên ắng chung quanh, trong đó đa số hành khách chăm chú đọc sách chứ không chuyện trò trao đổi ồn ào với người ngồi bên cạnh.) Trong tuần báo Newsweek, số ra ngày 5 tháng 5, 2003, Bruce Hexter đã bày tỏ nỗi bức xúc với các nhà thơ: "Là một người đam mê đọc sách, tôi thậm ghét việc đọc thơ. Mỗi lần phải cày qua các ngụ từ, các biểu tượng [trong một bài thơ] là một lần tôi lại thắc mắc là tại sao các ông thi sĩ mắc dịch (the damn poets) không nói huỵch toẹt cái điều họ muốn nói ra.”

    Sự chuyển biến trong đời sống văn hóa của xã hội Mỹ trong mấy thập niên qua không có gì thuận lợi cho thi ca. Đã xa rồi cái thời người ta trải chiếu hoa cho các nhà thơ. Hình ảnh thi sĩ Robert Frost được mời đọc thơ trong ngày John F. Kennedy nhậm chức Tổng thống đã đi vào lịch sử như một biểu tượng của nỗ lực "chiêu hiền đãi sĩ," xiển dương văn hóa, khoa học kỹ thuật, hướng về một “tân biên cương”, qui tụ dưới trướng cuả mình những "bộ óc ưu việt" (“the best and the brightest"). Người Mỹ thường gọi thời kỳ của Kennedy là Camelot, theo tên triều đình Camelot của vua Arthur trong huyền sử nước Anh, với thẩm mỹ và giác ngộ trí tuệ được đề cao và lý tưởng hoá. (Thi ca được coi là một loại hình nghệ thuật đòi hỏi sự vận dụng của một tri thức tổng hợp, theo đó người thưởng thức thi ca phải có trình độ nắm bắt những biểu tượng, hiểu được các điển tích, ngụ từ, nhằm giải mã thông điệp của một bài thơ.)

    Nhưng bước qua hai thập niên 70 và 80, văn hoá Mỹ trở nên chân phương (prosaic) hẳn ra so với thời kỳ hào nhoáng và đỏm dáng của J. F. Kennedy. Tính hàm hồ, phức tạp và nghịch lý bị thất sủng; trong khi sự trong sáng giản dị được đề cao trong lãnh vực truyền thông. Đây là thời kỳ mà văn hoá Mỹ ôm lấy nghĩa đen hơn là chạy theo nghĩa bóng (the literalization of America). Người ta đâm ra dị ứng với quan niệm “ý tại ngôn ngoại, ý tưởng nằm ngoài ngôn ngữ,” một thuộc tính của thi ca mà trước đây từng được nhiều nhà thơ raogiảng. Như ý kiến của William Butler Yeats (1965-1939), “Những gì có thể giải thích thì không còn là thi ca” (What can be explained is not poetry) hay phát biểu của Archibald MacLeish (1892-1982), “Một bài thơ phải không có lời/ Như là đường bay của chim" (A poem should be wordless/ As the flight of birds). Lối tư duy này của thi ca không phục vụ cho yêu cầu truyền thông đại chúng. Không mấy chính trị gia trong thời kỳ này còn trích dẫn thơ của các thi sĩ đương thời trong diễn văn của mình và một thiểu số rất nhỏ các thi sĩ thành danh cũng dần dần khuất núi hay vắng bóng trên văn đàn. Thật ra thập niên 60 đã chứng kiến sự ra đi của ba nhà thơ lớn là Robert Frost (1874-1963), Carl Sandburg (1878-1967) và Langston Hughes (1921-1967); tiếng chuông chiêu hồn của những vị này cũng là hồi chuông báo tử cho thi ca Mỹ.

    còn tiếp

  9. #9
    Senior Member
    Join Date
    Nov 2006
    Posts
    1,089

    Default Re: Cái chết của một ngôn ngữ: tiếng Việt Sài Gòn cũ

    Vào khoảng thập niên 90, Nàng Thơ coi như đã trút xong hơi thở cuối cùng trên xứ Cờ Hoa. Độc giả yêu thơ, như phần lớn người Việt ta, chắc sẽ bàng hoàng và cho đây là một phát biểu ngoa ngụy. Dẫu nói thế nào đi nữa, không ai có thể bắt người khác phải tin vào một điều gì mà không cần thực chứng. Thực chứng đó là: trong các loại hình văn học nghệ thuật hiện nay ở Mỹ, thi ca có lẽ là loại hình có số người viết vượt quá xa số người chịu bỏ thì giờ ra để đọc. Có lẽ bất cứ ai cũng viết được một bài thơ "con cóc". Nhưng muốn thưởng thức một bài thơ hay, như đã trình bày ở trên, người đọc phải có một trình độ tri thức tổng hợp và phải có đủ đam mê. Trong thời đại thông tin internet này, không ai có đủ kiên trì để ngồi đọc một bài thơ đến hàng chục lần trước khi âm điệu thấm vào cảm quan và ý nghĩa đi vào tâm thức. Không ai muốn những con chữ đến với mình như nước đổ lá môn; người ta đòi hỏi ý nghĩa một bài thơ phải triển khai mạch lạc, vừa rõ ràng vừa nhanh nhạy. Người đọc muốn một thể văn có tính tự sự (narrative-driven), một loại hình nghệ thuật tự lập (stand-alone art), không đòi hỏi người thưởng ngọan phải có trình độ để nắm bắt một văn cảnh quá rộng lớn như thi ca.

    Cuộc sống ngày càng đa dạng và con người bị phân tán mỏng bởi nhiều lực hấp dẫn khác nhau, ngay cả trong sinh hoạt văn nghệ. Điện ảnh, âm nhạc, tiểu thuyết, kịch nghệ, thông tin internet và sự nở rộ các phương tiện truyền thông bằng văn nói đã giành mất chỗ đứng của thi ca. Đối với tuyệt đại đa số độc giả Mỹ, có lẽ thi ca đã làm xong vai trò lịch sử của nó và đang đi vào màn đêm của dĩ vãng. Thi ca được thiết kế cho một thời đại trong đó người ta có đủ nhàn tản và đam mê để trau chuốt, nâng niu, nhâm nhi từng con chữ, mà nhiên hậu đã đưa nghệ thuật này đến dạng thức cao nhất của văn viết. "Thi ca là nghệ thuật lựa chọn và sắp đặt những biểu tượng theo một cách thế có thể kích thích trí tưởng tượng mạnh mẽ và kỳ thú nhất", như William Current Bryant đã nói. Thi ca trên hết là nơi tập trung sức mạnh của ngôn ngữ, có khả năng diễn đạt mối quan hệ thiết tha nhất giữa nội tâm và ngoại giới. Nếu đọc những bài thơ giá trị được viết ra trong thời vàng son của thi ca, nhiều người vẫn cảm nhận sức mạnh đích thực của thi ca - những bài thơ có khả năng đánh động tim óc của người đọc trong những cách thế mà các nhà làm phim hiện nay chỉ biết mơ tưởng mà thôi. Thi ca là phương tiện chuyển tải con người đến những tầng cao của cảm thức, cao hơn bất cứ một loại hình nghệ thuật nào có thể làm được trong chức năng này. Nhưng chính trên đỉnh cao, thi ca trở nên cô đơn và đánh mất người thưởng thức, vì thi ca đòi hỏi quá nhiều ở người làm thơ cũng như người đọc thơ.

    Nàng Thơ (Mỹ) đã chết, nhưng chẳng phải là với “cảnh hương tàn bàn lạnh” đâu. Trong môn văn ở trung học vẫn còn một mục mà học sinh không mấy ưa, đó là thi ca. Trong văn giới vẫn còn lác đác một số nỗ lực, dù vô vọng, nhằm giành lại chỗ đứng cho thi ca trên bầu trời nghệ thuật Mỹ. Tháng 11 năm 2003 bà tỉ phú Ruth Lilly, 87 tuổi, người thừa hưởng gia tài kếch sù của nhà đại tư bản ngành dược Eli Lilly, đã làm một nghĩa cử vô tiền khoáng hậu là trao tặng 100 triệu đô-la cho nguyệt san Thi Ca (Poetry Magazine), một tờ báo có uy tín nhưng đã từ chối đăng thơ của bà suốt nhiều năm. Nhưng bà không lấy đó làm điều, mục đích của bà là phục sinh một loại hình nghệ thuật đã mất hậu thuẫn và sự quan tâm của quần chúng. Trước khi có được quà tặng này, tờ báo trả nhuận bút mỗi dòng thơ được đăng là 2 đô-la, dù tác giả là một nhà thơ từng được giải Nobel đi nữa. Sự thù lao này quả đã phản ánh lời than thở của thi sĩ Tản Đà ở đầu thế kỷ trước, "Văn chương hạ giới rẻ như bèo." Dù có những tấm lòng vàng như bà Lilly, nhưng không mấy ai tin tưởng tiền bạc có thể thay đổi bộ mặt của một loại hình nghệ thuật không đáp ứng yêu cầu thưởng thức của đại chúng.

  10. #10
    ~~~ Lãng du ~~~ quachtinhdaica's Avatar
    Join Date
    Apr 2007
    Location
    Là gió thôi, đi rồi đến, đến rồi lại đi
    Posts
    2,266

    Default Re: Cái chết của một ngôn ngữ: tiếng Việt Sài Gòn cũ

    Xin cám ơn anh HPL, VL, NH và My lady đã có nhìu trăn trở và dám nói ra những điều trăn trở của mình về tiếng Việt. Theo ý riêng của QT, tác giả bài viết chỉ đơn giản hoài niệm về những từ ngữ đã quen sử dụng mà hiện nay không còn phổ biến rộng rãi nữa mà thôi. Hòan toàn không có ý chê bai, bài xích tiếng Việt hiện tại trong nước. Tâm trạng này cũng giống như ngồi nhà lầu mà bổi hổi bồi hồi nhớ túp lều tranh nồng đượm khói bếp thuở bé đã từng sống! Hoài niệm thôi chứ quay lại sống như xưa thì...dễ gì chịu!
    Đó chỉ là QT đưa ra minh họa thôi nha! QT cũng đồng ý với anh Lan, ngôn ngữ không mất đi, mà chỉ chuyển hóa sao cho phù hợp với thời đại thôi. Vì bản thân ngôn ngữ chỉ là công cụ để người ta thể hiện ý mình, để giao tiếp với mọi người xung quanh. Bởi thế, không nhất thiết là lúc nào cũng phải sử dụng từ của hồi xưa hay từ của thời nay, miễn sao đạt được tiêu chuẩn :
    - thể hiện đúng ý của bản thân
    - Người đối diện hiểu rõ
    - trong sáng, lịch sự....
    là đã đạt được điểm 10 cho môn "ngôn ngữ học"
    QT nói vậy có đúng không?


    ~~~~~~Hữu duyên thiên lý


    năng tương ngộ ~~~~~~___




    ~~~~~~Vô duyên đối diện


    bất tương phùng ~~~~~~___


    -o-o-o-o-o-o-


  11. #11
    đệ nhất gàn hoaphonglan1911's Avatar
    Join Date
    Nov 2006
    Posts
    850

    Default Re: Cái chết của một ngôn ngữ: tiếng Việt Sài Gòn cũ

    Quote Originally Posted by quachtinhdaica View Post
    ... Vì bản thân ngôn ngữ chỉ là công cụ để người ta thể hiện ý mình, để giao tiếp với mọi người xung quanh. Bởi thế, không nhất thiết là lúc nào cũng phải sử dụng từ của hồi xưa hay từ của thời nay, miễn sao đạt được tiêu chuẩn :
    - thể hiện đúng ý của bản thân
    - Người đối diện hiểu rõ
    - trong sáng, lịch sự....
    là đã đạt được điểm 10 cho môn "ngôn ngữ học"
    QT nói vậy có đúng không?
    Bài này của QT đáng đạt điểm 100 lắm đó nghe!

    Ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ thứ 2 (mấy người sinh ra và lớn lên ở hải ngoại thì khó xác định rõ cái nào là "tiếng mẹ đẻ" và "ngôn ngữ thứ hai"), ngoại ngữ (những người ở quốc nội thì chỉ có "tiếng mẹ đẻ" và "ngoại ngữ" thôi), khi dùng bất cứ thứ tiếng nào thì vốn từ là rất cần thiết. Đúng như QT nói: "ngôn ngữ là phương tiện để chuyển tải thông tin", vậy nói và giải thích sao cho người nghe hiểu một cách đầy đủ và hoàn thiện là tốt nhất. Do đó, thiết nghĩ, người hiện đại cũng nên học lấy vốn từ của người xưa, và người xưa cũng không nên quá cực đoan mà tảy chay vốn từ của ngày nay.

  12. #12
    Senior Member
    Join Date
    Nov 2006
    Posts
    1,089

    Default Re: Cái chết của một ngôn ngữ: tiếng Việt Sài Gòn cũ

    Nhân đây my lady xin mượn tài liệu này thấy hay hay đính kèm gữi vào cho các chư vị đọc mới biết tiếng Việt mình đã ảnh hưởng và được thông dụng mãi đến nay..


    ui da / ai da (mượn từ tiếng Quảng Đông)
    thùng phuy
    tia la de
    bệnh sida (từ tương đương trong tiếng Việt: bệnh liệt kháng)
    game thủ (người chơi game, gamer)
    sạc điện / pin
    cục pin
    con chip
    cái mỏ lết
    cái ghi đông (tay lái xe đạp)
    mái tôn
    xi măng (từ tương đương trong tiếng Việt: hồ)
    tông (lên tông, xuống tông khi hát)
    bà đầm (dame)

    Không biết những từ sau đây có thuộc loại từ Hán Việt không hay mượn thẳng từ tiếng Quảng Đông?

    số dách
    bài xập xám
    áo sường xám
    ngầu pín
    há cảo
    hoành thánh
    điểm xấm (dimsum)

    Rất nhiều từ trong kinh điển Phật giáo được mượn từ Phạn ngữ, chẳng hạn như:

    nam mô

    niết bàn ("tịch diệt", "viên tịch", "giải thoát")

    bồ đề (tiếng Phạn "bodhi" có nghĩa là giác ngộ, thức tỉnh. Cây bồ đề - cây nơi đức Phật ngồi tọa thiền và ngộ đạo. Về sau tên này đã trở thành tên gọi cho giống cây này. Nhưng bồ đề trong kinh điển chỉ về một giai đoạn trong quá trình tu Phật.)

    bát nhã (có nghĩa là trí huệ, nhận thức)

    bồ tát (một vị đã thành Phật nhưng không nhập niết bàn mà nguyện ở lại thế gian để cứu độ chúng sinh. Chính vì vậy mà trong Tây Du Ký, Tam Tạng thường gọi kẻ bố thí là "bồ tát" vì bố thí phát sinh từ từ tâm là cứu chúng sanh)

    và còn vô số nữa vì nguyên văn kinh điển của Phật giáo được ghi chép bằng Phạn ngữ cổ. Trong tiếng Hán và tiếng Việt không có từ tương đương nên đành phải phiên âm nguyên bản từ Phạn ngữ thành từ Hán Việt.

    Không nhớ đã đọc những thông tin này ở đâu. Nhưng có một số từ mà chúng ta tưởng là từ thuần Việt nhưng thật tế lại có nguồn gốc từ ngôn ngữ khác. Chẳng hạn như:

    Bụt (phiên âm chữ quốc ngữ từ chữ Nôm. Mà từ tiếng Nôm này lại là phiên âm từ tiếng Phạn "buddha" có nghĩa là "Phật")

    Trước đây khi đọc truyện cổ tích, chẳng hạn như cô Tấm ngồi khóc, rồi Bụt hiện ra giúp đỡ. Chúng ta cứ tưởng Bụt là một vị tiên nào đó, nhưng thật ra Bụt chính là Phật.

    Tương tự, từ "bát" (cái bát, cái chén) cũng có nguồn gốc từ tiếng Hán. Mà từ Hán này lại là phiên âm từ Phạn ngữ để chỉ cái bình bát các nhà sư dùng để khất thực.


    st

  13. #13
    Senior Member
    Join Date
    Nov 2006
    Posts
    1,089

    Default Re: Cái chết của một ngôn ngữ: tiếng Việt Sài Gòn cũ

    ...và một số của my lady :

    Ăn đét xe
    uống rụ xăm banh
    bánh gatô
    bánh mì bagét
    cà tômát
    Phó mát

    rượu rum
    màu xanh lơ
    coi cinéma xuất pẹc ma năng
    răngđêvu
    frigiđe
    chụp hình bị công xô lay
    xe xích lô
    ông phú lích
    ông cao bồi
    ông đốc tờ
    ông gác gian
    à la mode
    môđen
    bô trai
    ông bô bà bô
    đi bùm
    đăng xê
    đi picnic
    nhà vi la
    cái vali
    cái vila này bự thiệt
    cái biệt thự này nhỏ như vali
    cái vali nằm trong vila
    xách ( tay ) sac
    cun đờ xắc
    nhà băng
    xe ô tô
    micờrô
    telephôn
    cạc ( thẻ )
    cạctông
    tôngđơ
    bê tông cốt xắc
    đề co, trang hoàng
    admin bầu xô, show
    mát giây vì
    cú đờ sét
    nước sốt
    nồi súp mụ phù thủy
    củ boarô
    củ càrốt
    trái su hào
    rụ vang
    làm neo
    xìcăngđan
    tiền típ
    tiền boa
    xốphơ ( tài xế )
    culơ
    phim
    hoa layên
    giày bata
    dép xăngđan
    xìcăngđan
    xà bông
    hồ bơi pícxin
    áo xúcheng
    quần xilíp
    uốn tóc phidzê
    chạy áp phe
    bị áp phê
    uống càphê
    vặn rôbinê
    điếu xì gà
    xe buýt
    cái compa
    phẹcmơtuê
    xếp ga
    phôn
    rụ cô nhắc
    bồi
    môtô
    cao bồi
    súng cà nông
    canô

  14. #14
    Senior Member
    Join Date
    Nov 2006
    Posts
    1,089

    Default Re: Cái chết của một ngôn ngữ: tiếng Việt Sài Gòn cũ

    Những ngôn từ ảnh hưởng theo tiếng ngoại ngữ, dần dần trở thành quen miệng và được áp dụng cho đến giờ...

    nàng: Mặc ríp đầm
    cầm ly Rượu vang (vin)
    cầm Khăn mù soa
    chàng: mặc Áo manteau
    đội Nón chapeau
    cầm Gậy...baton
    nàng: ăn bánh flan
    chàng: ăn bánh kem
    cả hai: nhảy nhạc xì lô
    nhạc vance
    nhảy chachacha
    nhảy lambada
    hát karaoke...nawa
    vô gara
    lấy xe yamaha
    wậy hết ga

    Lavabo
    -Toilet
    -Gac manger
    -Confiture
    -Ghế Salon
    -Tivi
    -Xe xích lô
    -Cái plafond( trần nhà)
    -Rạp cine
    -Telephone
    -Cái tua vít
    -Đèn măng xông
    -Món càri
    -Món Lagu
    -Ăn laixét
    -Ăn ravdông: bửa tiệc giáng sinh.
    -Meubler: dọn nhà( từ này bà nội em hay xài)
    -Cái xoong
    -Chơi bowling
    -Choi pingpong
    -Hoa penser
    -Hoa Otanxia( cẩm tú cầu)
    -Hoa mimosa
    -Hoa forget me not

    st

  15. #15
    Senior Member
    Join Date
    Nov 2006
    Posts
    1,089

    Default Re: Cái chết của một ngôn ngữ: tiếng Việt Sài Gòn cũ

    Đổ xăng (essence), xe hết xăng
    Xe honda bị đứt am-bray-ya
    Hết bu-gi, hết sức, hết hơi
    Xe bị pan, bị hư giữa đường
    Xe bị tông (tonner), bị đụng xe
    Mùa hè lái ca-nô chạy vòng vòng trên hồ
    Bị người yêu cho "de", bỏ rơi
    Búp bê không tình yêu
    Lượm ve chai (verre: miểng, thủy tinh)
    Ăn bò bít-tết
    Làm cu li, công nhân quèn
    Lên chức sếp (chef)
    Tủ phi-dơ, tủ đá, tủ đông lạnh
    Mặc áo sơ-mi, khoác áo vét, thắt cà vạt, cravat
    Trùm khăn voan (voile)
    Nghe nhạc qua băng cát-sét, có dàn am-pli
    Bị ai đó thụi vô mặt vài cú (coup)
    Đem theo mấy cái can (thùng) đựng nước
    Nhớ lấy xô (seau) hứng nước
    Nhà ga (gare) xe lửa
    Chai nước ngọt để lâu nên hết ga (gas)
    Hộp sữa bò này quá đát (date) rồi
    Xách gà-mên (gamelle) ra tiệm mua hủ tiếu đem về
    Tại chỗ làm có căn-tin (cantine) phục vụ ăn trưa
    Văn phòng buya-rô (bureau)
    Chơi thụt bi-da
    Em hiền như ma-sơ
    Ăn món gà rô-ti
    Ăn món súp
    Món cua phạc-xi, cà chua phạc-xi (=dồn thịt)
    Cải xúp lơ
    Củ cà rốt
    Ăn trái bôm (pomme), trái sơ-ri (cerise)
    Chơi đàn gi-ta, kéo vi-ô-lông, thổi kèn trum-pet
    Bài hát này có tông (ton) cao quá
    Để lại vài tấm cạc vi-sit (carte de visite)
    Uống la-de, uống bia
    Bỏ bao thư nhớ dán tem (timbre)

    Xin mời các chư vị đóng góp thêm...

    st

  16. #16
    Moderator phu ong's Avatar
    Join Date
    Nov 2006
    Posts
    1,945

    Default Re: Cái chết của một ngôn ngữ: tiếng Việt Sài Gòn cũ

    PO cũng như đa số cảm nghĩ về vấn đề ngôn ngữ trên là mọi biến chuyển và thay đổi đều nằm trong chiều hướng tự nhiên mà thôi ! Chắc tại người viết bài trên (Trịnh Thanh Thủy ) đa tình đa cảm quá...........một chiếc lá rơi cũng muốn đưa theo dòng lệ.....nên mới viết bài nầy quá nặng nề đấy thôi.....
    Ngay bây giờ PO cũng phải làm quen rất nhiều với những từ mới trong nước ,mặc dù ít xử dụng nhưng biết để hiểu....Cái PO quan tâm là làm sao để người trong nước hiểu được người Việt Kiều....... vì theo PO ,học hỏi lẫn nhau để cùng tiến....vì hầu hết giối trẻ hải ngoại dùng chữ Việt không còn phong phú nữa ,còn trình độ thưởng thức và hiểu được văn chương thì ngày càng ít đi....Tiếng Việt sẽ thật sự chết nếu chúng ta vô tình tự cô lập sự giao lưu Văn hóa giữa người Việt trong nước và người Việt Hải ngoại....

  17. #17
    Moderator phu ong's Avatar
    Join Date
    Nov 2006
    Posts
    1,945

    Default Re: Cái chết của một ngôn ngữ: tiếng Việt Sài Gòn cũ

    Quote Originally Posted by my lady View Post
    Đổ xăng (essence), xe hết xăng
    Xe honda bị đứt am-bray-ya
    Hết bu-gi, hết sức, hết hơi
    Xe bị pan, bị hư giữa đường
    Xe bị tông (tonner), bị đụng xe
    Mùa hè lái ca-nô chạy vòng vòng trên hồ
    Bị người yêu cho "de", bỏ rơi
    Búp bê không tình yêu
    Lượm ve chai (verre: miểng, thủy tinh)
    Ăn bò bít-tết
    Làm cu li, công nhân quèn
    Lên chức sếp (chef)
    Tủ phi-dơ, tủ đá, tủ đông lạnh
    Mặc áo sơ-mi, khoác áo vét, thắt cà vạt, cravat
    Trùm khăn voan (voile)
    Nghe nhạc qua băng cát-sét, có dàn am-pli
    Bị ai đó thụi vô mặt vài cú (coup)
    Đem theo mấy cái can (thùng) đựng nước
    Nhớ lấy xô (seau) hứng nước
    Nhà ga (gare) xe lửa
    Chai nước ngọt để lâu nên hết ga (gas)
    Hộp sữa bò này quá đát (date) rồi
    Xách gà-mên (gamelle) ra tiệm mua hủ tiếu đem về
    Tại chỗ làm có căn-tin (cantine) phục vụ ăn trưa
    Văn phòng buya-rô (bureau)
    Chơi thụt bi-da
    Em hiền như ma-sơ
    Ăn món gà rô-ti
    Ăn món súp
    Món cua phạc-xi, cà chua phạc-xi (=dồn thịt)
    Cải xúp lơ
    Củ cà rốt
    Ăn trái bôm (pomme), trái sơ-ri (cerise)
    Chơi đàn gi-ta, kéo vi-ô-lông, thổi kèn trum-pet
    Bài hát này có tông (ton) cao quá
    Để lại vài tấm cạc vi-sit (carte de visite)
    Uống la-de, uống bia
    Bỏ bao thư nhớ dán tem (timbre)

    Xin mời các chư vị đóng góp thêm...

    st
    Hì...hì cảm ơn mylady ha.........lúc nầy định đổi sang tiếc mục sưu tập cổ ngữ sao dzạ?

  18. #18
    đệ nhất gàn hoaphonglan1911's Avatar
    Join Date
    Nov 2006
    Posts
    850

    Default Re: Cái chết của một ngôn ngữ: tiếng Việt Sài Gòn cũ

    Quote Originally Posted by phu ong View Post
    ... Cái PO quan tâm là làm sao để người trong nước hiểu được người Việt Kiều...

    Bác dùng từ "hiểu" ở đây là có ẩn ý gì không? Nếu chỉ đơn thuần về mặt ngôn ngữ thì không khó lắm đâu bác ạ.

    Lão gàn tui sinh ra và lớn lên ở trong nước, lại là người Bắc Kỳ, có thể là không hề có chung một sự hưởng thụ về giáo dục và văn hóa với các bác ở hải ngoại, nói như học giả Trịnh Thanh Thủy là "tiếng Sài Gòn cũ".
    Nếu suy diễn một cách logic thì tui không thể hiểu nổi bài viết của bác Thủy, nhưng ngược lại tui có thể hiểu nó đến 99.9%
    Tui cũng gặp rất nhiều các bác ở hải ngoại, đều 50, 60 cả rồi, và tôi không thấy khó khăn để hiểu thứ ngôn ngữ mà họ dùng.
    Tất nhiên khi gặp một từ lạ, nhất định tôi sẽ hỏi xem nghĩa là gì.
    Nói chuyện trao đổi đâu phải là để khoe trình độ phải không, nói và giải thích cho người nghe hiểu mình là quan trong hơn cả. Ngay cả khi xài ngoại ngữ cũng vậy, dùng từ này người nghe chưa hiểu thì phải dùng từ khác, dùng cách giải thích khác.

  19. #19
    Senior Member
    Join Date
    Nov 2006
    Posts
    1,089

    Default Re: Cái chết của một ngôn ngữ: tiếng Việt Sài Gòn cũ

    P.O ơi, cổ ngữ nhưng khi phát âm nghe cũng tân lắm đó nhen...!hihihi!
    nôm na là tiếng ba rọi...hehehe!

  20. #20
    đệ nhất gàn hoaphonglan1911's Avatar
    Join Date
    Nov 2006
    Posts
    850

    Default Re: Cái chết của một ngôn ngữ: tiếng Việt Sài Gòn cũ

    Quote Originally Posted by my lady View Post
    P.O ơi, cổ ngữ nhưng khi phát âm nghe cũng tân lắm đó nhen...!hihihi!
    nôm na là tiếng ba rọi...hehehe!
    Hê hê... lão hiểu được cụm từ "tiếng ba rọi" à nghe. Nhưng lão dám cá là nhiều mem trong ĐN chưa chắc hiểu.
    Ở ngoài Bắc, kêu "ba rọi" là "ba chỉ", nhưng người ta không xài cụm từ "tiếng ba chỉ", mà hình như không có cụm từ nào tương đương như vậy ở ngoài Bắc. Nếu xài "nửa nạc, nửa mỡ" thì nó rõ nghĩa quá, không hay bằng "tiếng ba rọi".

Page 1 of 2 12 LastLast

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts