-
Moderator
B - Bức chân dung của con ông họa sĩ
Chúa Nhật III Phục Sinh (A - 2008)
Bức chân dung của con ông họa sĩ
Dẫn nhập đầu lễ:
Anh chị em thân mến,
Như chúng ta vẫn biết và vẫn tuyên xưng: Đại lễ Phục sinh hằng năm và Ngày Chúa Nhật hàng tuần chính là cuộc “tưởng-niệm-tái-diễn” mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô, là cuộc tái khám phá và đào sâu mầu nhiệm nầy để đem vào hiện thực cuộc sống. Chính vì thế, trọng tâm của sứ điệp phụng vụ Chúa Nhật III Phục sinh hôm nay chính là trình bày mối tương quan liên vị của người Kitô hữu với chính Đấng Phục sinh, nhấn mạnh mối quan hệ sinh động giữa mầu nhiệm Phục Sinh được tuyên rao, làm chứng và cuộc sống đời thường; đó cũng chính là cách thể hiện, sống, tuyên xưng, rao giảng của thế hệ các Tông Đồ, các cộng đoàn Kitô hữu nguyên thủy.
Giờ đây, để xứng đáng gặp gỡ Đấng Phục sinh, xứng đáng cử hành Thánh lễ, chúng ta hãy sốt sắng nhìn nhận và thống hối tội lỗi.
Giảng Lời Chúa:
Có một ông họa sĩ già, góa vợ. .. ông sống chung với một cậu con trai. .. cuộc sống thăng trầm lặng lẽ trôi. .. ông già họa sĩ dành hết cuộc đời cho nghệ thuật. ..Rồi chiến tranh bùng nổ. ..Cậu con trai lên đường làm nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc. .. ông già lại càng cảm thấy cô đơn. .. và càng dành trọn thời gian để cống hiến cho hội họa. .. ông tạo ra những bức tranh tuyệt vời và giá trị...
Rồi chiến tranh cũng phải đến hồi kết thúc. Một hôm ông nghe tiếng gõ cữa. .. ông nhìn thấy một thanh niên trong bộ đồ quân phục chào ông trong nghẹn ngào:
- Thưa bác, cháu cùng đơn vị con trai bác. .. cháu xin thành thật chia buồn với bác và gia đình. .. anh ấy đã ra đi anh dũng. .. Và đây là bức hình chân dung của anh ấy. .. cháu vẽ vội. ..chắc chắn là không đẹp và không giống lắm. .. cháu xin gửi đến bác...
Thời gian lặng lẽ trôi. .. và ông già họa sĩ kia cũng về bên kia thế giới...
Hôm nay trong viện bảo tàng này, các nhà sưu tập, các văn nhân nghệ sĩ, các chính khách và các thương gia. .. chờ đợi để mua cho được những bức tranh tuyệt hảo của ông ta.
Người điều khiển cuộc đấu giá:
- Kính thưa quý vị, để bắt đầu cuộc đấu giá hôm nay. .. đây là bức tranh chân dung cậu con trai nhà họa sĩ, sẽ được đấu giá trước. ..Có ai mua nó không ?
Không một tiếng trả lời
- Chúng ta không thể sang bức tranh kế tiếp, khi bức tranh này không ai đấu giá.
Vẫn không một tiếng trả lời. Cuối cùng ở cuối góc có một tiếng làu bàu:
- Mất thì giờ quá. ..tôi đồng ý trả 1$ cho bức tranh đó, tiếp tục đi. ..
Người điều khiển buổi đấu giá:
-1$ cho bức tranh chân dung cậu con trai lần thứ nhất. Không ai trả thêm
-1$ lần thứ hai. Vẫn yên lặng.
-1$ lần thứ ba. SOLD
- Tiếng búa gõ mạnh xuống. .. bức chân dung 1$ bán cho người mua.
Và xin cảm ơn tất cả quý vị đã đến. .. buổi đấu giá đã chấm dứt tại đây. Mọi người ngơ ngác và bực bội vô cùng. Ông đùa à !. .. chúng tôi chưa thấy bắt đầu.
Xin lỗi quý vị và ông ta chìa ra một phong bì có lời di chúc của nhà họa sĩ: AI CÓ BỨC TRANH CHÂN DUNG CỦA CON TRAI TÔI, THÌ TẤT CẢ NHỮNG TÁC PHẨM CỦA TÔI THUỘC VỀ NGƯỜI ĐÓ...
Thưa ông bà và anh chị em,
Ở giữa chúng ta hôm nay, giờ phút nầy, phải chăng cũng đang có một “bức chân dung nhỏ của Con Thiên Chúa” được giới thiệu cho mỗi người chúng ta để cùng đấu giá, chọn lựa. Tôi nghĩ rằng, còn hơn thế nữa. Không chỉ “một bức chân dung nhỏ” mà là cả một “bức tranh tuyệt tác”, và còn hơn cả một “bức tranh tuyệt tác”, một “Một Tình yêu, một sự hiện diện, một Con người, Một Ngôi Vị, một Thiên Chúa”!...
Vâng, cuộc họp mừng Lễ Tạ Ơn hôm nay, ở khắp nơi, mọi thời, chính là cuộc gặp gỡ thân mật và đích thật nầy giữa chúng ta và Chúa chúng ta, Đức Kitô phục sinh; giữa cộng đoàn chúng ta, gia đình giáo xứ chúng ta với Đấng Phục sinh đang trở về, đang có mặt, đang ban Lời chân lý và Bánh Trường Sinh, đang ủi an và chia sẻ tình yêu, đang động viên và soi sáng để chúng ta tiến bước trên đuờng…Đó chính là niềm tin muôn nơi và muôn thuở của chúng ta, của mỗi người Kitô hữu, là ý nghĩa đích thực của cuộc họp mừng phục sinh, là nội dung cốt yếu của Tin Mừng phải được sẻ chia và làm chứng, như lời “lời chứng và chia sẻ của Thánh Phêrô” từ thuở khai sinh Giáo Hội mà BĐ 1 sách CVTĐ đã thuật lại hôm nay:
“Chính Đức Giêsu đó,Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều nầy tất cả chúng tôi xin làm chứng. Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống: đó là điều anh em đang thấy đang nghe”
1. Câu trả lời của Đấng Phục Sinh:
Ở giữa đời thường hôm nay, trên muôn vạn nẻo đường cuộc sống, có biết bao nhiêu con người lê chân mệt mõi chán chường sau những biến cố, tai ương, mất mát làm vỡ vụn trái tim, hụt hẫng cõi lòng cùng với những vấn nạn lững lờ bế tắc: Có Trời hay chăng ? Ông Trời đang ở đâu ? Tại sao người công chính tốt lành như thế mà phải chịu bao nhiêu tai ương hoạn nạn ? Đâu là cán cân công lý của thiện và ác ?... Có lẽ hai tông đồ trên đường Em-mau vào buổi chiều Ngày Thứ Nhất trong tuần cách đây 2000 năm, cũng đang hoang mang về những vấn nạn như thế, những phi lý như thế về Thầy Giêsu của mình, về cuộc tử nạn thảm thương của Thầy cách đó hai ngày mà linh mục nhạc sĩ Thành Tâm đã diễn tả trong ca khúc “Trên đường Emmau”: “mộng vàng tan mây, nhọc nhằn lê gót chân buồn đường dài”. Nếu Đức Kitô sau buổi chiều thê lương Thứ Sáu cứ “bặt vô âm tín”, để sau đó xác thân từ từ thối rửa trong mộ đá… thì chắc chắn cho đến mãi hôm nay, vẫn còn những chàng trai, những cô gái, những cụ già, những em thơ…trên mọi nẽo đường trần thế cứ hoang mang hoài, cứ thắc mắc hoài, trăn trở hoài về những vấn nạn của cái sống và cái chết, của hạnh phúc và khổ đau, của hôm nay và vĩnh cửu…
Và Đức Kitô phục sinh đã đến, đã đồng hành, đã thỏ thẻ chuyện trò, đã khai lòng mở dạ, đã hong lại niềm tin, đã đốt lên sức sống cho họ cũng như cho bao nhiêu thế hệ con người. Biết bao nhiêu người đã cảm nhận được điều đó như cách cảm nhận của hai môn đệ trên đường Em-mau xưa: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?”
Cốt lõi của niềm tin Kitô giáo là ở đây: Sự hiện diện của Đức Kitô Phục Sinh: câu trả lời cho mọi vấn nạn của kiếp nhân sinh, chìa khóa giải mã cho mọi ẩn số của cuộc đời, niềm hy vọng bừng sáng lên đẩy lui mọi bóng tối của sợ hải và thất vọng. Một sự hiện diện tuy vô hình nhưng rất thật đã khiến nhiều khi chúng ta cứ tưởng “Ngài chỉ là ông khách lạ”. Bởi chưng Ngài thường đến rất tình cờ và biến đi cũng thật lặng lẽ. Tình cờ như bao nhiêu thánh lễ cử hành mỗi sáng, lặng lẽ như bao đêm Giờ Thánh ngày Thứ Năm Đầu tháng trôi qua; tình cờ như bao nhiêu nghĩa cử yêu thương, lo lắng của Mẹ, của vợ, lặng lẽ như bao giọt mồ hôi hy sinh thầm lặng của Cha, của chồng...
Phải chăng điều quan trọng còn lại cho niềm tin hôm nay đó là “để Ngài cùng sánh bước”, là biết “mở miệng để chuyện trò thân mật với Ngài”, là biết hào phóng “mời Ngài vào quán cóc bên đường” để mời Ngài một “bữa cơm trưa, một chầu nhậu tối”, biết “mở mắt tâm hồn để nhận ra Ngài trong Tấm bánh Ly Rượu trên bàn tiệc Thánh Thể...”. Nói cách khác, chúng ta chỉ thật sự là Kitô hữu khi chúng ta có quan hệ mật thiết và sinh động với Đấng Phục Sinh, và cũng chỉ tìm lại được sức sống và niềm vui khi thật sự đón nhận Ngài vào cuộc sống.
Trong tác phẩm tu đức "Nên thánh trong thời đại mới", Kilian Mc Gowan, C.P. đã nói một cách mạnh mẽ rằng: "Lãng phí lớn nhất của trí tuệ con người là sống mà không nhận biết Chúa Kitô. Thất bại thê thảm nhất của trái tim con người, nếu có, là chưa bao giờ thật sự yêu mến Chúa Kitô. Vở kịch bi thương nhất trong bất cứ cuộc đời nào là không đặt Chúa Kitô làm trung tâm của đời sống chúng ta" (Nên thánh Thời đại mới, trang 72).
Ngày Mồng 2/4/08 vừa qua, cả thế giới vừa kỷ niệm lễ Giỗ 3 năm qua đời của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, một vĩ nhân của thời đại và đang được Giáo Hội tiến hành hồ sơ phong thánh.
Điều gì đã khiến “Vị Giám Mục Ba Lan, Ông Già gân 85 tuổi nầy” trở thành nhân vật vĩ đại như thế, được tán dương và ca tụng, yêu mến và ngưỡng mộ đến thế ? Chúng ta có thể nghe câu trả lời bằng chính những lời của Đức Hồng Y Josef Ratzinger, Vị niên trưởng Hồng Y đoàn, chủ trì Thánh lễ An Táng ĐTC hôm 08.04/2005:
« Chính nhờ đâm rễ sâu trong Đức Kitô, Ngài đã có thể chu toàn trọng trách vượt quá sức con người: trọng trách của mục tử đoàn chiên Chúa Kitô và của Giáo Hội hoàn vũ. .. Đức Thánh Cha của chúng ta, tất cả chúng ta đều đã biết, đã chẳng khi nào muốn giữ mạng sống của riêng mình, giữ mạng sống cho riêng mình, nhưng đã muốn ban tặng một cách không hề từ nan, cho tới giây phúc cuối cùng, cho Đức Kitô và nhờ vậy cũng ban tặng cho chúng ta »
Điều đó đã được ấn chứng qua bao nhiêu di cảo Ngài để lại cho chúng ta, đặc biệt cho những người trẻ, mà có lẽ nội dung cốt lỏi vẫn là: “Anh em đừng sợ ! Hãy mở lòng đón nhận Đức Kitô, hãy gặp gỡ, hãy đối thoại…”, như trong bài chia sẻ cho giới trẻ tại Bolivie ngày 11/5/1988 với đoạn Tin Mừng “Hai môn đệ trên đường Em-Mau”, Ngài đã nói:
“Đứng trước tình huống đó, tình huống thật sự đen tối đó, cha mời chúng con hãy quay về với Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, Con của Đức Maria, đi vào đối thoại với Người, vì hôm nay Người đang sánh bước bên ta trên con đường giống như chiều xưa, Người đã bước đi với hai người về làng Em-Mau, cho dù mắt ta có bị chìm trong bóng tối hoặc khép kín lại nên không nhận ra Người…”
“Các bạn trẻ thân mến, trên đường đời, chúng con đừng bỏ Đức Giêsu. Nếu thân phận con người yếu hèn đã khiến chúng con không chu toàn các giới răn của Thiên Chúa, chúng con hãy hướng cái nhìn về Đức Giêsu và thưa với Người: “Xin ở lại với chúng con, xin ở lại, xin đừng đi xa nữa”…
2. Hãy trở thành khách quý trên những nẻo đường Emmau hôm nay.
Và một khi đã có Đức Kitô Phục Sinh đồng hành và ban Lời Hằng sống sống, đã gặp gỡ và “bẻ bánh cùng Ngài”, thì mọi môn sinh của Ngài đều phải tất tả lên đường để loan báo tin vui, để sẻ chia hy vọng. Và như thế, mỗi người chúng ta lại trở thành một “khách quý trên vạn nẽo đường Emmau hôm nay”, để hong lại niềm tin, để chia ngọt xẻ bùi, để khơi lên hy vọng, để đẩy lùi tăm tối...cho bao nhiêu con người đang lầm lũi bước đi trong mệt mõi chán chường, trong đau thương thử thách.
Thế giới hôm nay đang cần biết bao những “vị khách quý” như thế để dẫn đưa nhân loại vào con đường Chúa đã đi: con đường của Tám Mối Phúc Thật, con đường của phục vụ yêu thương, con đường của thập giá, hy sinh tự hiến...để đi tới bến bờ Chúa đã đến: bến bờ của phục sinh, bến bờ của hạnh phúc vĩnh hằng trong vinh quang Nước Chúa.
Và như thế, cuộc họp mừng Phục Sinh hôm nay sẽ không bao giờ là cuộc “chọn lựa hay đấu giá sai lầm” như biết bao người đã xem thường “bức chân dung của con trai ông họa sĩ” để ra về trong tiếc nuối, trắng tay; nhưng chúng ta phải mua cho được, đấu giá cho thắng không phải “một bức hình bất động đã rách nát với thời gian”, nhưng là một Đức Kitô sống động, phục sinh đang có mặt ở đây, phút nầy để trao ban cho chúng ta tình yêu và ân sủng, chân lý và Bánh Trường Sinh...
Nhưng để được như thế, chúng ta không thể cầu nguyện khác hơn lời khẩn khoản của hai tông đồ Em-Mau: Lạy Chúa Giêsu phục Sinh, “Xin hãy ở lại với chúng tôi vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn”. Amen.
LM. Giuse Trương Đình Hiền
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules