Từ một lần gặp gỡ (31): Học làm người và học làm con Thiên Chúa

Các bạn trẻ thân mến,

Học là một trong những đặc tính của con người. Khi nói tới học, người ta thường nghĩ đến trường lớp và những môn học tri thức. Tuy nhiên thực ra, trước khi đứa bé đến trường để học tri thức thì chúng đã trải qua một quãng đường dài để học cách gọi cha gọi mẹ, hay nói cách khác đứa bé học biết những tương quan chung quanh nó. Rồi khi đến trường, đứa bé vẫn tiếp tục được học để “trở nên người” dù cho nó đã là con người. Con người là thế, họ không chỉ học những kỹ thuật để làm việc, vì các động vật khác cũng học từ đồng loại của chúng những kỹ thuật để săn mồi, người ta còn phải học để mỗi ngày trở nên người, học làm người để xứng đáng với phẩm giá là người của mình. Hơn thế nữa, con người còn có một chiều kích cao hơn sâu hơn, họ được chính Con Thiên Chúa cứu chuộc để đưa họ lên địa vị làm con Thiên Chúa. Vì thế, họ còn cần học để sống trong tư cách là con Thiên Chúa.


Mỗi nền văn hóa đều có những nét đẹp riêng và đáng giá để trao lại cho những thế hệ sau. Vì thế, ngoài những kiến thức phổ quát về tri thức, con người còn làm cho mình được phong phú nhờ thủ đắc nền văn hóa riêng của mình. Dù vẫn được gọi là “văn hóa riêng của mình”, nhưng con người cũng cần phải học để có cái riêng đó. Thời đại ngày nay đôi khi người ta quá chú trọng đến những kiến thức về khoa học tự nhiên và xã hội, khiến cho việc đào sâu “văn hóa là người” bị bỏ quên, hoặc ít được chú trọng. Thật vậy, trước khi người ta làm được việc gì lớn lao nhờ trí thông minh của họ, thì họ đã phải là một con người xứng đáng với phẩm giá của họ trước đã.

Tuổi trẻ là thời gian thuận lợi để được học hỏi và hun đúc thành một con người trọn vẹn. Bỏ mất thời gian này, hay nói rõ hơn, đi qua giai đoạn này mà không học tập thì đó là một sự mất mát lớn của một đời người mà không gì có thể bù đắp được. Dĩ nhiên, học ở đây phải được hiểu theo nghĩa đầy đủ của nó: học để làm người và học để làm việc. Nếu một trong hai bị thiếu đi thì dường như sự cân đối nội tại nơi con người cũng bị chênh vênh. Một khi đã chấp nhận bước vào địa hạt của học hỏi thì người ta cũng chấp nhận mình được hấp thu từ người khác, điều đó cũng bao hàm một sự khiêm tốn, yêu thích và cả lòng kiên nhẫn.

“Nên người” là điều quý giá mà ai cũng muốn. Tuy nhiên, được nên con Thiên Chúa lại còn đáng giá hơn. Chính Đức Ki-tô đã mang thân phận yếu đuối của con người để làm cho con người trở thành con Thiên Chúa. Thánh Phao-lô đã khuyên các tín hữu Cô-lô-xê rằng: “anh em đã được chỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 4, 1). Với chiều kích thượng giới này, con người sống dưới đất nhưng vượt lên trên những gì chỉ là dưới đất. Quả thật, để hiểu những điều này thật không dễ. Ông Ni-cô-đê-mô, một người thông thái trước mặt mọi người, vậy mà ông không thể hiểu được lời của Chúa Giê-su: "Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra bởi ơn trên”(Ga 3,3). Ông Ni-cô-đê-mô đã hết sức ngạc nhiên: "Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao?” (Ga 3,4).

Ông Ni-cô-đê-mô đã dùng lý luận của đất để giải thích những sự trên trời. Vì thế, Chúa Giê-su đã cho ông biết làm thế nào để thuộc về trời. Thánh Thần sẽ dẫn đưa con người vào địa hạt ấy: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy” (Ga 3,8). Với luồng gió của Thánh Thần, con người sẽ được học cách làm con Thiên Chúa. Nơi lớp học này, chính Thần Khí Thiên Chúa là thầy dạy.

Bước vào lớp học này, trước tiên học viên cần đặt mình sẵn sàng để được “sinh ra lại bởi ơn trên”, nghĩa là cần để cho mình thoát ra khỏi khung giới hạn của vật chất vốn tầm thường hoá mọi sự. Ngày nay, dường như người ta muốn giải thích mọi sự như thể mọi sự đều thuộc về đất, và không có tính chất gì linh thiêng. Không, Chúa Giê-su đã dẫn Ni-cô-đê-mô đến một khung trời xa hơn, nơi đó ông thấy được chiều kích thiêng liêng nơi chính hiện hữu của ông, và từ đó ông thấy tính thiêng liêng nơi những sự khác.

Các bạn trẻ thân mến,
Ai cũng muốn mình trở nên một con người trọn vẹn, mà đã là con người thì không thể chỉ quan tâm đến hiệu năng của công việc, vì họ là con người và là con Thiên Chúa. Vì thế, sự đầu tư trong quá trình học tập của con người không thể chỉ là kỹ thuật và kiến thức công việc, nhưng còn là cách làm người và làm con Thiên Chúa, bằng cách mở ra với nền văn hoá để hoà mình vào cộng đồng nhân loại, và mở ra với chiều kích thánh thiêng, nơi đó Thánh Thần luôn sẵn sàng “thổi” những luồng gió mới cho con người. Ước gì tuổi trẻ hôm nay trở nên những con người và con Thiên Chúa đích thực cho xã hội ngày mai!


Hà Thanh Bình