Chúa nhật XX TN A

Is 56: 1, 6-7, Rm 11: 13-15,29-32, Mt 15: 21-28

KẺ LỲ LỢM – NGƯỜI CHỊU THUA


Hai vợ chồng nọ kết hôn sau gần chục năm nhưng rơi vào cảnh hiếm muộn. Muốn có con có cái cho vui nhà vui cửa và an ủi lúc tuổi già nên bàn với nhau sinh con nuôi. Lạ thay, vừa sinh đứa con nuôi về thì người vợ lại mang thai. Lạ hơn nữa là người vợ liên tiếp sinh thêm 2 người con sau đứa con đầu lòng nữa. Vậy là trong gia đình ấy có tất cả 4 người con : 1 là đứa con nuôi đi xin về và 3 đứa con ruột.

Dần dà theo thời gian, cả bốn đứa cùng lớn lên trong một mái nhà, cùng ăn chung một mâm, cùng hưởng chung một nền giáo dục từ cha mẹ. Thời gian cứ qua đi qua đi. 4 đứa nhỏ trong gia đình ấy lớn lên, đi học, đi làm. Chuyện bình thường không có gì xảy ra nếu như 2 đứa con sinh sau bỗng dưng ngỗ nghịch. Chúng không cảm nhận tình thương của cha mẹ và rồi bắt đầu sinh tật. Cha mẹ và gia đình hết sức khuyên răn nhưng những lời răn bảo đó đều bị chúng để ngoài tai. Tệ hơn cả là hai đứa đó bỏ nhà đi hoang. Rồi thời gian dần trôi, đứa con ruột lớn của gia đình ấy cũng lấy vợ và đi theo gia đình bên vợ. Chỉ còn người con cả mà hai vợ chồng xin về làm con nuôi ở lại với gia đình thôi.
Lẽ ra mua nhà xa nhưng sợ cha mẹ già không có người phụng dưỡng nên cô tìm cách mua căn nhà cạnh nhà của cha mẹ của mình. Thời gian cứ trôi, cứ trôi và cha mẹ cứ ngày thêm tuổi. Người con trai ruột của ông bà đi lập gia đình nhưng ít bao giờ thấy anh và vợ con xuất hiện về với ông bà. Chỉ có người con gái nuôi quanh quẩn bên ba mẹ già thôi.

Câu chuyện này không phải là không phổ biến nhưng không phải là không có hay không phải là hiếm. Nhiều và nhiều gia đình rơi vào cảnh ngộ như thế ! Có thể họ không bỏ đi như 2 đứa con gia đình kia vì bất mãn, không nhận ra tình thương của cha mẹ hay là bỏ đi xa không lo cho cha mẹ nhưng tình cảm của họ chẳng mặn mòi gì. Họ không cảm nhận được tình thương bao la mà cha mẹ đã sinh thành, đã dưỡng dục họ và họ đánh mất tình cảm đó.

Tình cảm mà Thiên Chúa dành cho con người thật bao la. Thiên Chúa yêu thương hết mọi người, đặc biệt Thiên Chúa đã yêu thương, đã chọn cho mình một dân riêng để yêu thương, để đùm bọc họ. Thế nhưng trong dòng chảy lịch sử cứu độ, chúng ta thấy hết sức ngược ngạo đó là những đứa con được chọn, được yêu thương hay nói cách khác là đứa con ruột của Chúa thì lại khước từ, lại đạp đổ tình yêu thương ấy. Vì đạp đổ nên tình yêu thương đó chảy tràn trề cho những đứa con đến sau, đứa con đến từ bên ngoài, đứa con không phải là con ruột ấy.

Trang Tin mừng mà Thánh Matthêu vừa thuật lại cho chúng ta nghe diễn tả phần nào tình yêu thương, ơn cứu độ mà Thiên Chúa dành cho những người ở ngoài.

Một người đàn bà từ xứ Canaan từ miền Tia và Xiđôn là nơi mà Chúa Giêsu vừa lui về đã chạy đến thưa với Chúa Giêsu : “Lạy Ngài là con vua Đavit, xin dủ lòng thương tôi ! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm !”. Nghe như vậy nhưng Chúa Giêsu không hề đáp lại. Đứng trước thái độ không đáp lại một lời của Chúa Giêsu bà vẫn kiên nhẫn đi theo. Thấy vậy, các môn đệ cũng khó chịu nên nói với Thầy là xin Thầy bảo bà ấy về đi ! Đi theo các môn đệ và đi theo Thầy chi ? Rách việc lắm ! Chúa Giêsu nói với các môn đệ : "Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi." Có lẽ đi gần bên nên bà cũng nghe thái độ cứng rắn của Chúa Giêsu. Nghe xong nhưng mà bà không nản, bà thưa với Chúa Giêsu : “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi !” Nghe vậy, Chúa Giêsu trả lời luôn : “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con."

Chúng ta thấy cuộc đối thoại hết sức căng thẳng ! Làm gì mà dữ vậy ? Người ta xin cứu giúp mà lại bảo là không nên lấy bánh mà ném cho lũ chó con. Tưởng chừng người đàn bà Cana này sẽ chửi một trận cho hả giận cái “người hắc ám” đấy nhưng chúng ta thấy bà hết sức bình thản : "Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống." Cũng tức lắm, cũng giận lắm nhưng đứng trước thái độ tin tưởng, tín thác của người đàn bà này Chúa Giêsu đáp: "Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy."


Thật sự, khi đọc đoạn Tin Mừng này chúng ta không thể là không cười được. Hai bên, ta có thể nói là bên chín lạng, bên nửa cân như người ta thường hay so sánh hai người ngang sức ngang tài với nhau vậy. Chúa Giêsu cũng ngang mà người đàn bà này cũng lỳ. Và vì chính cái lỳ này mà Chúa Giêsu phải chịu thua.

Chúng ta thấy đó, ơn cứu độ của Thiên Chúa, tình thương của Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên tất cả mọi người không trừ một ai kể cả dân ngoại. Điều này, Thánh Phaolô vừa thân thưa với cộng đoàn Rôma : “Anh em thân mến, tôi xin ngỏ lời với anh em là những người gốc dân ngoại. Với tư cách là Tông Đồ các dân ngoại, tôi coi trọng chức vụ của tôi, mong sao nhờ vậy mà tôi làm cho anh em đồng bào tôi phải ganh tị, và tôi cứu được một số anh em đó. Thật vậy, nếu vì họ bị gạt ra một bên mà thế giới được hoà giải với Thiên Chúa, thì việc họ được thâu nhận lại là gì, nếu không phải là từ cõi chết bước vào cõi sống. Quả thế, khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý. Thật vậy, trước kia anh em đã không vâng phục Thiên Chúa, nhưng nay anh em đã được thương xót, vì họ không vâng phục; họ cũng thế: nay họ không vâng phục Thiên Chúa, vì Người thương xót anh em, nhưng đó là để chính họ cũng được thương xót. Quả thế, Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người”.

Chính Thiên Chúa cũng phán qua lời miệng ngôn sứ Isaia : “Đức Chúa phán như sau: Hãy tuân giữ điều chính trực, thực hành điều công minh, vì ơn cứu độ của Ta đã gần tới, và đức công chính của Ta sắp được biểu lộ. Người ngoại bang nào gắn bó cùng Đức Chúa để phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh, cùng trở nên tôi tớ của Người, hết những ai giữ ngày sa-bát mà không vi phạm, cùng những ai tuân thủ giao ước của Ta, đều được Ta dẫn lên núi thánh và cho hoan hỷ nơi nhà cầu nguyện của Ta. Trên bàn thờ của Ta, Ta sẽ ưng nhận những lễ toàn thiêu và hy lễ chúng dâng, vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân”.

Với dân ngoại, Chúa Giêsu còn khẳng định một cách hết sức là tuyệt vời : "Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi." Vậy ! Chuyện quan trọng không phải là dân ngoại hay không dân ngoại, chiên lạc hay chiên không lạc nhưng chuyện quan trọng như chúng ta thấy nơi người đàn bà Cana đó chính là chuyện tin tưởng cầu xin.

Đã quá rõ ! Ai nào đó tin tưởng, phó thác, cầu nguyện thì sẽ nhận được tình thương, ơn cứu độ của Thiên Chúa. Một nhân chứng của niềm tin, của phó thác hết sức rõ ràng trong Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe nơi người đàn bà Cana.

Hãy can đảm, hãy tín thác hay nói một cách khác đó là hãy “lỳ lợm” trước tình thương, ơn cứu độ của Thiên Chúa. Thiên Chúa cũng phải “chịu thua” và ban ơn cứu độ cho chúng ta nếu như chúng ta “lỳ lợm” như người đàn bà Cana hôm nay.


Anmai, CSsR